LOS ANGELES, California (NV) – Trong lúc lái xe qua xa lộ xuyên bang I-80 trống trải ở Nebraska, nhiều người có “dư thời gian” để nghĩ về một vài thứ, trong đó có thể là tại sao xa lộ lại được gọi là “I-80?”
Và tại sao một số tên xa lộ xuyên bang lại có một, hai hoặc đến ba chữ số theo cách sắp xếp ký hiệu khác nhau? Dưới đây là những bí mật đằng sau hệ thống đặt tên xa lộ xuyên bang ở Mỹ, theo How Stuff Works.
Nhưng đối với những người chưa biết, hãy tìm hiểu sơ lược về Hệ Thống Xa Lộ Xuyên Bang. Tên chính thức của những tuyến đường này là Hệ Thống Xa Lộ Quốc Phòng Và Xuyên Bang Dwight D. Eisenhower, và dự án đã được Quốc Hội phê duyệt thông qua Đạo Luật Xa Lộ Viện Trợ Liên Bang năm 1956. Đạo luật cho phép xây dựng các xa lộ dài tổng cộng khoảng 41,000 dặm (65,983 km), trải dài khắp đất nước từ Đông sang Tây và Bắc vào Nam.
Một trong những mục đích chính của hệ thống xa lộ xuyên bang là bảo vệ quốc gia. Tổng Thống Eisenhower từng là Tư Lệnh Tối Cao của Lực Lượng Đồng Minh trong Thế Chiến Thứ Hai ở Châu Âu, và ông đã chứng kiến tầm quan trọng của mạng lưới vận chuyển Autobahn của Đức, cho phép vận chuyển nhanh chóng khắp đất nước.
Một ưu điểm khác của hệ thống xa lộ xuyên bang là dùng để di tản nhanh chóng các thành phố có nguy cơ bị tấn công nguyên tử.
Và tất nhiên, hệ thống này sau đó được tuyên truyền là một cách để tất cả người Mỹ đi du lịch mà ít bị kẹt xe hơn. Xa lộ xuyên bang có đặc trưng là không có giao lộ, sử dụng cầu vượt và hầm để cho phép xe di chuyển liên tục với tốc độ cao.
Quá trình xây dựng được khởi công vào năm 1956 tại Missouri, hiện là I-70, nhưng tới năm 1992 toàn bộ hệ thống xa lộ xuyên bang mới được hình thành, với đoạn đường Glenwood Canyon, Colorado, nơi có đến 40 cây cầu trên một đoạn đường dài 12 dặm (19 km).
Hệ Thống Xa Lộ Xuyên Bang đã làm thay đổi cuộc sống của người Mỹ. Ngành vận tải đường bộ phát triển, các trạm xăng và trạm dừng xe tải nở rộ, các khu ngoại ô mọc lên xung quanh các thành phố, và khái niệm “lái xe du lịch đường dài” trở nên phổ biến ở nước Mỹ.
Một số người chắc chắn thắc mắc tại sao xa lộ xuyên bang lại có nhiều hệ thống đánh số khác nhau. Tại sao một tuyến đường được đặt tên là I-5 trong khi tuyến xa lộ khác lại là I-480? Hãy xem kỹ các chữ số trên các biển báo hình cái khiên màu đỏ, trắng và xanh.
Những con số này không phải được đặt một cách ngẫu nhiên
Số lượng chữ số trong tên cho biết số lượng thành phố mà xa lộ xuyên bang có thể liên kết. Các xa lộ liên bang có một hoặc hai chữ số (ví dụ: I-95) có thể liên kết nhiều vùng với nhau. Mặt khác, những tuyến đường có ba chữ số (ví dụ: I-285) chỉ phục vụ một thành phố duy nhất và được gọi là xa lộ phụ trợ, có tác dụng liên kết với các xa lộ dài hơn hai chữ số. Hai chữ số cuối của xa lộ phụ trợ cùng khớp với xa lộ xuyên bang. Ví dụ: đường I-480 ở Omaha là một đoạn dài 5 dặm (8 km) liên kết với tuyến I-80 ở Nebraska với tuyến I-29 ở Iowa. Tương tự như vậy, tuyến đường I-285 nằm bao quanh Atlanta và kết nối với tuyến I-85, đi theo hướng Bắc–Nam.
