Mạn đàm về hoa mai đượm hương trong bài thơ ‘Thượng Đường khai kỳ tụng’
Vào thời nhà Đường, thiền sư Hoàng Bách rất nổi tiếng với việc viết những bài thơ tiên tri. Và bài thơ ‘Thượng Đường khai kỳ tụng’ của ông cũng được nhiều người biết đến.
Toàn bộ nội dung bài thơ ‘Thượng Đường khai kỳ tụng’ chỉ vẻn vẹn có 28 chữ: “Trần lao huýnh thoát sự phi thường, khẩn bả thằng đầu tố nhất tràng. Bất kinh nhất phiên hàn triệt cốt, chẩm đắc mai hoa phác tị hương”. Tạm dịch: “Rửa sạch bụi trần việc phi thường, mau mau một mạch bỏ tơ vương. Nếu không qua rét lạnh thấu xương, làm sao hoa mai đượm hương thơm”.
Ngay ở câu đầu thiền sư Hoàng Bách đã chỉ ra “Rửa sạch bụi trần việc phi thường, mau mau một mạch bỏ tơ vương”. Điều ông nói chính là giảng về việc tu đạo thoát khỏi luân hồi. Kỳ thực, thân người nơi thế gian là phải chịu khổ, vì thế thoát khỏi luân hồi, đối với đời người mà nói thì lại là một việc phi thường trọng đại. Do vậy ông mới nhắn nhủ rằng ‘mau mau loại bỏ tơ vương’, ý của ông chính là cần kiên trì tinh tiến. Trên thực tế, vấn đề tu thành đắc đạo không chỉ là sự kiện trọng đại nơi thế gian mà còn là đại sự trong vũ trụ.
“Nếu không qua rét lạnh thấu xương, làm sao hoa mai đượm hương thơm”. Câu này đã trở thành danh ngôn thiên cổ. Sở dĩ hoa mai đượm hương thơm đến vậy là vì nó đã trải qua tẩy tịnh, thống khổ chịu đựng cái lạnh thấu xương. Đây cũng là một ẩn dụ cho sự tu đạo thành công. Để đạt được viên mãn, người tu đạo phải trải qua muôn vàn thống khổ cõi nhân gian và thực tu mà thành tựu. Trên thực tế, nguyên lý này không chỉ dành cho người tu đạo mà trong cuộc sống thường ngày cũng như thế, một người muốn đạt được thành công trong sự nghiệp cũng phải trải qua nhiều khó khăn gian khổ.
Sở dĩ nói: “Thiên tương hàng đại nhâm vu tư nhân dã, tất tiên khổ kỳ tâm chí, lao kỳ cân cốt, ngạ kỳ thể phu, không phạp kỳ thân” (Khi trời muốn giao trọng trách cho một người nào, trước tiên sẽ để họ trải qua một phen thống khổ, vất vả tay chân, đói đến còn da bọc xương, thân lâm nơi khốn cùng), là bởi những lời này đã khắc họa một cách chân thật về người mang theo sử mệnh trời ban đã trải qua. Trong ngạn ngữ dân gian cũng nói rằng: “Nếu muốn trở thành bậc cao cả thì cần nếm đủ mọi khổ ải trên đời”. Đạo lý của câu này cũng là như thế.
Tu luyện là việc lớn của đời người, cũng là đại sự của vũ trụ
Bài thơ của thiền sư Hoàng Bách được lưu truyền rộng rãi là bởi nó mang theo chân lý phổ quát. Tu luyện như thế, người thế gian muốn thành tựu đại sự cũng như vậy, thậm chí muốn làm thành một việc nhỏ cũng mang theo đạo lý ấy. Nói một cách đơn giản nhất, mùa đông có người ở nhà có điều hòa, đi tàu xe có điều hòa, đến lớp học hoặc văn phòng cũng có điều hòa. Theo lý thuyết thì người này có đời sống vô cùng thoải mái, thế nhưng những người này lại rất dễ mắc các loại bệnh, cũng không cảm nhận được sự mát mẻ. Cũng có người nhà ở không có điều hòa, đi đường cũng không có, lớp học cũng không có. Thậm chí họ còn phải làm việc ngoài trời nóng bức, theo lý thuyết thì cuộc sống người này thực sự rất khổ rồi. Thế nhưng khi họ ngồi xuống nghỉ ngơi đã có bóng cây che mát, uống tách trà lớn, họ lại cảm giác được sự sảng khoái nhẹ nhàng từ trong tâm. Loại cảm giác vui vẻ mà hai người ở hai hoàn cảnh đối lập có được lại rất tương đồng.
Nhiều người nghĩ rằng tu Đạo là việc rất đơn giản, hoặc rất thoải mái. Tuy nhiên, chúng ta thường chỉ nhìn thấy Thần Phật tự do tự tại, muốn cái gì là có cái đó mà không biết rằng họ cũng trải qua cái gọi là khổ tận cam lai mới tu thành. Trên con đường tu luyện, thiền sư Hoàng Bách cũng được coi là người đạt được thành tựu nhất định. Bài thơ này có lẽ cũng là cảm thụ chính ông.
Theo Vision Times
San San biên dịch