Home Tin TứcTin Hoa Kỳ Kishida tại Tòa Bạch Ốc

Kishida tại Tòa Bạch Ốc

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Khi ông Fumio Kishida đến Tòa Bạch Ốc tuần này, thủ tướng Nhật đã mang sẵn một món quà tặng Tổng thống Joe Biden. Đó là chiến lược quốc phòng mới của Nhật Bản, công bố vào tháng trước.

Bắt đầu từ năm 2027, Nhật Bản sẽ dành 2% Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) cho chi phí quốc phòng, gấp đôi tỷ lệ 1% vẫn tự giới hạn từ sau khi bại trận, chính thức xác nhận từ năm 1976. Ngân sách sẽ lên tới $73 tỷ mỹ kim một năm; lớn hàng thứ ba trên thế giới sau Mỹ ($649 tỷ) và Trung Quốc ($261 tỷ)

Thay vì chỉ chú trọng việc phòng thủ, chiến lược mới nhấn mạnh đến khả năng “phản công đề phòng” trước khi bị quân địch tấn công. Để bảo đảm sức “phản công” coi là không thể nào thiếu được, ông Kishida sẽ yêu cầu ông Biden chấp thuận cung cấp cho Nhật Bản 500 hỏa tiễn Tomahawk, loại phóng ra rồi chạy ngang (cruise missiles) nhắm thẳng vào các giàn vũ khí của đối phương, khó bị chặn phá hơn loại phóng vòng lên trời. Hiện nay, Anh quốc là nước đồng minh duy nhất của Mỹ được mua Tomahawk. Ngoài Tomahawk, Nhật cần mua thêm 500 hỏa tiễn khác, và đang tiến hành việc tự chế và sản xuất các loại hỏa tiễn của mình.

Bán Tomahawk cho Nhật chính là bảo vệ quân Mỹ đang đóng ở Nhật. Nếu muốn bảo vệ Đài Loan khi bị Trung Cộng tấn công, Mỹ sẽ phải sử dụng căn cứ hải quân ở đảo Okinawa, cách Đài Loan hơn 600 cây số đường biển. Do đó, Trung Cộng sẽ phải đánh Okinawa trước. Khi Nhật Bản có hỏa tiễn Tomahawk, Bắc Kinh sẽ nghĩ lại.

Nhật Bản nói đến mối đe dọa từ Bắc Hàn để biện minh nhu cầu cần mua hỏa tiễn mới. Trong năm 2022, Kim Jong Un đã cho bắn hơn 90 hỏa tiễn, cả loại bắn thẳng (cruise missiles) lẫn loại bắn vòng cầu (ballistic missiles), nhắm vào vùng biển chung quanh nước Nhật. Nhưng Nhật cũng nhắc đến tên Trung Quốc, mà đó mới là mối đe dọa đáng ngại nhất. Trong tháng Tám, Trung Cộng đã phóng 5 hỏa tiễn vòng cầu trong vùng biển gần Nhật Bản. Nhật Bản đang cải thiện các hỏa tiễn Loại 2 nhắm bắn các tàu biển.

Chiến lược quốc phòng mới của nước Nhật đã bắt nguồn với cố Thủ tướng Abe Shinzo trong nhiệm kỳ đầu của ông, 2006-2007. Abe là người đầu tiên đưa cụm từ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (Indo-Pacific) trong ngôn ngữ ngoại giao quốc tế, thay thế khái niệm Á Châu-Thái Bình Dương (APEC) quá mơ hồ. Năm 2006, ông đã đề nghị bốn nước trong vùng này, Ấn Độ, Úc, Nhật và Mỹ hợp tác trong các cuộc thao diễn quân sự, một liên minh mới thành hình, mang tên Quad. Khi trở lại vai trò thủ tướng năm 2012, ông Abe đưa ra các sáng kiến củng cố sự hợp tác giữa các nước Á Đông và Mỹ để bảo vệ một vùng “Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự do và Mở cửa” (Free and Open Indo-Pacific). Khái niệm FOIP này mới được hai ông Kishida và Biden lập lại trong bản thông cáo chung.

Năm 2017 ông Abe đã bảo vệ Thỏa hiệp Cộng tác Kinh tế TPP, mời 11 nước cùng ở lại sau khi Mỹ rút ra ngoài. Mục tiêu của thỏa hiệp là lập một hàng rào đối phó với chiến lược bành trướng của Trung Cộng trong vùng. Từ đó tới nay, các chính phủ Nhật Bản tiếp tục hợp tác kinh tế với các nước Đông Nam Á để lập thế cân bằng với Trung Cộng. Các vấn đề quân sự chỉ bắt đầu được đề cao sau khi Nga tấn công Ukraine.

