Home Tin TứcTin Thế Giới Hội hoạ Phục hưng ở Venice: Bậc thầy màu sắc và ánh sáng

Hội hoạ Phục hưng ở Venice: Bậc thầy màu sắc và ánh sáng

Đăng bởi admin
0 những bình luận

Rất ít thành phố có được sự lãng mạn như Venice với những con kênh uốn lượn, những tòa nhà đẹp như tranh vẽ, và đầm phá lung linh đã làm say lòng du khách trong nhiều thế kỷ. Vị trí địa lý độc đáo, với 118 hòn đảo được nối với nhau bởi một mạng lưới hơn 400 cây cầu, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, khiến Venice trở nên khác biệt với khu đất liền nước Ý.

“Câu chuyện ngụ ngôn về trí tuệ và sức mạnh” của Paolo Veronese, 1565. Dầu trên vải. Được thừa kế bởi Henry Clay Frick, Bộ sưu tập Frick, NY. (Phạm vi công cộng)

Về nghệ thuật, sự tách biệt này cho phép thời kỳ Phục hưng phát triển mạnh mẽ một cách độc đáo ở Venice so với những sự phát triển được biết đến rộng rãi hơn ở Florence, Rome và các thành phố lớn khác của Ý. Do vị trí chiến lược trên Biển Adriatic và tầng lớp thương nhân giàu có, Venice đã giành được vị trí là thủ phủ thương mại quốc tế của châu Âu vào cuối thời Trung Cổ. Mặc dù Cộng hòa Venice đã suy tàn vào đầu thế kỷ 16, nhưng nghệ thuật vẫn được bảo vệ về mặt chính trị, đảm bảo ý nghĩa văn hóa của thành phố đối với hậu thế.

Hầu hết các nghệ sĩ thời kỳ Phục hưng của Venice (khoảng 1440 đến 1580) đã chọn chủ đề phổ biến khắp châu Âu và các họa tiết truyền thống của Cơ đốc giáo, cũng như các chủ đề mới nổi về thần thoại Hy Lạp và La Mã. Tuy nhiên, các nghệ sĩ bậc thầy của Venice đã diễn giải những chủ đề này theo cách nguyên bản, tạo ra một phong cách độc đáo, sống động, đặc trưng bởi màu sắc phong phú, năng lượng ấn tượng, các hoạ tiết nổi bật, và chú trọng đến hiệu ứng ánh sáng. Nhiều bức tranh được ca tụng nhất ở phương Tây đã xuất hiện trong thời gian này ở Venice.

Anh em nhà Bellini, Giovanni và Gentile, đã vẽ nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc trưng của thành phố. Bức tranh năm 1490 của Giovanni Bellini, “Madonna and Child with John the Baptist and Saint Elizabeth,” là một trong những ví dụ điển hình nhất. Người xem sẽ thấy được khung cảnh quen thuộc trong Kinh thánh được tái hiện một cách tự nhiên, ba chiều — một điều cơ bản của phong trào Phục hưng. Tuy nhiên, áo choàng của người phụ nữ có màu xanh lam nổi bật; sơn có chứa lapis lazuli quý giá, một loại đá quý mà các thương gia Venice nhập khẩu từ Trung Đông (Được nghiền thành một chất màu, nó được gọi là ultramarine.) Tương tự như vậy, bộ quần áo màu xanh ô liu của John phản chiếu ánh sáng một cách rực rỡ. Bức tranh đề cao sự khiêm tốn nhưng bóng bẩy này là một trong số nhiều bức tranh đã tạo nên danh tiếng của Venice về cách sử dụng màu sắc rực rỡ.

“Madonna and Child with John the Baptist and Saint Elizabeth” của Giovanni Bellini, 1490-1500. Dầu và tempera trên gỗ dương. Städelsches Kunstinstitut und Städtische Galerie, Frankfurt.

Bức tranh năm 1514 của Giovanni Bellini, “Lễ hội của các vị thần”, cũng thể hiện cách sử dụng màu sắc tinh tế của nghệ sĩ. Bức hoạ được ủy quyền bởi Alfonso I d’Este, Công tước xứ Ferrara; chủ đề này cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của tầng lớp quý tộc đối với những câu chuyện cổ điển của Hy Lạp và La Mã. Phỏng theo các tác phẩm của nhà thơ La Mã cổ đại Ovid, bức tranh của Bellini là một trong những tác phẩm đầu tiên làm sống lại khung cảnh Lễ hội; Đáng chú ý, nó đã trở thành một trong những chủ đề phổ biến nhất ở châu Âu trong hai thế kỷ tiếp theo.

“Lễ hội của các vị Thần” của Giovanni Bellini và Titian , 1514 (bộ sưu tập của Titian vào năm 1529). Dầu trên vải. Phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia, Washington DC.

