Home Tin TứcTin Thế Giới Người Nga ở Việt Nam im tiếng về cuộc chiến Ukraine, sợ ‘vòi bạch tuộc’ của Moscow

Người Nga ở Việt Nam im tiếng về cuộc chiến Ukraine, sợ ‘vòi bạch tuộc’ của Moscow

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Một ngày dài của Dmitriy thường kết thúc bằng cuộc gọi video lúc nửa đêm qua tới sáng. Việc này đã trở thành thông lệ hàng ngày của anh từ mấy tháng nay và có lẽ là nguồn an ủi duy nhất cho anh trong lúc này. Bên kia đường truyền là vợ anh. Họ cách nhau gần 8.000 kilômét và bốn múi giờ.

Họ hạnh phúc được nhìn thấy nhau và trò chuyện với nhau, nhưng chẳng ai biết đến bao giờ có thể gặp lại nhau lần nữa. Bao nhiêu ngày xa cách là bấy nhiêu thương nhớ, và bao nhiêu câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời. Khi họ đối diện nhau cũng là lúc họ đối diện những hiện thực mà họ buộc phải chấp nhận. Chấp nhận để sinh tồn.

Anh ở Việt Nam, vợ anh ở Nga, và ở giữa họ là một cuộc chiến tàn khốc.

Dmitriy, đến từ một thành phố lớn của Nga, rời bỏ đất nước để tránh lệnh huy động quân sự một phần được ban bố vào tháng 9 năm ngoái nhằm bổ sung lính cho cuộc xâm lược toàn diện mà Tổng thống Vladimir Putin đang tiến hành nhắm vào nước láng giềng Ukraine. Anh nói anh không muốn “thí mạng” cho điều được gọi “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà anh cực lực phản đối.

Dmitriy, cũng như những công dân Nga khác ở Việt Nam mà VOA Tiếng Việt tiếp xúc, kể về trải nghiệm sống ở một nước Nga ngày càng áp chế và bất khoan dung đối với những tiếng nói phản chiến, cũng như về nỗi sợ hãi khi nương náu ở một quốc gia sẵn sàng trấn áp và trục xuất theo yêu cầu của Moscow những người có hành vi bị xem là không mong muốn.

Những người này hiện đang cư trú ở các thành phố thuộc vùng nam trung bộ và đông nam bộ của Việt Nam. Gần như tất cả đều yêu cầu được ẩn danh để có thể phát biểu thẳng thắn quan điểm của mình. VOA đồng ý không nêu cụ thể chi tiết nơi ở và công việc của một số người tại Nga và Việt Nam do họ lo sợ bị nhà chức trách hai nước này nhắm mục tiêu trả đũa.

Lời kể của họ vẽ nên một bức tranh nước Nga ảm đạm và ngột ngạt cho những người bất đồng chính kiến và một tương lai phủ mờ bởi sự vô định và thậm chí bế tắc cho một số người. Dù không hoàn toàn an toàn, Việt Nam cho họ một nơi dung thân tạm thời và một cơ hội để mưu sinh trong khi họ trù tính những bước đi kế tiếp trên hành trình tị nạn của mình.

Sợ hãi và im tiếng

Khi chiến tranh bùng nổ vào ngày 24 tháng 2 năm ngoái, Dmitriy nói anh bị “sốc nặng” và không thể ăn hay ngủ được trong tháng đầu tiên. Khi anh bày tỏ sự phản đối của mình đối với hành động của Nga và sự cảm thông dành cho người dân Ukraine trên mạng xã hội, anh nhận được những tin nhắn gọi anh là “kẻ phản bội,” anh nói.

Đối mặt với sự kháng cự kiên cường của người Ukraine, cuộc chiến mà ông Putin tưởng sẽ giành chiến thắng chớp nhoáng vấp phải hàng loạt những chướng ngại trên chiến trường trong những tháng sau đó. Ông ban hành sắc lệnh huy động một phần để tiếp thêm nhân lực cho quân đội đối mặt với sĩ khí suy giảm. Kết quả là hàng trăm ngàn công dân nam được gọi nhập ngũ.

