Các nhà sản xuất cần cắt giảm giá bán trong tình hình hàng tồn kho xe hơi điện (EV) tăng cao. Nhưng… nói luôn dễ hơn làm!
Tình yêu của người Mỹ với EV đã mất đi chút động lực nên cần thế hệ EV mới dễ tiếp cận hơn để khơi dậy lại tình yêu EV của người Mỹ khi ngân sách gia đình eo hẹp hơn.
Háo hức suy giảm đáng ngại
Doanh số bán các mẫu xe hơi chạy hoàn toàn bằng điện ở Mỹ đã ổn định quanh mốc 100,000 chiếc mỗi tháng trong nửa năm qua sau một thời gian tăng trưởng nhanh chóng. Lượng xe tồn kho ngày càng nhiều dù giá cả giảm dần, dẫn đầu là Tesla.
Theo Cox Automotive, một chiếc EV mới trung bình có giá bán khoảng $52,000 trong Tháng Mười, giảm so với khoảng $65,000 cùng kỳ năm ngoái. Nhưng sức cầu EV ở Mỹ có thực sự đang bị đình trệ hay không? Câu trả lời là có, nếu nhìn vào lượng xe bán ra yếu hơn so với kỳ vọng của các nhà sản xuất.
Trước một thị trường trầm lắng, Ford và General Motors đều phải cắt giảm các khoản đầu tư mới cho EV. Ngay cả Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla trong báo cáo thu nhập mới của công ty cũng ám chỉ sản xuất có thể sẽ chậm lại.
Musk thích đổ lỗi nguyên nhân cho lãi suất cao hơn, khiến số tiền thanh toán hàng tháng người mua phải trả cho các khoản vay mua xe tăng lên. Nhưng nói thế chỉ đúng một phần vì thị trường xe hơi rộng hơn của Hoa Kỳ vẫn phát triển mạnh mẽ, bất chấp người dân thắt chặt hầu bao hơn và giá xe thông thường vẫn ở mức cao.
Trong khi, việc điều chỉnh lộ trình phát triển EV bắt đầu nhận thấy rõ ở Mỹ, thì bên kia Đại Tây Dương cũng diễn ra tương tự. Volkswagen đã tạm dừng kế hoạch xây dựng nhà máy pin EV thứ tư. Khi đi tìm nguyên nhân, các nhà quan sát giải thích: “Thế hệ đầu tiên đam mê EV là những người có nhiều tiền.
Chính họ đã tạo ra cơn sốt. Nay, hầu như tất cả họ đã mua chúng rồi. Thế hệ tiếp theo là những người không có nhiều tiền. Họ chỉ mua EV nếu mức giá thấp hơn nữa, tiện lợi hơn về sạc điện và thống nhất các quy chuẩn. Ngoài ra, một số người muốn mua EV sẵn sàng chờ đợi Model 3 của Tesla vừa có mặt ở Trung Quốc (TQ) và châu Âu nhưng chưa có mặt tại thị trường Mỹ.
Một lý do chờ đợi khác là khoản tín dụng thuế EV $7,500 của liên bang mà năm tới mới triển khai. Trợ giúp này có thể giúp thị trường EV thăng hoa vào năm 2024, nhưng thật khó biết chắc chắn vì các điều kiện để nhận tín dụng thuế cũng sẽ bị thắt chặt hơn”. Lực cản mạnh mẽ nhất đối với việc mua một chiếc EV vẫn là giá cả.
Một cuộc khảo sát được công bố trong tháng này bởi S&P Global Mobility cho thấy giá bán là lý do chính khiến người tiêu dùng không sẵn lòng mua EV, rồi mới đến các chi phí phát sinh khác.
Nhưng trớ trêu thay, việc giảm giá không phải lúc nào cũng khiến EV có giá cả phải chăng hơn.
