Home Tin TứcTin Thế Giới Chính sách truyền thông Putin dần dần khép kín?

Chính sách truyền thông Putin dần dần khép kín?

Đăng bởi admin
0 những bình luận

Cuộc bầu cử tại Phi Luật Tân vào đầu tháng Năm vừa qua cho thấy thông tin nắm vai trò quyết định. Ai điều khiển hay ảnh hưởng được truyền thông, có khả năng dùng nó để định hình suy nghĩ của người dân, thì tranh thủ được lá phiếu và tiếp tục thao túng dư luận.

Ferdinand Marcos Jnr. tại Phi Luật Tân chắc đã học khá nhiều cách đối phó với truyền thông từ những guồng máy, chế độ và cá nhân độc tài trong một thế kỷ qua: từ Adolf Hitler đến Joseph Stalin, từ Vladimir Putin đến Tập Cận Bình thời nay.

Bài “Màn trình diễn của Putin” (The Putin Show) trên tạp chí The Economist ngày 17 tháng Năm cho thấy Putin, hơn ai hết, hiểu rất rõ vai trò then chốt của truyền thông trong việc ảnh hưởng, định hình, chuyển hóa và quyết định quyền lực của mình lúc vừa mới lên làm Tổng thống Nga năm 2020, cho đến nay.

Khi Putin lên thay thế Boris Yeltsin, ông thay đổi một chút bàn làm việc của tổng thống. Nơi thường đặt bút, Putin thay thế vào đó bộ điều khiển TiVi từ xa (remote control). Tân Tổng thống Nga mê mẫn truyền thông, dành thời gian cuối ngày để xem những thông tin tường trình về mình. Một trong những điều đầu tiên Putin ban hành là đưa nguyên hệ thống truyền hình dưới sự điều khiển của điện Kremlin, bao gồm NTV, một kênh truyền hình độc lập do một nhà tài phiệt Nga sở hữu, vì kênh này có một chương trình châm biếm Putin có tên Kukly, tức những con rối (Puppets).

Hơn hai thập niên nắm quyền trong tay, Putin bây giờ là người điều khiển con rối (puppet master). Nhà nước Nga, mà đứng đầu mọi sự là Putin, kiểm soát tất cả các kênh truyền hình, báo chí, truyền thanh của nước này. Kremlin cung cấp cho những chủ bút và nhà sản xuất metodichki, tức những hướng dẫn về những gì cần phổ biến và cách làm thế nào. Với thế hệ trẻ chuyển sang trực tuyến, Economist cho rằng “Điện Kremlin tìm cách kiểm soát cuộc trò chuyện ở đó, dựa vào các mạng xã hội và nơi tổng hợp tin tức, chặn hoặc phá hoại các phương tiện kỹ thuật số không hợp tác và tràn ngập các phương tiện phổ biến, chẳng hạn như ứng dụng Telegram, với nội dung được nhà nước phê duyệt. Tuyên truyền từ lâu đã ủng hộ chế độ của ông Putin. Bây giờ nó tiếp sức cho cỗ máy chiến tranh của ông ta.”

Từ khi tiến hành cuộc xâm lăng Ukraine, 24 tháng Hai đến nay, luật kiểm duyệt cấm trích dẫn các nguồn không chính thức (tức những gì không thuộc nhà nước hay được nhà nước cho phép). Đến độ ai gọi chiến tranh là “chiến tranh” là một tội phạm. Nhiều phương tiện truyền thông mạng quốc tế, và một số cơ quan truyền thông độc lập còn sót lại, đã không còn hoạt động hay phải tạm ngưng.

Nếu trước đây tuyên truyền tại Nga mang tính thụ động, nuôi dưỡng tính tiêu cực, tạo nghi ngờ về thực tế và nản lòng những ai muốn tham gia chính trị, thì bây giờ truyên truyền nhắm đến tranh thủ vận động sự ủng hộ của đông đảo người dân. Thông điệp đưa ra là vì Nga đang bị tấn công cho nên chiến thắng là cách duy nhất.

Bài trên Economist dẫn chứng một số sản phẩm truyền thông tiêu biểu trong ngày mà người dân Nga sử dụng. 8g sáng mở báo sẽ thấy gì; 11:30g sáng mở mạng xã hội VK phổ biến nhất tại Nga sẽ thấy gì; 6g chiều lái xe thì sẽ nghe gì trên truyền thanh; 9g tối mở TiVi ra thì sẽ xem các hội luận/talk show bàn về những gì.