Cuộc huy động chính thức hoàn tất vào cuối tháng 10 nhưng nhà chức trách vẫn tiếp tục trưng binh, Dmitriy nói. Đó là lúc anh quyết định rời khỏi Nga để bảo toàn tính mạng. Vợ anh ở lại tiếp tục làm việc để duy trì nguồn thu nhập và hỗ trợ anh trong những lúc anh chật vật mưu sinh ở nước ngoài.

Một quân nhân dự bị người Nga chia tay người thân trước khi lên đường tới căn cứ trong đợt huy động binh lính một phần nhằm hỗ trợ chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine, tại thị trấn Gatchina thuộc Vùng Leningrad, Nga, ngày 1 tháng 10 năm 2022.


Một quân nhân dự bị người Nga chia tay người thân trước khi lên đường tới căn cứ trong đợt huy động binh lính một phần nhằm hỗ trợ chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine, tại thị trấn Gatchina thuộc Vùng Leningrad, Nga, ngày 1 tháng 10 năm 2022.
Một nhóm người Nga đi bộ sau khi băng qua biên giới tại Verkhny Lars giữa Gruzia và Nga ở Gruzia, ngày 27 tháng 9 năm 2022. Một ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh huy động một phần để tiếp thêm binh lính cho cuộc chiến ở Ukraine, nhiều người Nga bỏ nhà ra đi.


Một nhóm người Nga đi bộ sau khi băng qua biên giới tại Verkhny Lars giữa Gruzia và Nga ở Gruzia, ngày 27 tháng 9 năm 2022. Một ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh huy động một phần để tiếp thêm binh lính cho cuộc chiến ở Ukraine, nhiều người Nga bỏ nhà ra đi.

Giờ anh làm việc 12 tiếng mỗi ngày, không nghỉ ngày nào, cốt sao kiếm được càng nhiều tiền càng tốt trong khoảng thời gian ngắn nhất để có thể mau chóng rời Việt Nam, nơi mà anh biết đã hợp tác với yêu cầu của Nga trục xuất hoặc ép một số công dân Nga phản đối cuộc chiến phải xuất cảnh.

“Nga truy lùng những người chống đối Putin ở khắp mọi nơi,” anh nói “Việt Nam có rất nhiều đặc vụ FSB (Tổng cục An ninh Liên bang Nga) và cảnh sát Nga đến du lịch. Họ luôn theo dõi kiều dân qua các mạng xã hội ở Việt Nam.”

“Dân Nga ở địa phương sợ lên tiếng về chính trị vì rắc rối có thể xảy ra. Nhà chức trách sẽ hủy visa hoặc tìm một cái cớ để bắt họ không được ở đây nữa,” anh nói thêm.

Một cuộc điều tra của VOA phát hiện ít nhất ba trường hợp công dân Nga trong năm 2022 và đầu năm 2023 đã bị Nga yêu cầu Việt Nam trục xuất vì quan điểm phản đối chiến tranh hoặc vì họ chỉ trích chính phủ Nga. Nhà chức trách Việt Nam chấp hành yêu cầu trục xuất đối với một người và gây áp lực khiến một người khác rời đi trong tư cách người tị nạn. Người còn lại, dù không bị phía Việt Nam tác động, đã chủ động xuất cảnh sau khi lãnh sự quán Nga gửi yêu cầu trục xuất bằng văn bản cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Nga và đại sứ quán Nga ở Việt Nam không hồi đáp những câu hỏi chi tiết của VOA về các trường hợp này. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng không phản hồi yêu cầu bình luận nhưng sau khi bài báo được đăng tải thì lên tiếng bác bỏ việc họ tiếp tay cho Nga đàn áp những kiều dân phản đối chiến tranh.

Tại Nha Trang, nơi mà kiều dân Nga tập trung đông đúc, những vụ việc này như một lời cảnh báo nghiêm trọng về những hậu quả khả dĩ của việc công khai lên tiếng chống đối cuộc chiến ở Ukraine. Kết quả là nhiều người cảm thấy lo sợ và không lên tiếng nữa, những người Nga sống lâu năm ở đây cho VOA biết.

