Home Tin TứcĐời Sống Làm sao để tránh nhận hóa đơn bất ngờ khi phải vô bệnh viện

Làm sao để tránh nhận hóa đơn bất ngờ khi phải vô bệnh viện

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Ai cũng đều đã hoặc sẽ có lúc phải đến bệnh viện vì một vấn đề sức khỏe nào đấy, và tá hỏa khi nhận được hóa đơn tính tiền.

Có những kinh nghiệm bạn cần bỏ túi ngay bây giờ để không phải hỡi ôi khi gặp phải những trường hợp khẩn cấp về tài chính lúc nhận hóa đơn từ bệnh viện.

Chẳng ai thích đến bệnh viện, càng sợ hơn khi phải trả viện phí không nhỏ. Cho dù chỉ là cơn đau bụng phải đi cấp cứu giữa đêm, hay phải trải qua cuộc giải phẫu được lên kế hoạch trước, thì những lần đến bệnh viện sẽ luôn khiến bạn và người thân rối rắm trong đám giấy tờ với các thông tin dày đặc toàn những biệt ngữ. Tệ hơn khi gặp phải nhân viên y tế quá kiệm lời để giải thích cặn kẽ các thắc mắc của bạn.

Chẳng ai thích đến bệnh viện, càng sợ hơn khi phải trả viện phí không nhỏ. (minh họa: Unsplash)

Trong tình huống đó, bạn sẽ phải thuận theo những gì bệnh viện đưa ra để rồi cuối cùng nhận được một hóa đơn khổng lồ và một khoản chi trả khiêm tốn của bảo hiểm. Và đây là những gì bạn có thể làm trước và trong thời gian nằm viện.

1.Kiểm tra bảo hiểm

Đầu tiên và quan trọng nhất, nếu bạn có bảo hiểm, bạn phải hiểu nó. Rất nhiều người nghĩ rằng “có bảo hiểm” là mọi thứ sẽ được thanh toán. Điều này không đúng. Một số bảo hiểm sẽ yêu cầu bạn phải được duyệt trước cho các thủ tục và nếu bạn không làm như vậy, ngay cả khi bảo hiểm của bạn có điều khoản thanh toán cho việc đó, bạn cũng sẽ không được chi trả.

Nếu bạn cần chuyển đến bệnh viện chuyên khoa, bạn phải có thư giới thiệu từ bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bạn ban đầu. Cũng như vậy, nếu bạn không làm điều này, bạn cũng có thể bị công ty bảo hiểm từ chối yêu cầu bồi thường, khiến cho viện phí của bạn bị đẩy lên. Điều cần lưu ý khác là các bác sĩ chăm sóc cho bạn không phải là chuyên gia bảo hiểm, và họ cũng không biết gì về phạm vi bảo hiểm của bạn. Vì vậy ngay cả khi bác sĩ của bạn bảo đảm mọi thứ sẽ được thanh toán, đừng dựa vào điều này, hãy tự kiểm tra chính trường hợp của bạn và liên lạc với công ty bảo hiểm để được xác nhận.

2.Không sử dụng những dịch vụ y tế không thuộc mạng lưới của công ty bảo hiểm

Công ty bảo hiểm có một nhóm các cơ sở, các nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe đã được họ phê duyệt, nơi họ có mức giá thương lượng. Họ sẽ không chấp nhận chi trả cho bất cứ dịch vụ nào khác ngoài mạng lưới đó. Vì vậy, bạn hãy chú ý đến chi phí của các dịch vụ ngoài mạng lưới để không bị bất ngờ về các khoản phải thanh toán.

Mặc dù đạo luật No Surprises Act of 2022 đã có chặng đường dài để giảm tối đa sự xuất hiện các chi phí bất ngờ từ các dịch vụ ngoài mạng lưới, nhưng có một danh sách dài các trường hợp ngoại lệ có thể khiến bạn gặp rắc rối. Đạo luật này cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe phải thông báo trước nếu họ có sử dụng những cơ sở dịch vụ ngoài mạng lưới. Họ phải nhận được sự đồng ý của bạn đối với việc sử dụng các cơ sở ngoài mạng lưới của họ với chi phí cao hơn.

Hãy chắc chắn rằng trong cơn bối rối ở bệnh viện, bạn sẽ không đồng ý mọi thứ trước khi đọc và kiểm tra kỹ để bệnh viện không toàn quyền sử dụng những mạng lưới không thuộc bảo hiểm.

Một số bảo hiểm sẽ yêu cầu bạn phải được duyệt trước cho các thủ tục và nếu bạn không làm như vậy, ngay cả khi bảo hiểm của bạn có điều khoản thanh toán cho việc đó, bạn cũng sẽ không được chi trả. (minh họa: Unsplash)

3.Ở chung phòng

Xu hướng thiết kế mới của bệnh viện đang hướng đến cách thức linh hoạt hơn để có thể thiết kế lại các phòng khi cần thiết. Tuy vậy vẫn còn rất nhiều phòng riêng đắt tiền trong bệnh viện. Hãy chú ý đến việc nhận phòng và yêu cầu chia sẻ phòng. Đối với một số người, đây có thể là trải nghiệm khổ sở khi phải ở chung với người lạ, nhưng là giải pháp giảm chi phí rất nhiều.

