Home Tin TứcTin Thế Giới Ai Cập dùng tiền viện trợ Hoa Kỳ để sản xuất hỏa tiễn cho Nga?

Ai Cập dùng tiền viện trợ Hoa Kỳ để sản xuất hỏa tiễn cho Nga?

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Chuyện khó tin nhưng có thật?

Tổng thống Abdel Fatah El-Sisi của Ai Cập, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông và là nước nhận viện trợ chính của Mỹ (nhận hơn $1 tỷ một năm viện trợ an ninh trong nhiều thập niên) đã ra lệnh sản xuất hơn 40,000 hoả tiễn để bí mật chuyển đến Nga – The Washington Post cho biết.

Một phần của tài liệu tuyệt mật Ngũ Giác Đài đề ngày 17 Tháng Hai đã tóm tắt các cuộc trò chuyện “chủ đề hoả tiễn” giữa Sisi và các quan chức quân sự cao cấp về kế hoạch cung cấp đạn và hoả tiễn cho Nga. Sisi không quên chỉ thị các cấp dưới giữ bí mật để tránh “làm mất lòng” phương Tây.

Tiết lộ mới được đưa ra trong bối cảnh Nga cả hai bên Nga và Ukraine đều đang tìm cách bổ sung các kho vũ khí đã cạn kiệt. Trả lời câu hỏi của tờ The Washington Post về tài liệu trên và tính xác thực của các cuộc họp “chủ đề hoả tiễn” trong tài liệu, Đại sứ Ahmed Abu Zeid, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ai Cập, vẫn khẳng định:

“Lập trường của Ai Cập ngay từ đầu là không can dự vào cuộc khủng hoảng và cam kết duy trì khoảng cách bình đẳng với cả hai bên. Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ của Ai Cập với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế thể hiện trong các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ; tiếp tục kêu gọi cả hai bên chấm dứt hành động thù địch và tìm kiếm giải pháp chính trị thông qua đàm phán”.

Cung cấp vũ khí cho Nga để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine sẽ là một nước cờ nguy hiểm đối với Ai Cập, quốc gia có quan hệ sâu với Moscow nhưng vẫn củng cố quan hệ đối tác với Mỹ. Tài liệu không nói rõ tại sao Nga quan tâm đến việc mua hoả tiễn của Ai Cập nhưng quân đội Nga đang thiếu lượng lớn đạn dược trong chiến tranh và theo chính phủ Mỹ, sau Iran, Bắc Hàn đã bí mật cung cấp vũ khí cho Nga và Trung Quốc cũng bị Mỹ phát hiện định làm tương tự.

Ai Cập và các đối tác khác của Mỹ ở Trung Đông đã cố gắng đứng ngoài cuộc đối đầu giữa phương Tây với Nga về Ukraine nhưng vẫn tìm kiếm một bảo đảm khác để thay thế vai trò đang suy giảm của Mỹ trong khu vực cũng như các phương tiện mới để đảm bảo an ninh kinh tế và quân sự của họ. Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã làm tăng giá hàng hóa trên toàn cầu, gây áp lực nghiêm trọng lên Ai Cập, nhà nhập khẩu lúa mì hàng đầu thế giới với hơn 80% lúa mì nhập từ Nga và Ukraine trong những năm gần đây.

Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập (phải) Mohamed Ahmed Zaki và Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry (trái) trong chuyến công du Moscow năm 2019 (ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency/Getty Images)

Bắt cá hai tay

“Ai Cập là một trong những đồng minh lâu đời nhất của chúng tôi ở Trung Đông – Thượng nghị sĩ Chris Murphy (Dân chủ-Connecticut) thuộc Ủy ban Đối ngoại và Phân bổ ngân sách Thượng viện nói – Nếu đúng là ông Sisi đang bí mật chế tạo hoả tiễn cho Nga để sử dụng ở Ukraine, chúng ta cần phải tính toán lại về mối quan hệ giữa hai nước”.

Bà Sarah Margon, giám đốc chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tại Open Society Foundations và là ứng viên từng được chính quyền Biden đề cử cho chức vụ nhân quyền hàng đầu của Bộ Ngoại giao, nhận định: “Việc bán và giao tên lửa cho chính phủ Nga, kẻ gây chiến và phạm các tội ác tàn bạo khác, là điều không nên có, đặc biệt là đối với một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ. Tiết lộ trong tài liệu, nếu đúng, đặt ra câu hỏi liệu Hoa Kỳ có nên tiếp tục bảo vệ và hỗ trợ Ai Cập không khi chính phủ Sisi tìm kiếm một thương vụ có lợi cho nhu cầu trước mắt bất chấp tác động xấu đền an ninh thế giới”.

