Home Tin TứcĐời Sống Cảm ngộ nhân sinh: Cảnh giới của sinh mệnh

Cảm ngộ nhân sinh: Cảnh giới của sinh mệnh

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Vương Quốc Duy, bậc thầy Hán học từng trích những câu thơ nổi tiếng từ sáng tác của một số nhà thơ cổ đại trong tác phẩm “Nhân gian từ thoại” để miêu tả về ba cảnh giới trong nhận thức của con người.

Những người làm nên sự nghiệp lớn, những người có học vấn đều trải qua ba loại cảnh giới. “Tạc dạ tây phong điêu bích thụ. Độc thượng cao lâu, vọng tẫn thiên nhai lộ” – Tạm dịch: “Đêm qua gió tây thổi làm rụng cây biếc, Một mình bước lên lầu”. Đây là cảnh giới thứ nhất.

“Y đới tiệm khoan chung bất hối. Vị y tiêu đắc nhân tiều tuỵ” nghĩa là: Đai áo rộng dần (người gầy đi), cuối cùng cũng không hối tiếc. Vì chàng khiến mình tiều tuỵ, đây là cảnh giới thứ hai.

“Chúng lý tầm tha thiên bách độ, Mạch nhiên hồi thủ, Na nhân khước tại, Đăng hỏa lan san xứ”, nghĩa là: “Tìm người giữa đám đông trăm ngàn lần, Bỗng nhiên quay đầu lại, Người ở ngay đó, Ở nơi lửa đèn tàn”, đây chính là cảnh giới thứ ba.

Từ ý nghĩa nguyên gốc của tác giả, rất rõ ràng đại đa số viết về tình cảm riêng tư giữa nam và nữ, tuy nhiên Vương Quốc Duy lại rất khéo léo dùng nó để nói về ba loại cảnh giới trong quá trình học tập tri thức. Chỉ một câu nói đã có thể nói trúng và giảng vô cùng thấu triệt. Sau đó, cũng có người gọi những lý luận này là “Ba cảnh giới của kiếp nhân sinh”.

Tuy nhiên, người ta khi tới thế gian này, không phải mỗi người đều cần trải qua học tập, nghiên cứu tri thức. Những người không có học vấn cũng tự có cảnh giới sinh mệnh khác nhau. Dựa vào nhân sinh quan và giá trị quan khác nhau, có thể phân chia tầng thứ sinh mệnh của họ thành ba cảnh giới khác nhau: Một, là những người sống vì vật chất; hai, là những người sống vì vật chất và tinh thần; ba, là những người sống vì linh hồn. Trong ba loại cảnh giới này, đáng ngưỡng mộ nhất là cảnh giới thứ ba. Nguyên nhân vì kết cục cuối cùng của vạn vật trên thế gian này đều là cát bụi trở về cát bụi, duy chỉ có linh hồn là bất diệt.

Tỉ phú Inamori Kazuo. (Nguồn: Wiki)

Inamori Kazuo, tỷ phú nổi tiếng người Nhật Bản từng có câu nói vô cùng mộc mạc: Ý nghĩa sống của chúng ta chính là ở việc ma luyện linh hồn, tu dưỡng nhân cách. Nguyên nhân vì tất cả mọi vật chất mà con người đang theo đuổi đều sẽ rời xa chúng ta vào lúc ta rời khỏi thế gian này. Thứ duy nhất mà con người thực sự có được, đó chính là linh hồn của bản thân ta. Một người quyết tâm mong muốn sống vì linh hồn mình, tất là một người phóng khoáng, độ lượng. Đây cũng chính là cảnh giới tu dưỡng cao nhất của sinh mệnh.

Vạn vật đều có linh, linh hồn mới là sinh mệnh vĩnh hằng

Thế nào là cảnh giới? Cảnh giới là tư tưởng giác ngộ và tu dưỡng tinh thần của một người, cũng là năng lực tự sửa chữa của tự thân, nó thể hiện sự dày công tu dưỡng, cố gắng sửa đổi của một người. Sự cao thấp trong cảnh giới của sinh mệnh không phải sự cao thấp về địa vị, tiền bạc nhiều hay ít, mà ở thái độ đối với sự vật, nhận thức cao độ đối với sinh mệnh, thậm chí là tâm thái đối với sinh lão bệnh tử.

Nhận thức của người ta thay đổi, thế giới cũng sẽ theo đó mà đổi thay. Con người sẽ lĩnh ngộ được chân lý cuộc đời, không ngừng phát triển không gian tâm linh trong quá trình sinh mệnh dần tới thời khắc tử vong. Không gian của tâm linh càng lớn, sinh mệnh càng được triển hiện ra để thấy nhiều điều, cảnh giới của sinh mệnh cũng vì thế sẽ càng trở nên rộng lớn bao la.

