Home Tin TứcTin Hoa Kỳ Những công ty Mỹ nào bán rẻ lợi ích an ninh quốc gia?

Những công ty Mỹ nào bán rẻ lợi ích an ninh quốc gia?

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Kỹ thuật siêu thanh (hypersonics) của Trung Quốc đang tiến bộ vượt bậc và ngày càng trở thành mối đe dọa an ninh cho nước Mỹ. Trong khi đó, chẳng khác gì “cõng rắn cắn gà nhà”, một số công ty Mỹ lại cung cấp kỹ thuật này cho Trung Quốc, một cách gián tiếp!

Những nhóm nghiên cứu quân sự đứng đầu trong các chương trình siêu thanh và tên lửa của Trung Quốc – mà nhiều trong số đó nằm trong danh sách đen xuất khẩu của Mỹ – lại đang mua loạt công nghệ chuyên biệt của Mỹ, trong đó có các sản phẩm được phát triển bởi những công ty Mỹ vốn nhận hàng triệu đôla tài trợ và hợp đồng từ Ngũ Giác Đài – theo điều tra của The Washington Post – cuộc điều tra qui mô dựa vào việc khảo sát hơn 300 thương vụ kể từ năm 2019 đến nay, liên quan các kỹ thuật có nguồn gốc từ Mỹ lọt vào tay hàng chục nhóm/tổ chức nghiên cứu và phát triển vũ khí siêu thanh và hỏa tiễn của Trung Quốc.

________________

Iain Boyd, giám đốc Trung tâm Sáng kiến ​​An ninh Quốc gia thuộc Đại học Colorado, cho rằng “điều này thật sự gây khó chịu vì điều căn bản của vấn đề ở chỗ, kỹ thuật có thể được dùng cho siêu thanh quân sự vốn được tài trợ bởi tiền thuế dân Mỹ, thông qua chính quyền Mỹ, cuối cùng lại lọt vào tay Trung Quốc”.

________________

Kỹ thuật (vũ khí) siêu thanh được đề cập ở đây là những kỹ thuật nổi bật có thể đẩy tên lửa với tốc độ gấp năm lần vận tốc âm thanh và có khả năng tránh các hệ thống phòng thủ hiện tại. Cả Trung Quốc và Mỹ đều đang dốc sức vào cuộc chạy đua này. Tuy nhiên, còn lâu Trung Quốc mới có thể bằng Mỹ nếu họ không xài hàng Mỹ. Việc có thể mua được những sản phẩm của Mỹ đã và đang giúp Trung Quốc tiết kiệm được rất nhiều tiền lẫn thời gian.

Những kỹ thuật gì lọt vào tay Trung Quốc?

Công nghệ Mỹ mà Trung Quốc mua được gồm nhiều dạng, từ phần mềm kỹ thuật có sự hỗ trợ máy tính (computer-aided engineering software), chẳng hạn phần mềm đàn hồi (aeroelasticity software) có thể được sử dụng để mô phỏng và phân tích các điều kiện vật lý khắc nghiệt mà những phương tiện bay phải trải qua. Nó cho phép nhà khoa học thử nghiệm các thiết kế mà không cần dựa vào những cuộc thử nghiệm đường hầm (tunnel tests) và thử nghiệm bắn thử thực tế rất tốn kém. Ngoài ra, thương vụ còn có các thiết bị phần cứng như giao thoa kế (interferometer) giúp thu thập dữ liệu có độ chính xác cao trong các cuộc thử nghiệm trong đường hầm gió (wind tunnel test).

Xét theo luật, Mỹ cấm tuyệt đối việc xuất khẩu bất kỳ sản phẩm nào cho Trung Quốc, cũng như việc bán lại tại Trung Quốc, nếu chính phủ Mỹ biết chắc sản phẩm đó được dùng để phát triển hỏa tiễn hoặc nếu sản phẩm đó lọt vào tay của tổ chức nào nằm trong danh sách cấm của Mỹ. Trong thực tế, một số công nghệ, chẳng hạn ứng dụng thuộc hàng không vũ trụ dân sự, vẫn có thể đến Trung Quốc và rơi vào tay quân đội nước này, thông qua các công ty trung gian.