Phiên bản của Bellini mô tả đoạn giữa Lotis và Priapus, mặc dù các phiên bản khác mô tả đám cưới của Thần Cupid và Psyche hoặc Peleus và Thetis. Sự thay đổi này cho phép các nghệ sĩ lưu lại được cảnh gây được tiếng vang lớn nhất đối với giới quý tộc. Câu chuyện kể của Ovid về Lotis và Priapus được xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Ý vào năm 1497, tại Venice, đã khẳng định phong cách của Bellini phù hợp với khán giả thời đó. Nghệ sĩ thời Phục hưng nổi tiếng Titian đã sửa đổi cảnh quan vào năm 1529, thêm những cây tự nhiên, thanh bình và bầu trời xanh. Cách xử lý của Titian đối với khung cảnh đồng quê đã đặt ra tiêu chuẩn cho các nghệ sĩ thế hệ thời kế tiếp. Cả hai nghệ sĩ đã kết hợp thần thoại với các yếu tố đương đại mang đầy tâm huyết.

Gentile Bellini đan xen tương tự những thời gian và địa điểm khác nhau trong tác phẩm của riêng mình, “Bài giảng của Thánh Mark ở Alexandria”. Người nghệ sĩ kết hợp kiến trúc Venice và Mamluk (Ai Cập) với bối cảnh miền núi mới lạ. Cảnh này cũng dệt nên những sự kiện cổ xưa và đương thời, khơi gợi bản chất vĩnh cửu của cảnh tượng thần thánh.

Bellini miêu tả Thánh Mark the Evangelist đang rao giảng cho một đám đông người theo đạo Thiên Chúa và đạo Hồi. Người ta tin rằng Thánh Mark đã thành lập Nhà thờ Alexandria, một trong những địa điểm quan trọng nhất của giám mục trong Kitô giáo cổ đại. Các tòa nhà dọc hai bên gợi nhớ đến kiến trúc Mamluk mà Bellini có thể đã gặp trong chuyến hành trình đến Constantinople và Jerusalem. Cấu trúc trung tâm giống như Vương cung thánh đường Thánh Mark, nơi mà người dân Venice có thể dễ dàng nhận ra. Thánh Mark là vị thánh bảo trợ của thành phố, và thánh tích của ông đã được di dời từ Alexandria, Ai Cập đến Venice vào đầu thế kỷ thứ chín Công Nguyên. Chủ đề tổng thể của bức tranh là lạc quan; Bellini, cùng với những người đồng hương theo đạo Thiên Chúa của mình trên khắp nước Ý, đã hy vọng truyền đạo Thiên Chúa cho những người Hồi giáo ở Alexandria.

“Bài giảng của Thánh Mark ở Alexandria” của Gentile Bellini, 1504-1507. Dầu trên vải. Pinacoteca di Brera, Milan.

Mối quan hệ giữa Venice và thế giới Hồi giáo, đặc biệt là Đế chế Ottoman, được xác định phần lớn về mặt chính trị trong thế kỷ 15 và 16. Năm 1453, vua Ottoman Mehmed II chinh phục Constantinople, nơi từng là thủ đô của Đế chế Byzantine trong hơn 1.000 năm; Byzantium là nửa phía Đông của Đế chế La Mã trước đây và từng là thành trì của Cơ đốc giáo trong suốt thời gian này.

Mehmed II đã đưa Hồi giáo đến Constantinople, nhưng ông cũng tìm kiếm các nghệ nhân Venice có tay nghề cao. Sau đó, Gentile Bellini được tiếp cận với hoàng tộc này, và ông đã hoàn thành “Chân dung của Sultan Mehmed II – Vị vua trẻ” vào năm 1479. Mehmed II rất có thể đã tạo dựng những bức chân dung như một cách lưu truyền hình ảnh của ông trong đế chế của mình.

Khi miêu tả vị vua, Gentile Bellini đã tuân thủ các quy tắc mà các nghệ sĩ thường sử dụng để khắc họa các vị thần của Venice (các lãnh chúa được bầu chọn). Một so sánh làm căn cứ là “Chân dung của Doge Leonardo Loredan” được vẽ bởi Giovanni Bellini. Trong cả hai bức chân dung, các vị đều được thể hiện một phần từ ngực trở lên, giống như một bức tượng bán thân điêu khắc của người La Mã. Mỗi người đều mặc trang phục tinh tế hiện đại phù hợp với địa vị của họ, thay vì thể hiện bất kỳ nét tượng trưng cổ kính nào khác. Bức chân dung của vị chúa tể lột tả khá chi tiết vẻ mặt và khí chất của một vị lãnh tụ — nhấn mạnh cách Venice bắt đầu khám phá và khẳng định bản sắc của mình trong thời kỳ Phục hưng.