Những điều mỗi sinh mệnh sẽ trải qua là khác nhau, có một số là mỹ hảo và may mắn, tuy nhiên đại đa số là tầm thường và phổ thông. Muốn tìm được đường sống trong cái chết, cần nhẫn chịu đau khổ trong cơn tuyệt vọng; muốn tạo ra thành quả khiến người khác ngạc nhiên, cần nhẫn chịu những ma nạn và trắc trở. Linh hồn của con người mới là bản chất của sinh mệnh.

Ảnh: Freepik.

Trong Thánh Kinh cũng đã nói cho chúng ta biết, ban đầu Thần tạo ra nhân loại như thế nào.

“Thần dùng bùn đất để tạo thành hình người, sau đó thổi sức sống qua lỗ mũi anh ta, người đó trở thành người sống, tên gọi Adam”. Điều này đã giải thích rõ, thân thể con người là do Thần dùng bùn đất, cũng chính là các nguyên tố khác nhau tạo thành hình. Tuy nhiên, Thần còn cần thổi sức sống vào cho anh ta, mới có thể trở thành một sinh mệnh sống. Thần tạo ra thế giới nhân loại phức tạp này một cách tinh vi tỉ mỉ như vậy, đến nay vẫn là một bí ẩn. Tuy nhiên bạn thử nghĩ xem, chúng ta – những người được Thần tạo ra – dùng trí huệ và trình tự của nhân loại, để tạo ra những con chip tinh vi, thì chủ nhân tạo ra chúng ta có năng lực và trí huệ nhiều hơn chúng ta gấp bao nhiêu lần? Nhân loại được tạo ra kỳ diệu và ban cho linh hồn như vậy, là điều vô cùng thần thánh và tự nhiên.

Mỗi người chúng ta đều có linh hồn, nơi trở về của linh hồn là thiên đường hoặc địa ngục. Mỗi linh hồn đi đâu về đâu phụ thuộc vào tín ngưỡng của họ đối với vị Thần tạo ra họ và sự hối cải với những tội lỗi họ đã gây ra. Chỉ có những linh hồn phù hợp với yêu cầu của Sáng Thế Chủ mới được Thần đón nhận, mới có thể tiến vào thế giới Thiên quốc của Thần.

Làm việc tỉ mỉ cẩn thận cũng là tu luyện, có thể đề cao tầng thứ của linh hồn

Cuộc đời chính là một trường tu luyện, tu luyện chính là tu tâm. Vậy chúng ta nên làm thế nào mới có thể tu luyện linh hồn của bản thân? Không cần phải quy y xuất gia, cũng không cần mặc áo tu hành, đôi khi chỉ là làm thật tốt công việc và có trách nhiệm với việc mình làm.

Tuy nhiên, điều khiến người ta cảm thấy đáng tiếc nhất đó là, có rất nhiều người coi công việc là sự cực nhọc, chẳng qua là việc không thể vứt bỏ mà thôi. Trong mắt một số người, cuộc sống lý tưởng là lao động ít, vui chơi nghỉ ngơi nhiều. Họ đã thực sự trải qua cuộc sống như vậy, nhưng nó không thể bù đắp sự trống rỗng hư không của thế giới tinh thần. Công việc có thể giúp người ta tôi luyện tâm tính, tu dưỡng phẩm cách đạo đức của con người. Cần cù chăm chỉ, toàn tâm toàn ý vào công việc hàng ngày, kỳ thực đây cũng là một trong những cách tu luyện, vì có thể giúp linh hồn được ma luyện, đạt được mục đích trong thế giới tinh thần.

Một người dù có giàu có tới đâu, có quyền thế tới đâu, khi tiến trình sinh mệnh kết thúc, tất cả cũng đều phải bỏ lại thế giới này, duy chỉ có linh hồn mới bước tới đoạn hành trình tiếp theo. Kiếp nhân sinh không phải là bữa tiệc vật chất thịnh soạn, mà là sự tu luyện của linh hồn. Theo lý lẽ đó, vào lúc hạ màn càng phải cao thượng hơn lúc mở màn.

Những linh hồn mà con người chúng ta có được đều là độc nhất vô nhị. Bạn là người duy nhất có một không hai trên thế giới này. Trên thế giới chỉ có người giống bạn, chứ không có người giống hoàn toàn. Dù đi trong một đám người, hay đứng một mình ở nơi hoang dã, bạn đều phải đảm đương mọi thứ chỉ bản thân bạn mới có thể gánh vác.

Tất cả hỷ nộ ai lạc và thất tình lục dục đều bắt nguồn từ tâm, từ cảnh giới của tâm linh. Một người có thể sống vì linh hồn của mình trong công việc và cuộc sống, linh hồn được thực sự tịnh hóa và đề cao chính là cảnh giới cao nhất của sinh mệnh.

Theo Vision Times
Kiên Định biên dịch

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thêm bình luận

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.