Home Tin TứcSức Khỏe ‘Làm vài ly’ trước khi đi ngủ: Lợi bất cập hại?

‘Làm vài ly’ trước khi đi ngủ: Lợi bất cập hại?

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

“Quởn không, qua nhà tui làm vài ly đi bạn hiền?”, “Okay, cũng tính nhâm nhi chút đỉnh cho dễ ngủ, mấy bữa ni việc nhiều mà cứ trằn trọc miết.”

Vốn không uống được rượu mạnh, anh Tony qua nhà bạn, chỉ “làm” hai ly rượu vang, với hy vọng, tối hôm đó về là… lăn ra ngủ. Nhưng oái oăm thay, đêm hôm ấy, anh chỉ ngủ được một chút, rồi… chập chờn tới sáng, còn tệ hơn mấy đêm không uống ly nào.

Ai cũng nghĩ, việc nhâm nhi một ly rượu vang trong bữa tối hoặc bất kỳ loại đồ uống có cồn nào trước khi đi ngủ là cách thư giãn và nghỉ ngơi sau một ngày dài làm việc căng thẳng, và để dễ chìm vào giấc ngủ. Nhưng theo các nhà khoa học, phương pháp để lấy lại tinh thần này lại gây hại nhiều hơn là có lợi.

Mặc dù một ly rượu vào ban đêm sẽ giúp bạn chìm vào giấc ngủ nhanh hơn, nhưng các nhà khoa học chứng minh rượu là nguyên nhân làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ tự nhiên, ức chế giấc ngủ REM trong nửa đầu của một đêm và sau đó thì… tỉnh như sáo cho tới sáng.

“Giấc ngủ REM, hay quá trình ngủ chuyển động mắt nhanh, chiếm khoảng 20% thời lượng giấc ngủ thông thường của một đêm, tăng dần trong đêm và là trạng thái ngủ mà những giấc mơ thường xuất hiện nhiều nhất,” Jared Saletin, giáo sư tâm thần học và hành vi con người tại Brown University, nói với Newsweek.

“Mặc dù chức năng chính xác của nó vẫn chưa được biết rõ, nhưng một giấc ngủ REM cũng có liên quan đến việc điều chỉnh cảm xúc và sức khỏe tâm thần, đồng thời xử lý trí nhớ và khả năng sáng tạo. Giấc ngủ REM bị giảm hoặc bị thay đổi sẽ có tác động tiêu cực đến những khía cạnh này trong cuộc sống của một người.”

(minh họa: Adrian Swancar/Unsplash)

Katie McCullar, nghiên cứu sinh về thần kinh học tại Harvard Medical School, người vừa hoàn thành bằng tiến sĩ tại Brown University, cho biết thêm, ức chế giấc ngủ REM là nguyên nhân suy giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như rối loạn về tâm trạng.

Trong một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Sleep, McCullar, Saletin và các đồng nghiệp của họ tại Brown University đã khám phá tác động của rượu lên cấu trúc giấc ngủ của con người và tác động này có thể tích lũy theo thời gian như thế nào.

Để khám phá những hiệu ứng này, nhóm phân tích đã tuyển 30 người lớn tham gia để gắn máy theo dõi hoạt động não trong vòng ba đêm liên tiếp khi họ ngủ.

Thí nghiệm được lặp lại hai lần cho mỗi cá nhân, nhưng mỗi lần những người này được cho uống một loại đồ uống khác nhau trước khi đi ngủ. Một giờ trước khi tắt đèn đi ngủ, nhóm thì được cho một ly nước pha sẵn; nhóm khác thì được cho uống rượu và cùng loại nước pha sẵn đó. Theo các nghiên cứu trước đây, việc uống rượu trước khi ngủ có liên quan đến sự giảm sút đáng kể của một quá trình ngủ REM.

Theo Sleep Foundation, ngay cả một lượng rượu thấp – dưới hai ly đối với nam và ít hơn một ly đối với nữ – là nguyên nhân làm giảm chất lượng giấc ngủ, tới 9.3%.

(minh họa: Unsplash)

McCullar, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, cho biết: “Thử nghiệm này dùng một mức độ cồn tương đối thấp (nhắm mục tiêu giới hạn pháp lý là 0,08) mà vẫn phát hiện ra tác dụng khá lớn.”

Không biết liệu người tham gia thử nghiệm có uống đủ lượng rượu an toàn mà không ảnh hưởng đến giấc ngủ hay không. Đây là câu hỏi quan trọng tiếp theo cần được trả lời. Các nghiên cứu trong tương lai nên xem xét những tác động này có thể bị ảnh hưởng như thế nào bởi tỷ lệ tiêu thụ, bao gồm cả những mức được coi là ‘dưới giới hạn pháp lý’.”

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là chu kỳ giấc ngủ của một người sẽ bị ảnh hưởng sau một lần uống rượu duy nhất. “Mặc dù nghiên cứu này chỉ ra rằng rượu có ảnh hưởng đến cấu trúc giấc ngủ, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là não cũng có khả năng phục hồi sau một hoặc hai đêm mất ngủ, vì vậy thỉnh thoảng uống một hoặc hai ly thì vẫn ổn thôi, ” McCullar nói.

Nhóm nghiên cứu hy vọng rằng thí nghiệm của họ sẽ giúp đưa ra một cảnh báo về sức khỏe cộng đồng đối với tác động của việc uống rượu trước khi đi ngủ. Giấc ngủ rất quan trọng đối với rất nhiều khía cạnh của sức khỏe tinh thần và thể chất của mỗi người.

“Tôi hy vọng phát hiện này khiến mọi người chú ý hơn đến thói quen hàng ngày, như uống rượu vào buổi tối có khả năng thay đổi giấc ngủ theo những cách khác nhau,” Saletin nói thêm.

(SGN)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thêm bình luận

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.