4.Ước tính chi phí

Đây là một ý hay khi bạn thực hiện ước tính trước chi phí cho một lần khám bệnh lớn. Chỉ là ước tính, nên thực tế chi phí sẽ thay đổi tùy thuộc vào các yếu tố khác hoặc những vấn đề bất ngờ khác, nhưng ít ra bạn biết bạn đang làm gì và sẽ cho bạn cơ hội để nhìn ra những gì không cần thiết và cũng để tránh bối rối trước một hóa đơn lớn.

Thực tế, bạn hoàn toàn có thể làm một nghiên cứu trước về các chi phí mà các công ty bảo hiểm thương lượng với các bệnh viện, điều được yêu cầu phải công khai, theo luật Liên bang. Tìm hiểu mọi thứ bạn có thể thông qua các trang web và các công cụ tìm kiếm, bạn sẽ có cơ sở để phát hiện ra những sai sót và những chi phí không hợp lý.

Bạn hoàn toàn có thể làm một nghiên cứu trước về các chi phí mà các công ty bảo hiểm thương lượng với các bệnh viện. (minh họa: Unsplashl)

5.Không ứng trước

Càng ngày các bệnh viện càng gây áp lực buộc bệnh nhân phải trả trước các ca phẫu thuật hoặc các dịch vụ khác, hoặc ít nhất là đặt cọc nếu họ không thể thanh toán toàn bộ. Tùy thuộc vào phạm vi bảo hiểm của bạn, có thể số tiền bạn phải thanh toán thấp hơn nhiều khoản tiền bạn đã ứng trước, và bạn sẽ phải mất rất nhiều thời gian để lấy lại số tiền từ bệnh viện. Vì vậy bạn hãy từ chối với đề nghị ứng trước của bệnh viện và nói với họ rằng bạn sẽ đợi để nhận được tuyên bố của công ty bảo hiểm của bạn.

6.Biết tình trạng của mình

Ngay khi nhập viện, hãy xác định tình trạng chính xác của bạn ở đó. Hai trạng thái phổ biến nhất là điều trị nội trú và chỉ cần theo dõi. Điều này rất quan trọng vì nếu bạn nhập viện với sự giám sát, thì về mặt kỹ thuật đây được coi là bệnh nhân ngoại trú ngay cả khi bạn ở trong bệnh viện. Do vậy bạn sẽ không được chi trả như bệnh nhân nội trú. Nên khi nhập viện trong tình trạng được giám sát, bạn hãy yêu cầu bệnh viện giải thích lý do tại sao bạn không được nhập viện như bệnh nhân nội trú.

Càng ngày các bệnh viện càng gây áp lực buộc bệnh nhân phải trả trước các ca phẫu thuật hoặc các dịch vụ khác, hoặc ít nhất là đặt cọc nếu họ không thể thanh toán toàn bộ. (minh họa: Unsplash)

7.Giám sát mọi thứ khi ở trong bệnh viện

Khi ở trong bệnh viện, bạn cần tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe của mình. Nhưng bạn, hoặc người chăm sóc cho bạn, cũng nên chú ý đến những gì xảy ra chung quanh, vì chi phí có thể tăng lên nếu bạn không cẩn thận.

Một thí dụ về trường hợp các loại thuốc thông thường. Khi vào bệnh viện bác sĩ sẽ không cho bệnh nhân đem theo bất cứ loại thuốc nào kể cả các loại thuốc thông thường như Aspirin và Acetaminophen. Điều đó có nghĩa là khi bạn bị nhức đầu, bạn sẽ phải yêu cầu thứ gì đó như Tylenol và nhận nó từ y tá. Nhưng mỗi viên thuốc họ giao sẽ kèm theo chi phí. Vì vậy cần lưu ý bất cứ món gì bạn yêu cầu hoặc đề nghị sẽ được đưa vào hóa đơn. Điều này bao gồm cả việc thăm nom, tư vấn của bác sĩ và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Mỗi nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe bước vào phòng của bạn và tương tác với bạn, việc này được xem như một cuộc tư vấn và mỗi cuộc tư vấn đều được thêm vào hóa đơn của bạn. Vì vậy bạn nên biết lý do và sự cần thiết được tư vấn hoặc chăm sóc của các dịch vụ này.

8.Đánh giá thiết bị

Khi bạn xuất viện, nhóm chăm sóc sức khỏe có thể sẽ giao cho bạn một đống các thiết bị hỗ trợ như gậy, dây treo, cùng các thiết bị khác. Và bạn yên tâm rằng bảo hiểm sẽ chi trả tất cả.

Nhưng trừ khi bạn đã kiểm tra chính xác, nếu không đúng như vậy, bạn cần đánh giá từng thiết bị trước khi nhận. Bạn thường có thể mua những thứ này với giá rẻ hơn nhiều ở hiệu thuốc địa phương hoặc nhà bán lẻ trực tuyến. Nếu công ty bảo hiểm của bạn không chi trả, bạn sẽ phải trả một số tiền lớn cho những thứ bạn chỉ sử dụng trong thời gian ngắn.

(theo Lifehacker)

(SGN)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thêm bình luận

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.