Home Tin TứcTin Hoa Kỳ Nước Mỹ mất 4.1 triệu ngày làm việc trong Tháng Chín vì đình công

Nước Mỹ mất 4.1 triệu ngày làm việc trong Tháng Chín vì đình công

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Hoa Kỳ đã mất 4.1 triệu ngày làm việc trong Tháng Chín vì đình công. Ngay cả trước khi Nghiệp đoàn Công nhân Xe hơi (United Auto Workers United-UAW) đình công, số ngày làm việc bị mất đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai thập niên qua.

“No deal, no wheels”

Cuộc đình công của UAW diễn ra trong bối cảnh người lao động Mỹ đang đình công với quy mô chưa từng thấy trong gần một phần tư thế kỷ qua. Theo Bộ Lao động, các cuộc đình công đã lấy đi 4.1 triệu ngày làm việc của Tháng Tám và đó là con số mất đi hàng tháng lớn nhất kể từ Tháng Tám 2000.

Sự gia tăng một phần do cuộc đình công của các diễn viên và biên kịch Hollywood từ Tháng Bảy. Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh (The Screen Actors Guild) và Liên đoàn Nghệ sĩ Truyền hình và Phát thanh Hoa Kỳ (American Federation of Television and Radio Artists) có khoảng 160,000 hội viên. Hội Nhà văn Hoa Kỳ (Writers Guild of America) có khoảng 11,500 hội viên. Các cuộc đình công của người lao động cũng gia tăng trong các khu vực khác.

Một số cuộc đình công dẫn đến việc người chủ phải ngừng hoạt động, trong khi những cuộc đình công khác kết thúc bằng mức lương cao hơn và phúc lợi tốt hơn từ những người sử dụng lao động đang phải chật vật tìm nhân viên trong một thị trường lao động thiếu cung.

Khoảng 12,700 công nhân đình công tại ba nhà máy lắp ráp xe hơi ở các tiểu bang Missouri, Ohio và Michigan (ảnh: Bill Pugliano/Getty Images)

Trong 30 năm qua, UAW đã tổ chức hơn 60 vụ đình công có hơn 1,000 công nhân tham gia trở lên. Chiến lược đình công của UAW thường đi từ quy mô nhỏ rồi tăng dần. Đầu tiên là tấn công vào các nhà máy sản xuất xe bán tải và SUV có lợi nhuận cao hơn của các ông lớn xe hơi Detroit như lời cảnh báo: Đình công sẽ mở rộng nếu các cuộc đàm phán hợp đồng lao động không đáp ứng được yêu cách của người lao động.

Bị trúng đòn đầu tiên là các nhà máy của GM, Ford và Jeep Stellantis với các loại xe bán tải, xe SUV phổ biến như Jeep Wrangler và Ford Bronco, sau khi ba công ty công bố kế hoạch tạm thời sa thải công nhân tại các nhà máy đang gặp khó khăn “do sự thiếu hợp tác của nghiệp đoàn”. Dữ liệu từ công ty nghiên cứu Wards Intelligence cho thấy, ba nhà máy này chiếm khoảng 9% tổng sản lượng xe của kỹ nghệ xe hơi Detroit Bắc Mỹ.

Chủ tịch United Auto Workers (UAW), Shawn Fain (ảnh: Bill Pugliano/Getty Images)

Khoảng 12,700 công nhân đình công tại ba nhà máy ở các tiểu bang Missouri, Ohio và Michigan nằm trong một chiến thuật gây áp lực được xem là “thử thách lớn” đối với Chủ tịch UAW Shawn Fain. Đình công cùng lúc tại ba nhà máy cùng lúc là “chưa từng có” và diễn ra sau gần hai tháng thương lượng không đạt được thỏa thuận với bất kỳ công ty nào. Thay vì đình công từng công ty, Fain quyết định đình công cả ba công ty cùng lúc để “đạt được thỏa thuận tốt sớm hơn”.

Chưa đầy một ngày sau cuộc đình công, GM thông báo sẽ sớm cho một nhà máy ở Kansas ngừng hoạt động do thiếu phụ tùng, khiến khoảng 2,000 nhân viên tạm mất việc. Ford Motor cũng sẽ sa thải tạm thời khoảng 600 công nhân tại nhà máy ở Michigan. Fain đang chịu áp lực phải đạt nhanh một thỏa thuận chấp nhận được trước khi tiêu hết quỹ đình công của công đoàn (dùng trả tiền cho các công nhân biểu tình).

UAW đã huy động được quỹ đình công trị giá $825 triệu để có thể tổ chức nhiều cuộc đình công và kéo dài nhiều ngày. Fain cũng phải đáp ứng những kỳ vọng cao về lương bổng đúng như cam kết của ông từ ngày nhậm chức. Tâm trạng chủ yếu của công nhân đình công là tưng bừng với những tiếng hô vang, tiếng nhạc ầm ĩ, tiếng còi xe inh ỏi và các khẩu hiệu tập hợp như: “No deal, no wheels”.