Bài báo nêu một trường hợp thú vị. Mikhail Katsurin, một chủ nhà hàng ở thủ đô Kyiv, khi thức dậy thì nghe thấy tiếng nổ vào ngày 24 tháng 2. Vài ngày sau, anh gọi cho cha mình, người đang sống ở một thị trấn nhỏ ở Nga. Anh Katsurin nhớ lại: “Tôi gọi và nói: ‘Bố, họ bắt đầu ném bom chúng ta, Nga xâm lược Ukraine.’” Ông ấy nói, “Không có Misha, đó là tất cả tuyên truyền của Ukraine – trên thực tế đó là một hoạt động hòa bình và các anh hùng Nga đang cứu con khỏi Chủ nghĩa Quốc xã.”

Một người tiêu thụ những thông tin như thế qua một ngày thì chắc cái nhìn về cuộc chiến Nga – Ukraine sẽ khác hẳn với một người không tiêu thụ những thông tin này.

Còn nếu tiêu thụ ngày này qua tháng nọ, và nhiều năm trời, hay cả đời, những gì trong đầu họ trở thành thực tế. Nó trở thành một phần, nhiều phần, hay toàn phần sự thật tùy theo mức độ sử dụng và tùy theo tư duy của mỗi cá nhân. Không có óc phán xét (critical thinking) thì những gì họ nhận mà không gạn lọc trở thành tin thật, tin tưởng và sau cùng là niềm tin khó di dịch.

Cho nên không có gì lạ nếu người dân tại Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Lào, và nhiều quốc gia tại Trung Đông, Nam Mỹ và châu Phi vẫn cứ tin vào các lãnh đạo độc tài, dù họ nói dối ra rả hàng ngày.

Ian Garner, một học giả chuyên về lịch sử và tuyên truyền của Nga, đã viết hai bài trên Foreign Policy trình bày những nhận định về cách Putin nói riêng và nước Nga nói chung đã tuyên truyền và muốn thay đổi lịch sử như thế nào. Bài viết trên Foreign Policy của Garner đầu tháng Ba nhận định rằng “Bộ máy tuyên truyền của Nga đang thất bại trước Ukraine”.

Tôi nghĩ rằng nhận định của Garner tuy đúng vào lúc đó nhưng dường như hơi vội. Vì cũng vào đầu tháng Ba, khi mạng truyền thông xã hội Tây phương như Facebook, Twitter, Instagram, YouTube v.v… bắt đầu hạn chế các tài khoản nào có xu hướng ủng hộ Kremlin và giảm thiểu nạn tin giả, thì Putin và quốc hội Nga đã ra tay để thông qua luật trừng phạt những ai phát tán “tin giả”, nhất là liên quan đến chiến tranh Ukraine. Án tù có thể lên đến 15 năm. Nhiều người nhận định rằng đạo luật này dường như làm ra để hình sự hóa quá trình độc lập của truyền thông. Các cơ quan truyền thông ngoài nước như BBC phải ngừng hoạt động tạm thời và các cơ quan trong nước, như bài trên Economist trình bày ở trên, cũng phải chấp nhận chung số phận.

Nga từ một chế độ cường quyền tương đối rộng mở phần nào (open authoritarianism) nay chuyển dần sang chế độ độc tài khép kín, theo Economist.

Nhưng vấn đề chính vẫn là ý thức của dân Nga. Tuy chế độ xiết chặt thông tin và hình sự hóa nó để ngăn cấm họ đưa tin bất lợi cho chế độ, người Nga dù sao vẫn có rất nhiều phương tiện độc lập để họ cập nhật thông tin nếu muốn. Telegram là phương tiện khá phổ biến. YouTube vẫn còn cập nhật được.

Yếu tố quyết định sau cùng có lẽ vẫn là dân trí và dân khí. Vấn đề là bao nhiêu người dân quan tâm và ý thức đủ để tự tìm kiếm thông tin ngoài luồng, không chính thức nhưng lại đa chiều, rộng mở và khả tín hơn?

Ở nhiều khía cạnh, ngay cả dưới thời Putin cầm quyền trên hai thập niên qua, truyền thông Nga vẫn đa dạng và rộng mở hơn Việt Nam và Trung Quốc. Theo chỉ số tự do truyền thông của tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF năm 2022 thì Nga có chỉ số 38.82 trên 100 điểm, đứng hạng 155; Trung Quốc 25.17, đứng hạng 175; Việt Nam, khá hơn Trung Quốc một bậc, 26.11, hạng 174.

Những ai quan tâm đến tình hình Việt Nam cần theo dõi các chính sách của Putin hiện nay. Các chế độ chuyên quyền độc tài thường học hỏi lẫn nhau, đọc và học từ những sách vở bài bản của nhau. Như thế nó giúp cho chúng ta nhìn ra được sách lược của kẻ chuyên quyền chuyển sang độc tài, và ngược lại, và xã hội dân sự nói chung giới truyền thông độc lập nói riêng cần làm gì để đối phó với những chủ trương và sách lược này.

(VOA)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thêm bình luận

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.