Home Chuyên MụcBài Viết MƠ ƯỚC MÙA XUÂN CHO NGƯỜI NGHÈO Ở VIỆT NAM

MƠ ƯỚC MÙA XUÂN CHO NGƯỜI NGHÈO Ở VIỆT NAM

Đăng bởi Huy Nguyen
0 những bình luận

Kiều Mỹ Duyên và phái đoàn “Hội Bạn Người Cùi” chụp hình cùng linh mục chánh xứ và các sơ tại nhà thờ Kon Thụp, Mang Yang, Gia Lai (2/12/2024)

Ngày 26/11/2024, chúng tôi cùng phái đoàn Hội Bạn Người Cùi về Việt Nam trong chuyến đi từ thiện. Những ngày ở Việt Nam, điều gì với tôi cũng đáng nhớ: những người cùi ở trại cùi Quy Hòa, Quy Nhơn, người cùi ở trong rừng Gia Lai, Kontum, những linh mục trẻ vừa chịu chức linh mục ở Nha Trang, vâng lời bề trên lên rừng núi Gia Lai, Kontum sống với người thiểu số. Đa số người thiểu số không nói được tiếng Việt, linh mục cũng như sơ phải học và nói tiếng thiểu số, nói nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau.

Đức Giám Mục Aloisio Nguyễn Hùng Vị, Giám Mục chánh tòa giáo phận Kontum, hiền lành, tận tụy với giáo dân. Linh mục giáo xứ Kon Thụp, huyện Mang Yang, cha Phêrô Nguyễn Đình Phụng và các linh mục khác ở địa phận này cũng rất tận tụy với Giáo dân và với mọi người dân ở địa phương.

Biển đẹp đối diện với trại cùi Quy Hòa nhưng không một bóng người!

Nhà thờ gỗ mà ngày xưa năm 1972, khi làm phóng viên chiến trường, chúng tôi được ở lại ban đêm, pháo nổ ngay trước sân nhà thờ, gần tượng Đức Mẹ, nhưng may không trúng vào tượng Đức Mẹ, nên mọi người mới toàn mạng. Khu vườn của nhà thờ, hoa bưởi, hoa lài thơm ngát bây giờ biến mất. Hơn 52 năm mới trở lại, nhiều người xung quanh đây đã ra người thiên cổ. Tôi bước vào sân nhà thờ mà ngậm ngùi thương tiếc một thời gian thơ mộng. Kỷ niệm đẹp về nhà thờ gỗ mà hơn nửa thế kỷ mỗi lần có ai từ Kontum đến thăm tôi, tôi đều hỏi thăm nhà thờ gỗ tuyệt vời trong trí nhớ của tôi.

Kiều Mỹ Duyên, phái đoàn Hội Bạn Người Cùi và các cha,các sơ tại nhà thờ Quy Hòa, Quy Nhơn

Dòng sông Đăk Bla chảy ngược, dòng sông đẹp nhất và thơ mộng với những mối tình lãng mạn trong trí nhớ vẫn còn đây nhưng bây giờ những cô gái người thiểu số đã biến mất. Ngày xưa, những chồi lợp bằng lá, dọc theo dòng sông xanh mướt, thơ mộng, với những bàn tay trắng nõn nà của cô gái Thái trắng bưng cà phê cho khách hàng không còn nữa, những chồi lá thì còn nhưng cô gái Thượng với bàn tay nõn nà thì biến mất. Tôi nhìn những chiếc ghế xếp cạnh dòng sông Đăk Bla mà ngậm ngùi thương tiếc những kỷ niệm trong trái tim tôi về các cô gái Thượng dễ thương nơi dòng sông này. Kontum ơi, Kontum ơi, Kontum trong trái tim tôi đã thay đổi.

