Tổ chức bảo vệ quyền động vật (People for the Ethical Treatment of Animals – PETA) vừa lên án việc sử dụng nội tạng động vật để cấy ghép cho người, sau khi người đầu tiên trên thế giới được ghép thận heo biến đổi gen qua đời chỉ vài tuần sau khi được ghép.
Vào ngày 16 Tháng Ba, Richard “Rick” Slayman, 62 tuổi, nhận được nội tạng biến đổi gen tại bệnh viện Bệnh Viện Đa khoa Mass, như phương pháp điều trị cuối cùng cho bệnh thận giai đoạn cuối. Quả thận do công ty công nghệ sinh học eGenesis cung cấp, được lấy từ một con heo biến đổi gen bằng công nghệ CRISPR-cas9 để cải thiện khả năng tương thích với cơ thể con người.
Việc cấy ghép được tôn vinh như một “cột mốc lịch sử” trong nghiên cứu y học mà các chuyên gia hy vọng sẽ giúp việc cấy ghép nội tạng trở nên dễ dàng hơn trong tương lai. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với việc sử dụng động vật trong công nghệ này.
Julia Baines, giám đốc chính sách khoa học cấp cao của PETA, cho biết: “Chẳng có điều gì đáng ăn mừng cả. Như chúng ta đã học được từ những ca cấy ghép tim khỉ đầu chó thất bại trước đó và những ca khác, trong đó nội tạng của loài vật – được coi là chỉ được dùng cho con người – đã bị lấy đi, cùng với mạng sống của loài vật đó, mà cuối cùng vẫn dẫn đến cái chết của người nhận.”
Vào ngày 11 Tháng Năm, bệnh viện Bệnh Viện Đa Khoa Massachusetts thông báo Slayman qua đời, mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy việc ông qua đời là kết quả của ca cấy ghép gần đây.
Slayman không phải là người đầu tiên nhận được nội tạng từ động vật. Vào Tháng Tám năm 2023, các bác sĩ từ University of Alabama thuộc Trường Y Khoa Heersink Birmingham (Birmingham Heersink School of Medicine) cấy ghép thận heo biến đổi gen vào một bệnh nhân chết não để chứng minh làm thế nào các cơ quan này có thể hoạt động giống như các cơ quan của con người trong một khoảng thời gian nhất định. Một trường hợp tương tự đã được báo cáo hai năm trước vào Tháng Chín năm 2021.
Tuy nhiên, cho đến nay, những bệnh nhân được ghép nội tạng của động vật chỉ sống được một khoảng thời gian ngắn. Baines nói: “Chưa có thí nghiệm nào như vậy thành công, bất chấp sự cường điệu hóa, và ông Slayman là người thứ ba chết sau ca cấy ghép nội tạng heo. Rất nhiều động vật bị giết theo những cách kinh hoàng trong quá trình thực hiện các quy trình như vậy, được giới truyền thông nhiệt tình đưa tin, liên quan đến việc coi sinh vật sống, cảm nhận chúng sinh như những nhà kho đơn thuần để thí nghiệm một cách vô tư.”
Nói gì thì nói, đối với gia đình Rick Slayman, việc được ghép thận heo, cũng giúp ông và thân nhân được sống cùng nhau thêm bảy tuần.
Gia đình của Slayman cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi vô cùng biết ơn đội ngũ chăm sóc của anh ấy tại Bệnh Viện Đa Khoa Massachusetts và Bệnh Viện Đa khoa Mass, đặc biệt là bác sĩ Williams, bác sĩ Kawai và bác sĩ Riella, những người đã thực sự làm mọi thứ có thể để giúp Rick có được cơ hội thứ hai.
Những nỗ lực to lớn của họ trong việc tiến hành cấy ghép xenotransplant mang lại cho gia đình chúng tôi thêm bảy tuần nữa với Rick, và những kỷ niệm của chúng tôi trong thời gian đó sẽ vẫn còn trong tâm trí và trái tim mỗi người trong gia đình. Gia đình chúng tôi rất đau buồn trước sự ra đi đột ngột của Rick, nhưng cũng là nguồn an ủi khi biết rằng anh đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người.”
(SGN)