Home Chuyên MụcBình Luận Thế giới cần cảnh giác trước màn rình mò của Trung Quốc

Thế giới cần cảnh giác trước màn rình mò của Trung Quốc

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Hoa Kỳ khẳng định khí cầu Trung Quốc (TQ) là một phần của chương trình giám sát trên không rộng lớn tại nhiều nước trên thế giới.

Bắc Kinh tung công cụ do thám công nghệ thấp khắp thế giới

Các quan chức Mỹ cho biết chương trình khí cầu gián điệp được điều hành từ tỉnh Hải Nam ngoài khơi bờ biển phía Nam TQ đã thu thập thông tin quân sự của một số quốc gia trong nhiều năm qua. Cộng đồng tình báo Mỹ đã liên kết vụ khí cầu do thám TQ bị bắn hạ mới đây với chương trình giám sát rộng lớn do Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung hoa (PLA) điều hành; và phía Mỹ cũng bắt đầu thông báo tóm tắt cho các đồng minh về chương trình gián điệp mờ ám này.

Hoạt động từ nhiều năm qua, khí cầu TQ đã thu thập thông tin về các cơ sở quân sự ở nhiều quốc gia và khu vực có lợi ích chiến lược gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Đài Loan và Philippines. Một số quan chức Mỹ và những người khác được tờ The Washington Post phỏng vấn với điều kiện giấu tên cho biết những khí cầu giám sát do lực lượng không quân PLA vận hành, đã được phát hiện trên năm châu lục.

Một quan chức nói: “Những gì TQ đang làm là nỗ lực lớn sử dụng một công nghệ cũ đến khó tin, và kết hợp nó với công nghệ quan sát và liên lạc hiện đại để cố thu thập thông tin tình báo về quân đội của các quốc gia nằm trong tầm ngắm của họ”. Đầu tuần này, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã chủ trì một cuộc họp ngắn về hoạt động gián điệp khí cầu của TQ cho chừng 150 người từ khoảng 40 đại sứ quán nước ngoài.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã gửi tới các Đại sứ quán Hoa Kỳ trên thế giới thông tin chi tiết về hoạt động gián điệp để tuỳ nghi chia sẻ với các đồng minh và đối tác, trong đó có đồng minh thân cận Nhật Bản, nơi có các cơ sở quân sự là mục tiêu của Bắc Kinh – một quan chức biết về cuộc họp nói với The Washington Post.

Tại Nhật Bản vào năm 2020, một khí cầu từng bị phát hiện. Một quan chức Nhật Bản cho biết: “Có người tưởng đây là UFO, nhưng thật sự đó là một khí cầu gián điệp của TQ. Nhưng vào thời điểm đó, việc cho rằng do thám bằng khí cầu là chuyện không thể vì nó chưa từng xảy ra. Lần này, mọi người thấy họ đã sai”. Một quan chức khác nhận xét: “Trong khi hầu hết nỗ lực giám sát tầm xa của TQ được thực hiện bằng hệ thống vệ tinh quân sự mở rộng, các nhà chiến lược PLA vẫn tận dụng cơ hội tiến hành giám sát từ tầng khí quyển phía trên độ cao máy bay thương mại bằng khí cầu bay cao từ 60,000 đến 80,000 feet hoặc cao hơn”.

Các nhà phân tích vẫn chưa biết quy mô của đội khí cầu TQ, nhưng chúng đã tiến hành hàng chục nhiệm vụ bí mật kể từ năm 2018. PLA sử dụng công nghệ do một công ty tư nhân TQ phát triển (một phần trong nỗ lực hợp nhất dân sự-quân sự của đất nước) để tiến hành hoạt động do thám bằng khí cầu. Trong một cuộc họp báo sau khi khí cầu TQ bị bắn hạ, các quan chức cấp cao của Ngũ Giác Đài đã ám chỉ đến chương trình của PLA và lưu ý khí cầu TQ cũng hoạt động tại những nơi khác ở Tây bán cầu.

Một quan chức quốc phòng cấp cao nêu rõ:

“Những khí cầu này đều thuộc đội khí cầu được TQ phát triển để tiến hành các hoạt động giám sát, vi phạm chủ quyền của các quốc gia khác. Chúng tôi thẳng thừng bác bỏ khẳng định của TQ khí cầu của họ đi qua lãnh thổ Mỹ là một khí cầu khí tượng bị thổi chệch hướng. Nói thế là sai hoàn toàn. Đây thực sự là khí cầu được giao nhiệm vụ giám sát các địa điểm quân sự nhạy cảm ở Mỹ và Canada”.

