Máy tính xách tay và điện thoại thông minh đã trở thành công cụ không thể thiếu đối với sinh viên và nhân viên văn phòng. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy, có lẽ chúng ta nên tránh xa bàn phím.
Một nghiên cứu mới của Na Uy phát hiện, chữ viết tay truyền thống kích hoạt những bộ phận trong đại não mà việc gõ bàn phím không cách nào đạt được. Những động tác tinh tế trong quá trình viết tay sẽ kích hoạt nhiều vùng não liên quan đến học tập hơn.
So sánh chữ viết tay và gõ trên bàn phím
Một nghiên cứu do nhà nghiên cứu khoa học thần kinh Audrey van der Meer thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy dẫn đầu và công bố trên tạp chí “Frontiers in Psychology” (Tiên phong trong tâm lý học) đã xem xét sự khác biệt giữa viết tay và đánh máy. Bà van der Meer và nhóm nghiên cứu của bà đã phân tích mạng lưới thần kinh liên quan đến hoạt động viết tay và đánh máy để lý giải ảnh hưởng có tính liên kết của chúng đối với đại não.
Bà cho biết trong một tuyên bố: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, mô thức liên hệ giữa các vùng não trong khi viết bằng tay phức tạp hơn rất nhiều so với khi gõ trên bàn phím. Loại liên hệ rộng rãi trong não này phi thường then chốt đối với việc hình thành ký ức và mã hóa thông tin mới, thập phần hữu ích đối với việc học tập.”
Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu điện não đồ mật độ cao (EEG) từ 36 sinh viên đại học. Học sinh được yêu cầu lựa chọn giữa viết tay hoặc gõ bàn phím dựa trên những gì hiển thị trên màn hình.
Kết quả nghiên cứu cho thấy sự liên hệ giữa các vùng não khác nhau được tăng cường đáng kể khi viết tay, nhưng không cho thấy mức độ tăng cường tương tự khi đánh máy.
Bà van der Meer nói với The Epoch Times: “Phát hiện chính của chúng tôi là chữ viết tay là một cách tuyệt vời để kích thích não bộ ở mọi người ở mọi lứa tuổi.” Bà cũng chỉ ra, việc sử dụng bút kỹ thuật số để viết trên màn hình cảm ứng, so với gõ trên bàn phím, sẽ có thể kích phát nhiều hoạt động mạng lưới thần kinh hơn.
“Khi đang chấp hành nhiệm vụ, sự liên kết của đại não phong phú hơn, có thể phát huy tối đa tiềm lực của nó.”
Tầm quan trọng của viết tay
Bà van der Meer chỉ ra, độ chính xác của hình dạng chữ cái được hình thành khi viết tay đòi hỏi những động tác chính xác, có thể cải thiện đáng kể các mô thức liên kết đại não trong quá trình học tập. Ngược lại, những động tác gõ phím đơn điệu ít kích phát tâm trí hơn.
Bà lưu ý rằng, đây có thể là nguyên nhân tại sao trẻ học đọc và viết trên máy tính bảng thường gặp khó khăn trong việc phân biệt chữ trong gương. Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng, trẻ nhỏ nên được huấn luyện chữ viết tay.
“Các kỹ năng vận động cần thiết để viết chữ bằng tay rất phức tạp và tinh tế, đó là một thách thức đối với bộ não trẻ.”
Những đứa trẻ bắt đầu sử dụng máy tính bảng cũng biểu hiện kém hơn về phương diện chính tả và đọc chữ, điều mà bà Van der Meer tin rằng có thể là do chúng thiếu kinh nghiệm viết tay từng chữ cái.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không chủ trương từ bỏ hoàn toàn công nghệ. Họ đề xuất một sách lược cân bằng, đề xuất ghi chép bằng tay trong các bài giảng để nâng cao khả năng học tập, và sử dụng bàn phím khi cần phải viết nhiều. Những phát hiện của nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều chỉnh các phương pháp giảng dạy, tận dụng tối đa ưu thế của công cụ viết truyền thống và kỹ thuật số.
Tính cục hạn của nghiên cứu
Tiến sĩ Juliann Paolicchi, bác sĩ thần kinh nhi khoa tại Bệnh viện Lenox Hill của Northwell Health và Bệnh viện Đại học Staten Island, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết nghiên cứu này không đưa ra một bức tranh hoàn chỉnh.
Các nhà nghiên cứu sử dụng EEG tần số cao để ghi lại hoạt động của não. Loại phép đo EEG này thiếu độ phân giải không gian, do đó không thể xác định chính xác chức năng của các vùng não cụ thể.
Tiến sĩ Paolicchi cho biết: “Để phân tích chức năng không gian của não, kỹ thuật chụp ảnh PET cung cấp khả năng phân tích phức tạp hơn, có thể trực tiếp triển thị các vùng não liên quan đến các chức năng cụ thể.”
Ngoài ra, những người tham gia nhóm đánh máy chỉ sử dụng một ngón tay để gõ trên bàn phím. Tiến sĩ Paolicchi lưu ý, việc sử dụng cả hai tay đánh máy bằng cảm ứng chính xác (đánh máy thành thục không cần nhìn bàn phím) rất khác với việc dùng một tay hoặc hai tay “tìm và gõ chữ”.
Bà nói thêm: “Khi ghi chép trong lớp, học sinh thường sử dụng thao tác đánh máy bằng cảm ứng thay vì tìm và gõ chữ bằng một ngón tay.”
Việc dạy thể chữ thảo Anh văn quay trở lại các trường học ở Mỹ
Việc dạy viết chữ thảo Anh văn đã có một sức sống mới ở một số bang của Hoa Kỳ sau khi bị gạt ra ngoài lề trong hơn một thập kỷ do những thay đổi trong chính sách giáo dục. Vào năm 2010, với sự ra đời của Tiêu chuẩn cốt lõi chung của tiểu bang, tiêu chuẩn nêu rõ, học sinh lớp ba đến lớp năm cần học kỹ năng thao tác bàn phím, còn yêu cầu học sinh lớp bốn có thể đánh máy một lần toàn bộ một trang. Điều này dẫn đến việc viết chữ thảo dần bị loại khỏi kế hoạch giảng dạy ở tuyệt đại đa số các khu học.
Tuy nhiên, xu hướng đó đang thay đổi, theo MyCursive.com, một trang web dạy chữ thảo theo dõi tình huống thực thi dạy học chữ thảo trên khắp Hoa Kỳ. Hiện nay, có 21 bang đã quy định giáo dục viết chữ phải được thực hiện trong trường học. Ví dụ mới nhất là California, nơi đã thông qua dự luật vào tháng 10 năm 2023, quy định học sinh từ lớp một đến lớp sáu phải học viết chữ thảo.
Bài báo tiếng Anh: Handwriting Increases Brain Connectivity, Study Finds, tác giả George Citroner
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch
(DKN)