Home Tin TứcTin Hoa Kỳ Visa H-1B và sự hoảng loạn trong giới công nghệ cao

Visa H-1B và sự hoảng loạn trong giới công nghệ cao

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Những lao động có thị thực tay nghề cao nhưng mất việc làm trong khu vực công nghệ lương cao đang ở trong nguy cơ bị trục xuất ra khỏi Mỹ trong bối cảnh sa thải hàng loạt.

Từ những kẻ được săn đón trở thành bơ vơ!

Nhiều cuộc vận động đã diễn ra để những lao động này có thêm thị thực tạm thời 60 ngày trong khi chờ tìm việc làm mới hoặc rời khỏi đất nước. Làn sóng sa thải ồ ạt diễn ra trong lĩnh vực công nghệ đang gây ra sự hoảng loạn trong cộng đồng lao động nhập cư chưa trở thành công dân Mỹ. Họ đang cố gắng tìm kiếm việc làm mới hoặc có nguy cơ mất quyền sống ở nước Mỹ.

Những công nhân này, chủ yếu đến từ Ấn Độ, sang Mỹ làm việc theo chế độ thị thực tạm thời được thiết kế để giúp các công ty công nghệ Mỹ đang thiếu những lao động có trình độ và tay nghề đặc biệt. Không ít người đã ở đây nhiều năm, thậm chí hàng chục năm. Nhưng bây giờ nhiều người đã bị sa thải, thị thực của họ sẽ hết hạn sau 60 ngày mất việc và họ phải rời Mỹ trừ khi tìm được một chủ nhân mới sẵn sàng chấp nhận các quy tắc nhập cư phức tạp và trả các khoản phí có thể lên tới hàng ngàn đôla để thuê họ.

Tình hình đã biến thành khủng hoảng đối với các gia đình người nhập cư ở Silicon Valley và một số nơi khác, đồng thời phơi bày sự bất lực của các nhà lập pháp trong việc cải cách hệ thống nhập cư của quốc gia, ngay cả trong những vấn đề đã đạt được sự đồng thuận rộng rãi. The Washington Post kể một số trường hợp.

Facebook đã sa thải 11,000 người (13% lực lượng lao động) vào Tháng Mười Một 2022 và chuẩn bị một đợt sa thải mới những ngày sắp tới – theo thông báo nội bộ vào trung tuần Tháng Hai 2023 – Ảnh: Tổng hành dinh Facebook tại Menlo Park, California – nguồn: Tayfun Coskun / Anadolu Agency / Getty Images

Indu Bhushan, 36 tuổi bị cho thôi công việc kỹ sư mạng tại PayPal vào tháng này bộc bạch: “Thật buồn vì mọi thứ tưởng như tốt đẹp và vợ tôi sắp sinh con. Trên khắp nước Mỹ, có rất nhiều người bị sa thải như tôi đang vất vả săn lùng việc mới. Trở về Ấn Độ chỉ vì thị thực H-1B của tôi không được tiếp tục là cách tồi tệ nhất để rời khỏi một đất nước nổi tiếng với nhiều cơ hội”.

Sống ở Methuen, ngoại ô Boston, Massachusetts, Bhushan cho biết đang tìm công việc mới nhưng sự cạnh tranh rất khốc liệt và một số công ty không sẵn sàng chịu bảo lãnh visa H-1B cho anh. Bhushan đã sống ở Hoa Kỳ kể từ khi lấy bằng thạc sĩ tại Học viện Công nghệ New York vào năm 2013. Cuộc khủng hoảng thị thực công nghệ cao đã thu hút sự chú ý của các nhóm vận động và một số nhà lập pháp đảng Dân chủ. Họ vận động hành lang Bộ An ninh Nội địa và Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (U.S. Citizenship and Immigration Services-USCIS) để kéo dài thời gian những người có thị thực công nghệ cao có thể ở lại Mỹ sau khi mất việc làm từ 60 lên 120 ngày, tức thêm gấp đôi.

Trong một bức thư đề ngày 25 Tháng Một phản hồi đến Dân biểu Anna G. Eshoo và Dân biều Zoe Lofgren của tiểu bang California, Giám đốc USCIS Ur M. Jaddou giải trình: “Việc kéo dài thời gian gia hạn sẽ buộc phải có sự thay đổi về một số quy định và sẽ mất nhiều thời gian để hoàn thành”.