Bác sĩ, nhà văn Ngô Thế Vinh của liên đoàn 81 Biệt Kích Nhảy Dù và bác sĩ Lê Thành Ý của binh chủng Biệt Động Quân là hai chiến sĩ gắn bó với dòng sông này. Bác sĩ Ngô Thế Vinh đang ở Long Beach, đã từng làm cho bệnh viện VA ở Long Beach, bác sĩ- họa sĩ Lê Thành Ý, đang ở Canada. Tôi đã từng nói với Mai, vợ bác sĩ Vinh và Xuân Lan, vợ bác sĩ Lê Thành Ý rằng nhà binh được đi nhiều, có nhiều điều thú vị để nhớ, ngay cả tôi là phụ nữ mà còn nhớ những bàn tay nõn nà của các cô gái miền Thượng huống hồ gì là các chiến sĩ?

Hỡi dòng sông Đăk Bla thơ mộng của tôi đã biến mất sự thơ mộng vì những quán bằng rơm bên cạnh dòng sông và những bàn tay tuyệt đẹp của các cô sơn nữ đã biến mất, nhất là những bông lài trên tóc tỏa ra mùi thơm ngát của các cô. Dòng sông này cũng đã mất đi những chiếc áo Biệt Động Quân, chiếc áo rằn ri của liên đoàn 81 Biệt Kích Nhảy Dù. Tôi muốn đi thăm mộ của các anh chiến sĩ Biệt Kích Nhảy Dù đã bị giết sau năm 1975, thả xuống sông, trôi dạt vào một dòng sông nhỏ trên xứ Thượng mà đại tá Phan Văn Huấn, cựu sinh viên Võ Bị Đà Lạt, đã từng hào hùng chỉ huy đơn vị này, đã kể cho chúng tôi nghe, anh em Biệt Kích Nhảy Dù đã may mắn tị nạn ở Hoa Kỳ đóng góp tiền để xây mộ cho các chiến sĩ đã hy sinh vì lý tưởng Tự Do. Sau 1975, đi trình diện bị giết và bị thả xuống sông. Xác của các anh trôi về miền Thượng, được đồng bào thiểu số vớt, đem chôn trong rừng, không có quan tài.

Kiều Mỹ Duyên thăm người cùi tại Kontum.

Đến Kontum, thăm người cùi ở làng cùi, thăm nhà thờ chính tòa, thăm nhà thờ gỗ, thăm dòng sông Đăk Bla, thăm nhà dòng của các sơ. Nơi nào thuộc về nhà thờ cũng có nông trại. Ngày xưa là cây kiểng, hoa lá, ngày nay là nông trại, thực tế hơn, lo sự sống hàng ngày. Một dì phước rất trẻ, xinh đẹp, mỗi buổi sáng thức dậy đã phải tắm heo, cho heo ăn. Nếu chưa cho ăn thì vừa bước vào chuồng heo là heo la lên vì đói. Sơ Đào nói:

– Chưa cho heo ăn, là nó hét lên như thế.

Những con heo to lớn, lông trắng toát. Tôi nghĩ đến những con heo này ngày nào đó sẽ bị đưa vào lò sát sinh hay bị búa đập lên đầu cho đến chết để bị ăn thịt. Thật tình, tôi không dám nghĩ nữa. Tôi thăm các chùa, thăm trẻ con mồ côi, thăm vườn rau, cải bắp, thăm trại heo, thăm trường mẫu giáo do dì phước phụ trách.

Đến Kontum, chúng tôi ở nhà dòng, sơ bề trên rất trẻ, chịu khó, làm việc không bao giờ ngơi nghỉ, không than. Vào một buổi chiều, sơ chỉ cho tôi xem mái nhà của nhà dòng và nói:

– Sơ mơ ước được đồng hương giúp đỡ để trùng tu lại mái nhà của nhà dòng. Dãy nhà này đã cũ quá rồi, mưa thì ướt, là nơi có nhà nguyện. Buổi sáng, tất cả các em cô nhi, các em thức dậy là phải đến nhà nguyện, cầu nguyện trước khi ăn sáng rồi đến trường học.

