Home Chuyên MụcBài Viết MỘT CHUYẾN ĐI ĐẦY NƯỚC MẮT: THĂM VIẾNG NGƯỜI CÙI Ở VIỆT NAM

MỘT CHUYẾN ĐI ĐẦY NƯỚC MẮT: THĂM VIẾNG NGƯỜI CÙI Ở VIỆT NAM

Đăng bởi Huy Nguyen
0 những bình luận

Phái đoàn Hoa Kỳ thăm VN.jpg

Phái đoàn “Hội Bạn Người Cùi” thăm trại cùi Quy Hòa, Quy Nhơn

Ngày 26/11/2024, phái đoàn “Hội Bạn Người Cùi” lên máy bay ở phi trường Los Angeles về Việt Nam thăm viếng làng cùi ở Việt Nam. Phái đoàn gồm có: Hải Quan Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín- linh mục linh hướng của Hội Bạn Người Cùi, ông Lê Quang và vợ- cô Tuyết Nguyễn, bà Nguyễn Thị Soi, bà Vũ Tuyết Giang, ông Lê Khoa- thương gia trẻ thành đạt và vợ- cô Bình Nguyễn, Lê Thanh Phong và vợ- cô Trần Thị Tuyết Hằng, nghệ sĩ Chí Tâm và Kiều Mỹ Duyên.

Khi phái đoàn đến Sài Gòn, Mẹ Bề Trên thuộc dòng Mến Thánh Giá- dì Bảy Phụng (em ruột của Đức Ông Nguyễn Văn Phương- nguyên chánh văn phòng bộ truyền giáo Tòa Thánh Vatican- bây giờ đang ở Vĩnh Long), đón tiếp một cách nồng nhiệt ở nhà dòng Phú Nhuận.

Sau đó, chúng tôi đi thăm Giám Mục Nguyễn Thái Hợp. Đức Cha hướng dẫn chúng tôi thăm tu viện Đa Minh ở Gò Vấp, gần Tổng Y Viện Cộng Hòa ngày xưa. Tu viện Đa Minh rộng rãi, trang nghiêm, nhà thờ trong tu viện, cầu nguyện mỗi ngày. Nhà thờ uy nghi, cây cỏ xanh mướt, tượng Chúa, tượng Đức Mẹ rất đẹp. Tu viện Đa Minh đào tạo nhiều linh mục. Các linh mục giúp giáo dân rất nhiều trong mùa dịch cúm Covid-19. Niềm tin tôn giáo đem niềm tin và sức sống cho mọi người.

Sau khi thăm Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, chúng tôi thăm Giám Mục Trần Đình Tứ, nguyên Giám Mục ở Phú Cường, chăm sóc mấy trăm ngàn giáo dân ở các tỉnh Bình Dương, Hậu Nghĩa và Tây Ninh.

Thăm người cùi VN 24.jpg

Phái đoàn thăm trại cùi Quy Hòa

Ngày hôm sau, chúng tôi bay đến Quy Nhơn thăm bệnh nhân cùi ở trại cùi Quy Hòa. Nhà thơ Hàn Mạc Tử với những vần thơ tuyệt tác cũng gắn liền với căn bệnh phong cùi quái ác đã khiến ông có những tháng ngày cuối đời sống trong đau đớn, ra rồi ra đi ở cái tuổi 38 tại trại cùi Quy Hòa.

Trước mặt trại cùi là biển, biển rất đẹp nhưng không có du khách thăm viếng, không biết có phải là vì cổng vào trại có người gác, phải mua vé hay vì vào gần trại cùi, người cùi đang sinh sống, cho nên du khách ái ngại?

Thăm người cùi VN 22.jpg

Hải Quan Trung Tá linh mục Đặng Văn Chín thăm hỏi người cùi

Bà Nguyễn Thị Soi ân cần thăm hỏi người cùi.jpg

Bà Nguyễn Thị Soi ân cần thăm hỏi người cùi

Cha Paul Maheu (1869-1931), một linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP) gây dựng nên trại cùi tại Quy Hòa. Cha Paul Maheu sinh ngày 24/01/1869, tại Paris. Sau khi học xong lớp tiểu chủng viện St. Nicolas ở Chardonnet và triết học ở đại chủng viện Issy-les-Moulineaux, ông nhập Chủng viện MEP năm 1890 và chịu chức linh mục ngày 30/6/1895, rồi nhận lệnh đi truyền giáo ở Đông Đàng Trong (Qui Nhơn). Năm 1930, linh mục Maheu về Pháp, ông mất ngày 27/2/1931, yên nghỉ tại nghĩa trang Montparnasse. Hơn 30 năm ở Việt Nam, ông đã không ngừng gieo những hạt giống tốt đẹp trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, bác ái xã hội: Giám đốc nhà in Làng Sông, sáng lập Hội học Pháp – An Nam Qui Nhơn và trại cùi Quy Hòa.