Bản sắc của Venice cũng được thể hiện thông qua hình ảnh thần thoại, ngày càng trở nên thời thượng. “Bacchus, Venus và Ariadne” của Tintoretto là một bức tranh ngụ ngôn được tạo ra cho Cung điện của Doge, nơi nó vẫn luôn ở đó. Cảnh này mô tả Ariadne, người nhân cách hóa Venice, chấp nhận lời cầu hôn từ thần Bacchus. Venus, nữ thần của cả tình yêu và chiến thắng, bay lơ lửng trên đầu, ban cho Ariadne một vương miện đầy sao. Câu chuyện tôn vinh Venice; cuộc hôn nhân đại diện cho sự kết hợp của Venice với biển cả — một sự kết hợp được thánh hiến bởi các vị thần. Theo phong cách Venice thực sự, bố cục toát lên năng lượng mạnh mẽ.

“Bacchus, Venus và Ariadne” của danh hoạ Jacopo Tintoretto. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Paolo Veronese cũng phỏng theo những câu chuyện thần thoại quen thuộc để tạo ra những bức tranh ngụ ngôn. Người nghệ sĩ mô tả Hercules để truyền tải những bài học đạo đức trong “Câu chuyện ngụ ngôn về trí tuệ và sức mạnh” và “Câu chuyện về đức hạnh và sự buông thả (cám dỗ)”. Trước đây, hình tượng người phụ nữ nhìn lên trời tượng trưng cho trí tuệ thần thánh; Hercules, nhìn những viên ngọc bên dưới, đại diện cho những chấp trước của xã hội thế gian.

Trong tác phẩm thứ hai, Hercules phải lựa chọn giữa đức hạnh và cám dỗ, được nhân cách hóa bởi hai người phụ nữ kéo anh về hai hướng đối lập nhau. Cuối cùng, đức hạnh chiến thắng và khán giả được nhắc nhở rằng đức hạnh sẽ luôn giành chiến thắng. Trong khi các bức tranh ngụ ngôn phổ biến ở châu Âu trong thế kỷ 16, Veronese đặc biệt chú ý đến kết cấu và hoa văn của quần áo mà các nhân vật của mình mặc.

“Sự lựa chọn giữa đức hạnh và cám dỗ” của François Boucher sau Paolo Veronese, 1750. Dầu trên vải. Bảo tàng Nghệ thuật São Paulo, São Paulo.

Nhiều nguyên lý của nghệ thuật thời Phục hưng Venice được thể hiện nổi bật nhất trong kiệt tác năm 1563 của Veronese, “Tiệc cưới tại Cana.” Bức tranh ngoại cỡ mô tả Hôn lễ trong Kinh thánh tại Cana, trong đó Chúa Giê-su biến nước thành rượu một cách kỳ diệu. Veronese lồng ghép sự kiện với kiến trúc Hy Lạp và La Mã cổ điển, trong khi bản thân bữa tiệc làm người ta nhớ đến những khung cảnh tiệc tùng xa hoa quen thuộc và được ưa chuộng bởi người dân Venice thời bấy giờ. Khung cảnh trở nên sống động thông qua những giai điệu của âm nhạc, thức ăn và rượu vang, khi mà các thực khách say sưa đang thưởng thức. Sử dụng ultramarine, trong số các loại bột màu phổ biến khác, sự phối màu của Veronese rất sáng và có điểm nhấn. Bất chấp vô số hình tượng, Chúa Giê-su vẫn là trung tâm, và ánh sáng thần thánh của ngài thu hút người xem. Bằng cách này, nghệ sĩ tuân thủ các quy ước về bố cục của thời đại của mình trong khi sử dụng các hiệu ứng của ánh sáng cho cả mục đích nghệ thuật và tôn giáo.

“Tiệc cưới ở Cana” của Paolo Veronese, 1563. Tranh sơn dầu. Bảo tàng Louvre, Paris.

Trong khi các bậc thầy thời Phục hưng La Mã và Florentine như Leonardo, Michelangelo và Raphael có khả năng làm say mê lòng người yêu nghệ thuật trên toàn thế giới, thì những người đồng nghiệp của họ ở Venice đã tạo ra một phong cách vô song theo đúng nghĩa của họ. Sự phối màu táo bạo, sự năng động cùng các hoạ tiết đã tạo nên một tiền lệ mà các nghệ sĩ hiện đại tiếp tục bắt chước. Ngay cả bây giờ người xem vẫn tiếp tục khám phá nghệ thuật châu Âu thế kỷ 15 và 16, điều mà các nghệ sĩ điêu luyện người Venice như anh em nhà Bellini, Tintoretto và Veronese là những người tiên phong cho một phong cách độc nhất vô nhị.

Tác giả bài viết: Tiến sĩ Kara Blakley là một nhà sử học nghệ thuật độc lập. Bà nhận bằng Tiến sĩ về Lịch sử và Lý thuyết Nghệ thuật của Đại học Melbourne, và đã học tập và giảng dạy ở Trung Quốc và Đức.

Theo Epoch Times
Văn Sơn biên dịch

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thêm bình luận

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.