Tôi nhìn lên mái nhà rêu phong, ở ngay thành phố mà chúng tôi tưởng chừng mình đang ở đâu đó, ở thế kỷ nào đó.

Sơ bề trên (đứng giữa) mong quý đồng hương giúp đỡ sửa chữa những dãy nhà cũ kỹ của nhà dòng ở Kontum.

Mơ ước của sơ bề trên nho nhỏ, không cao siêu nhưng sơ cho biết sửa xong những dãy nhà cũ kỹ này ít nhất cũng tốn trên 400,000 Mỹ kim. Tôi nghĩ đến đồng hương người Kontum rất thành công ở khắp nơi trên thế giới, người tị nạn rất thành công ở xứ người, nếu có về thăm Kontum nên thăm những cơ sở tôn giáo. Người tu chỉ biết cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện. Xin Chúa ban phước lành cho tu viện này.

Buổi sáng thức dậy di vòng vòng trong tu viện, nhìn vườn rau cải xanh mướt, nhìn chim bay lượn trên rừng cây, mình thấy đời sống sao thanh bình quá, nhưng thực tế không phải vậy, các em mồ côi, những bà mẹ cô đơn cần có cơm ăn mỗi ngày, sự sống cấp bách cho những người nghèo, cấp bách cho người có lòng chăm sóc những người bất hạnh.

Kiều Mỹ Duyên tại trại nuôi gia súc của các dì phước

Rời Kontum với hình ảnh của những vị lãnh đạo tinh thần, với những người cùi, với những đứa trẻ mồ côi ở tu viện, ở chùa. Hình ảnh Giám Mục Hoàng Đức Oanh trong rừng mênh mông, bát ngát, không một bóng người làm chúng tôi vô cùng xúc động. Kontum thơ mộng ngày xưa không còn nữa mà còn những hình ảnh đồng bào khổ sở. Kontum 52 năm về trước khác với Kontum bây giờ. Hình như bây giờ người nào đi bộ cũng nhanh hơn, vội vàng hơn. Kontum bây giờ, phố phường mất đi những hàng cây xanh mướt thơ mộng mà bây giờ hai bên đường là vỉa hè, tiệm bán bia, những người trẻ ngồi ở quán cóc, hút thuốc, uống bia. Ở Mỹ, người trẻ đi làm ban ngày, buổi tối đi học, hoặc đi học ban ngày, ban đêm đi làm. Người trẻ ở Việt Nam ngày đêm gì cũng ngồi ở các tiệm bên vệ đường, uống bia hút thuốc, tương lai sẽ có nhiều người bệnh ung thư, vì ở đây ô nhiễm.

Tôi thích nghe kể về những mối tình đẹp như mơ, đẹp như trong tiểu thuyết, cũng may mà trên cõi đời này có nhiều chuyện tình đẹp ở khắp nơi trên thế giới, ở rừng sâu núi thẳm, ở thành phố ồn ào. Đến Quy Hòa, tôi nghe chuyện tình thật đẹp. Tôi muốn gặp người trong chuyện tình này. Tình cờ trên chiếc xe chở chúng tôi vào thăm làng cùi, một người trong phái đoàn hỏi người tài xế trẻ:

– Xe của anh mua bao nhiêu mà đẹp quá vậy?

Người tài xế trẻ vui vẻ trả lời:

– Ngày xưa cháu mua mới 45.000 đô la, nhưng bây giờ cũ rồi đâu còn giá đó nữa.

Người thanh niên cao lớn, khỏe mạnh, trắng trẻo, ở gần biển mà trắng là một điều lạ. Tự nhiên anh nói:

– Cháu cũng bị cùi nhưng bệnh chưa tái phát.

Người thanh niên nói tiếp:

– Cháu ở Hà Nội vào đây. Cháu yêu một cô gái và muốn cưới cô ấy.