Thăm người cùi VN 25.jpg

Người cùi ở trại cùi Quy Hòa

Vào những năm 1920, Bình Định được xác định có 360 người mắc bệnh cùi, sống rải rác ở vùng nông thôn, thực tế có thể lên tới 1.200 ca, một con số đáng kể so với tổng số 70.000 dân của tỉnh. Năm 1929, trước tình cảnh hết sức cấp thiết, để quy tụ và chăm sóc những bệnh nhân này, cha Paul Maheu rời bỏ công việc in ấn rất thành công của mình cùng bác sĩ Lemoine, bác sĩ chăm lo sức khỏe cộng đồng ở Qui Nhơn, đã thành lập Laproserie de Quy Hoa – Trại cùi Quy Hòa, người dân quen gọi là Làng cùi Quy Hòa, cách Qui Nhơn 5km về phía Nam, tại một thung lũng bình yên vắng lặng hiếm có, được bao bọc xung quanh là núi đồi, mặt hướng ra đón gió biển.

Người cùi ở trại phong Quy Hòa đến nhận quà.jpg

Người cùi ở trại cùi Quy Hòa đến nhận quà

Người cùi ở trại phong Quy Hòa đến nhận quà 1.jpg

Người cùi ở trại cùi Quy Hòa đến nhận quà

Bác sĩ Le Moine, chép: “Một buổi sáng đẹp trời, chúng tôi thấy trong một chiếc thuyền mành lỉnh kỉnh một chiếc giường gỗ, vài cái ghế, một cái bàn, một máy quay đĩa, nhiều sách, một nhà tu khổ hạnh với đôi mắt sáng ngời. Đó chính là Cha Maheu, người sẽ cống hiến cuộc đời mình cho những người cùi…”.

Cha Maheu kêu gọi cộng đồng tham gia và đã chiếm được sự ủng hộ nhiệt tình ở Đông Dương. Dự án của cha Maheu là thiết lập khu Trại cùi, gồm: nhà nguyện dành cho nhân viên bệnh viện, phòng thăm, văn phòng, khu điều trị – nơi sẽ dành cho những bệnh nhân nặng, những người bị cách ly khỏi gia đình, người được chăm sóc liên tục theo yêu cầu, và nhà ở riêng cho mỗi gia đình bị cùi.

Tặng quà cho người cùi ở trại phong Quy Hòa.jpg

Tặng quà cho người cùi ở trại cùi Quy Hòa

Việc xây dựng chưa hoàn thành, trại cùi đã chứa 120 người, tiếp nhận và điều trị những người phong cùi ở các tỉnh thuộc Trung phần An Nam, phòng bệnh lúc này là những ngôi nhà tranh vách đất. Bác sĩ Marcel Le Moine phụ trách chuyên môn y khoa. Một thầy thuốc đông y có bài thuốc gia truyền chữa bệnh cùi cộng tác với bác sĩ. Ngoài ra, có các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn giúp băng bó, lau rửa vết thương,… Năm 1930, trại cùi đã có 140 bệnh nhân.

Năm 1932, để chăm sóc cho số lượng bệnh nhân ngày càng lớn, sáu nữ tu Phan Sinh người Pháp đã từ Marseille, lên đường tới Quy Nhơn. Khi đến nơi, họ vừa cải tạo khu ở, vừa chăm sóc, tắm rửa cho 180 bệnh nhân mỗi ngày. Những ngôi nhà tranh được dựng thêm để phục vụ các bệnh nhân và người nhà đến ở cùng.

Năm 1933, trại cùi bị một cơn bão tàn phá, từ những tàn tích, một cơ sở mới rộng rãi, khang trang đã được xây dựng. Khuôn viên trại cùi giờ đây có thêm nhà thờ, tu viện cùng 200 ngôi nhà cho bệnh nhân lưu trú.