Fain cảnh báo, cuộc chơi chỉ chỉ mới bắt đầu và nhấn mạnh: “Các cuộc đàm phán càng kéo dài thì càng có nhiều nhà máy bị ảnh hưởng với một loạt cuộc đình công không thông báo trước để gây xáo trộn kế hoạch sản xuất”.

Trong khi đó, Hollywood cũng nhốn nháo với đình công (ảnh: Albert L. Ortega/Getty Images)

Tiếng nói những người trong cuộc

Anthony Thompson, một công nhân tại nhà máy đang đình công của Ford ở Wayne, Michigan nói: “Chúng tôi phải hy sinh để có được thứ gì đó”. Thompson đang ở nhà thì UAW kêu gọi đình công, và ông lập tức đến tham gia nhóm biểu tình “để cho sáu đứa cháu biết ông của chúng là một phần của lịch sử”.

Các công nhân đình công trước cổng nhà máy và trên vỉa hè. Tâm trạng chủ yếu là “phấn chấn”, điểm xuyết bằng những tiếng hô vang, tiếng nhạc ầm ĩ và tiếng còi xe inh ỏi. Tổng thống Biden cho biết ông có kế hoạch cử cố vấn cấp cao Gene Sperling của Toà Bạch Ốc và quyền Bộ trưởng Lao động Julie Su đến Detroit để hỗ trợ các bên đạt được một hợp đồng công bằng. Nhưng Sperling và Su, những người liên lạc hàng ngày với cả UAW và các công ty trong những tuần gần đây, không trực tiếp tham gia đàm phán hoặc làm trung gian.

Biden kêu gọi hai bên sớm đạt được thỏa thuận và đưa ra thông điệp đoàn kết với các công nhân. “Dù các công ty xe hơi đã đưa ra một số đề nghị quan trọng nhưng họ nên tiến xa hơn để đảm bảo lợi nhuận doanh nghiệp kỷ lục cũng là hợp đồng kỷ lục cho UAW” – Tổng thống nói.

Các nhà kinh tế dự đoán tác động của cuộc đình công tương đối khiêm tốn nếu chỉ giới hạn ở một số nhà máy và được giải quyết nhanh. Nhưng nếu đình công kéo dài có thể làm ảnh hưởng đến tăng trưởng, mất việc làm và đẩy lạm phát lên cao khiến triển vọng phục hồi nền kinh tế lùi xa hơn. Cho đến khi đạt được hợp đồng lao động mới, các nhân viên thuộc công đoàn tại các nhà máy khác của ba công ty sẽ không có hợp đồng.

Hợp đồng cũ cho khoảng 146,000 công nhân nhà máy tại GM, Ford và Stellantis đã hết hạn vào lúc 23g59 ngày thứ Năm, 14 Tháng Chín, giờ miền Đông. Các giám đốc điều hành của “Detroit Big 3” bày tỏ sự thất vọng trước bế tắc hiện tại với các đề xuất tăng lương khoảng 20% trong bốn năm cho công nhân cùng với các khoản tiền thưởng lớn và các khoản thanh toán một lần.

Nếu cuộc đình công kéo dài, thị trường xe hơi Mỹ chắc chắn bị ảnh hưởng (ảnh: Adam J. Dewey/Anadolu Agency via Getty Images)

Một phát ngôn viên của Ford gọi những yêu sách mới nhất của công đoàn là “bấp bênh” nhưng “công ty cam kết đạt được thỏa thuận”. Stellantis rất thất vọng về cuộc đình công và than phiền là “ban lãnh đạo nghiệp đoàn đã từ chối đàm phán có trách nhiệm”. Cổ phiếu của GM và Ford gần như không thay đổi vào ngày đình công, trong khi Stellantis đóng cửa tăng 2%.

Cuối Tháng Tám, cả ba công ty đều còn hàng bán trong khoảng một tháng trở lên cho các mẫu xe bị ảnh hưởng bởi đình công. Điều đó sẽ mang lại cho họ “khoảng đệm kinh doanh” nếu cuộc đình công không kéo dài.

UAW đã đưa ra một số yêu sách tham vọng nhất trong lịch sử nghiệp đoàn với lập luận, các công ty xe hơi hiện có mức lợi nhuận “cao lịch sử” để chia sẻ hậu hĩnh cho các CEO. Đối với nhiều thành viên UAW, cuộc đình công không chỉ vì tiền mà còn là tương lai của tầng lớp lao động và những gì những người lao động cổ xanh xứng đáng được hưởng sau những hy sinh trong đại dịch Covid-19 để giúp dây chuyền sản xuất hoạt động bình thường.

(SGN)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thêm bình luận

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.