Home Tin TứcTin Hoa Kỳ‘Kỷ nguyên mới vàng son’ của nước Mỹ

‘Kỷ nguyên mới vàng son’ của nước Mỹ

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Chiều hôm trước Lễ Độc Lập, sau nhiều nỗ lực thuyết phục và dọa dẫm các dân biểu đồng viện bỏ phiếu thông qua “Dự Luật Lớn, Đẹp” (Big, Beautiful Bill – BBB), Dân Biểu Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana), chủ tịch Hạ Viện, đã đọc bài diễn văn lịch sử, trong đó ông tuyên bố: “Hôm nay, chúng ta đặt nền móng cho một kỷ nguyên mới vàng son của nước Mỹ” (“Today we are laying a key cornerstone of America’s new golden age.”)

Rồi ông Johnson nhấn mạnh: “Nếu các bạn muốn biên giới vững chắc hơn, cộng đồng an toàn hơn, quân đội mạnh mẽ hơn thì dự luật này dành cho bạn. Nếu bạn là người có trách nhiệm về ngân sách hợp lý, giảm thâm thủng thì dự luật này dành cho bạn. Nếu bạn muốn thuế thấp hơn, công bằng hơn, muốn tiền lương cao hơn, xăng dầu và thực phẩm giá rẻ hơn, muốn khôi phục phẩm giá của lao động chăm chỉ thì dự luật này dành cho bạn.”

Nghe thật cảm động, giống như lời cam kết một “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” mà một ông Cộng Sản ở bên kia đại dương vẫn thường rêu rao với thần dân của mình. Dự luật BBB được biết sẽ được ông Donald Trump, tổng thống Mỹ, ký thành luật và ban hành vào lúc 5 giờ chiều 4 Tháng Bảy, đúng kỷ niệm 249 năm ngày bản Tuyên Ngôn Độc Lập ra đời.

Không dành cho người nghèo

Trong quá trình Quốc Hội tranh cãi, qua truyền thông và phân tích của các tổ chức chuyên môn, hầu hết người Mỹ đã biết được những nội dung chính của dự luật BBB và tác động của nó đến đời sống của từng gia đình.

Chung quy, dự luật BBB mở đầu cuộc chuyển dịch tài sản từ người nghèo sang người giàu, gia tăng gánh nợ của quốc gia. Và ngôn từ hoa mỹ đã không che giấu được sự thật, đạo luật BBB không “đẹp” như ông Trump quảng bá, không mở ra “kỷ nguyên mới vàng son” như lời ông Johnson, cho nên trong các cuộc thăm dò ý kiến có tới hai phần ba người dân Mỹ lên tiếng phản đối.

Nếu luật BBB mở ra một “kỷ nguyên mới” như lời ông Johnson thì kỷ nguyên đó không dành cho người nghèo, người yếu thế. Một số người giàu và trung lưu lớp trên đang vui mừng vì luật BBB giảm cho họ một khoản thuế thu nhập phải đóng, nhưng đổi lại phần lớn người nghèo bị thiệt hại nặng do không còn được chính phủ hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe.

Luật BBB sẽ cắt giảm $1,000 tỷ ngân sách trong 10 năm của chương trình Medicaid, làm cho khoảng 11 triệu đến 18 triệu người mất bảo hiểm y tế. Theo tính toán của Kaiser Family Foundation (KFF), ba tiểu bang có số người bị mất Medicaid nhiều nhất là Florida (2.4 triệu người), California (1.9 triệu người) và Texas (1.9 triệu người). Không nhất thiết là “xanh” hay “đỏ,” Dân Chủ hay Cộng Hòa, nhiều bệnh viện và nhà dưỡng lão sẽ phải đóng cửa và nhiều sinh mạng sẽ bị mất một cách oan uổng do tiền tài trợ bị cắt giảm.

Có người lập luận, các chương trình trợ cấp y tế như Medicaid, Obamacare bị đầy gian lận, lãng phí và bị những kẻ lười biếng lợi dụng nên cần phải cải cách để tiết kiệm. Từ nay, người trong độ tuổi lao động (19 đến 64 tuổi), muốn được hưởng Medicaid phải làm việc tối thiểu 80 giờ mỗi tháng và xét duyệt điều kiện hai lần mỗi năm. Vài năm qua đã có ít nhất hai tiểu bang áp dụng quy định này và thực tế nó không làm tăng số người lao động mà chỉ làm giảm số người mất quyền lợi y tế và quy định này đã từng bị tòa án liên bang bác bỏ.

