Home Tin TứcTin Thế Giới Quần áo ‘Made in China’ đầu độc thế giới: Vén màn góc khuất

Quần áo ‘Made in China’ đầu độc thế giới: Vén màn góc khuất

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Ngành công nghiệp quần áo khổng lồ của Trung Quốc không chỉ làm ô nhiễm các dòng sông và lạm dụng nguồn lao động giá rẻ mà nó còn đang đầu độc thế giới theo nhiều cách khác nhau.

Năm 2021, các nhà khoa học Canada đã phát hiện ra rằng áo khoác trẻ em do nhà bán lẻ Shein của Trung Quốc bán ra có chứa hàm lượng chì cao tới mức gây nguy hiểm, cụ thể là gần gấp 20 lần ngưỡng an toàn mà Bộ Y tế Canada công bố. CBC News nhấn mạnh rằng chì, một hóa chất phổ biến được sử dụng để nhuộm vải, có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe não bộ, tim, thận và hệ sinh dục, trong đó trẻ em và phụ nữ mang thai đối mặt với nguy cơ cao nhất.

Chiếc áo khoác độc hại này, trong ngành công nghiệp thời trang đang phát triển ở Trung Quốc mà nói, thì chỉ là một giọt nước trong lòng đại dương. Trong cùng một cuộc điều tra trên Marketplace đối với 3 nhà bán lẻ khổng lồ của Trung Quốc: Zaful, AliExpress và Shein, các cuộc kiểm tra trong phòng thí nghiệm cho thấy ⅕ trong số 38 mẫu quần áo và phụ kiện dành cho trẻ em, người lớn và bà bầu có hàm lượng hóa chất quá mức, bao gồm cả chì, PFA và phthalate.

Fashion United năm 2018 cũng nhắc lại rằng Cơ quan Hải quan Liên bang Hoa Kỳ đã hoãn việc giao trang phục trẻ em màu hồng nhập khẩu từ Trung Quốc do chứa hàm lượng chì và yêu cầu tiêu hủy hàng hóa theo luật về các chất độc hại. Tuy nhiên, như trang web Harper’s Bazaar lo lắng, ngoài quy định về hai chất là chì và phthalate và chỉ đối với quần áo trẻ em, “Không có ai từ chính quyền liên bang đang kiểm tra xem bên trong những chiếc hộp có chứa những chất độc hay không trước khi chúng được dỡ xuống từ tàu chở hàng và máy bay và được đặt trước ngưỡng cửa nhà chúng tôi”.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Một đại diện của Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ chia sẻ với Harper’s qua email rằng: “Nhà sản xuất (và cả nhà nhập khẩu) có trách nhiệm đảm bảo rằng việc tiếp xúc với sản phẩm không có nguy cơ gây thương tích”. Đáng buồn thay, theo Chỉ số minh bạch Cách mạng Thời trang năm 2022, hơn một nửa trong số 250 thương hiệu lớn nhất toàn cầu bị thiếu danh sách chất bị hạn chế (RSL) và chỉ 1/4 cam kết loại bỏ các hóa chất độc hại khỏi chuỗi cung ứng của họ vào một thời điểm nhất định.

Trung Quốc là nhà sản xuất các sản phẩm dệt may lớn nhất thế giới với nhiều nhà máy của các thương hiệu toàn cầu được đặt tại đây. Theo Statista, vào năm 2020, Trung Quốc chiếm 31,6% tổng giá trị xuất khẩu quần áo toàn cầu. Số liệu thống kê gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới cho thấy Trung Quốc là nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất sang Hoa Kỳ, chiếm 32,59% tổng giá trị nhập khẩu và thương mại của Hoa Kỳ với hơn 39 triệu USD trong năm 2019.

Như vậy, nếu không có quy định và kiểm soát của chính phủ liên bang, làm sao người tiêu dùng Mỹ có thể yên tâm rằng các nhà xuất khẩu Trung Quốc – vốn khét tiếng về thực phẩm và đồ chơi độc hại – sẽ cung cấp quần áo an toàn cho họ?

