Đầu tháng 12/2024, chúng tôi có dịp thăm các chùa ở thành phố Kontum: chùa Huệ Hương, chùa Thạnh Đức, chùa Phước Lâm, chùa Viên Đạo, và chùa Pháp Hoa. Vì thời gian có hạn, chúng tôi chỉ có thể thăm được 5 ngôi chùa. Chúng tôi rất cảm phục tấm lòng yêu thương tha nhân của các Hòa Thượng, ni sư và Phật tử của các chùa này qua việc mọi người phát cơm chay từ thiện cho các bệnh nhân nghèo, phát quà cho các gia đình nghèo trong dịp lễ Vu Lan, lễ Phật Đản, Tết, …
Các em trong nhà dòng thức dậy rất sớm, quét sân, tập thể dục.
Buổi sáng thức dậy thật sớm, các em học sinh trong nhà dòng thức sớm hơn tôi, các em tập thể dục, quét lá cây ở sân nhà dòng rồi vào nhà nguyện cầu kinh trước khi ăn sáng.
Bỗng dưng, tôi nhìn ra cổng tu viện, tôi thấy nóc chùa cong cong bên kia đường. Sau khi tặng quà cho người cùi trong rừng, trở về tu viện, tôi đi thăm chùa bên kia đường, chùa Huệ Hương, phường Quyết Thắng. Chùa này xây năm 1958, thầy trụ trì Văn Nhơn- đón tiếp chúng tôi một cách ân cần, niềm nở. Thầy hỏi tôi cần gì thì thầy giúp, tôi đưa danh sách 10 chùa và hỏi ý kiến thầy chùa nào nghèo nhất trong tỉnh Kontum. Tài xế cũng là Phật tử, vợ ăn chay trường nên biết rất rành các chùa ở Kontum. Người lái xe tâm sự với tôi rằng vợ của anh muốn lập chùa để nuôi các em mồ côi. Chùa ở Kontum trẻ con mồ côi nhiều lắm.
Thầy Văn Nhơn, trụ trì chùa Huệ Hương và Kiều Mỹ Duyên
Giã từ thầy Văn Nhơn, trụ trì chùa Huệ Hương, chúng tôi đến một ngôi chùa nhỏ, chùa Thạnh Đức, ở số 33 Đoàn Thị Điểm, thành phố Kontum. Ngừng xe, tôi vào chùa. Sư cô Thích Nữ Nhuận Phúc mở cửa đón chúng tôi một cách ân cần mời chúng tôi vào chùa.
Kiều Mỹ Duyên thăm chùa Thạnh Đức, số 33 Đoàn Thị Điểm, phường Quang Trung. Trụ trì là ni sư Thích Nữ Nhuận Phúc ngày 3/12/2024.
Vừa ngồi xuống ghế, tôi nói ngay:
– Thưa sư cô, con đói quá, sư cô có gì cho con ăn không? Con ăn chay trường.
Sư cô rất gầy, nhưng ân cần nói:
– Ngồi xuống đi, tôi đi lấy thức ăn cho chị nhé.
Đi đâu thì tôi cũng xin ăn, việc xin ăn trước rồi chuyện khác nói sau. Có lẽ phước đức ông bà, cha mẹ để lại, đi xin ăn bao giờ cũng được cho ăn, từ miền Nam đến miền Bắc, đến cao nguyên Trung phần, chưa bao giờ tôi gặp trở ngại về việc xin ăn. Có lẽ mọi người chúng ta có cái số. Trong lúc sư cô đi lấy thức ăn, tôi nói ngay:
– Sư cô ơi, có trái cây trên bàn đủ. Con chỉ ăn trái cây thôi đủ rồi, không phiền sư cô nữa.
Chùa Thạnh Đức, thành phố Kontum, phát cơm chay từ thiện cho bệnh nhân nghèo.
Sau đó, tôi được biết sư cô vừa đi phát cơm cho người bệnh nghèo từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều mỗi ngày từ thứ hai đến thứ bảy, nghỉ ngày chủ nhật. Sư cô và các Phật tử nấu ăn. Mỗi phần ăn gồm có cơm, đậu que, đậu hủ, trái cây. Mời quý đồng hương nhìn trong hình. Mỗi lần như thế hơn 300 phần ăn, cho những người nghèo từ xa đến bệnh viện khám bệnh.
Tôi hỏi sư cô:
– Thưa sư cô, một ngày phát cơm như vậy tốn bao nhiêu dollar?
– 100 dollars.