Như nhà phân tích Mike Tyndall của ngân hàng HSBC chỉ rõ, những chiếc xe rời khỏi đại lý bằng hợp đồng thuê xe khi trở về đại lý được bán với giá rẻ đã tàn phá thị trường EV mới. Hoạt động cho thuê xe trầm lắng trong thời kỳ dịch, nay đang quay trở lại, đặc biệt với EV vì các mẫu xe cho thuê thường đủ điều kiện để nhận các khoản tín dụng thuế liên bang.
Cần ưu tiên giảm chi phí
Giải pháp phát triển lâu dài duy nhất cho EV là các nhà sản xuất phải giảm giá thành bằng việc thiết kế các mẫu xe rẻ. Ngoại trừ Tesla và một số công ty Trung Quốc, sản xuất EV tốn kém hơn chứ không rẻ hơn.
EV có ít bộ phận chuyển động, về mặt lý thuyết sẽ giúp việc lắp ráp xe đơn giản hơn, nhanh hơn và rẻ hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc chiến gần đây của Detroit Three với công đoàn UAW đã nhấn mạnh việc cắt giảm giá thành sẽ khó khăn như thế nào trong một ngành có nhiều công đoàn và tiền lương chiếm một tỷ trọng lớn giá thành. Và các công ty khởi nghiệp EV không có công đoàn như Rivian gặp vấn đề về chi phí còn lớn hơn Detroit Three.
Hãng Ford tiếp tục báo cáo khoản lỗ lớn đối với danh mục đầu tư EV, kể cả Mustang Mach-E và F-150 Lightning. Ford hy vọng sẽ tung ra một thế hệ EV gọn nhẹ hơn, giá rẻ hơn vào năm 2025. Công ty Pháp Renault cho biết tại một ngày hội đầu tư tuần này là họ sẽ cố giảm 40% chi phí sản xuất cho các EV cỡ trung trong 4 hoặc 5 năm tới.
Tuy nhiên, vẫn là…nói luôn dễ hơn làm!
Cắt giảm quá nhiều sẽ làm EV kém hấp dẫn và người tiêu dùng lại tiếp tục gắn bó với xe chạy xăng. Trong báo cáo thu nhập gần đây nhất, Musk gọi Tesla thế hệ tiếp theo giá $25,000 là “mẫu xe thực dụng”, nhưng “tin vui” này vẫn không đủ để tạo được niềm tin vào EV.
Tìm nguồn cung pin EV tại Trung Quốc, trung tâm của ngành công nghiệp pin toàn cầu, là con đường tắt để các nhà sản xuất Mỹ giảm chi phí. Nhưng nên nhớ là chỉ có xe do các công ty Mỹ sản xuất mới đủ điều kiện nhận tín dụng thuế liên bang. Kế hoạch của Ford mua pin EV từ gã khổng lồ pin CATL của Trung Quốc bị tạm dừng để chờ vượt qua cửa ải Washington (lý do cũng có thể là do xe điện bán chậm).
Điểm mạnh cơ bản của EV là pin và động cơ điện giàu kim loại đắt hơn bình xăng và động cơ mà chúng thay thế (nhất là đối với các loại xe thể thao đa dụng hạng nặng và xe bán tải được người Mỹ ưa chuộng). Chi phí vận hành EV ít hơn nhưng hầu hết người tiêu dùng chỉ chú ý đến “hiệu quả sử dụng nhiên liệu” trong tình hình giá xăng tăng đột biến.
Cuối cùng, kỹ nghệ EV cũng sẽ giải được bài toán phát triển nhờ mục tiêu quyết liệt đẩy lùi biến đổi khí hậu của các chính phủ. Nhưng sẽ mất nhiều năm nữa và sẽ đốt cháy tiền đầu tư của các cổ đông. Cách thích nghi tạm thời là chuyển sang xe hybrid (lai) với Toyota đang dẫn đầu, và là một trong số ít nhà sản xuất xe hơi đang tăng cường đầu tư vào loại xe này.
(SGN)