5 hóa chất độc hại chính trong quần áo Trung Quốc

Theo báo cáo của Fashion United UK, Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng (BCP) đã công bố danh sách 5 hóa chất độc hại chính được tìm thấy trong quần áo giá rẻ sản xuất tại Trung Quốc, trong đó chì đứng đầu danh sách. 4 hóa chất khác bao gồm:

(1) NFE (nonylphenol ethoxylate và nonylphenol) – NFE thường được tìm thấy trong chất tẩy rửa công nghiệp dùng để giặt vải: Khi tích tụ trong các mô của cơ thể, chúng có thể làm rối loạn hoạt động của hoóc-môn và phá hoại chức năng sinh sản. Vào năm 2013, Greenpeace, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã phát hiện ra rằng hơn một nửa số sản phẩm từ 2 trung tâm sản xuất quần áo trẻ em chính ở Trung Quốc có chứa NFE. Hầu hết quần áo được xuất khẩu sang các nước trong đó có Hoa Kỳ.

(2) Phthalates – thường được tìm thấy trong mực in plastisol, vật liệu cao su được sử dụng để tạo hình ảnh và logo trên áo phông. Nó là chất gây rối loạn nội tiết, có thể dẫn đến sự phá vỡ nồng độ hoóc-môn và thậm chí gây ung thư vú. Một nghiên cứu của Greenpeace tại các trung tâm dệt may của Trung Quốc đã phát hiện hàm lượng phthalate cao trong 2 mẫu.

(3) PFC (hóa chất perfluorinated và polyfluorinated) – PFC được sử dụng để tạo lớp phủ chống thấm nước chủ yếu cho áo mưa và giày. Nhiều sự kết hợp của PFC, chẳng hạn như PFOS và PFOA, gây ra bệnh thận và ung thư.

(4) Formaldehyde – được sử dụng rộng rãi để giúp cho các sản phẩm dệt may có đặc tính “không phá hủy” và để tránh vi khuẩn và nấm tích tụ trong các nếp gấp của quần áo trong quá trình vận chuyển: Tiếp xúc lâu với formaldehyde có thể dẫn đến buồn nôn, bỏng mắt, mũi và cổ họng, ho và kích ứng da.

Những nguy cơ đối với sức khỏe này còn cao hơn nữa khi xem xét tác động cộng hưởng từ các loại hóa chất độc hại trong các sản phẩm chất lượng thấp xung quanh chúng ta. Harper’s Bazaar đã đưa ra một ví dụ rằng, ngay cả khi một số thương hiệu thời trang tự giác tuân theo các quy tắc quốc tế nghiêm ngặt nhất để giữ mức formaldehyde dưới 75 phần triệu, người tiêu dùng vẫn có thể bị đe dọa bởi những thứ ẩn trong đồ lót, áo sơ mi chống nhăn của họ, hay khi duỗi tóc bằng sản phẩm không an toàn tại tiệm làm đầu, cũng như hít phải formaldehyde từ đồ nội thất trong gia đình.

Góc khuất của chuỗi sản xuất quần áo Trung Quốc

Mua sắm quần áo “made in China” không chỉ có hại cho sức khỏe của chúng ta bởi các yếu tố độc hại mà còn gián tiếp tiếp tay cho hành vi phá hoại môi trường và bức hại những người lao động Trung Quốc đang phải làm việc trong những điều kiện tồi tệ.

Theo Chỉ số minh bạch về cách mạng thời trang năm 2022, 20% bông trên thế giới đến từ Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, nơi có hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị ĐCSTQ cưỡng bức và buộc phải sản xuất cho các thương hiệu và nhà bán lẻ toàn cầu.

Báo cáo này cũng tiết lộ rằng trong số 250 thương hiệu và nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, chỉ có 12% tiết lộ các nhà cung cấp nguyên liệu của họ, điều này tạo ra khe hở cho việc che giấu nguồn lao động cưỡng bức của họ. Các thương hiệu xuất khẩu của Trung Quốc có lẽ thậm chí còn thiếu minh bạch hơn về việc quần áo của họ được sản xuất ở đâu và như thế nào.