Tôi lặng lẽ không nói nữa. Mỗi phần ăn 3 món, hơn 300 người ăn mà chỉ tốn $100. Tôi nghĩ tiền này chỉ mua rau cải, hoặc rau cải trồng ở nhà, đậu, bí, bầu, … Có lẽ chỉ mua chao, nước tương hay gia vị. Như thế thì công sức của sư cô và các Phật tử rất nhiều, nhiều lắm. Làm sao một bữa ăn chi phí ít ỏi như vậy. Công sức nhiều hơn là tiền mua thực phẩm. Ở Việt Nam, nhà nào, chùa nào cũng trồng rau, bắp, đậu, cải, khoai lang, khoai mì.
Sư cô rủ tôi ngày mai đến cùng đi phát cơm ở bệnh viện. Tôi trả lời ngày mai con rời Kontum rồi.
Sư cô Thích Nữ Nhuận Phúc và các Phật tử chùa Thạnh Đức trong 1 buổi phát cơm chay từ thiện cho bệnh nhân nghèo.
Tôi ngồi lặng lẽ nhìn ngôi chùa cũ kỹ, nhỏ bé trong thành phố. Sư cô trụ trì gầy gò làm việc suốt ngày không nghỉ ngơi để giúp người nghèo. Tôi xin góp một phần nhỏ cho các bữa ăn của người nghèo, sư cô cầm phong bì với 2 con mắt ươn ướt. Tôi cười và nói:
– Con đâu có tặng tiền cho sư cô, vì sư cô đâu cần tiền. Con tặng thức ăn cho bệnh nhân ở xa về đây chữa bệnh.
Bao giờ cũng vậy, tôi thường chọc cười cho người đối diện để bầu không khí đỡ căng thẳng.
Bà con xếp hàng nhận cơm chay từ thiện của chùa Thạnh Đức
Sư cô Thích Nữ Nhuận Phúc và các Phật tử phát cơm từ thiện cho bệnh nhân nghèo
Ni sư Thích Nữ Nhuận Phúc, trụ trì chùa Thạnh Đức, chuẩn bị phát thức ăn cho các bệnh nhân nghèo.
Ni sư Thích Nữ Nhuận Phúc, trụ trì chùa Thạnh Đức, chuẩn bị phát thức ăn cho các bệnh nhân nghèo.
Ni sư Thích Nữ Nhuận Phúc, trụ trì chùa Thạnh Đức, chuẩn bị phát thức ăn cho các bệnh nhân nghèo.
Ni sư Thích Nữ Nhuận Phúc, trụ trì chùa Thạnh Đức, chuẩn bị phát thức ăn cho các bệnh nhân nghèo.
Ni sư Thích Nữ Nhuận Phúc, trụ trì chùa Thạnh Đức, tự tay làm bánh mì.
Ni sư Thích Nữ Nhuận Phúc, trụ trì chùa Thạnh Đức, và các Phật tử có lòng, chuẩn bị phát thức ăn cho các bệnh nhân nghèo.
Trở về Mỹ, chúng tôi liên lạc thường xuyên với sư cô Nhuận Phúc bằng hình ảnh những bữa cơm phát cho người nghèo, những đĩa thức ăn nóng hổi. Quý đồng hương, chỉ $100 cho hơn 300 bệnh nhân nghèo khổ được một bữa cơm ngon miệng.
Thầy trụ trì Thích Nhuận Lực chùa Phước Lâm, số 31 Mạc Đỉnh Chi, phường Quang Trung và Kiều Mỹ Duyên
Rời chùa Thạnh Đức nhỏ bé, tôi đến thăm các chùa khác. Cửa chùa rộng mở, dù mặt trời đi ngủ sớm nhưng chúng tôi đi đến đâu cũng được đón tiếp một cách nồng nhiệt. Ngôi chùa thứ hai chúng tôi đến là chùa Phước Lâm tại số 51, Mạc Đỉnh Chi, phường Quang Trung. Trụ trì là một Đại Đức rất trẻ tên Thích Nhuận Lực, đi tu hồi nhỏ, được làm trụ trì chùa này gần đây. Chùa khang trang, nhiều tượng Phật đẹp, có nhiều Phật tử đến chùa thường xuyên.
Kiều Mỹ Duyên thăm chùa Viên Đạo, thầy trụ trì Thích Đồng Nguyện
Chúng tôi đến một ngôi chùa nhỏ, tượng Phật uy nghi, tráng lệ trước cổng chùa, nhưng không thấy Phật tử ra vào tấp nập như các chùa khác. Vị trụ trì trẻ tiếp chúng tôi rất ân cần niềm nở. Chùa đang trùng tu, rêu phong ở bờ tường nổi màu đen. Chúng tôi chùa này đã thành lập nhiều năm không có tu bổ.
