LONDON, Anh (NV) – Đi bộ có thể giúp giảm rủi ro mắc bệnh tiểu đường loại 2. Nhưng không chỉ đi bộ nhiều hay ít, mà đi bộ nhanh hay chậm cũng có ảnh hưởng, CNN dẫn kết quả nghiên cứu mới cho hay.
Cụ thể, đi bộ nhanh có thể làm giảm gần 40% rủi ro mắc bệnh tiểu đường loại 2, theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Y Khoa Thể Thao Anh hôm Thứ Ba, 28 Tháng Mười Một.
“Theo những cuộc nghiên cứu trước đây, đi bộ thường xuyên có thể làm giảm rủi ro mắc bệnh tiểu đường loại 2 cho mọi người, ai mỗi ngày đi bộ nhiều hơn thì rủi ro mắc bệnh tiểu đường thấp hơn,” Tiến Sĩ Ahmad Jayedi, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết. Ông Jayedi là nhà nghiên cứu của đại học University of Medical Sciences ở Iran.
Nhưng những cuộc nghiên cứu trước đây vừa không đề cập tốc độ đi bộ ảnh hưởng ra sao tới rủi ro mắc bệnh tiểu đường loại 2, vừa thiếu xem xét lại toàn diện bằng chứng, nhóm nghiên cứu cho hay.
Nhóm nghiên cứu này xem lại 10 cuộc nghiên cứu được thực hiện từ năm 1999 tới 2022 về mối liên hệ giữa tốc độ đi bộ với mắc bệnh tiểu đường loại 2 của người lớn ở Mỹ, Anh và Nhật.
Sau khi theo dõi trong trung bình tám năm, so sánh với đi bộ chậm rãi, người đi bộ với tốc độ trung bình hoặc bình thường thì rủi ro mắc bệnh tiểu đường loại 2 giảm 15%, theo nhóm nghiên cứu. Người đi bộ “hơi nhanh” thì rủi ro giảm 24% so với người đi bộ chậm rãi. Còn “đi bộ nhanh/bước dài” giảm nhiều nhất: 39%.
Theo nhóm nghiên cứu, đi bộ chậm rãi là đi dưới 2 dặm (3.2 km) một giờ.
Đi bộ với tốc độ trung bình hoặc bình thường là đi từ 2 tới 3 dặm (3.2 tới 4.8 km) một giờ.
“Đi bộ hơi nhanh” là đi từ 3 tới 4 dặm (4.8 tới 6.4 km) một giờ.
“Đi bộ nhanh/bước dài” là đi hơn 4 dặm (6.4 km) một giờ.
Cứ đi nhanh hơn mức “đi bộ nhanh/bước dài” một kilomet thì có thể giảm 9% rủi ro mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Chuyện đi bộ nhanh có thể có lợi hơn cho sức khỏe là không đáng ngạc nhiên, nhưng việc nhóm nghiên cứu này “đưa ra được cụ thể tốc độ đi bộ trong cuộc nghiên cứu của họ là đáng quan tâm,” Bác Sĩ Robert Gabbay, giám đốc y khoa và khoa học Hiệp Hội Tiểu Đường Hoa Kỳ, gửi email tới CNN cho hay. Ông Gabbay không tham gia cuộc nghiên cứu. (Th.Long) [qd]
(Nguoi-viet)