Vào tháng 8 năm 2021, Vương Ngọc Âm (bí danh), từng là tù nhân chính trị tại Nhà tù số 1 Thẩm Dương, nói với truyền thông phương Tây về trải nghiệm cá nhân của mình trong tù, gồm cả nô dịch, tra tấn và tham nhũng. Ông đã bị kết tội “bôi nhọ” (bôi nhọ ĐCSTQ) vì những bình luận trực tuyến chỉ trích sự bất công xã hội.

Ông Vương nói rằng ông không được ăn đầy đủ trong trại giam và bị buộc phải làm việc trong những điều kiện tồi tệ.

“[Nhà tù] trả cho bạn gần 40 nhân dân tệ (ít hơn $6) một tháng thù lao, nếu bạn làm việc tốt. Nếu bạn làm việc không tốt, bạn chỉ được trả 10 nhân dân tệ hoặc 20 nhân dân tệ. Họ giao việc [cho tù nhân], và thời gian lao động rất dài. Tôi phải đi làm lúc 6 giờ 30 sáng, 7 giờ 30 tối mới được về”.

“Nếu bạn không thể hoàn thành nhiệm vụ, quản ngục sẽ mắng mỏ bạn hàng ngày và tìm mọi cách để tra tấn bạn. Họ cũng kiếm cớ để đánh người, chẳng hạn như vi phạm quy tắc, đi bộ sai đường và cư xử tồi”.

Theo ông Vương, nhà tù số 1 Thẩm Dương chủ yếu sản xuất quần áo cho Công ty TNHH Thiên Tân Đức Thái (Tianjin Detai), công ty chuyên kinh doanh ngoại thương và xuất khẩu hàng may mặc. Ông nói: “Chúng tôi chủ yếu sản xuất quần áo cho phụ nữ và chúng tôi có đủ các loại mẫu. Bởi vì chúng tôi thường có các chuyên gia kỹ thuật từ Công ty Đức Thái (đến hướng dẫn) khi chúng tôi may quần áo và có một cái loa phóng thanh trong đồn cảnh sát thường yêu cầu một chuyên gia nào đó từ Công ty Thiên Tân Đức Thái đến một khu vực nào đó. Vì vậy, tôi nhớ khá rõ ràng”.

Ông Vương nói thêm: “Có rất nhiều tù nhân trong nhà tù và họ nói tôi hãy báo cáo về công ty Đức Thái. Tôi nghe nói rằng quốc tế không cho phép sử dụng các sản phẩm từ lao động nô lệ. Công ty bán quần áo cho Hoa Kỳ và Canada, cũng như trên toàn thế giới. Công ty khá lớn. Tôi nghe nói rằng công ty có thể kiếm hàng tỷ đô-la mỗi năm. Chỉ riêng nhà tù [Thẩm Dương số 1] đã kiếm được hàng trăm triệu đô-la, mà nó (Đức Thái) còn hiện diện ở rất nhiều nhà tù khác. Hầu hết các nhà tù ở tỉnh Liêu Ninh đều đang gia công quần áo cho Đức Thái”.

Theo trang web chính thức của Thiên Tân Đức Thái, số lượng nhà máy vải và xưởng may mà công ty hợp tác đã và đang tăng dần qua các năm. Tính đến nay, đã có hơn 200 nhà máy. Tuy nhiên, trang web không liệt kê tên của bất kỳ nhà máy đối tác nào.

Phóng viên đã gọi điện cho công ty để xác minh sự hợp tác của họ với các cơ quan quản lý nhà tù và nhận được câu trả lời từ đầu dây kia rằng mình là người mới và không biết rõ tình hình, và rằng lãnh đạo của anh này sẽ gọi lại sau nửa giờ. Nửa giờ sau, phóng viên gọi lại. Vẫn là người đó trả lời cuộc gọi và hỏi ai đã cung cấp thông tin, sau đó cúp máy. Đến thời điểm hiện tại, phóng viên vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía công ty.

Mặc dù câu chuyện trên đây mới xảy ra, nhưng lao động nô lệ ở Trung Quốc và các thủ đoạn mà ĐCSTQ sử dụng để che giấu nó đã tồn tại ít nhất hai thập kỷ.

