Home Chuyên MụcBài Viết MỘT MÙA GIÁNG SINH LẠI VỀ

MỘT MÙA GIÁNG SINH LẠI VỀ

Đăng bởi Huy Nguyen
0 những bình luận

Lễ Tạ Ơn đã qua, mùa Giáng Sinh lại về. Nhiều nhà thờ được trang hoàng rực rỡ đón Giáng Sinh, nhà nhà chuẩn bị mua cây thông, có người lên rừng đốn cây thông đem về cho gia đình mình, cho bằng hữu của mình. Có một số gian hàng bán cây thông ngoài đường nhưng chúng tôi thích mua cây thông ở nhà thờ hơn vì mua cây thông ở nhà thờ ít nhất mình cũng giúp cho nhà thờ một chút gì đó. Ở Orange County, nhà thờ nào có linh mục Việt Nam, có giáo dân Việt Nam thì nhà thờ đó được trang hoàng rất đẹp, đèn rực rỡ khắp nơi ngoài nhà thờ, cây cỏ ở nhà thờ được chăm sóc một cách cẩn thận, nhất là tượng Đức Mẹ lộ thiên đầy hoa, hoa cúc, hoa lan, hoa vạn thọ, Đức Mẹ đứng giữa rừng hoa. Đức Mẹ đã đẹp, hoa làm cho Đức Mẹ đẹp hơn. Hằng ngày, nhiều  tín đồ đến cầu nguyện Đức Mẹ ban phép lành, người nào (không phân biệt tôn giáo) có tâm sự đều đến cầu xin Đức Mẹ ban cho mình sự bình yên, không phải chỉ có người lớn tuổi cầu xin điều gì đó mà ngay cả những người trẻ tuổi cũng cầu xin.

Khi đồng hương đến những nơi linh thiêng cầu nguyện thì khuôn mặt rất thành khẩn, rất chân thành, chúng tôi đã gặp nhiều người già ngồi trên xe lăn, người tật nguyền chống gậy đến trước tượng Đức Mẹ cầu nguyện ở nhà thờ Saint Barbara, Santa Ana, nhà thờ Saint Polycap, nhà thờ Westminster, nhà thờ Anaheim, nhà thờ Saint of  Alexandria Temecula, v.v. Khuôn mặt  của những người có niềm tin tôn giáo lúc cầu nguyện rất hiền lành, thánh thiện, lúc đó hình như họ không ở trần gian, mà họ đến nơi nào đó, nơi đó là Thiên Đàng.

Cầu xin Đức Mẹ ban bình an cho gia đình và người thân.

Chúng tôi còn nhớ năm đầu tiên tị nạn ở Hoa Kỳ dự thánh lễ Giáng Sinh đầu tiên ở một nhà có cổ kính ở thành phố Glendale, Los Angeles County. Tối hôm đó có vài người Việt Nam tham dự, vì ở trại tị nạn thì nóng, sang Hoa Kỳ đêm Giáng Sinh quá lạnh, áo lạnh không đủ ấm, chúng tôi vừa đứng trước tượng Đức Mẹ vừa run, nhà thờ tuy nhỏ mà số người tham dự thì đông, thấy người lạ đến nhà thờ, một bà Mỹ lớn tới nắm tay chúng tôi dẫn vào bên trong nhà thờ. Không khí đêm Giáng Sinh tưng bừng chưa bao giờ thấy, đương nhiên ở trong trại tị nạn làm sao có không khí vui tươi như thế này, ở trong trại tị nạn hồi hộp chờ từng ngày để được định cư.

49 mùa Giáng Sinh đã qua ở xứ người, lúc nào chúng tôi cũng mong ước được hưởng một ngày Giáng Sinh ở quê nhà, để được đi nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn. Ngày xưa, còn nhỏ học trung học Lý  Thường Kiệt, Quang Trung, nhà thờ ở giữa 2 trường học, ngày nào cũng nghe tiếng chuông nhà thờ reo vang. Ngày nào cũng nhìn thấy đồng bào đi nhà thờ, đa số Giáo dân đi nhà thờ ở Quang Trung là người Bắc di cư, đa số là gia đình của quân nhân của trung tâm huấn luyện Quang Trung, đồng bào bỏ miền Bắc, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ tất cả di cư vào Nam, họ chỉ có niềm tin tôn giáo và làm lại từ đầu. Có người triệu phú, cơ sở sự nghiệp ở miền Bắc bỗng chốc bỏ hết ra đi vì hai chữ Tự Do, người Bắc hiểu Cộng Sản hơn người Nam cho nên hàng triệu người di cư vào Nam. Vào năm 1975, người Bắc hiểu Cộng Sản hơn người Nam nên tìm đường tị nạn sớm hơn người Nam, đi máy bay, tàu, đi bộ, người Bắc có mặt trong các trại tị nạn nhiều hơn người Nam và rất thành công ở xứ người.

Gần tới mùa Giáng Sinh nhà nào cũng đẹp, văn phòng, cơ sở thương mại cũng trang hoàng đẹp hơn ngày thường, cây thông, thiệp Giáng Sinh với ông già Noel để trên cây thông, những chiếc vớ dài thật đẹp để trên lò sưởi. Lúc nhỏ, chúng tôi thường nghe nói nếu mình mơ ước điều gì thì ông già Noel sẽ cho mình, ông già Noel sẽ đi từ ống khói xuống lò sưởi. Ông bà, cha mẹ thường nói những đứa trẻ phải ngoan ngoãn thì ông già Noel mới cho quà, trẻ con thì hay tin lời của ông bà cha mẹ mình nói, dù không ngoan ngoãn nhưng tới ngày gần lễ Giáng Sinh cũng phải ngoan để được quà của ông già Noel. Trên đời này có đứa trẻ nào học giỏi mà không nghịch ngợm đâu chứ? Nghe nhạc Giáng Sinh, mặc áo mới, có quà, trẻ con nào mà không thích mùa Giáng Sinh chứ? Các nhà thờ đẹp, trang hoàng cây thông rực rỡ, bóng đèn đủ màu, cũng nhờ bàn tay của Giáo dân, sân ở nhà thờ không có một lá cây cũng nhờ bàn tay của Giáo dân, của linh mục quan tâm đến nhà thờ của mình.

