Home Tin TứcTin Hoa Kỳ Các công viên khắp California cần được bảo vệ vì cư dân đến quá nhiều

Các công viên khắp California cần được bảo vệ vì cư dân đến quá nhiều

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Tuy công viên giúp nhiều cư dân giữ sức khỏe về thể chất lẫn tâm lý, nhưng việc quá nhiều người đến công viên tạo ra nhiều nguy hiểm cho môi trường và nhiều sinh vật trong các công viên.

Công viên quốc gia Sequoia của California, một nơi cần được bảo vệ. (Hình minh họa: Mario Tama/Getty Images)

Đại dịch COVID-19 làm nhiều cư dân California quý trọng các công viên lớn của tiểu bang hơn vì đây là nguồn giải trí duy nhất của họ trong những quy định phòng dịch nghiêm ngặt. Điều đó làm số người đến các công viên công cộng tăng kỷ lục, với các công viên dưới sự giám sát của Đặc Khu Công Viên Khu Vực East Bay (EBRPD) ở Bắc California có số người đến tăng gấp năm lần trong năm 2020 và 2021.

Quá nhiều người đến các công viên lớn của California có thể làm hại đến hệ sinh thái và các sinh vật hoang dã ở đó. Đây là chủ đề chính của buổi hội thảo do tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) và EBRPD tổ chức hôm Thứ Ba, 18 Tháng Mười.

Buổi hội thảo của EMS có sự tham dự của các chuyên gia làm việc cho EBRPD, thảo luận về việc nhiều người không đi theo đường mòn đã vạch sẵn trong công viên, giẫm đạp lên các bãi cỏ, làm ô nhiễm hồ, cho thú hoang ăn, và phóng sinh thú vật vào công viên. Các chuyên gia còn thảo luận về việc những người đến công viên cần phải làm để bảo vệ môi trường trong lúc giải trí.

Diễn giả đầu tiên là ông Dee Rosario, ủy viên Địa Hạt 2 của EBRPD, cho biết công viên là nơi duy nhất mà nhiều người có thể đến trong đại dịch. Những người đó mang văn hóa của họ khi đến công viên, và mỗi văn hóa đều có cách riêng để tiếp thu vẻ đẹp tự nhiên của công viên.

Tuy nhiên, ông Rosario cho hay con người phải hiểu được vẻ đẹp và sự nhạy cảm của thế giới tự nhiên khi họ đặt chân đến, phải biết tôn trọng đất đai và bản thân.

Ông Dee Rosario (trái) và bà Rebecca Tuden. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Sau những lời giới thiệu ngắn gọn, ông Rosario mời các đồng nghiệp tại EBRPD phát biểu về chuyên môn của họ trong lãnh vực bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên của các công viên ở vùng vịnh Bắc California.

Chuyên gia đầu tiên phát biểu là bà Rebecca Tuden, quản lý dịch vụ sinh thái của EBRPD, nói về nhiệm vụ của EBRPD và Sở Bảo Vệ thuộc cơ quan này.

Theo bà, nhiệm vụ của EBRPD là mua đất, bảo vệ, bảo tồn các công viên khu vực để công chúng sử dụng, nhưng phải bảo vệ được những tài nguyên tự nhiên quý giá trong công viên.

Sở Bảo Vệ của EBRPD có nhiệm vụ bảo vệ đất đai của công viên cùng các hệ sinh thái vô cùng đa dạng vì rất hữu ích nhiều thế hệ.

Bà Tuden giải thích tại sao việc kiểm soát công viên rất quan trọng, đầu tiên là kiểm soát các loài thực vật và động vật xâm nhập vào môi trường của các sinh vật khác để làm giảm nguy cơ cháy rừng, không bị mất sự đa dạng trong hệ sinh thái.

Một thứ cần kiểm soát khác là các loài động vật hoang dã như heo rừng và chó đồng cỏ vì có thể tấn công con người, làm công viên không an toàn.

Thiếu kiểm soát trong các công viên có thể dẫn đến cháy rừng. (Hình minh họa: David McNew/AFP via Getty Images)

Các chuyên gia của EBRPD còn theo dõi nguồn nước trong công viên, theo dõi các loài sinh vật đã được ghi vào danh sách, theo dõi lượng vi khuẩn lam, và còn theo dõi hoạt động giải trí của con người để bảo vệ môi trường sống cho các sinh vật.