Nhưng cô ấy nói:

– Ba mẹ em bị cùi.

Chàng trai trả lời không một chút do dự:

– Ba mẹ em cùi, tôi yêu em, tôi cưới em, sống một ngày rồi chết cũng được.

Thế rồi, đám cưới được tổ chức, con rể ở chung với cha mẹ vợ. Hằng ngày, đi lượm ve chai, giấy về bán, cuộc sống bình thản, vui vẻ, hạnh phúc. Bệnh cùi không lây, nhưng muỗi ở nơi này nhiều quá, trời nóng nữa. Muỗi đốt mọi người ban ngày, tối ngủ có mùng nhưng nhiều khi ra khỏi mùng cũng bị muỗi cắn.

Khi yêu, trái tim có sức mạnh vạn năng, bất chấp mọi nguy hiểm chập chờn trước mặt. Yêu và được yêu thì đâu có ngại việc gì xảy ra dù việc đó nguy hiểm đến tánh mạng.

Kiều Mỹ Duyên trong phái đoàn Hội Bạn Người Củi phát quà cho các bệnh nhân cùi ở Quy Hòa, Quy Nhơn

Trong phái đoàn “Hội Bạn Người Cùi” đi làm việc xã hội nhiều chuyện vui xảy ra: chuyện tình của một nữ sinh trường Trưng Vương với một thương gia thành công mà bị Quang Lê chọc hoài. Chàng ở Đà Nẵng, nàng ở Mỹ, chàng ly dị vợ, nàng chồng chết lâu năm. Ngày xưa, họ là tình nhân của nhau, rồi không biết sao hai người tan rã. Nàng lập gia đình, chàng kết hôn với người khác. Cả hai có con, có cháu, bây giờ gặp lại nhau, người thì ở bên này Thái Bình Dương, nhưng rồi gặp nhau, nàng 79 tuổi, chàng hơn nàng mấy tuổi. Khi nàng nói về người tình cũ, tôi nhìn vào mắt của nàng, con mắt ươn ướt lãng mạn.

Kiều Mỹ Duyên và các em dân tộc thiểu số, đi học ngang qua nông trại của dì phước Ánh Đào.

Chuyện ngày xưa và chuyện ngày nay cũng đậm đà, êm ả như nhau. Tôi cầu chúc cho những người yêu nhau sống với nhau trọn đời hay sống với nhau vài ba ngày rồi ra người thiên cổ cũng rất đẹp và đẹp lắm. Trên cõi đời này, tiền bạc, danh vọng không có gì khó ở trong tầm tay của mình, nhưng tìm một trái tim chân thành khó lắm. Tôi nói với người bạn Trưng Vương này, trái tim có tiếng nói của trái tim, trái tim có sức mạnh mãnh liệt. Với lại cô 79 tuổi, còn sống bao nhiêu năm nữa, nếu còn sức khỏe thì sống đến 100 tuổi là nhiều, sao không tự hỏi mình muốn gì. Người bạn Trưng Vương cười thật tươi, nhiều khi có những mơ ước trong tiềm thức, chỉ cần vài câu nói của người xung quanh thì mình mới biết mình muốn gì?

Trong phái đoàn, cha tuyên úy Hải Quân Trung Tá Thủy Quân Lục Chiến Đặng Văn Chín bị chọc nhiều nhất. Mỗi lần bị người trẻ chọc thì cha linh hướng chỉ cười và lặng lẽ bỏ đi nơi khác.

Cha Hải Quân Trung Tá Thủy Quân Lục Chiến Đặng Văn Chính cùng dâng thánh lễ với cha chánh xứ nhà thờ Quy Hòa, và phái đoàn Hội Bạn Người Cùi ngày 30/11/2024.