Với chiến lược quốc phòng mới, Nhật Bản thắt chặt thêm mối quan hệ quân sự với Mỹ. Nhật Bản muốn bảo vệ một “trật tự thế giới” trong vùng Đông Á, mà nước Mỹ đóng vai chính. Nhưng trong thực tế, nước Nhật đóng vai chủ động xây dựng “trật tự mới” trong vùng và lôi kéo các chính phủ tham dự.

Khi công bố chiến lược mới, Thủ tướng Fumio Kishida mô tả đó là một “bước ngoặt” trong chính sách quốc phòng. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng dùng hình ảnh “bước ngoặt” khi gia tăng ngân sách quốc phòng thêm $100 tỷ mỹ kim, ba ngày sau khi quân Nga xâm lăng Ukraine đầu năm ngoái.

Nga đánh Ukraine đánh thức cả hoàn cầu về mối đe dọa của các chế độ độc tài chuyên chế, không tôn trọng luật pháp quốc tế. Những nước ở Đông Âu và Trung Á đều tự hỏi: Bao giờ nó đánh mình? Các nước phía Đông và Đông Nam Á cũng giật mình lo lắng. Tập Cận Bình không hề lên tiếng phản đối cuộc xâm lăng của Nga; sẽ coi đó là một tiền lệ, có ngày Trung Cộng sẽ đánh Đài Loan.

Trước đây Nhật đối với nước Nga có khuynh hướng hòa hoãn, dù vẫn tranh chấp đòi lại những quần đảo quân Nga đã chiếm trong những ngày cuối Đại Chiến Thứ Hai, sau khi Nhật đã đầu hàng Mỹ. Sau ngày 24 tháng 2, 2022, Nga đánh Ukraine, Thủ tướng Kishida đã thay đổi. Nhật là nước Á châu ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất. Họ muốn cảnh cáo các chế độ độc tài chuyên chế khác đừng bắt chước Putin, ông Kishida nói với báo The Washington Post. Ông báo động: “Bây giờ là Ukraine, tương lai sẽ đến lượt Á Châu!” Trước mối de dọa của Nga, Trung Cộng và Bắc Hàn, dân Nhật Bản ủng hộ quan điểm của chính phủ.

Mặc dù nuôi lý tưởng hòa bình từ sau năm 1945, mối quan tâm lớn của dân Nhật Bản là làm cách nào nước mình “không bị thua,” ông Kishida nhận xét. Sau chiến tranh, họ cố gắng “không thua” trong cuộc chạy đua kinh tế. Bây giờ, họ nhất định “không chịu thua” trước áp lực của Trung Cộng. Tập Cận Bình đã từng dùng đòn kinh tế, thương mại để gây ảnh hưởng chính trị trên các nước Australia, Philippines, Malaysia, Campuchia, Lào, và đe dọa Việt Nam. Dân Nhật không chịu cúi đầu, phải tỏ thái độ cứng rắn trước.

Đại sứ Mỹ ở Tokyo, ông Rahm Emanuel nói rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Nhật canh tân quân đội và phối hợp với Mỹ trong các lãnh vực chiến tranh tin học, dưới biển, trong không gian, và hệ thống tuần duyên. Một điểm quan trọng khác là hợp tác phòng thủ về kinh tế. Trong thời gian Covid, Trung Cộng nắm hầu hết nguồn cung cấp các dụng cụ y tế rẻ tiền; họ từng “bắt chẹt” các nước khi bán các khoáng chất hiếm cần thiết cần cho công nghiệp điện tử và pin điện. Mỹ và Nhật sẽ cùng giúp cho kinh tế các nước tự do dân chủ không tùy thuộc vào việc nhập cảng hàng hóa của Trung Quốc.

Trước ngày ông Kishida đến, ông Yasutoshi Nishimura, bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật đã nói chuyện ở Washington, kêu gọi hai nước cộng tác trong các lãnh vực chế tạo chất bán dẫn, kỹ thuật y tế, trí khôn nhân tạo, khoa học lượng tử, bảo vệ sức mạnh công nghiệp không để mất ưu thế khoa học, kỹ thuật. Điểm cuối cùng này phản ảnh chính sách mới của chính phủ Mỹ, cấm bán các chất bán dẫn tối tân và dụng cụ làm chip mới cho Trung Cộng.

Mỹ và các đồng minh phải chống lại các chế độ độc tài chuyên chế, cùng tạo nên một “trật tự thế giới mới đặt trên nền tản tự do, dân chủ, tôn trọng quyền làm người và thượng tôn pháp luật,” ông Yasutoshi Nishimura nói, báo trước mục tiêu cuộc công du của thủ tướng Fumio Kishida. Cuộc họp các nước G-7 vào tháng Năm, 2023 ở Hiroshima, quê của ông Kishida, sẽ khai triển “trật tự mới” này.

(VOA)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thêm bình luận

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.