Trước lễ Giáng Sinh, tôi thường gọi thăm các linh mục mà chúng tôi quen. Linh mục Vũ Đảo, đã hưu trí, là học trò trường trung hoc Lý Thường Kiệt thập niên 50 lúc người Bắc mới vừa di cư vào Nam. Linh mục Vũ Đảo học rất giỏi, có khiếu văn nghệ, đóng kịch rất xuất sắc, sau này là nhà giáo, rồi là sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau 30/4/1975, ngài ở tù 3 năm. Ra tù, ngài vượt biên qua Thái Lan, định cư ở Chicago, Hoa Kỳ. Ngài đi học ở nhà dòng, được thụ phong linh mục ở miền Đông vào tháng 4/1988.

Cựu học sinh trung học Lý Thường Kiệt ở Quang Trung, quận Hóc Môn rất hãnh diện về ngài, và không biết đất lành ở trường sao đó mà trường có nhiều dì phước, linh mục và có một giám mục cũng là học trò của Lý Thường Kiệt. Cựu học sinh Lý Thường Kiệt ở California tổ chức chào đón ngài trước khi ngài về Phi Luật Tân làm việc trong các trại tị nạn ở Phi Luật Tân.

Đến Phi Luật Tân vào tháng 6/1988, linh mục Vũ Đảo giúp rất nhiều đồng hương tị nạn trong trại tị nạn. Phi Luật Tân gồm có 4000 đạo họp lại thành một quốc gia Phi Luật Tân, đạo Công Giáo và Tin Lành phát triển rất mạnh mẽ, các vị lãnh đạo tinh thần được tôn trọng, hằng năm linh mục Vũ Đảo về Hoa Kỳ một lần, ngài được bằng hữu đón tiếp một cách nồng nhiệt, chúng tôi thường gởi sách, báo, nhạc để ngài đem về Phi Luật Tân tặng cho đồng bào tị nạn, ngài cho biết trong trại tị nạn hằng năm vẫn tổ chức lễ Giáng Sinh một cách long trọng.

Linh mục Vũ Đảo là linh mục bề trên của dòng Ngôi Lời mới thành lập ở Mỹ chừng 50 năm. Ngày xưa ở Việt Nam không có dòng Ngôi Lời, khi biến cố lớn xảy ra ở Lousiana, tượng thánh Louis bị những người nổi loạn cột dây vào đầu và định giựt sập thì linh mục Stephen Schumacher vừa chịu chức chưa được một năm của tổng giáo phận St. Louis, đứng dưới tượng Thánh Louis cùng một số Giáo dân bảo vệ tượng. Nếu họ kéo dây thì tượng Thánh Louis sẽ ngã, linh mục trẻ và một số giáo dân này sẽ chết ngay tức khắc, nhưng nhờ sự khôn khéo của linh mục trẻ này và nhờ Chúa ban phước, linh mục cố kéo dài thời giờ đối thoại để cho cảnh sát đến. Hơn 1 tỷ người trên thế giới theo dõi cảnh đối thoại từng giây từng phút, nhiều người hội hộp và muốn đau tim, người nào đau tim sẵn có thể chết bất cứ lúc nào, thế rồi Cảnh Sát đến giải tán đám biểu tình.

Linh mục trẻ Stephen Schumacher, tổng giáo phận St. Louis, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng của mình, đứng dưới tượng Thánh Louis, cùng giáo dân bảo vệ tượng Thánh Louis, trong cuộc biểu tình dữ dội của những người da đen và những kẻ lợi dụng người da đen cho các nghị trình ý thức hệ của họ.

Tôi gọi ngay linh mục Vũ Đảo, xin số điện thoại và email của vị linh mục trẻ đó, và cuối cùng tôi phỏng vấn được ngài, một linh mục trẻ gan dạ, không sợ chết đứng giữa bão táp phong ba, leo thang cứu tượng Thánh Louis thoát khỏi bị giựt sập.

Tôi cám ơn linh mục Vũ Đảo, tôi cám ơn những vị lãnh đạo tinh thần đã giúp chúng tôi về mặt truyền thông. Nếu không có linh mục Vũ Đảo thì tôi làm sao có được số điện thoại của vị linh mục anh hùng kia một cách kịp thời.

Làm phóng sự về sinh hoạt tôn giáo thì những nhà thờ là nơi nên tìm đến, những bài thánh ca đi vào hồn người, những đứa trẻ được bố mẹ bế vào nhà thờ trong những ngày lễ, nhất là đêm Giáng Sinh, đứa trẻ nào lớn lên cũng đam mê âm nhạc và có thể thành ca sĩ, vì âm nhạc đã vào máu rồi.

Hãy cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều, đời sống sẽ bình yên hơn, lòng sẽ thanh thản. Người nào có niềm tin ở tôn giáo thì đời sống sẽ vui hơn, lạc quan hơn, và sống yêu đời hơn, dù gặp trở ngại trong đời sống cũng sẽ vượt qua một cách dễ dàng.

Orange County, Giáng Sinh 2024

KIỀU MỸ DUYÊN

(kieumyduyen1@yahoo.com)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.