Bình, người thu hình, làm cho Hội Bạn Người Cùi hơn 20 năm, đi rất nhanh. Hai người quay phim, làm việc không ngừng nghỉ, ăn ít, làm nhiều. Phong, một thương gia trẻ và người vợ có lòng, khi gặp cảnh quá khổ, cô khóc nức nở. Khoa Lê, một thương gia thành công trong các nhà hàng chay ở Los Angeles, làm việc thiện quanh năm suốt tháng, vợ của Khoa chăm sóc chồng rất tỉ mỉ. Mỗi tháng, 2 vợ chồng Khoa cho cơm người không nhà ăn miễn phí. Nghệ sĩ Chí Tâm hát rất hay nhưng chỉ hát ở Quy Hòa, Quy Nhơn rồi đi về lại California. Con của người cùi học rất giỏi, có em đã tốt nghiệp bác sĩ như bác sĩ Hòa làm việc ở bệnh viện Nha Trang, hơn 10 em đang học bác sĩ, một em đã tốt nghiệp dược sĩ, nhiều em tốt nghiệp y tá. Các em cho biết khi học xong có việc làm sẽ giúp lại bà con người cùi. May mắn, các em không bị cùi. Gần 100 em đến gặp phái đoàn, có em từ Huế đến Quy Hòa, có em từ các tỉnh khác đến. Các em nhờ được học bổng của Hội Bạn Người Cùi mà học thành tài, các em nhớ ơn nên đến thăm hỏi. Hội Bạn Người Cùi tổ chức rất chu đáo, đi đến đâu cũng có người đón tiếp, đi đến đâu cũng gặp các dì phước, các linh mục tại chức hoặc nhiều linh mục đã hưu trí, làm cho chúng tôi vô cùng xúc động. Trong nhà thờ lớn ở trong tu viện, phòng bên cạnh của nhà thờ có nhiều sơ, mấy chục sơ hưu trí ngồi trên xe lăn, chống gậy, gầy còm, ăn mặc lễ phục đến nhà thờ dự lễ lúc 5 giờ sáng trời rất lạnh vì nhà thờ gần biển. Biển đẹp nhưng không có một bóng người. Mộ của nhà thơ Hàn Mạc Tử cũng gần nhà dòng. Đi thăm mộ người qua đời phải có vé mới vào cổng thăm mộ nhà thơ được.

Sơ bề trên đi nhanh, làm việc nhanh, ăn thì ít, làm việc thì nhiều, nên sơ nào cũng rất gầy, hình như thiếu dinh dưỡng.

Buổi sáng thức dậy thật sớm đi lễ ở nhà thờ trong khuôn viên của tu viện, ánh đèn lờ mờ, người đi có thể té gãy chân bất cứ lúc nào. Các sơ người nào cũng lao động, có giếng lọc nước không phải chỉ dùng ở tu viện mà còn cho người bên ngoài vào lấy nước lọc. Quý vị cũng biết nhà gần biển, nếu không có máy lọc nước thì uống nước nghe mùi nước biển.

Đặc biệt nhà dòng nào cũng trồng nhiều dừa, đi đến đâu khách cũng được mời uống nước dừa nguyên trái. Tôi đi với các sơ hái dừa, chặt dừa đãi khách. Các sơ trồng rau, cải, khoai lang, khoai mì như những người làm nông.

Nghĩa trang người cùi không ai chăm sóc.

Nghĩa trang người cùi không ai chăm sóc. Sự sống phải có một ngày 2 bữa đã vất vả lắm rồi, còn thì giờ đâu mà chăm sóc nghĩa trang, chăm sóc nhà hoang chứ? Nhà quàn do Hội Bạn Người Cùi tặng tiền, một bên để tượng Phật, nếu người qua đời là Phật tử thì vào nơi có để thờ Phật, người Công giáo thì vào nơi có để hình Chúa. Khi người Công giáo qua đời thì có linh mục đến làm phép xác, nếu Phật tử qua đời thì sẽ có Thượng Tọa, Đại Đức đến tụng kinh cầu siêu. Niềm tin mãnh liệt ở tôn giáo làm cho người bệnh vượt qua những khó khăn, đau đớn, chịu đựng sống cho hết kiếp người.