Thầy trụ trì nói:
– Chùa này đã trùng tu đã 10 năm chưa xong. Chùa của Phật tử xây cất, rồi mời sư về đây làm việc Phật sự.
Nhìn cầu thang đen thui, tôi thưa với thầy:
– Thưa thầy, con có thể lên lầu được không?
– Không được, nguy hiểm lắm, nguy hiểm đến tánh mạng vì cầu thang có thể đổ bất cứ lúc nào.
Thầy trụ trì cho biết thầy có chừng vài ba chục gia đình Phật tử đến chùa vào những ngày lễ, ngày cuối tuần. Trong lúc hàn huyên, thầy nhắc đến Hòa Thượng Quảng Ba ở Úc, Hòa Thượng Như Điển ở Đức, và thầy Tuệ Sỹ. Chúng tôi biết ngay thầy ở trong Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thường ở Sài Gòn, Gia Định, Huế, …
Thầy trụ trì nghiên cứu về sách Phật giáo, chúng tôi thấy trên kệ sách, nhiều sách về Phật giáo, không khí rất yên tĩnh, đúng là không khí của thiền.
Thầy Thích Đồng Nguyện, trụ trì chùa Viên Đạo, cho biết Phật tử của chùa là nông dân đi làm ruộng, làm rẫy, đủ ăn, nhiều khi mất mùa, thất nghiệp. Thầy đi tu lúc 10 tuổi, giọng nói của thầy rất hiền, mắt sáng.
Kiều Mỹ Duyên thăm chùa Pháp Hoa, thôn 1, xã Hòa Bình, sư cô Chúc Giác trụ trì.
Ngày 3/12/2024, chúng tôi thăm một ngôi chùa nữ- chùa Pháp Hoa. Sư cô rất trẻ đưa chúng tôi lên tầng lầu thứ 2 lễ Phật. Sư cô nói:
– Cô nên cẩn thận, có người ăn cắp tượng Phật. Chùa này rất cũ, vừa đập và xây lại, hoàn tất năm 2014 ở trong rừng.
Sư cô Chúc Giác, trụ trì chùa nói:
– Mời cô đi với chúng tôi thăm và phát quà cho người cùi ngày 24/12/2024.
Tôi thưa:
– Thưa sư cô, ngày đó chúng con đã về Mỹ rồi.
Chúng tôi giã từ sư cô trong sự bịn rịn, hẹn gặp lại ở Mỹ. Sư cô cũng đã nhiều lần đi Mỹ. Sư cô nhắc đến Hòa Thượng Minh Tuyên, Phật giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới ở Santa Ana và nhắc đến nhiều thầy, nhiều sư cô ở Mỹ vì sư cô có nhiều cơ hội đi Mỹ nên quen rất nhiều vị trụ trì ở Mỹ.
Chúng tôi thăm rất nhiều chùa, khi nhắc về thầy Tuệ Sỹ, thầy Quảng Độ, thầy Trí Siêu, thầy Nguyên Giác, thì ai cũng biết nhưng chưa có duyên được gặp gỡ. Chúng tôi cũng là người có phước, lần nào về Việt Nam, dù đi với phái đoàn ngoại quốc cũng được gặp các thầy vừa kể trên, dù lúc đó chùa của thầy Tuệ Sỹ, thầy Trí Siêu ở đều có Công An canh gác. Có nhiều người nói: các thầy tu khổ hạnh, nhưng sau 1975, thành Hoàng Gia, Hoàng Tộc vì nơi các ngài ở có Công An canh gác cửa miễn phí.
Đó là 5 ngôi chùa ở Kontum mà chúng tôi thăm viếng, còn nhiều chùa nữa ở những nơi khác, chúng tôi sẽ kể tiếp. Đến nơi nào, chúng tôi cũng thăm các chùa, nhà thờ, di tích lịch sử. Học không phải chỉ học ở trường mà còn học từ con mắt của mình nhìn, từ lỗ tai mình nghe từ người khác, nên khi viết thì chúng tôi viết người thật, việc thật. Mong quý đồng hương về thăm Việt Nam nên thăm những nơi khổ cùng cực, nhất là những người cùi. Nhưng khổ sống được là nhờ có niềm tin tôn giáo, có niềm tin tôn giáo là có tất cả, vượt qua tất cả khó khăn để vươn lên, dẫu đau đớn, dù đói khổ.
Orange County, 1/2025
KIỀU MỸ DUYÊN
(kieumyduyen1@yahoo.com)