Thay vào đó, USCIS gợi ý những người có thị thực công nghệ cao bị sa thải có thể “câu giờ” bằng cách xin một số thị thực khác, chẳng hạn thị thực du lịch, dù không thể làm việc trong thời gian du lịch. Eshoo, người đại diện cho đơn vị bầu cử có cả Silicon Valley phát biểu trong một cuộc phỏng vấn: “Bức thư không thỏa mãn mối quan tâm của tôi về các vấn đề mà cử tri bị sa thải phải đối mặt khi thị thực công nghệ cao của họ sắp hết hạn”. Gần đây, bà đã tổ chức một cuộc họp tại văn phòng của mình với các quan chức cấp cao của USCIS, chỉ để nghe họ nhắc lại lời khuyên của Jaddou. “Đây là việc khẩn cấp – Eshoo nhấn mạnh – Những người có thị thực H-1B này không còn nhiều thời gian” – bà lưu ý.

Một số công ty từng sa thải nhân viên H-1B đang vận động Quốc hội tăng giới hạn về số người được cấp loại thị thực này hàng năm. Giới hạn hiện nay là 85,000, với 75% người nộp đơn đến từ Ấn Độ.

Tính cả những người có thị thực H-1B đã đến Mỹ trong những năm trước, đến năm 2019 có gần 600,000 lao động nhập cư công nghệ làm việc ở Mỹ (theo một báo cáo của Bộ An ninh Nội địa và đây được xem là con số chính xác nhất). Xổ số thị thực H-1B cho năm 2024 sẽ mở vào Tháng Ba, và sẽ sớm biết liệu nhu cầu lao động có tay nghề cao có còn mạnh như trước.

Cộng đồng công nghệ gốc Ấn bị ảnh hưởng nặng nhất

Một người có thị thực H-1B (nói với điều kiện giấu tên để cha mẹ anh ở Ấn Độ không biết con mình đã mất việc) bày tỏ sự thất vọng: “Tôi và những người như tôi từng được các nhà tuyển dụng ‘mồi chài’ trong quá khứ lúc họ cần người, nhưng nay tôi đang phải vật lộn để tìm một công việc mới để tôi và vợ không bị trục xuất. Rất khó!”. Kỹ sư phần mềm bị Amazon sa thải vào Tháng Một này nói thêm:

“Trong hai năm vừa qua, thị trường lao động công nghệ thật sáng sủa và lương ngày càng cao. Rồi bất ngờ bầu trời sụp đổ. Mất việc nhanh chóng và tìm việc rất khó khăn. Ngay cả khi có kinh nghiệm, bạn vẫn phải nhân nhượng rất nhiều về quyền lợi. Có lẽ tôi sẽ khởi nghiệp với một phần ba mức lương cũ. Họ biết tôi đang tuyệt vọng, tôi không có quyền đàm phán!”.

Sự đông đảo của người gốc Ấn trong khu vực công nghệ là lời giải thích cho lý do tại sao họ chiếm đa số trong những người lo sợ bị trục xuất sau làn sóng sa thải khiến hàng chục ngàn lao động mất việc trong những tháng gần đây, trong đó có khoảng 80,000 người sống ở khu vực Vịnh San Francisco mất việc kể từ đầu năm 2022 (theo trang web theo dõi sa thải layoffs.fyi). Ước tính 30,000 lao động sinh ra ở nước ngoài trở lên có thị thực tạm thời nằm trong số những người đã bị sa thải.

Một lý do khác khiến số công dân Ấn Độ có nguy cơ bị trục xuất cao là do Mỹ áp đặt giới hạn cho mỗi quốc gia đối với thẻ xanh đến Mỹ làm việc (tấm vé khởi đầu để có thể trở thành công dân Mỹ). Không một quốc gia nào được vượt quá 7% lao động nhập cư trong số khoảng 140,000 thị thực thẻ xanh được cấp hàng năm. Đối với những lao động nhập cư lành nghề được nhiều công ty săn đón, thời gian xét thị thực tương đối ngắn.