Rời Quy Hòa, phái đoàn đến Gia Lai thăm một nhà thờ trong rừng và những người thiểu số, với những đứa trẻ không nói được tiếng Kinh. Sau khi tặng quà cho những gia đình người Thượng, chúng tôi đến Kontum. Ở Kontum vài ngày, chúng tôi về Sài Gòn, rồi bay đến Thái Bình. Nơi nào cũng có những kỷ niệm đẹp, dù đau khổ tận cùng của sự sống thì người khổ cũng có trái tim biết rung động. Mọi người cảm động khi có phái đoàn từ Mỹ về thăm viếng. Ở Thái Bình, Bùi Chu, phái đoàn tặng quà cho người nghèo, người già cô đơn.

Kiều Mỹ Duyên thăm Giám Mục Nguyễn Văn Đệ, nguyên Giám Mục Chính Tòa Giáo Phận Thái Bình, là giáo sư đại chủng viện ở Thủ Đức, ngày 5/12/2024.

Giám Mục Nguyễn Văn Đệ, nguyên Giám Mục Thái Bình, là giáo sư đại chủng viện ở Thủ Đức, 10 năm trước chúng tôi đã từng thăm ngài ở Thái Bình, lúc đó ngài cùng với anh em Công Giáo xây lại nhà xứ của Thái Bình. Bây giờ ngài hưu trí nhưng quan tâm đến vấn đề giáo dục, ngài có ý định xin học bổng để các linh mục trẻ du học. Khi chúng tôi đến không bao lâu thì Đức Cha Nguyễn Văn Đệ đến nhà dòng thăm anh chị em trong phái đoàn. Sau đó, chúng tôi đi thăm nhà xứ, nơi ngài đang trú ngụ. Các linh mục làm rẫy, vườn rau xanh mướt, đậu bắp, khoai lang, khoai mì, bắp, đủ thứ loại rau. Có một linh mục trẻ từ Phú Cường sang, linh mục này vừa du học ở hải ngoại trở về. Trong suốt bữa ăn, Đức Cha nói rất ít, lắng nghe nhiều, các chủng sinh hiện diện cùng ăn cơm với Giám Mục và linh mục. Ở đây, các cháu tự làm bếp, không có Giáo dân hay dì phước giúp trong bếp.

Phái đoàn Hội Bạn Người Cùi ở lại nhà dòng bàn chuyện trong những ngày sắp tới đi thăm và tặng quà cho đồng hương, tôi đến thăm nhà xứ của Đức Cha để tìm hiểu thêm sinh hoạt của Đức Cha và các linh mục. Đức Cha sẽ tổ chức họp mặt hơn 5000 người khuyết tật ở nhà xứ trong lễ Giáng Sinh. Đức Cha mời phái đoàn ở lại tham dự thánh lễ này nhưng phái đoàn phải giã từ để đi Hà Nội.

Chúng tôi ở lại nhà dòng Đa Minh, trên lầu là nơi trú ngụ của các sơ, dưới lầu là bệnh viện của dòng Đa Minh, khám bệnh miễn phí. Từ 5 giờ sáng bệnh nhân khắp nơi đã đến ngồi trước cửa bệnh viện. Giờ mời cửa là 8 giờ, có bác sĩ chuyên khoa khám bệnh. Bệnh viện của nhà dòng nhưng khám bệnh không phân biệt tôn giáo. Tuyết Giang và các sơ dẫn tôi đi thăm lò bánh mì cũng gần bệnh viện Đa Minh, cách đây rất lâu, Tuyết Giang đã tặng một số tiền mua máy móc làm bánh mì. Bánh mì do các Giáo dân làm rất ngon, sáng sớm đã có người đến lấy bánh mì.