“Tôi không nghĩ biểu tình ở Việt Nam có ích gì mà còn khiến chúng tôi bị trả về Nga,” Alex, một kiều dân Nga sống ở Nha Trang từ năm 2013, nói. Anh yêu cầu được ẩn danh để có thể thẳng thắn chia sẻ những suy nghĩ và lý lịch của mình khi còn ở Nga.

“Tôi không thấy an toàn ở đây. Chuyện của Sergey [Kuropov, một công dân Nga bị yêu cầu trục xuất,] là lý do vì sao tôi im lặng. Việt Nam là bạn của chính phủ chúng tôi. Chúng tôi không thể nói về chiến tranh được,” anh giải thích.

“Tôi không muốn trở về Nga. Những người sống ở Nga giờ rất bệnh hoạn và điên rồ. Tất cả là tại tuyên truyền,” cựu thiếu úy từng phục vụ trong quân đội Nga từ năm 2001 đến năm 2007 nhận định.

“Nếu tôi còn ở Nga, chắc chắn 100% tôi sẽ bị điều tới Ukraine vì họ cần sĩ quan quân đội chuyên nghiệp. Các đồng nghiệp cũ của tôi giờ vẫn còn trong quân đội, không nhiều, có lẽ 30-50 đồng nghiệp. Thật ra họ không ủng hộ chính phủ trong cuộc chiến này nhưng họ không thể phá hợp đồng. Và họ cũng nói quân đội đang trong tình trạng hỗn loạn,” anh cho biết.

“Giờ các bạn của tôi là con tin của quân đội này, họ không thể từ nhiệm, nhưng cũng không muốn chiến đấu chống lại Ukraine.”

Vladislav Kurchanov, công dân Kazakhstan gốc Nga sống ở Nha Trang trong tám năm qua, là một trong số những người tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa phản đối chiến tranh tại quảng trường của thành phố vào tháng 2 năm ngoái. Họ tụ tập và giơ biểu ngữ được khoảng 10 phút thì bị “những người mặc thường phục” tới yêu cầu giải tán, theo lời anh thuật lại.

Sau đó, thông qua những người nói tiếng Nga, công an nói rằng những cuộc tụ tập như vậy là bất hợp pháp ở Việt Nam vì Việt Nam không có chiến tranh với ai cả, và rằng Nha Trang là thành phố du lịch và một số người có thể không thích những cuộc tập hợp như vậy, anh cho biết. Vì vậy không có cuộc tập hợp nào được tổ chức ở Nha Trang nhân dịp kỉ niệm tròn một năm cuộc chiến vừa qua.

“Hầu hết những người quen của tôi sống ở Việt Nam và không định trở lại Nga, vì vậy họ không sợ bị chính quyền Nga trả đũa,” anh nói. “Nhưng bây giờ có rất nhiều người Nga ở Nha Trang chạy trốn lệnh huy động quân sự. Những người này sợ viết gì đó tiêu cực vì họ muốn trở về quê hương trong tương lai và không muốn gặp rắc rối.”

Một cuộc biểu tình chỉ với ba người tham dự được tổ chức ở Vũng Tàu vào ngày 24 tháng 2 năm nay bị công an nhanh chóng trấn áp. Constantine Zaitsev, người đứng ra kêu gọi cuộc tập hợp này trên Facebook, nói với VOA anh bị công an ráo riết truy đuổi sau đó. Họ cũng tìm cách khai thác từ anh thông tin về một người tham gia biểu tình, anh cho biết.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ là tụ tập biểu tình ở đây lại nguy hiểm như vậy,” anh nói.

Một nhà hàng ở Nha Trang với bảng hiệu bằng tiếng Nga, ngày 1 tháng 4 năm 2023 (Ảnh: Sergey Prekrasnyy)


Một nhà hàng ở Nha Trang với bảng hiệu bằng tiếng Nga, ngày 1 tháng 4 năm 2023 (Ảnh: Sergey Prekrasnyy)

Nương náu ở Nha Trang

Khó biết chính xác bao nhiêu người Nga đã rời khỏi đất nước kể từ lệnh huy động một phần vào tháng 9, nhưng con số này có thể lên tới hàng trăm ngàn người, theo các bản tin của truyền thông và số liệu do các nước láng giềng công bố.