Tài liệu cho thấy khi Sisi ra chỉ thị giữ bí mật việc cung cấp hoả tiễn cho Nga để “tránh các vấn đề với phương Tây”, ông nói với một người tên Salah al-Din (có lẽ là Mohamed Salah al-Din, bộ trưởng nhà nước về sản xuất quân sự): “Các công nhân nhà máy cần được thông báo số hoả tiễn là dùng cho quân đội Ai Cập”. Theo tài liệu mật, Nhà máy sản xuất hóa chất 18 sẽ đảm trách cung cấp thuốc súng cho Nga. Tài liệu trích câu trả lời lời Salah al-Din: “Tôi sẽ ra lệnh cho công nhân làm việc theo ca nếu cần thiết vì đó là điều tối thiểu Ai Cập có thể làm để đền đáp sự giúp đỡ vô bờ trước đó của nước Nga. Người Nga nói với tôi họ sẵn sàng mua bất cứ thứ gì”.

Tài liệu không nói rõ sự giúp đỡ trước đó của Nga là gì. Gần đây, Moscow và Cairo đã ký kết một số thỏa thuận quan trọng, chẳng hạn Nga sẽ xây dựng một xưởng đường sắt lớn ở Ai Cập. Năm ngoái, tập đoàn năng lượng nguyên tử nhà nước Nga Rosatom đã bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Ai Cập. Có lẽ quan trọng nhất, khi cuộc chiến Ukraine làm gián đoạn nguồn lúa mì từ Ukraine, Cairo bắt đầu phụ thuộc nhiều vào ngũ cốc của Nga để tránh cuộc khủng hoảng lương thực gây bất ổn xã hội tại một quốc gia mà sự nghèo đói lan rộng và bánh mì có vị trí quan trọng trong hầu hết các bữa ăn.

Chính phủ Sisi không hề muốn thấy cuộc nổi dậy trong nước do khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, đồng tiền mất giá, lạm phát cao và giá lương thực tăng vọt khuấy động sự thất vọng của người dân. Trong tài liệu, Sisi nói ông đang cân nhắc sản xuất thêm hỏa tiễn Sakr 45. Tài liệu không nói rõ liệu các hoả tiễn được sản xuất cho Nga có phải là Sakr 45 không, nhưng chúng tương thích với các bệ phóng tên lửa đa nòng Grad của Nga.

Đùa với lửa

Việc Ai Cập cung cấp vũ khí cho chính phủ Nga, nếu có, chắc chắn sẽ kích hoạt các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Các công ty thuộc sở hữu của quân đội đã phát triển mạnh dưới thời Sisi với một số nhà máy quân sự mới mọc lên trong những năm gần đây như Nhà máy 300 khánh thành năm 2020 chuyên sản xuất vũ khí nhỏ, đạn dược và hoả tiễn.

Cùng năm đó, Ai Cập lên kế hoạch mở rộng sản xuất thêm đạn dược và các bộ phận vũ khí khác nhau. Dù tài liệu không nêu rõ cách chính phủ Mỹ thu thập thông tin chi tiết các cuộc họp mật của Sisi, nhưng từ lâu, tình báo Mỹ có khả năng nghe lén rộng khắp và có bề dày chặn liên lạc của các nhà lãnh đạo nước ngoài. Những cuộc họp “chủ đề” của Sisi diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken gặp Tổng thống Ai Cập trong chuyến thăm Cairo. Ngay sau chuyến thăm của Blinken, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry tới Moscow để gặp các lãnh đạo Nga.

Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ai Cập trở nên căng thẳng trong những năm gần đây khi chính quyền Biden tăng áp lực lên chính phủ Sisi về các hoạt động đàn áp xã hội dân sự, giam giữ những người bất đồng chính kiến ​​và sử dụng vũ lực chống lại chỉ trích. Sarah Yager, giám đốc Human Rights Watch tại Mỹ, tổ chức từng kêu gọi cấm vận vũ khí Ai Cập vì lực lượng an ninh nước này tham gia vào các vụ vi phạm nhân quyền, cảnh báo: “Tôi đặt câu hỏi là liệu có bất kỳ khoản tiền viện trợ an ninh nào của Mỹ được sử dụng để sản xuất những vũ khí chuyển đến Nga không?”.

(SGN)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thêm bình luận

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.