Hiện nay, khu bệnh cùi Quy Hòa có khoảng 1.000 người với gần 300 gia đình. Họ sống đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau vượt lên nỗi đau bệnh tật. Tượng cha Paul Maheu được tạc đặt trang trọng trên bục cao trong cổng bệnh viện.

Cha Nguyễn Đình Phụng bên những người cùi trong trại cùi Quy Hòa.jpg

Cha Nguyễn Đình Phụng bên những người cùi trong trại cùi Quy Hòa

Nhà thờ ở trong tu viện. Nhà thờ nguy nga tráng lệ, xung quanh là rừng cây. Làng cùi cũng ở trong tu viện này. Có những con đường nhỏ đi từ bên ngoài vào trong. Tu viện này lớn nhất nước Việt Nam trước năm 1975. Theo lời một giáo dân cho biết:

– Sau năm 1975, đất đai, cơ sở của nhà dòng bị chính phủ tịch thu rất nhiều. Lấy nhà của nhà dòng làm cơ sở y tế, văn phòng và nhà cho công chức ở.

Chúng tôi đi thăm nhà quàng do Hội Bạn Người Cùi giúp tiền để xây trong làng người cùi. Nhà quàng để quan tài người chết: Phật giáo thì có hình Phật, Công giáo thì có hình Chúa. Gần nhà quàng, là nghĩa trang của người cùi. Giám Mục, linh mục, dì phước đến đây từ Pháp, suốt đời sống với người cùi, lây bệnh cùi, chết rồi lại không đem về Pháp, ở lại đây chôn trong nghĩa trang người cùi.

Thăm người cùi VN 12.jpg

Nhà tang lễ có 2 phòng: một bên để tượng Phật, một bên để hình Chúa

Bình Nguyễn, chuyên viên thu hình đã làm việc với Hội Bạn Người Cùi hơn 20 năm, hướng dẫn chúng tôi đi thăm nghĩa trang này. Nghĩa trang không người chăm sóc, cả 2 nghĩa trang cùng như thế. Nghĩa trang trong rừng ít người biết đến thì làm sao có người chăm sóc? Người sống không đủ cơm ăn, áo mặc thì làm sao chăm sóc mồ mã người chết chứ?

Thăm người cùi VN 13.jpg

Nghĩa trang người cùi

Phái đoàn được sơ bề trên hướng dẫn đi thăm người cùi. Mỗi gia đình ở trong một ngôi nhà nhỏ xíu, lợp bằng tôn, trước nhà không có vườn, sân nhỏ xíu gồm cha mẹ, con gái, con rể, con trai, con dâu và các cháu, vì ở chung nên bị lây. Bác sĩ cho biết bệnh cùi không lây, nhưng nếu người cùi ẵm con cháu, thì mũ của người cùi sẽ lây cho người nào ở gần người cùi. Muỗi đốt người ban ngày, khi bị muỗi đốt thì ngứa, gãi, sau đó dễ bị người cùi lây lan. Một thanh niên 26 tuổi bị cùi mất các ngón tay, ngón chân. Không hiểu sao đến bây giờ có thuốc chữa bệnh cùi, vậy mà người cùi vẫn có mặt ở khắp nơi. Có lẽ vì sống chung với nhau, quý vị nhìn những hình ảnh trong bài này sẽ không cầm được nước mắt. Phái đoàn chúng tôi người nào cũng rơi nước mắt trong suốt chuyến đi. Linh mục Đặng Văn Chín, bà Nguyễn Thị Soi, ông Lê Quang, Khoa Lê ngồi gần người cùi, cầm tay người cùi, phỏng vấn từng người.

Ông Lê Quang thăm hỏi, trao quà cho người cùi.jpg

Ông Lê Quang thăm hỏi người cùi

Thăm gia đình người cùi ở trại phong Quy Hòa.jpg

Thăm gia đình người cùi ở trại cùi Quy Hòa

Lê Khoa thăm hỏi người cùi.jpg

Lê Khoa thăm hỏi người cùi

Thăm người cùi VN 6.jpg

Kiều Mỹ Duyên hỏi thăm một ông cụ cùi

Hôm sau, chúng tôi họp mặt để trao học bổng cho 78 con cháu người cùi. Trong đó có bác sĩ Hòa, đã từng sang Mỹ thăm đồng hương. Hiện nay, có một số cháu đang học y khoa, một số lớn đã tốt nghiệp đại học có công ăn việc làm, là y tá, dược sĩ, kỹ sư, giúp đỡ lại các gia đình cùi.

