KIỀU MỸ DUYÊN
KIỀU MỸ DUYÊN
Chùa Bảo Quang tổ chức “Vui Tết Trung Thu” cho các em thiếu nhi. (Ảnh: Thu Anh)
Tết Trung Thu rước đèn đi chơi, mùa Trung Thu là mùa của thiếu nhi, mùa của tuổi thơ, trẻ nhỏ nào cũng thích mùa Trung Thu được mặc áo đẹp đi rước đèn. Đèn con cá, con rồng, con thỏ, ngôi sao, màu sắc rực rỡ. Hồi xưa, còn học tiểu học, chúng tôi mong tới Tết Trung Thu được ăn bánh Trung Thu, ca hát, rước đèn Trung Thu đi khắp phố phường. Khi tị nạn ở Hoa Kỳ, chúng tôi thích được nhìn thấy các em dung dăng dung dẻ mặc áo dài, đèn trong tay, ca hát líu lo vui Tết Trung Thu.
Phật tử chuẩn bị lồng đèn cho các em thiếu nhi. (Ảnh: Thu Anh)
5 giờ chiều, Chúa Nhật ngày 15/9/2024 tại chùa Bảo Quang, thành phố Santa Ana, Hòa Thượng Thích Thông Hải tổ chức “Vui Tết Trung Thu” cho các em thiếu nhi với sự đóng góp tích cực của cô Thảo Ly, một Phật tử say mê làm Phật sự.
Hòa Thượng Thích Thông Hải nói về ý nghĩa của Tết Trung Thu. (Ảnh: Thu Anh)
Ngày xưa, khi Hòa Thượng Thích Quảng Thanh còn sinh tiền, năm nào Tết Trung Thu cũng được tổ chức linh đình, với sự hỗ trợ của chủ nhân tiệm bánh Đông Hưng Viên, ở thành phố Westminster. Năm nào tiệm bánh này cũng tặng cho chùa 5000 phần quà trong các ngày lễ lớn như lễ Phật Đản, lễ Vu Lan, và Tết Trung Thu. Về sau Hòa Thượng Quảng Thanh viên tịch, mọi sinh hoạt ngưng trệ như cho cơm người không nhà, báo Trúc Lâm xuất sắc của chùa cũng ngừng xuất bản, cho đến khi Hòa Thượng Thông Hải về trụ trì, chùa bắt đầu sinh hoạt trở lại.
Tết Trung Thu không thể thiếu tiếng trống nhộn nhịp cùng những điệu múa Lân, con Lân tượng trưng cho điềm lành vì vậy múa Lân đêm Trung Thu là ước mong cho những điềm lành đến với mọi nhà. (Ảnh: Thu Anh)
Hòa Thượng Thích Thông Hải nói về ý nghĩa của Tết Trung Thu và các gia đình Phật tử đóng góp cho buổi lễ gồm có đoàn múa lân, với những chiếc áo rất đẹp, màu sắc sặc sỡ, màu trắng, màu vàng, các em múa rất đẹp. Tết Trung Thu, còn được gọi là lễ hội trăng rằm, là một trong những lễ hội truyền thống được yêu thích nhất của người Việt Nam, diễn ra vào giữa mùa thu, vào ngày Rằm tháng 8 âm lịch. Sự tích Tết Trung Thu là những câu chuyện thú vị về chị Hằng, chú Cuội, thỏ ngọc, đèn ông sao, v.v. Theo truyền thuyết ông cha ta kể lại, sự tích ngày Tết Trung Thu gắn liền với chị Hằng, chú Cuội. Câu chuyện bắt đầu vào một đêm rằm tháng Tám, dưới ánh trăng huyền ảo, sáng vằng vặc như gương, nhà vua ngắm trăng, nảy ra ý muốn lên thăm Cung Trăng. Một vị pháp sư đi theo nhà vua liền ném chiếc gậy lên không trung, chiếc gậy phút chốc biến thành một chiếc cầu bằng bạc lấp lánh dẫn lối nhà vua và pháp sư lên Cung Trăng. Đến “Phủ Thanh Hư Quảng Hàn”, nhà vua và pháp sư được tiên nữ Hằng Nga tiếp đón nồng hậu với bánh tiên và các tiên nữ múa hát.