Tờ báo độc lập Novaya Gazeta Europe đưa tin vào ngày 26 tháng 9 rằng 261.000 người đã rời đi kể từ khi lệnh huy động được ban bố, trích dẫn một nguồn tin từ Điện Kremlin. Con số này có thể được xác minh độc lập, theo Reuters.

Moscow phủ nhận một số bản tin đăng trên truyền thông Nga nói rằng 700.000 người Nga đã rời khỏi đất nước kể từ khi có thông báo.

Ngày 4 tháng 10, Forbes Russia đưa tin số người đã rời khỏi đất nước kể từ khi ông Putin ra lệnh huy động quân sự có thể lên tới 700.000 người, dẫn một nguồn tin từ Điện Kremlin.

Những người Nga đến Việt Nam, đặc biệt là Nha Trang, sau khi lệnh huy động được ban bố cho VOA biết họ chọn nơi này nương náu vì chi phí sinh hoạt thấp và chất lượng cuộc sống tương đối tốt, những yếu tố quan trọng đối với nhiều người chưa thu xếp được nguồn ngân quỹ dư dả để chi tiêu khi họ vội vã rời đi.

Số liệu thống kê của Tổng Cục Du lịch Việt Nam cho thấy số lượt du khách Nga ước tính nhập cảnh Việt Nam tăng dần đều từ tháng 9 ở mức 3.135 lên đến 10.281 vào tháng 12 năm ngoái. Con số này tiếp tục tăng lên đến 12.812 vào tháng 1 năm nay trước khi giảm dần xuống mức 10.751 vào tháng 3 vừa qua.


Chủ một đại lý du lịch ở Nha Trang ước tính anh đã bán vé máy bay và giúp xin thị thực điện tử cho khoảng 2.000 người Nga nhập cảnh Việt Nam, và con số này có thể còn cao hơn.

“Trước lệnh huy động số hồ sơ xin visa mỗi ngày là từ 0 tới 2, sau đó lên 12 tới 20 mỗi ngày cho tới tháng 12. Vé máy bay cũng vậy,” doanh nhân người Nga này nói với VOA, yêu cầu được ẩn danh. “Đối thủ cạnh tranh chính của tôi cũng đạt được con số tương tự. Cùng nhau, chúng tôi chiếm khoảng 80% số lượng hồ sơ xin visa và vé máy bay.”

Anh Kurchanov, người có nhiều mối quan hệ trong cộng đồng kiều dân nói tiếng Nga ở Nha Trang, cho biết trước đại dịch COVID-19, có khoảng 4.000 người nói tiếng Nga thường trú ở Nha Trang không kể khách du lịch. Sau dịch còn khoảng 800 người. Thêm 2.000 người nữa đến từ Nga sau khi chiến tranh bắt đầu và lệnh huy động được ban bố.

“Số liệu thống kê này là không chính thức,” anh lưu ý. “Đây là từ một phân tích về số lượng người đăng ký mới trong các nhóm trò chuyện của người nói tiếng Nga trên Telegram và số lượng căn hộ được cho thuê.”

Sergey Prekrasnyy đến Việt Nam vào đầu năm 2023 theo lời mách bảo của một người bạn đã tới Việt Nam để tránh lệnh huy động. Trước đó anh ở Thổ Nhĩ Kỳ và Gruzia, nơi anh bay tới một ngày trước khi lệnh huy động được loan báo, anh cho biết. Lý do là vì anh sợ bị bắt nhập ngũ và có thể bị chính phủ đàn áp vì quan điểm phản chiến của mình.

Quyết định ra đi không dễ dàng đối với công dân Nga 29 tuổi này đến từ Moscow, nơi anh sống cả cuộc đời. Anh để lại người bạn gái và đứa con gái của cô từ cuộc hôn nhân trước, hiểu rằng anh sẽ “không bao giờ quay trở lại.”