Trung Quốc đang tăng tốc cực nhanh vào việc phát triển vũ khí nói chung (ảnh: Power Sport Images/Getty Images)

Những công ty Mỹ nào liên quan?

Sử dụng cơ sở dữ liệu mua sắm của chính phủ Trung Quốc cùng những tài liệu hợp đồng khác, The Washington Post xác định được gần 50 công ty Hoa Kỳ có sản phẩm được bán qua trung gian kể từ năm 2019 cho các tập đoàn quân sự Trung Quốc – chẳng hạn phần mềm mô phỏng khí động học của hai công ty – Zona Technology có trụ sở tại Arizona và Metacomp Technologies có trụ sở tại California – được bán thông qua các trung gian cho Học viện Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CAAA), nơi đóng vai trò quan trọng trong vụ thử tên lửa siêu thanh mà quân đội Trung Quốc thực hiện năm 2021.

Dù CAAA không nằm trong danh sách các thực thể Trung Quốc bị cấm giao dịch theo luật Mỹ (Entity List) nhưng chính phủ Washington luôn nhắc rằng họ cấm việc xuất khẩu phần mềm Mỹ nếu nó được sử dụng trong việc phát triển hỏa tiễn. Nhiều chuyên gia Mỹ đang yêu cầu đưa CAAA vào “Entity List”. Trong ít nhất bảy năm qua, CAAA là nơi đóng góp cốt lõi cho chương trình phát triển hỏa tiễn tiên tiến và siêu thanh của Trung Quốc – theo Nathan Picarsic thuộc Foundation for Defense of Democracies.

Trong khi đó, giám đốc điều hành Zona Technology có trụ sở tại Arizona – ông P.C. Chen – nói rằng đương sự chẳng biết mô tê gì về việc tại sao phần mềm mô phỏng độ đàn hồi của công ty mình lại chạy thẳng đến CAAA. P.C. Chen cho biết, trước đây Zona bán phần mềm cho Hifar Technologies, nhà cung cấp công nghệ quân sự có trụ sở tại Bắc Kinh, rồi Hifar bán lại cho CAAA. Không giấu giếm việc bán phần mềm và dịch vụ tư vấn cho các tập đoàn tên lửa Trung Quốc, Hifar – trên trang web của họ – liệt kê hơn 50 tập đoàn quân sự và nhà cung cấp là “đối tác hợp tác”, trong đó có CAAA, Viện Nghiên cứu Hỏa tiễn Trung Quốc, Học viện Công nghệ Phóng Hỏa tiễn Trung Quốc và đơn vị tên lửa của quân đội Trung Quốc…

Về phần công ty Metacomp Technologies có trụ sở tại California, David Habib, cố vấn pháp lý của họ nói rằng công ty “không hề biết những công ty ấy (công ty trung gian) có mua sản phẩm (của Metacomp) hay không hoặc mua bằng cách nào, rồi chuyển bằng cách nào để đến tay những người khác”. Theo The Washington Post, cả Zona và Metacomp đều có hợp đồng cung cấp dịch vụ nghiên cứu và phát triển với Không quân Hoa Kỳ; và đều nhận tài trợ từ chương trình Nghiên cứu Đổi mới Doanh nghiệp Nhỏ (Small Business Innovation Research – SBIR) của Ngũ Giác Đài nhằm hỗ trợ tài chính để giúp phát triển các công nghệ mà Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hy vọng hỗ trợ khả năng quốc phòng của chính nước Mỹ.

Hầu hết công nghệ do SBIR tài trợ là “ứng dụng kép” hoặc ứng dụng riêng biệt (cho dân sự hoặc cho quân sự). Hầu hết hợp đồng SBIR có thời hạn ba tháng hoặc lên đến hai năm, bao gồm giai đoạn nghiên cứu và phát triển và thường hết hạn trước khi công nghệ ra thị trường, theo giới chức Không quân, đơn vị điều hành chương trình SBIR lớn nhất của chính phủ Hoa Kỳ. Zona và Metacomp đã nhận được lần lượt $31.6 triệu và $13.9 triệu từ SBIR.