Khi trở về trần gian, nhà vua chọn ngày rằm tháng Tám để tưởng nhớ ngày này. Vào ngày này hàng năm, nhà vua sai đầu bếp làm “bánh tiên” có hình tròn tựa mặt trăng sáng đêm rằm. Nhà vua quây quần cùng quần thần ngắm trăng, ăn bánh và thưởng trà. Kể từ đó, Tết Trung Thu đã đi vào cuộc sống như một thói quen, một nếp sống đẹp của người dân Việt Nam.
Ảo thuật gia đến từ Hollywood. (Ảnh: Thu Anh)
Màn ảo thuật do một đồng hương đến từ Hollywood rất thu hút người xem. Ca sĩ Thành Lễ và con gái hát thật xuất sắc, Thành Lễ rất có duyên khi kể chuyện về huyền thoại Tết Trung Thu, con cá hóa rồng, các hoa hậu, á hậu trình diễn áo dài tuyệt đẹp.
Ca sĩ Thành Lễ, con gái và Kiều Mỹ Duyên. (Ảnh: Thu Anh)
Các em thiếu nhi của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ rất xuất sắc, các em rất chuyên nghiệp, sinh ra và lớn lên ở đây nhưng được ông bà, cha mẹ dạy nói tiếng Việt và được nhạc sĩ Cao Minh Hưng huấn luyện. Xướng ngôn viên của đoàn chừng 12- 13 tuổi, thông thạo tiếng Việt. Em nào cũng đẹp, lễ phép, dễ thương. Các em thiếu nhi mặc áo dài trong các điệu vũ tuyệt vời thu hút người xem. Ông bà, cha mẹ của các em hãnh diện về con cháu của mình với những tiếng vỗ tay vang cả bầu trời nắng ấm.
Các em chăm chú xem biểu diễn ảo thuật tại chùa Bảo Quang. (Ảnh: Thu Anh)
Chùa Bảo Quang không còn chỗ đậu xe, càng về chiều Phật tử đến càng đông, cho nên các chỗ đậu xe trong sân chùa không còn một chỗ trống. Đối diện chùa là công viên, các Phật tử có thể đậu xe bên công viên hay những con đường nhỏ dọc bên đường.
Tôi hỏi vợ của nhạc sĩ Cao Minh Hưng:
– Ông xã của cháu đâu rồi?
– Anh ấy đi tìm chỗ đậu xe cô ơi. Các em vừa trình diễn ở chùa Điều Ngự rồi chạy sang đây.
Các em thiếu nhi của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ đi trình diễn khắp nơi miền Nam, Bắc California, Arizona, Seattle, Houston. Đi đến đâu cũng được đồng bào hoan hô nhiệt liệt.
Các em múa vui Trung Thu(Ảnh: Thu Anh)
Rời chùa Bảo Quang trong lúc các màn văn nghệ đang trình diễn rất hấp dẫn, chúng tôi đến chùa Điều Ngự ở thành phố Westminster. Trên sân khấu, các em đang lãnh thưởng, nhiều giải thưởng lắm. Các em lãnh giải thưởng về hội họa là bánh Trung Thu, lồng đèn và thú nhồi bông. Dường như bánh Trung Thu đã trở thành một thứ bánh chỉ có vào dịp Tết Trung Thu và không thể thiếu của mọi nhà. Bánh được làm từ bột mì nhân hạt sen, đậu xanh, khoai môn, hay thập cẩm, … Bánh trung thu biểu tượng cho sự đoàn tụ và hòa thuận của gia đình.
Trên bàn từ cửa ra vào, để nhiều sách về Phật tặng đồng hương đến chùa. Hòa Thượng Thích Viên Lý và Hòa Thượng Thích Viên Huy viết nhiều sách để tặng cho Phật tử. Hòa Thượng Viên Huy, em ruột Hòa Thượng Viên Lý lúc nào cũng đón tiếp đồng hương một cách ân cần niềm nở.