Họp- tặng HB cho SV con người cùi 3.jpg

Họp mặt để trao học bổng cho 78 con cháu người cùi

Tặng HB cho SV con người cùi 6.jpg

Hội Bạn Người Cùi trao tặng học bổng cho con cháu người cùi ở trại cùi Quy Hòa

Tặng HB cho SV con người cùi 1.jpg

Ông Lê Quang trao học bổng cho con cháu người cùi.

Tặng HB cho SV con người cùi 7.jpg

Hội Bạn Người Cùi trao tặng học bổng cho con cháu người cùi ở trại cùi Quy Hòa

Một chuyến đi đầy nước mắt, người khốn khổ trên thế gian này nhiều quá. Người cùi không đủ cơm ăn, áo mặc, ở trong rừng, ở khắp nơi. Những nơi có người cùi nhiều nhất là ở rừng núi, cao nguyên Trung Phần, Ban Mê Thuột, Kontum, Pleiku, biên giới Việt Miên, Việt Lào, Bảo Lộc, Lâm Đồng, rừng núi Bắc Việt, đồng bằng sông Cửu Long. Các tu sĩ chăm sóc người cùi là linh mục, dì phước, Thượng Tọa, Đại Đức, ni sư, sư cô và được sự giúp đỡ của các đồng hương từ các quốc gia Mỹ Châu, Úc Châu, Âu Châu, v.v. Hội Bạn Người Cùi cảm ơn quý đồng hương ở hải ngoại gửi tiền giúp bệnh nhân cùi trong 30 năm qua. Mỗi gia đình một tháng được $15 và gạo, mì, thực phẩm, …

Cô Soi Nguyễn tặng quà cho người cùi.jpg

Cô Soi Nguyễn thăm hỏi bà cụ cùi tại giường bệnh

Mong các hội từ thiện quốc tế biết được những người cùi ở Việt Nam tình trạng như thế nào để giúp đỡ họ. Hiện nay, Hội Bạn Người Cùi giúp đỡ 4000 người cùi ở Kontum, Gia Lai, Quy Nhơn, Bến Cát, Bình Dương. Nhưng còn hàng trăm ngàn người cùi ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, Đà Lạt hay những nơi khác như Lạng Sơn, Bắc Ninh và nhiều nơi ở Việt Nam. Mong đồng hương có về Việt Nam nên thăm người cùi, hỏi các sơ, các sư cô là biết những trại cùi ở đâu?

Thăm người cùi nằm tại giường bệnh.jpg

Thăm người cùi nằm tại giường bệnh

Kiều Mỹ Duyên hỏi thăm một bà cụ cùi cả 2 chân.jpg

Kiều Mỹ Duyên hỏi thăm một bà cụ cùi cụt cả 2 chân

Sự hy sinh cao cả của các sơ chăm sóc người cùi.jpg

Sự hy sinh thầm lặng của các sơ chăm sóc người cùi

Cha Đặng Văn Chín thăm hỏi cụ ông cùi.jpg

Cha Đặng Văn Chín thăm hỏi ông cụ cùi ngồi trên xe lăn.

Đến thăm những người tận cùng của sự đau khổ mới biết mình có phước, được sống hạnh phúc ở đây, con cháu được học hành tử tế. Mỗi năm, ở Mỹ, thức ăn thừa đem đổ, tiêu tốn cả tỷ dollars, trong lúc người nghèo khổ ở Việt Nam, những trẻ em mồ côi, những người cùi cần thức ăn, cần lắm bà con ơi!

Xin Trời Phật, xin Chúa ngó xuống thương xót người tàn tật, người mù, người cùi, người khốn khổ ở Việt Nam.

Xuân năm nay, chúng tôi chân thành cầu nguyện cho người cùi, người nghèo, người mù ở Việt Nam có được một bữa ăn đầy đủ trong mùa lễ và Tết này.

Orange County, 12/2024

KIỀU MỸ DUYÊN

(kieumyduyen1@yahoo.com) 

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.