Báo cáo mới từ Trung Tâm Nghiên Cứu Pew cho biết cứ 10 người Mỹ gốc Á thì có một người đang phải sống trong cảnh nghèo đói.
Trong khi người Mỹ gốc Á thường được coi là thành công về mặt kinh tế và giáo dục, nhưng trong số 24 triệu người gốc Á cư trú tại Hoa Kỳ, có khoảng 2.3 triệu người sống hết sức khó khăn. Hơn nữa, người Mỹ gốc Á cũng có sự bất bình đẳng về thu nhập cao nhất so với bất kỳ nhóm chủng tộc hoặc sắc tộc lớn nào trong nước.
Vào Tháng Hai năm 2023, Pew tiến hành các nhóm tập trung và khảo sát để hiểu trải nghiệm đa dạng của người Mỹ gốc Á đang sống trong hoàn cảnh khó khăn. Cơ quan cố vấn tiến hành 18 nhóm tập trung với 144 người trưởng thành tham gia từ 11 nhóm gốc Á trên khắp Hoa Kỳ, bao gồm cả những người gặp vấn đề về kinh tế.
Các nhóm tập trung này, cùng với kết quả khảo sát từ Tháng Bảy năm 2022 đến Tháng Giêng năm 2023, nêu bật các chủ đề phổ biến như cuộc đấu tranh tài chính hàng ngày, quan niệm sai lầm về việc người châu Á không cần giúp đỡ, và tầm quan trọng của an ninh tài chính trong việc theo đuổi Giấc Mơ Mỹ.
Những người tham gia được hỏi về khó khăn tài chính khác nhau mà họ gặp phải trong năm qua, bao gồm việc phụ thuộc vào ngân hàng thực phẩm hoặc tổ chức từ thiện, mất bảo hiểm y tế, vật lộn với tiền thuê nhà hoặc thanh toán thế chấp, gặp vấn đề trong việc chi trả cho khám chữa bệnh, việc thanh toán các hóa đơn và không có tiền tiết kiệm phòng khi gặp trường hợp khẩn cấp.
Khoảng tám trong số 10 người trưởng thành ở gần hoặc dưới mức nghèo khổ (79%) trải qua ít nhất một trong những thách thức tài chính này trong năm 2023. Vấn nạn phổ biến nhất là không có khả năng tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp, được báo cáo bởi 57% người trưởng thành người Á châu đang sống trong nghèo đói, so với 40% trên mức nghèo.
17% người Mỹ gốc H’mong và 16% người Mỹ gốc Mông Cổ sống ở mức nghèo hoặc dưới mức nghèo. Tỷ lệ nghèo đói dao động từ 10% đến 13% đối với các nhóm người Nam Hàn, Malaysia, Lào, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Bangladesh, Pakistan và Campuchia. Các nhóm người Mỹ gốc Nepal, Nhật Bản, Sri Lanka và Philippines có tỷ lệ nghèo từ 6% đến 9%.
Ngoài ra, một phân tích của Pew trong Khảo Sát Cộng Đồng Người Mỹ năm 2022 cho thấy 26% người Châu Á sống dưới mức nghèo khổ tập trung ở các thành phố lớn như New York City, Los Angeles và San Francisco, với tỷ lệ nghèo cao cũng được ghi nhận ở Fresno, Buffalo và Pittsburgh.
Kết quả cũng chỉ ra rằng trải nghiệm khó khăn về kinh tế của người Mỹ gốc Á khác nhau tùy theo nơi sinh của họ, trong đó những người nhập cư phải đối mặt với những thách thức bổ sung, như rào cản về ngôn ngữ và phải thích nghi với môi trường sống mới.
Nghiên cứu của Pew cho biết khi người trưởng thành gốc Á sống trong cảnh nghèo khó cần hỗ trợ về hóa đơn, nhà ở, thực phẩm hoặc tìm kiếm việc làm, khoảng 61% quay sang nhờ đến gia đình hoặc bạn bè để nhận sự hỗ trợ. Một số người tham gia nhóm tập trung chia sẻ rằng các chương trình của chính phủ khó tiếp cận do rào cản về ngôn ngữ.
Trong khi những người tham gia sinh ra ở nước ngoài thường coi giáo dục là điều cần thiết để thoát nghèo, thì những người sinh ra ở Hoa Kỳ lại bày tỏ sự nghi ngờ về khái niệm này, nhấn mạnh tầm quan trọng của loại hình giáo dục mà họ nhận được. Những người tham gia nhấn mạnh tầm quan trọng của mạng lưới cộng đồng và kiến thức tài chính, cùng với giáo dục trong việc đạt được thành công ở Hoa Kỳ.
(SGN)
- Lường gạt về việc làm và kiếm tiền vẫn xảy ra trong các cộng đồng ở Mỹ
- 5 vụ giết người ở California có chung một nghi can
- Gian lận $2 triệu trợ cấp thất nghiệp trong dịch COVID-19, 2 cư dân Nam California bị bắt
- Nghị viên gốc Việt ở Georgia bị khiển trách sau khi đề nghị in tiếng Việt trên phiếu bầu