Một cuộc triển lãm quân sự tại Chu Hải, Trung Quốc (ảnh: K. Y. Cheng/South China Morning Post via Getty Images)

Đường đi của công nghiệp Mỹ đến Trung Quốc

Điều tra của The Washington Post cho thấy ít nhất 50 người mua ở Trung Quốc có tên  trong Entity List của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Một số giao dịch được thực hiện thông qua các trung gian của Trung Quốc như Hifar; một số khác liên quan các công ty nổi tiếng nhất của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ thiết kế hàng không thương mại. Cụ thể, năm 2020, phần mềm do công ty Ansys Inc. ở Pennsylvania sản xuất đã bán cho Học viện Công nghệ Bắc Kinh (BIT) thông qua công ty Pera Global. BIT là một trong những đại học quốc phòng hàng đầu Trung Quốc và đã được đưa vào Entity List ngay trước khi vụ mua bán diễn ra. Vào Tháng Mười Hai, nghiên cứu của họ về kỹ thuật siêu thanh đã được Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc chỉ định là “dự án nghiên cứu và phát triển quan trọng”.

Công ty con của Pera Global – Beijing Iwintall Technology Co. Ltd – đã giành được hợp đồng bán công nghệ của hãng Ansys cho BIT. Trên trang web của họ, Iwintall công khai nói rằng công nghệ mà họ bán sẽ giúp các nhà nghiên cứu Trung Quốc, trong đó có những nơi liên quan kỹ thuật vũ khí siêu thanh, nhằm có thể phát triển nhanh hơn các phiên bản nội địa. Ngoài ra, hãng Ansys Inc. ở Pennsylvania cũng liên quan bảy vụ mua bán khác kể từ năm 2020, với các tập đoàn Trung Quốc nằm trong Entity List, trong đó có Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia, và Viện Nghiên cứu Tên lửa Phòng không Trung Quốc ở Lạc Dương, nơi phát triển các tên lửa tầm xa chính xác cao.

Một “đại gia” nữa liên quan việc bán kỹ thuật siêu thanh cho Trung Quốc là Siemens Digital Industries Software, chi nhánh Mỹ của tập đoàn Siemens (Đức). Một số phần mềm Siemens đã được Học viện Công nghệ Bắc Kinh mua vào Tháng Mười Hai 2020, thông qua một đại lý Trung Quốc vốn là đối tác của Siemens – Transemic Information Technology Ltd. Transemic, tương tự Hifar, cũng công khai giới thiệu quan hệ của họ với quân đội Trung Quốc. Trên trang web của họ, Transemic cho biết họ là “đối tác công nghiệp quân sự hàng đầu” tại Trung Quốc. Tháng Tám 2017, Transemic đăng ảnh “Hội thảo Số hóa Công nghiệp Quân sự” mà họ tổ chức cho các khách hàng công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Sự kiện được thực hiện ở Thành Đô có cả bài phát biểu của một giám đốc kinh doanh Siemens tại Trung Quốc. Cần nói thêm một chi tiết khá quan trọng: Tháng Bảy 2022, Siemens Digital Industries Software đã loan báo việc (sẽ) mua lại Zona.

Cuộc điều tra The Washington Post cũng tìm thấy bằng chứng cho thấy phần cứng quang học cao cấp lọt vào tay các tập đoàn tên lửa và quân đội Trung Quốc; trong đó có sản phẩm của 4D Technology Corp (ở Arizona), nơi nhận được hơn $2.5 triệu tài trợ từ chương trình SBIR từ năm 2010 đến năm 2017. 4D Technology Corp đã bán công nghệ giao thoa kế (interferometer) cho Viện Nghiên cứu Tên lửa Hàng không Trung Quốc vào Tháng Giêng, thông qua nhà phân phối Trung Quốc Opturn Company Ltd

Tất cả cho thấy có không ít kẽ hở trong luật Mỹ để Trung Quốc có thể lợi dụng dễ dàng. Và tất cả cũng cho thấy, với giới doanh nghiệp Mỹ, có không ít doanh nghiệp đã đặt vấn đề an ninh quốc gia xuống thấp hơn mục tiêu lợi nhuận của họ.

(SGN)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thêm bình luận

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.