Thị trường bất động sản đã qua rồi thời kỳ hoàng kim, và đang tiến tới… đáy! Dân kinh doanh địa ốc chỉ nhận định nó “đang tiến tới” thôi, vì họ cũng chưa biết đáy nằm ở chỗ nào.
Thị trường địa ốc ở Thừa Thiên – Huế cũng thế, thậm chí còn thê thảm hơn, khi nhiều chủ đất vỡ nợ rao bán bất động sản với mức giá giảm trung bình 30-40%, mà vẫn không bán được.
Cách đây khoảng hai năm, Thừa Thiên Huế là tâm điểm của thị trường bất động sản khi giá đất tăng rất nhanh. Tại thời điểm đó, nhiều nhà đầu tư từ Hà Nội bay vào Huế, bỏ tiền “cọc và lướt” (mua bán sang tay nhanh). Đó cũng là thời điểm các dự án bao quanh trung tâm thành phố Huế liên tục “bung hàng”.
Những căn biệt thự trị giá gần chục tỷ đồng, chỉ ít tháng, nhà đầu tư lướt cọc đã lãi tiền tỷ. Không chỉ bất động sản dự án mà đất đấu giá, đất thổ cư tại thành phố Huế cũng “ăn theo” tăng giá chóng mặt.
Anh Minh, một tài xế taxi tại Huế kể, năm 2019 giá lô đất tại Khu đô thị Phú Mỹ (nơi gia đình anh ở) chí có giá khoảng 1.7 tỉ đồng. Đến năm 2021, cũng miếng đất đó được “thổi giá” lên đến 3 tỉ đồng. Nhiều nhà đầu tư lao vào mua với nhận định giá sẽ tiếp tục lên, thế nhưng đến nay tất cả đểu “ôm quả đắng” khi sẵn sàng bán dưới giá vốn từ 20% đến 30% mà vẫn không ai thèm hỏi.
Không chỉ những nhà đầu tư nhỏ lẻ đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ, nhiều công ty bất động sản lớn cũng ồ ạt đổ quân về Huế làm dự án trong những năm 2020-2021 như Bitexco, VinGroup, BRG… với các dự án ngàn tỉ đồng hiện nay cũng đang bị chôn hàng.
Nhà đầu tư Nguyễn Dũng ở Hà Nội là người may mắn khi thoát hàng thành công vào đầu năm 2022. Anh kể vào năm 2021, anh và đội nhóm thắng đậm trong cơn sốt. Đội nhóm của anh chủ yếu lướt sóng đất biệt thự, đất nhà phố… Sau đó, anh từng kẹt lại một lô đất biệt thự. May mắn đến đầu năm 2022, anh thoát hàng và chấp nhận cắt lỗ nhẹ.
“Nếu không thoát hàng, chắc tôi cũng vỡ nợ”, anh cho biết nhiều nhà đầu tư miền Bắc vào Huế mua nhà đất không may mắn như anh. “Thị trường khó thanh khoản như hiện nay mà nhà đầu tư vay nợ nhiều sẽ buộc phải cắt lỗ sâu”.
Một môi giới địa ốc tên Dự cho biết, đây là thời điểm rất tốt để mua vào do giá giảm mạnh, nhưng anh lại không trả lời được là giá bất động sản đã “đụng đáy” chưa, dù có miếng đất đã giảm tới 40% giá mua vào.
Một môi giới địa ốc khác nhận định rằng, hiện giờ có rất nhiều nhà đầu tư xả hàng, chấp nhận lỗ để thu hồi vốn, thế nên giá sẽ còn xuống nữa.
Tuy vậy, theo phân tích của một số chuyên gia, những nhà đầu tư ôm đất đã từng có lãi rất lớn. Trong giai đoạn khó khăn này, họ giảm giá 20-30%, thậm chí giảm tới 40% để ra hàng. Trong số này có người cắt lỗ nhưng có người chỉ giảm lãi. Trường hợp nhà đầu tư cắt lỗ phần lớn rơi vào nhóm nhà đầu tư mới, non kinh nghiệm và dùng đòn bẩy tài chính quá đà.
(SGN)