“Tôi là người thuộc sắc dân Ukraine, tất cả họ hàng của tôi đều là người Ukraine, bà nội của tôi giờ vẫn còn ở lại Ukraine,” anh cho biết. “Tôi không thể quay lưng lại với chính dân tộc của mình.”

Sergey Prekrasnyy trong một bức ảnh chụp ở thành phố Yaroslavl, Nga, năm 2021


Sergey Prekrasnyy trong một bức ảnh chụp ở thành phố Yaroslavl, Nga, năm 2021

Anh Prekrasnyy đồng ý công khai danh tính của mình vì anh nói anh thường xuyên bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội nên thấy không cần phải ẩn danh. Dù vậy, anh cảm thấy “hơi sợ” việc nhà chức trách Việt Nam đang giúp đỡ Nga nhắm mục tiêu vào những người bất đồng chính kiến, anh nói.

Giờ anh đang tìm cách sinh tồn lại Việt Nam trong khoảng thời gian ngắn ngủi mà anh dự định lưu lại đây. Anh tiếp tục bán dần tài sản của mình ở Nga để gom góp tiền chuẩn bị cho hành trình kế tiếp bất kể bạn gái của anh cuối cùng có quyết định rời Nga để đoàn tụ với anh hay không.

Anh không lưu luyến gì nhiều cuộc sống trước đây ở Moscow, nơi anh từng làm việc tại một ngân hàng. Đó là một cuộc sống “sung túc của tầng lớp trung lưu” với những chuyến đạp xe đi xa cùng những người bạn mà nhiều người trong số họ giờ đã đi sang những nước khác, anh nói. Anh không còn nhìn thấy tương lai của mình ở Nga nữa.

“Và bây giờ ở đâu có Nga là ở đó có sự chết chóc, hủy diệt và mất tự do,” anh nói. “Tất nhiên chuyện này thật đáng buồn, vì Nga từng là một nước có khá nhiều triển vọng.”

Còn với Ekaterina, cuộc sống sung túc đó là thứ mà bà buộc phải từ bỏ đầy luyến tiếc khi bà rời Moscow đến Nha Trang sống vào tháng 11 năm ngoái, dẫn theo hai đứa con.

Bà nói bà không bao giờ có ý định dọn đến sống ở bất cứ nơi nào khác vì luôn gắn bó với nước Nga, nơi bà có “công việc rất tốt, cuộc sống thú vị với nhà hát, viện bảo tàng, vân vân và có thể đi du lịch bao nhiêu tùy ý.”

Nhưng chiến tranh đã làm đảo lộn cuộc sống của bà và gia đình. Nó buộc người con trai lớn nhất của bà phải sang Mỹ sống cùng bố, bà cho biết, khi áp lực bắt đầu đè nặng lên cậu bé 16 tuổi với những thư từ gửi về từ văn phòng đăng kí nghĩa vụ quân sự. Cuối cùng, bà và những người con còn lại rời đi trong nỗi lo sợ rằng một ngày kia biên giới sẽ đóng cửa và gia đình bà sẽ bị chia cắt.

“Nhưng tôi cũng rời đi vì áp lực mà tôi có thể cảm nhận được ở Nga bây giờ,” bà nói thêm.

Đối với bà, cuộc chiến là một “bi kịch hết sức to lớn” và bà không hiểu được vì sao nhiều người quen của bà thờ ơ như không có chuyện gì xảy ra, nói rằng đó không phải là việc của họ. Trên Facebook, bà dừng mối quan hệ bạn bè với những người mà bà mô tả là “hung hăng” khi bà bày tỏ quan điểm chống đối cuộc chiến. Nhưng điều làm bà day dứt là bà phải tránh nói tới chủ đề này với những người bạn thân nhất vì nó luôn gây chia rẽ, bà nói.

Cuộc sống ở Nha Trang cho bà một sự giải tỏa khỏi sự ngột ngạt bức bối ở Moscow, nhưng Nha Trang không phải là nhà của họ. Cuộc chiến như một bóng ma ám ảnh họ ở bất cứ nơi nào họ đến.