Vui Tết Trung Thu ở chùa Điều Ngự (bác sĩ Võ Đình Hữu- đứng giữa, mặc vest- tặng quà cho các em) (Ảnh: Thu Anh)
Trước sân chùa có nhiều đồng hương đảnh lễ, trong chùa không còn một chỗ ngồi. Ông bà, cha mẹ và các em thiếu nhi đang lắng nghe xướng ngôn viên nêu tên của các cháu lên sân khấu lãnh thưởng. Bác sĩ Võ Đình Hữu đi xa vừa xuống phi trường là đến chùa Điều Ngự lên sân khấu trao thưởng các em. Trên sân khấu hay dưới sân khấu, em nào cũng cầm lồng đèn con cá, con rồng trên tay. Tất cả người tham dự Tết Trung Thu ở chùa Điều Ngự mặt mày rạng rỡ, vui với niềm vui của gia đình cùng âm nhạc, với lồng đèn và bánh Trung Thu.
Các em lãnh giải thưởng vẽ tranh “Vui Tết Trung Thu”.(Ảnh: Thu Anh)
Hòa Thượng Thích Viên Lý nói:
– Tết Trung Thu là Tết của nhi đồng. Nhìn các cháu vui, mọi người vui theo. Nhưng buổi tổ chức nào cũng có khiếm khuyết, mong mọi người góp ý để năm sau làm tốt hơn.
Hòa Thượng Viên Lý lúc nào cũng khiêm tốn như thế. Giọng nói của Hòa Thượng rất hiền, chưa bao giờ ai thấy thầy lớn tiếng với người nào. Thầy lên TV giảng đạo cũng thế, trầm tĩnh, nhẹ nhàng và khiêm tốn. Hoà Thượng Thích Viên Lý tốt nghiệp Tiến Sĩ University of the West – Chủ tịch Tăng Đoàn GHPGVNTN Hải Ngoại, Viện Chủ Chùa Điều Ngự, Trụ Trì Chùa Diệu Pháp. Ngài là người gốc Việt đầu tiên được trao giải Community Leaders Award 41. Thầy thường xuyên đi họp ở các quốc gia trên thế giới.
Đông đảo Phật tử chùa Điều Ngự tham dự vui Tết Trung Thu cùng các em thiếu nhi. (Ảnh: Thu Anh)
Hòa Thượng Viên Lý cho rằng tham dự Tết Trung Thu không phải chỉ để vui, mà đến để học cái hay, cái đẹp của lễ hội trăng rằm Trung Thu, để giữ gìn văn hóa dân tộc. Chùa Điều Ngự có đông Phật tử vì chùa có nhiều sinh hoạt của gia đình Phật tử, dạy thi Quốc Tịch và nhiều sinh hoạt khác, nhất là chùa có đài truyền hình phát 24/24 giờ mỗi ngày, nên vào các dịp lễ hội, các Phật tử tham dự rất đông, Tết Trung Thu năm nay cũng vậy.
Các em nhận giải thưởng ở chùa Điều Ngự. (Ảnh: Thu Anh)
Hòa Thượng Viên Lý và Hòa Thượng Viên Huy cùng ban hộ niệm của chùa giúp đỡ nhiều đồng hương. Khi cha mẹ Phật tử đau, các thầy và ban hộ niệm cầu an. Khi Phật tử qua đời, các thầy và ban hộ niệm cầu siêu, nhất là trong mùa dịch Covid- 19, các thầy vẫn tận tụy cầu an, cầu siêu, vì các thầy làm việc tích cực như thế, cho nên lúc nào chùa cũng đông Phật tử và người ở xa về miền Nam California đều đến thăm chùa Điều Ngự.
Trung Thu là Tết đoàn viên, là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam, chúng ta cần giữ gìn nét đẹp văn hóa này. Cầu xin Trời Phật phù hộ cho các thầy, các Phật tử và các cháu thiếu nhi thân tâm thường an lạc.
Orange County, 18/9/2024
KIỀU MỸ DUYÊN
(kieumyduyen1@yahoo.com)