Theo Minghui.org, trước khi hệ thống trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc sụp đổ vào năm 2013, đã có hơn 300 trại lao động. Hơn 95% những người bị giam giữ trong các trại lao động là học viên Pháp Luân Công bị bức hại bất hợp pháp vì đức tin của họ. Hơn 100.000 học viên đã bị giam giữ trong khoảng 700 nhà tù ở Trung Quốc.

“Gần như toàn bộ các học viên bị giam giữ tại các cơ sở này đều bị cưỡng bức lao động nô lệ. Sản phẩm của họ là đủ loại vật dụng hàng ngày như tăm, đũa, tăm bông y tế, túi tiêm, túi đựng thực phẩm, bao đựng điện thoại, bóng đá, quả bóng đá, bộ sưu tập tem, kẹo, bánh trung thu, thảm lót ô tô, áo khoác đông, đồ thêu, túi da, đồ trang trí, và đồ thủ công”.

“Bà Lưu Hữu Thanh, một học viên Pháp Luân Công ở độ tuổi 50, đã bị cưỡng bức lao động tại Nhà tù Nữ Vũ Hán. Từ sáng đến tối, bà bị bắt phải ngồi trên ghế đẩu nhỏ mà dỡ vải. Khối lượng công việc nặng, khiến bà không thể hoàn thành dù có làm đến nửa đêm. Lính canh tra tấn bà bằng hình phạt bắt bà đứng cách tường khoảng ba bước, rồi ngả vào tường, nhưng chỉ được chạm đầu vào tường. Bà đã dỡ vải như thế 18 ngày liền mà lính canh không cho bà ngủ trên giường dù chỉ một ngày”.

Chúng ta nên làm gì?

Đối mặt với thị trường tràn ngập quần áo “made in China”, điều quan trọng là chúng ta phải tự bảo vệ mình và hành động có trách nhiệm với tư cách là người tiêu dùng.

Để khử độc cho tủ quần áo, trước tiên, chúng ta nên tập trung vào nhãn hiệu chứ không phải chất liệu. Harper’s Bazaar lưu ý rằng ngay cả quần áo 100% cotton hữu cơ cũng có thể đã được tẩy trắng, nhuộm, cọ rửa và hoàn thiện bằng các hóa chất độc hại. Chúng ta có thể tin tưởng vào danh sách các nhãn hiệu không chứa hóa chất do các tổ chức quốc tế cung cấp.

Một điều then chốt nữa chính là tránh hàng nhái rẻ tiền. Tiến sĩ Martin Mulvihill, đồng sáng lập của Safer Made, nói rằng những thương hiệu nguy hiểm nhất thường là những thương hiệu rẻ nhất. Ông chia sẻ: “Việc đảm bảo an toàn rất tốn kém. Hóa chất an toàn hơn thường đắt hơn. Những nhà cung ứng mà tìm kiếm nguồn hàng (hóa chất) để phù hợp với lợi nhuận của các nhãn hàng thì đang lựa chọn những nguồn hàng rẻ nhất”. Như vậy, nếu bạn không bị mê hoặc bởi thời trang Trung Quốc giá rẻ, bạn sẽ được an toàn hơn.

Hãy tránh quần áo có mùi hóa chất khi bạn lấy ra khỏi bao bì và giặt cẩn thận quần áo mới trước khi mặc. Bên cạnh đó, mua đồ cũ hoặc trao đổi với bạn bè cũng là một cách hay để xây dựng một tủ quần áo không độc hại.

Trong khi những cách này có thể giúp chúng ta bảo vệ bản thân khỏi các hóa chất độc hại trong quần áo, thì những nỗ lực đoàn kết của cộng đồng quốc tế, ở một mức độ nào đó, sẽ gây áp lực lên ĐCSTQ về các vấn đề nhân quyền. Chỉ nói riêng về ô nhiễm nước và các vấn đề môi trường, đã có đủ lý do để cảnh giác với các sản phẩm dệt may “made-in-China”.

Tác giả: Teresa Jones – The BL
Thanh Tâm biên dịch

(DKN)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thêm bình luận

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.