Không thể xem thường

Trong khi một số nhà bình luận xem nhẹ ý đồ do thám khí cầu của TQ, nêu lý do rằng nó không có nền tảng công nghệ cao nhất, số đông khác tỏ ra thận trọng hơn. “Đối với những người có quan điểm lạc quan về khả năng thu thập thông tin tình báo kém của khí cầu này, tôi nghĩ họ đang đánh giá thấp những cách thức sáng tạo mà PLA có thể sử dụng cho mục đích tình báo và giám sát, hoặc như một bệ phóng vũ khí” – Dân biểu Mike Gallagher (Cộng hoà-Wisconsin), Chủ tịch Ủy ban Chọn lọc về TQ, nhận định.

Nghiên cứu về đường bay của khí cầu bị bắn hạ đã giúp lấp đầy khoảng trống hiểu biết về bốn khí cầu TQ từng bay qua Hawaii, Florida, Texas và Guam trước đó (ba chiếc bay trong nhiệm kỳ Trump nhưng mới đây người ta mới biết đó là khí cầu TQ). Riêng khí cầu bị rơi ngoài khơi quần đảo Hawaii vào Tháng Sáu năm ngoái có chứa các thông tin hữu ích như thông tin về loại công nghệ TQ đang sử dụng.

Một số khí cầu được trang bị cảm biến điện quang hoặc máy ảnh kỹ thuật số, tùy thuộc vào độ phân giải của chúng có thể chụp được những hình ảnh có độ chính xác cao. Chúng cũng được trang bị tín hiệu vô tuyến và khả năng truyền vệ tinh.

Hải Nam, một trong những địa điểm được xem là nơi xuất phát của các khí cầu TQ, là một hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía Nam TQ. Từ lâu Hải Nam đã là một địa điểm chỉ huy và kiểm soát khu vực của PLA. Dù được biết đến nhiều hơn với căn cứ hải quân, nhưng hòn đảo có một sân bay từng là căn cứ của máy bay chiến đấu đánh chặn J-8 của TQ mà một chiếc từng va chạm với một máy bay do thám EP-3 của Mỹ vào năm 2001.

Khí cầu do thám mới bị bắn hạ đi vào không phận Mỹ qua ngã Alaska vào ngày 28 Tháng Một 2023, đi vào phía Bắc quần đảo Aleutian, quay trở lại đất liền Alaska, qua Canada rồi đến phía Bắc Idaho nhưng Ngũ Giác Đài chỉ thừa nhận sự hiện diện của nó sau khi NBC News đưa tin Bộ Quốc phòng đang theo dõi một khí cầu trên Montana.

Các công nghệ mới đã cho phép phát hiện những dấu vết tình báo “measurement and signature intelligence” (MASINT), gồm thông tin về radar hoặc tín hiệu điện từ, chẳng hạn những tín hiệu có thể được phát ra từ khí cầu do thám. Chính việc nhờ sử dụng công nghệ này mà giới quân sự có thể xác định được bốn khí cầu từng “lạc” vào đất Mỹ là của TQ. Các quan chức Mỹ tin rằng TQ đã sử dụng nhiều khí cầu để theo dõi các mục tiêu trên mặt đất.

Khí cầu thường không sử dụng công nghệ tiên tiến nhất, nên trong hầu hết các trường hợp, các cảm biến trên khí cầu không thu được nhiều thông tin hơn những gì thu được bằng vệ tinh. Nhưng khí cầu có thể nán lại mục tiêu trong nhiều giờ, trong khi một vệ tinh quay quanh Trái đất chỉ có vài phút để chụp ảnh mục tiêu đó. Một lợi thế khác là khí cầu, giống như máy bay không người lái, có thể được điều khiển từ xa với tốc độ khoảng 30 đến 60 dặm một giờ. Và bởi vì khí cầu trôi theo gió ở độ cao lớn, nên đường đi của chúng khó dự đoán hơn nên khó theo dõi hơn. Khí cầu cũng rẻ hơn nhiều để sản xuất và phóng đi so với các vệ tinh trên không gian.

(SGN)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thêm bình luận

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.