Home Tin TứcTin Việt Nam Hạn hán, xâm nhập mặn đang bủa vây khốc liệt miền Tây Việt Nam

Hạn hán, xâm nhập mặn đang bủa vây khốc liệt miền Tây Việt Nam

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

SÓC TRĂNG, Việt Nam (NV) – Hạn hán và xâm nhập mặn đang bủa vây khốc liệt các tỉnh miền Tây. Nhiều tuyến đường sụp lún do hạn, mặn, hàng chục ngàn hécta lúa chết khô, người dân phải mang can nhựa xin, mua nước về dùng.

Báo Tuổi Trẻ hôm 26 Tháng Ba dẫn lời ông Huỳnh Ngọc Nhã, giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Tỉnh Sóc Trăng, cho biết từ hôm 8 Tháng Hai đến 1 Tháng Ba, xâm nhập mặn bắt đầu vào sâu trong nội đồng trên tuyến sông Hậu và có xu hướng ngày càng tăng.

Nhiều tuyến đường bị sụp xuống sông ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. (Hình: Thanh Huyền/Tuổi Trẻ)

Trong khi đó, ông Trang Minh Tú, trưởng Phòng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, cho biết đến thời điểm này, huyện An Biên có trên 400 hécta diện tích nuôi tôm của người dân bị ảnh hưởng nặng do hạn hán kéo dài và độ mặn tăng liên tục.

“Nắng nóng gay gắt đã làm nhiều vùng nuôi tôm xuất hiện dịch bệnh, làm tăng chi phí cho nông dân. So với năm 2023, năm nay nắng nóng kéo dài và độ mặn cao hơn nhiều,” ông Tú nói.

Tại Cà Mau, những ngày qua khô hạn đã làm lộ giao thông và nhiều bờ kè của người dân sụp xuống sông. Hiện vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời có hơn 130 tuyến kênh bị sụt lún, sạt lở với 550 điểm, tổng chiều dài hơn 14,500 mét, ước thiệt hại hơn 19 tỷ đồng ($766,745).

Không chỉ vậy, hạn mặn còn làm 3,700 gia đình thiếu nước sinh hoạt, một số nơi phải mua nước từ nơi khác chở đến với giá lên đến 50,000 đồng/khối.

Ông Trần Hoàng Khởi, 56 tuổi, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, chỉ tuyến kênh dưới chân dài gần 2 km, rộng hơn 10 mét, cung cấp nước tưới cho cánh động rộng hàng trăm hécta giờ cạn trơ đáy. Dọc hai bên bờ kênh, những sà lan, vỏ lãi là phương tiện chính chở nông sản ở vùng sông nước bây giờ nằm mắc cạn.

“Những năm trước sau Tết Nguyên Đán nước kênh mới cạn dần, nhưng năm nay nước rút rất nhanh từ Tháng Chạp. Thiếu nước, sản lượng lúa thu hoạch năm nay vì thế giảm khoảng 30%. Do kênh rạch cạn nước, thương lái không đưa ghe trọng tải lớn vào chở lúa được mà phải dùng xe gắn máy, nên giá lúa cũng bị sụt giảm. Nông dân chịu thiệt hại kép,” ông Khởi nói với báo VNExpress.

Mực nước trên các kênh, rạch trong vùng đang tiếp tục xuống thấp đe dọa sản xuất, hơn 1,800 nhà dân thiếu nước sinh hoạt.

Cách đó hơn 300 km, hạn mặn gay gắt làm kênh rạch trơ đáy, ảnh hưởng sinh hoạt của khoảng 3,000 gia đình ven biển huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Ở tỉnh giáp ranh là Bến Tre, độ mặn 4 phần ngàn đã xâm nhập cách các cửa sông chính 52-64 km, xấp xỉ mùa khô năm 2016. Do nguồn nước thô từ sông rạch đã bị nhiễm mặn ảnh hưởng khiến hơn 10,000 gia đình phải xài nước máy có độ mặn vượt ngưỡng.

Khô hạn, người dân ở xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, phải dùng xe kéo chở nước xa hàng cây số về xài. (Hình: Hoàng Nam/VNExpress)

Trong vòng 10 năm trở lại đây, miền Tây trải qua hai đợt hạn mặn lớn. Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 khiến 160,000 hécta đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5,500 tỷ đồng (gần $222 triệu). Mười trong số 13 tỉnh, thành ở khu vực phải công bố thiên tai.

Bốn năm sau, hạn mặn kéo dài hơn sáu tháng khiến sáu tỉnh miền Tây phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hơn 43,000 hécta lúa bị thiệt hại, 80,000 gia đình thiếu nước sinh hoạt. (Tr.N) [qd]

(Nguoi-viet)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thêm bình luận

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.