Bà con đứng xếp hàng chờ nhận cơm từ thiện của chùa Thạnh Đức, số 33 Đoàn Thị Điểm, phường Quang Trung. Trụ trì là ni sư Thích Nữ Nhuận Phúc ngày 3/12/2024.

Chúng tôi ở trên lầu của bệnh viện, buổi sáng 4 giờ, chuông nhà thờ đã đổ. Tiếng chuông nhà thờ reo vang dội, người nào cũng thức dậy từ 4 giờ sáng. Nhà thờ bên cạnh bệnh viện, nhà thờ đẹp, uy nghi, tráng lệ. Người dự lễ mặc áo dài rất đẹp, hai ba thế hệ đi lễ, nhưng than ôi, phụ nữ thì nhiều, hơn 90% là phụ nữ. Tôi hỏi vài ba phụ nữ đứng cạnh: sao các ông không đi lễ thì được trả lời các ông đã chết ở chiến trường, còn lại là quả phụ.

Nhà thờ này thuộc giáo phận Bùi Chu. Cha Hòa rất trẻ, giảng thật xuất sắc, thu hút người nghe. Có một câu mà chúng tôi nhớ mãi, không có người chửi thề vào nước Chúa. Linh mục chánh xứ là cha Phạm Quang Vinh, học xong sau 1975, không được chịu chức, vào Mỹ Tho chịu chức, sau đó đi tù 3 năm. Sau một thời gian được đi du học. Về nước đi dạy đại chủng viện và bây giờ là cha chính xứ của nhà thờ này. Buổi tối, có nhiều các em đến chơi, chạy nhảy. Nhiều gia đình đến ngắm cây Noel rất đẹp và cao.

Kiều Mỹ Duyên thăm trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi ngày 06/12/2024, gặp các linh mục, các sơ và các chủng sinh.

Nhìn khung cảnh xung quanh nhà thờ có vẻ thanh bình lắm nhưng nhiều giáo dân cho chúng tôi biết có những năm thất mùa thì đồng bào vẫn đói. Sống bằng nghề làm ruộng thì khổ cực thế đó, khi hạn hán hay bão tố thì mệt lắm. Cũng có những người trẻ bỏ làng đi vào Nam tìm việc làm có tiền gửi về giúp nhà.

Có một điều đáng nói là những người trẻ trong phái đoàn Hội Bạn Người Cùi hay giúp đỡ lẫn nhau như Khoa, Phong, Bình, v.v. thường giúp người già trong phái đoàn hay người cùi không mang quà về nhà nổi thì những người trong phái đoàn giúp đỡ một cách tận tình. Họ mang gạo, mì, thực phẩm đến tận nhà người cùi. Nghĩa cử này làm cho người nhận quà xúc động.

Trong chuyến đi này chúng tôi đi nhiều nơi, thăm nhiều nhà thờ, chùa từ miền Nam đến miền Trung, miền Bắc. Chúng tôi gặp nhiều người đáng gặp: các Giám Mục, linh mục, Hòa Thượng, các thầy, các sơ, cùng người thân, bạn bè. Ngoài 5 ngôi chùa ở Kontum, chúng tôi đã thăm nhiều chùa ở Thái Bình, Bùi Chu, thăm đền Ngọc Sơn, chùa Một Cột ở Hà Nội, thăm nhiều chùa ở Bình Dương, Hậu Nghĩa, Tây Ninh, thăm núi Bà Đen, thăm Thánh Thất Cao Đài, thăm chùa ở Thượng Hải, Tô Châu và nhiều nơi khác. Tôi sẽ viết thêm trong những bài tới.

Niềm tin tôn giáo mãnh liệt làm cho nhiều người sống với đức tin trong hạnh phúc. Mong đồng hương giúp người khốn khó và nhận lại ơn lành trong sự giúp đỡ này.

Orange County, 1/2025

KIỀU MỸ DUYÊN

(kieumyduyen1@yahoo.com)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.