Các xa lộ xuyên bang được đánh số chẵn trải dài theo hướng Đông–Tây, trong khi những tuyến đường có số lẻ di chuyển theo hướng Bắc–Nam. Các xa lộ hướng Đông-Tây được đánh số bắt đầu ở phía Nam và di chuyển dần về phía Bắc, do đó, xa lộ I-10 nằm phía dưới biên giới phía Nam (Santa Monica, California, đến Jacksonville, Florida), trong khi xa lộ I-90 nằm ở gần biên giới phía Bắc của đất nước (Seattle đến Boston).
Các tuyến đường Bắc-Nam được đánh số bắt đầu ở phía Tây, bắt đầu với tuyến I-5, nằm song song với Bờ Tây. Xa lộ xuyên bang ở biên giới phía Đông là I-95, chạy dọc Bờ Biển Phía Đông, từ Houlton, Maine, đến Miami.
Có một số ngoại lệ hiếm hoi đối với hệ thống đặt tên này, như khi các xa lộ xuyên bang khác được bổ sung. Ví dụ, I-99 không được công nhận là xa lộ xuyên bang cho đến năm 1998, vì vậy tuyến đường này nằm ở phía Đông Pennsylvania.
Chỉ có hai xa lộ xuyên bang được tách ra khi di chuyển qua các thành phố lớn. Một là I-35E và I-35W ở Minneapolis và khu đô thị St. Paul. Xa lộ còn lại là I-35E và I-35W, lần lượt di chuyển qua Dallas và Fort Worth.
Chữ số đầu tiên trong xa lộ xuyên bang ba chữ số cũng có ý nghĩa của nó. Các tuyến đường chỉ giao nhau một lần chủ yếu được đánh số lẻ ở chữ số đầu tiên. Trong khi đó, xa lộ có chữ số đầu tiên được đánh số chẵn thường là các đường vòng giao nhau với tuyến xa lộ xuyên bang lớn theo hai chữ số phía sau.
Tên của các xa lộ xuyên bang lớn không bao giờ được lặp lại và luôn là duy nhất. Tuy nhiên, một số đoạn xa lộ hai chữ số có thể được sử dụng trùng lặp. Ví dụ, cả New York và North Carolina đều có tuyến I-87. Ngoài ra, cả Colorado và Pennsylvania đều có tuyến đường I-76.
Tuy nhiên, các xuyên bang có ba chữ số có thể được lặp lại trên toàn quốc, nhưng không được trùng lặp trong một tiểu bang.
Hệ thống xa lộ xuyên bang theo số cũng có thể trở nên phức tạp
Ví dụ, ở San Francisco có tuyến đường I-238, nhưng xa lộ xuyên bang I-38 không tồn tại. Thay vào đó, I-238 là tuyến đường giao nhau giữa I-880 và I-580. Nhưng vì California đã có rất nhiều đường, các chữ số thích hợp được sử dụng cho các đường khác.
Cũng có những ngoại lệ khác. Alaska, Hawaii và Puerto Rico đều có xa lộ xuyên bang, mặc dù những tuyến đường này không liên kết với các tiểu bang khác. Các tiểu bang này có các ký hiệu đặc biệt bằng chữ cái, như Alaska có A1 đến A4, Hawaii có H1 đến H3 và Puerto Rico có PR1 và PR2.
Trong khi đó, quy ước đặt tên xa lộ trong tiểu bang khác một chút so với xa lộ xuyên bang. Những con đường này, được biểu thị bằng biển báo đen trắng có hình phù hiệu, sử dụng cùng một hệ thống số lẻ cho các tuyến đường Bắc–Nam và số chẵn cho các tuyến đường Đông–Tây.
Tuy nhiên, hệ thống đặt số đối với xa lộ tiểu bang bị đảo ngược. Xa lộ hướng Đông–Tây được đặt số tăng dần từ Bắc vào Nam và xa lộ hướng Bắc–Nam được đặt số tăng dần từ Đông sang Tây tiểu bang. (AXT) [qd]
(Nguoi-viet)