Bà Tuden nói một cách để cảnh báo du khách đến công viên là để những thông điệp hay bảng báo hiệu cho thấy sự nguy hiểm của các động vật hoang dã như chó đồng cỏ, sư tử núi và rắn đuôi chuông để họ không đến gần những nơi sinh sống của các động vật đó. Nhân viên của công viên còn đặt nhiều bảng thông hữu ích cho du khách đọc.

Người tiếp theo là ông Doug Bell, quản lý chương trình sinh vật hoang dã của EBRPD, nói về những cách bảo vệ môi trường sống của động vật hoang dã, nhất là các loài chim.

Một loài chim cần được bảo vệ trong danh sách của liên bang là chim choi choi tuyết, sống ở các bờ biển ở Bắc California như đảo Brooks và bãi biển Crown Beach để tránh cái lạnh mùa Đông.

Ông Bell cho biết nhiều người thường quấy rối giống chim này các bờ biển, làm chúng phải bay đi nơi khác, khiến EBRPD phải để nhiều bảng cảnh báo không được đến gần khi chim choi choi tuyết đậu ở bờ biển.

Ông Doug Bell (trái) và ông Joe Sullivan. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Một giống chim khác đang bị phá hoại môi trường sống là đại bàng vàng vì nhiều người đến các công viên lớn để đi bộ đường dài, nhưng không đi theo đường mòn đã được vạch sẵn. Khi đi trên những đường mòn tùy ý như vậy, du khách sẽ xâm nhập vào khu vực đóng tổ của đại bàng vàng, làm hư tổ, làm giống chim này sợ hãi, còn bị tiếp xúc với nắng nóng hay trời lạnh dẫn đến tử vong.

Ông kể có một người từng điều khiển drone bay vào tổ của đại bàng vàng, làm chim mẹ sợ hãi và bay đi nơi khác, để lại chim con trong tổ, và chim con bị quạ lớn ăn thịt.

Ông còn khuyên du khách đến công viên không nên đưa thức ăn cho đông vật hoang dã vì làm chúng dựa vào con người để tìm thức ăn, không sợ con người nữa và có thể tấn công bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, nhiều người còn bỏ rơi thú nuôi ở công viên trong đại dịch COVID-19 vì không nuôi nổi, nhưng điều đó làm số mèo hoang trong công viên tăng rất nhiều, và còn gây nguy hiểm cho các động vật sống ven biển.

Diễn giả cuối cùng là ông Joe Sullivan, quản lý chương trình động vật dưới nước của EBRPD, nói về cách bảo vệ những loài sinh vật dưới nước trong công viên.

Ông cho biết công viên là một nơi rất tốt để câu cá, và có rất nhiều người đến vì hoạt động giải trí đó, nhưng có những loài cá và động vật dưới nước cần được bảo vệ như ếch chân đỏ, cá hồi cầu vồng và cá hồi đầu thép.

Giống chim choi choi tuyết sống tại các bờ biển cần được bảo vệ. (Hình minh họa: Karen Bleier/AFP via Getty Images)

Ông Sullivan cho hay nhiều văn hóa và tôn giáo có nghi thức phóng sinh, mang các loài cá đến công viên để thả tự do, nhưng điều đó gây nguy hiểm cho môi trường sống của các loài cá tự nhiên vì những loài được mua có thể mang ký sinh trùng trong người, có thể lây qua các giống cá tự nhiên. Một số loài ếch được mua còn có nấm trên người, cũng có thể lây nhiễm đến các giống ếch hoang dã.

Vì vậy, ông kêu gọi các cộng đồng tôn giáo làm việc EBRPD để mua các loại cá do chính cơ quan này nuôi, không bị bệnh và không có ký sinh trùng trong người.

Cuối cùng, các chuyên gia nói buổi hội thảo tập trung vào những công viên ở vùng vịnh San Francisco ở Bắc California, nhưng những bài học này có thể áp dụng với bất cứ công viên nào để bảo vệ môi trường sống của các sinh vật. [qd]

(Nguoi-viet)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thêm bình luận

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.