Còn đối với đa số người nhập cư bình thường từ Ấn Độ và ở một mức độ thấp hơn là Trung Quốc (nơi có nhiều lao động công nghệ cao thứ hai đến Mỹ) thời gian chờ đợi có thể kéo dài hàng thập niên. Do đó, nhiều người nhập cư Ấn Độ có rất ít hy vọng có được thẻ xanh, dù họ cố gắng cả đời. Điều đó có nghĩa họ dễ bị tổn thương nếu mất việc làm và kéo theo đó là thị thực lao động hết hiệu lực.

Với nhiều lao động nhập cư có tay nghề cao tại khu vực Vùng Vịnh San Francisco, giấc mơ Mỹ với cuộc sống ổn định và an bình giờ không còn nữa (ảnh: Tayfun Coskun/Anadolu Agency via Getty Images)

“Vắt chanh bỏ vỏ”?

Thời hoàng kim của các ông lớn công nghệ đang mờ dần trong bối cảnh sa thải nhân viên và báo cáo lợi tức mờ nhạt. Tương lai không chắc chắn với nhiều công ty đã gieo rắc nỗi sợ hãi trong cộng đồng những người đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ sinh ở nước ngoài. Đây cũng chính là những người đã giúp xoay chuyển Silicon Valley từ vụ sụp đổ dot-com hai thập niên trước, giúp đổi mới nó và biến nó thành “lò ấp” việc làm.

Nhiều lao động gốc Ấn định cư ở Bay Area đã giúp phát triển khu vực thành một trong những cộng đồng người Mỹ gốc Ấn lớn nhất nước Mỹ. Nhưng giờ đây, nhiều lao động nước ngoài cách đây trên dưới một năm còn được chào đón trở lại các văn phòng công nghệ phải đóng cửa trong đại dịch nay phải trở về nhà lần nữa với quyết định sa thải để tìm việc làm mới (và cân nhắc các lựa chọn khác nếu không tìm được việc). Đối với một số người Ấn Độ đến Mỹ từ nhiều năm trước, cũng chính những công ty (và nước Mỹ) từng tán tỉnh họ khi cần người đang đóng sập cánh cửa và xua đuổi họ.

“Có vẻ như nước Mỹ không còn cần H-1B nữa” – kỹ sư phần mềm bị Amazon sa thải cảm thán. Cư dân San Jose, 35 tuổi này nói thêm: “Nếu tôi là bất kỳ ai trừ người Ấn Độ thì rất có thể tôi đã có thẻ xanh rồi!”. Quốc hội đã cố gắng (và thất bại nhiều lần) trong những năm gần đây để cải cách hệ thống nhập cư, điều mà các nhà lập pháp của cả hai đảng lớn cho rằng đã bị “hỏng” ngay cả khi họ không thể đồng ý về cách khắc phục. Có sự hỗ trợ mạnh mẽ của lưỡng đảng đối với việc loại bỏ hoặc tăng giới hạn cho mỗi quốc gia về thẻ xanh, nhưng những bất đồng về cách thiết kế sự thay đổi đã ngăn cản sáng kiến được thông qua.

Trừ khi tổng số thẻ xanh được tăng lên cho mỗi nước, những người nhập cư từ các quốc gia khác vẫn phải chờ đợi kéo dài như người gốc Ấn. Nhìn vào hồ sơ theo dõi của Quốc hội về nhập cư, luật mới dường như không thể thông qua sớm.

___________

Làn sóng sa thải khốc liệt trong giới công nghệ cao (chỉ tính đến cuối năm 2022)

-Yahoo có kế hoạch cắt hơn 20% lực lượng lao động vào cuối năm 2023

-Disney cắt 7,000 việc làm

-Zoom công bố kế hoạch cắt giảm khoảng 1,300 công nhân, tương đương 15% lực lượng lao động

-Dell sa thải 6,650 công nhân

-PayPal cắt 2,000 việc làm

-Google sa thải 12,000 nhân viên

-Microsoft sa thải 10,000 nhân viên

-Amazon cắt giảm 18,000 việc làm

-BuzzFeed sẽ cắt giảm 12% lực lượng lao động

-DoorDash sa thải 1,250 nhân viên

-Cisco sa thải 4,100 nhân viên

……………..

(SGN)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thêm bình luận

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.