Home Tin TứcTin Hoa Kỳ TT Biden kí luật thúc đẩy ngành sản xuất chip của Mỹ, cạnh tranh với TQ

TT Biden kí luật thúc đẩy ngành sản xuất chip của Mỹ, cạnh tranh với TQ

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Tổng thống Joe Biden ngày 9/8 kí một dự luật được cả hai đảng biểu quyết tán thành trị giá 280 tỉ đô để thúc đẩy sản xuất công nghệ cao trong nước, một phần trong nỗ lực tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ trước Trung Quốc.

Dự luật là một phần cốt lõi trong chủ trương kinh tế của ông Biden khuyến khích đầu tư vào kĩ nghệ sản xuất chất bán dẫn của Mỹ nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào các chuỗi cung ứng ở nước ngoài đối với những mặt hàng hệ trọng, tối tân.

“Tương lai của ngành sản xuất chip sẽ được tạo ra ở Mỹ,” ông Biden nói trong một buổi lễ tại Vườn Hồng ngày 9/8, nhắc đến các thiết bị bé xíu cung cấp năng lượng cho mọi thứ từ điện thoại thông minh, máy tính, đến xe hơi. Luật này dành ngân khoản 52 tỉ đôla để củng cố lĩnh vực chip máy tính của Mỹ.

Dự luật được soạn thảo trong hơn một năm, cuối cùng được cả hai viện của Quốc hội thông qua vào cuối tháng trước với sự ủng hộ lưỡng đảng đáng kể. Thượng viện thông qua với tỉ số 64-33 và Hạ viện nhanh chóng theo bước với tỉ số 243-187.

Nhà Trắng ngày 9/8 bắt đầu quảng bá những tác động tức thời của luật này, lưu ý rằng Micron, hãng sản xuất chip hàng đầu của Mỹ, sẽ công bố kế hoạch 40 tỉ đô để thúc đẩy sản xuất chip bộ nhớ trong nước, trong khi Qualcomm và GlobalFoundries sẽ công bố khoản đầu tư 4,2 tỉ đô mở rộng một nhà máy sản xuất chip ở phía bắc bang New York.

Chính quyền cũng đã nhiều lần mô tả luật này như một phần hệ trọng trong nỗ lực chống lại ảnh hưởng của một nước Trung Quốc đang trỗi dậy và bảo đảm Mỹ có thể duy trì lợi thế cạnh tranh trước Bắc Kinh, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn. Các quan chức chính quyền đã tổ chức nhiều buổi báo cáo cho các nhà lập pháp để phác thảo các tác động an ninh quốc gia của dự luật này, và ông Biden lưu ý trong bài phát biểu hôm 9/8 rằng chính phủ Trung Quốc đã vận động các doanh nghiệp Mỹ chống lại luật này.

Nhiều nhà lập pháp Mỹ cho biết họ thường sẽ không ủng hộ các khoản trợ cấp quá lớn cho các doanh nghiệp tư nhân nhưng lưu ý rằng Trung Quốc và Liên minh Châu Âu đã trao hàng tỉ khoản ưu đãi cho các công ty chip của mình. Họ cũng trích dẫn các rủi ro an ninh quốc gia và các vấn đề lớn của chuỗi cung ứng toàn cầu đã cản trở hoạt động sản xuất toàn cầu.

“Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ đề ra một viễn kiến lâu dài cho cả đất nước, một chuyện rất là quan trọng vì nó đầu tư cho mấy chục năm tới,” tiến sĩ Đinh Xuân Quân, một chuyên gia kinh tế từng làm việc trong lĩnh vực phát triển quốc tế, nhận định. Ông lưu ý rằng luật này là một trong những ngoại lệ hiếm hoi vì “không bao giờ chính phủ Hoa Kỳ muốn giúp chính sách công nghiệp hết.”

“Các chip của Hoa Kỳ sản xuất tân tiến hơn là chip làm tại Trung Quốc và việc đầu tư thêm sẽ giúp cho kinh tế Hoa Kỳ và các công ty Hoa Kỳ có nhiều sức cạnh tranh và tiến lên vị trí số một,” ông giải thích. “Đây là chuyện quan trọng vì trong bao nhiêu năm không có đầu tư mà đưa qua Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể bị bắt chẹt.”

“[Luật này] là bước tiến cần thiết để tái xây dựng công nghiệp chip tại Hoa Kỳ,” tiến sĩ Quân nói thêm.

Tổng thống Biden ngày 9/8 tuyên bố trong buổi lễ kí ban hành luật: “Nhiều thập niên tới kể từ bây giờ, người ta sẽ nhìn lại tuần này và tất cả những gì chúng ta đã thông qua và tất cả những gì chúng ta đã thăng tiến, và thấy rằng chúng ta đã đón lấy thời cơ tại khúc quanh này trong lịch sử.”

Buổi lễ là một trong số các sự kiện công cộng mà ông Biden đã lên lịch tham gia kể từ khi hồi phục sau COVID-19, bao gồm một chuyến thăm Kentucky bị lũ lụt tàn phá vào đầu tuần và một sự kiện kí kết luật hỗ trợ các cựu chiến binh vào ngày 10/8.

(VOA)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thêm bình luận

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.