Không có chỗ cho di dân da màu

“Kỷ nguyên mới” của ông Johnson dường như cũng không có chỗ cho người da màu thông qua việc trấn áp và trục xuất người nhập cư, chủ yếu là người từ các nước Trung và Nam Mỹ, Á Châu và Phi Châu. Ít người để ý rằng luật BBB phân bổ $170.7 tỷ cho Bộ Nội An để mở rộng và tăng cường các lực lượng an ninh biên giới và trục xuất người nhập cư. Trong số này có $51.6 tỷ dành cho lực lượng biên phòng (Customs and Border Protection – CBP) và xây tường biên giới giáp Mexico; $29.9 tỷ mở rộng hoạt động truy lùng và trục xuất di dân của lực lượng Cảnh Sát Di Trú (Immigration and Customs Enforcement – ICE) và $45 tỷ xây dựng các trại giam giữ người nhập cư kiểu Alligator Alcatraz ở Florida mới mở cửa hôm Thứ Tư, 2 Tháng Bảy.

“Bán anh em xa, mua láng giềng gần,” thay vì đàm phán và phối hợp chặt chẽ với Canada, Mexico để giải quyết gốc rễ tệ nạn ma túy và buôn người thì chính quyền Trump lại chọn “hạ sách” là xây tường dù ai cũng biết không bức tường biên giới nào có thể làm cho nước Mỹ an toàn hơn.

Riêng ICE, ngoài ngân sách hàng năm $9.3 tỷ hiện hành sẽ được luật BBB bổ sung thêm $150 tỷ từ nay đến 2029 để có ngân sách hàng năm khoảng $37.5 tỷ, chỉ ít hơn ngân sách quốc phòng của 15 quốc gia và gần bằng tổng ngân sách quốc phòng của năm nước lớn nhất Đông Nam Á (Singapore $12 tỷ, Indonesia $8.8 tỷ, Việt Nam $7.8 tỷ, Thái Lan $5.5 tỷ và Philippines $4.4 tỷ).

Đất nước không có chiến tranh, không loạn lạc, vì sao chính phủ phải dành số tiền lớn như vậy cho hoạt động trị an? Trên thế giới, chỉ những nước độc tài toàn trị như Trung Quốc, Nga, Việt Nam, Iran, Bắc Hàn… mới đổ hàng núi tiền để lập ra và vận hành một lực lượng đàn áp chìm nổi khổng lồ để bóp chết mọi mầm mống phản kháng của người dân. Chẳng lẽ chính quyền Mỹ cũng “sợ dân hơn sợ giặc” như các quốc gia vừa kể nên ra sức củng cố và mở rộng ICE làm công cụ đàn áp?

Mục đích của ICE là trục xuất khoảng 11 triệu người nhập cư không giấy tờ đang sinh sống ở Mỹ. Nhưng không dừng lại ở đó. Theo thống kê dân số, nước Mỹ hiện có khoảng 47 triệu người sinh ra ở nước ngoài, trở thành công dân Mỹ sau quá trình nhập cư hợp pháp, gọi là những naturalized citizens, trong đó có hơn 2 triệu người gốc Việt.

Gần đây chính quyền Trump đã úp mở về ý đồ tước quốc tịch (de-naturalization) những người này và trục xuất họ về nguyên quán nếu họ vi phạm pháp luật, dù nhỏ, hoặc bị phát hiện gian dối trong hồ sơ nhập tịch. Trong nhiệm kỳ đầu, chính quyền Trump đã trục xuất 66 công dân Mỹ nhập tịch chỉ vì họ phạm những tội tiểu hình.

ICE chính là công cụ thực hiện một chiến lược trục xuất sâu rộng, thay đổi cơ cấu dân số, biến nước Mỹ thành quốc gia của người da trắng, theo đạo Tin Lành, có gốc gác từ Âu Châu mà giới học giả vẫn gọi tắt là WASP (White, Anglo-Saxon, Protestant). Người da màu, người nhập cư từ “thế giới thứ ba,” không có chỗ đứng trong “kỷ nguyên mới” của nước Mỹ cho dù đã ở đây bao nhiêu thế hệ, hợp pháp hay không có giấy tờ. Họ không được phép làm ô nhiễm dòng máu Mỹ, không được “thay thế” dòng giống da trắng thượng đẳng, chủ nhân ông của đất nước tươi đẹp này.

Chủ nghĩa dân tộc cộng với sự kỳ thị chủng tộc tới mức cực đoan chính là cốt lõi của kỷ nguyên mới mà ông Johnson nói tới và sử dụng lực lượng ICE để thực thi. Một ví dụ, trong lúc truy lùng và trục xuất tùy tiện người nhập cư da màu, chính quyền Trump cũng đã hân hoan đón tiếp những người da trắng Nam Phi – gọi là người Afrikaners, con cháu của các thực dân Anh và Hòa Lan từng thiết lập chế độ apartheid (phân biệt chủng tộc) ở xứ sở này – bất chấp thực tế họ không hề bị ngược đãi ở xứ sở mà người da trắng chỉ chiếm 5.7% dân số nhưng thủ đắc tới 61% diện tích đất canh tác và 70% số công ty giao dịch trên thị trường chứng khoán Johannesburg! Ở nước Mỹ bây giờ màu da là yếu tố quyết định ai là người được chào đón và ai là kẻ phải bị trục xuất!

Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất trên thế giới không hình thành từ một chủng tộc, một ngôn ngữ mà xây dựng trên một lý tưởng được dùng để mở đầu bản Tuyên Ngôn Độc Lập “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng; Tạo hóa cho họ những quyền bất khả xâm phạm: quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc.” Với lý tưởng đó mà 250 năm qua, nước Mỹ như “một thành phố trên đồi,” thu hút những con người khao khát tự do từ mọi nơi trên thế giới; nhưng nay lý tưởng bình đẳng dường như đã phai nhạt.

Không dành cho tương lai

Kỷ nguyên mới của đạo luật BBB cũng không dành cho… tương lai! Cuộc khủng hoảng thật sự mà nước Mỹ đang đối mặt không phải là khủng hoảng biên giới hay khủng hoảng nhập cư mà là khủng hoảng nợ công do ngân sách chi nhiều hơn thu, phải liên tục vay tiền để chính phủ hoạt động. Khối nợ công của Mỹ tích lũy qua nhiều đời tổng thống, hiện đã lên tới $37,000 tỷ, bằng 121% tổng sản lượng quốc gia trong một năm, và đang tiếp tục tăng. Chỉ riêng tiền lời phải trả cho khối nợ công này đã tiêu tốn mỗi năm $1,000 tỷ, nhiều hơn cả tiền chi cho bộ máy quốc phòng.

Trong hoàn cảnh đó, nếu “là người có trách nhiệm về ngân sách hợp lý, giảm thâm thủng” như lời ông Johnson thì việc đầu tiên chính phủ phải làm tìm cách tăng số thu vào ngân sách quốc gia; nếu không tăng thuế thì ít ra cũng không nên giảm thuế, nhất là khi việc giảm thuế đó chỉ có lợi cho một nhóm người vốn đã thừa mứa tiền bạc.

Sau khi trừ đi $1,200 tỷ tiết kiệm từ cắt giảm Medicaid, trợ cấp thực phẩm SNAP, đạo luật BBB vẫn làm nợ công tăng thêm tới $3,300 tỷ, nếu tính cả tiền lời thì lên tới $4,500 tỷ, theo tính toán của Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (CBO).

Các thế hệ người Mỹ tương lai phải gánh khoản nợ này và các chính phủ tương lai sẽ không có cách nào khác hơn là tăng thuế, tăng bán tài nguyên quốc gia và giảm trợ cấp xã hội để trả nợ. Thế hệ người Mỹ trẻ đang vật vã lo âu khi đời sống ngày càng khó, ước mơ mua nhà vượt ngoài tầm tay, tiền lương tăng không kịp lạm phát, việc làm ngày càng hiếm và cạnh tranh gay gắt với các công nghệ mới như robot, trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence – AI) nay lại thêm mối lo áp lực nợ công, tương lai quả là không sáng sủa như lời ông chủ tịch Hạ Viện.

Thêm nữa, trong lúc cả thế giới đang hối hả đi tới tương lai bằng những phát minh mới thì đạo luật BBB lại kéo nước Mỹ về quá khứ: thay thế năng lượng sạch và tái tạo được bằng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm. Năm 2022 Quốc Hội đã thông qua đạo luật Inflation Reduction Act, tăng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao và năng lượng sạch để đuổi kịp và vượt qua Trung Quốc; đến nay các doanh nghiệp đã đầu tư $321 tỷ vào các dự án năng lượng sạch và còn $522 tỷ tiếp tục được khai triển, nhưng nay thì đạo luật BBB làm ngược lại, cắt giảm $543 tỷ tín dụng thuế cho các dự án điện gió, điện mặt trời; cắt giảm khoản $7,500 khuyến khích người tiêu dùng mua xe điện, cắt luôn cả phần hỗ trợ tài chính để thiết lập mạng lưới trạm sạc xe điện khắp cả nước.

Thiên tai ngày càng khủng khiếp do biến đổi khí hậu và nhân loại chỉ có một Trái Đất duy nhất để sinh sống, cho nên việc quay lại với dầu mỏ và khí đốt, góp phần làm trái đất nóng lên, không phải là một lựa chọn hợp lý.

Cái kỷ nguyên vàng son mà ông chủ tịch Hạ Viện huênh hoang trong đạo luật BBB nghe ra khá cay đắng!

(SGN)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thêm bình luận