“Tôi vẫn đang học cách sống cuộc đời của mình, làm sao để vui hưởng cuộc sống trong khi một phần trong tôi vẫn đang đau khổ,” bà chia sẻ. “Quê hương tôi đang gặp nạn. Và tôi không thể quên được chuyện đó.”

“Ba ngày trước, đứa con gái chín tuổi của tôi bật khóc nói với tôi rằng nó chỉ có một mơ ước kể từ đầu chiến tranh là chiến tranh sẽ kết thúc và chúng tôi sẽ quay trở lại cuộc sống bình thường,” bà viết trong một tin nhắn vào ngày 11 tháng 3.

“Tôi phải nói rằng tôi không nói về chiến tranh ở nhà. Tôi trả lời cởi mở nhưng cẩn thận những câu hỏi và cố gắng cho các con của tôi một tuổi thơ hạnh phúc. Nhưng bi kịch của cuộc chiến này vẫn cứ len lỏi vào cuộc đời của chúng.”

Bức ảnh được chụp vào ngày 8 tháng 5 năm 2022 cho thấy chữ Z trên một tòa nhà hành chính qua các cửa sổ có ánh sáng ở trung tâm Moscow. Nó đã trở thành biểu tượng cho sự ủng hộ hành động quân sự của Nga ở Ukraine.


Bức ảnh được chụp vào ngày 8 tháng 5 năm 2022 cho thấy chữ Z trên một tòa nhà hành chính qua các cửa sổ có ánh sáng ở trung tâm Moscow. Nó đã trở thành biểu tượng cho sự ủng hộ hành động quân sự của Nga ở Ukraine.

Gửi đến Nga, với tình yêu

Dmitriy tìm lại những bức ảnh mà anh chụp cùng vợ. Ba tấm ảnh cưới gợi nhớ tới những ngày tháng hạnh phúc khi họ còn bên nhau ở Nga: cô dâu rạng rỡ trong chiếc đầm tulle trắng tinh bên cạnh chú rể tươi cười, tay trong tay đi giữa quảng trường ngập nắng. Họ kết hôn đầu tháng 1 năm ngoái.

“Nhớ lắm,” anh nói về tình cảm của mình dành cho vợ. “Đã sáu tháng rời Nga rồi mà vẫn y như ngày hôm qua. Thời gian trôi nhanh quá.”

Dmitriy xem sự xa cách này là một thử thách cho mối quan hệ của họ, giúp họ mạnh mẽ hơn.

Nỗi nhớ vợ đan cài trong nỗi nhớ rộng hơn của anh đối với thành phố quê nhà, một nơi “to, đẹp, văn minh” với cơ sở hạ tầng và phương tiện đi lại phát triển, anh nói. Ở nơi đó, anh từng có một công việc ổn định tại một ngân hàng, một căn nhà đẹp, và một cuộc sống thoải mái.

Anh muốn quay trở về Nga, trở về với cuộc đời trước đây, nhưng anh thừa nhận nó không tồn tại nữa. Nó đã bị ông Putin “phá nát” bằng cuộc chiến, anh nói. Bao nhiêu dự định của anh cho tương lai, bao gồm cả việc có con, đã tan vỡ kể từ ngày 24 tháng 2 năm ngoái.

Một điều đau lòng nữa: nước Nga mà anh nhìn thấy bây giờ không còn là nước Nga mà anh đã từng sống.

“Giờ tôi muốn trào nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh trên Internet, thành phố của tôi đầy những tuyên truyền Z, và ở các bến tàu điện ngầm người ta lập ra các điểm tuyển mộ tình nguyện viên cho chiến tranh, hứa hẹn món tiền hão,” anh nói, nhắc đến một chữ cái không có trong tiếng Nga được sử dụng như biểu tượng cổ động chính thức cho cuộc chiến ở Ukraine.

“Nước Nga bây giờ rất giống nước Đức Quốc xã những năm 1930.”

(VOA)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thêm bình luận

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.