Cuộc đối đầu giữa Manila và Bắc Kinh về các bãi cạn ở Biển Đông đã diễn ra trong nhiều thập niên. Nhưng trong những tháng gần đây có điều gì đó đã thay đổi. Các cuộc tranh chấp trên biển hiện đang diễn ra dưới sự ghi lại đầy đủ của các phương tiện truyền thông truyền hình.
Đây là lần thứ hai trong nhiều tuần các nhà báo Philippines quay phim lại một cuộc chạm trán gần một rạn san hô đặc biệt nhạy cảm được biết đến với nhiều cái tên khác nhau như Bãi cạn Second Thomas, Bãi cạn Ayungin hay Bãi Cỏ Mây
Có ý kiến cho rằng, đây không phải là một vụ va chạm tình cờ. Mà thực chất là một phần trong chính sách có chủ ý của chính phủ Philippines nhằm công khai minh bạch cho thế giới biết về sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Đại tá đã nghỉ hưu Raymond Powell thuộc Trung tâm Gordian Knot của Đại học Stanford nhận định rằng, đã có một sự thay đổi đáng kể trong năm nay trong việc tranh chấp của Philippines và Trung Quốc, và theo ông, đó là một chiến dịch minh bạch quyết liệt.
Bắt đầu từ tháng 1, chính phủ Philippines bắt đầu cung cấp ngày càng nhiều hơn các video cho truyền thông. Đến mùa hè năm nay, ngày càng có nhiều các nhà báo trong nước lẫn quốc tế lên thuyền và máy bay Philippines và cùng tiến vào vùng biển tranh chấp.
Đại tá Powell nói, hành động này giống như việc bật đèn lên để cho người ta thấy các hoạt động vùng xám của Trung Quốc. (Thuật ngữ chiến thuật vùng xám theo giới chuyên gia nhận định là việc sử dụng các lực lượng phi chính quy, tiêu biểu là các đội tàu dân quân biển, nhằm chiếm đoạt vùng biển đảo của các nước khác mà không phải dùng vũ lực trực tiếp với quy mô lớn).
Và Trung Quốc dường như đã bị bất ngờ trước những chiến thuật mới này của Philippines.
Oriana Skylar Mastro thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli cho biết: “Chúng tôi thấy các hoạt động của Trung Quốc có phần tạm lắng”.
Bắc Kinh đã có dấu hiệu giảm bớt căng thẳng và Manila đã có thể thực hiện một số chuyến tái tiếp tế tới một tiền đồn mà nước này có trên Bãi cạn Second Thomas – nó là một con tàu đổ bộ cũ kỹ từ thời Thế chiến thứ hai có tên là Sierra Madre.
Con tàu này được cố tình neo đậu trên rạn san hô vào năm 1999. Kể từ đó, một nhóm nhỏ thủy quân lục chiến Philippines đã đơn độc canh chừng con tàu rỉ sét.
Vào năm 2014, một nhóm phóng viên quốc tế đã lên tàu và ghi nhận lại hiện trạng của nó.
Hầu hết các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc đã chấp nhận theo đuổi một chiến dịch dài hơi. Khi quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila tốt đẹp, lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đã cho phép tiếp tế cho tàu Sierra Madre. Và khi quan hệ hai nước trở nên căng thẳng, họ chuyển sang việc chặn các tàu tiếp tế.
Nhận định của Bắc Kinh là con tàu Sierra Madre không thể tồn tại mãi, và đến một lúc nào đó, Philippines sẽ buộc phải đưa quân đi khỏi đây khi con tàu mục nát.
Trong sáu năm dưới thời cựu tổng thống Rodrigo Duterte, mọi thứ có vẻ trôi theo ý của Trung Quốc. Nhưng kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos đắc cử năm ngoái, chính sách đối ngoại của Philippines đã thay đổi 180 độ.
Tổng thống Marcos không chỉ đảo ngược chính sách thân thiện với Bắc Kinh của ông Duterte, ông còn hoàn toàn tái ủng hộ liên minh với Mỹ và bắt đầu lớn tiếng phản đối việc Trung Quốc xâm nhập Vùng đặc quyền kinh tế của Manila.
(DKN)