Home Chuyên MụcBài Viết NGÀY CỦA MẸ

NGÀY CỦA MẸ

Đăng bởi Huy Nguyen
0 những bình luận

Ngày của Mẹ 11052025.jpg

Nơi ẩn náu yên ổn nhất là lòng mẹ.

Đứa trẻ đi học bị bạn bè bắt nạt ở trường về nhà mét mẹ, một đứa trẻ bị trẻ con hàng xóm nghỉ chơi, về nhà mét với mẹ, cô con gái bị người yêu bỏ về tâm sự với mẹ, v.v., nói chung những đứa trẻ cần bờ vai của mẹ, bờ vai mẹ là nơi các con nương tựa. Con cái thường tâm sự với mẹ về những phiền não hàng ngày hơn tâm sự với cha.

Ngày của mẹ là ngày tưng bừng, náo nhiệt nhất. Cha thường nghiêm nghị nên trẻ con ít tâm sự với cha. Nói như thế, không có nghĩa là trẻ con không thương cha? Không có cha làm sao có mình, cho nên tình thương cha mẹ cũng giống nhau, nhưng trẻ con gần mẹ hơn gần với cha. Khi đi học về, gọi mẹ ơi ới: mẹ ơi, con đói quá, mẹ ơi, con khát quá, mẹ ơi, con nhức đầu, mẹ ơi, … Tối ngày cứ mẹ ơi, mẹ ơi. Nhất là những đứa trẻ còn nhỏ, chuyện gì cũng kêu mẹ.

tho-ngan-ve-me-8.jpg

Có những người con trưởng thành, tốt nghiệp đại học, tiếp tục học cao học, mà mỗi khi có việc gì không hài lòng cũng cứ gọi mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ ơi. Ngay cả khi những người con thành tài, là bác sĩ, kỹ sư, luật sư, dược sĩ mà cũng gọi mẹ ơi, mẹ ơi, gọi ới ời như con nít khi gặp mẹ.

Tiếng gọi “mẹ ơi, mẹ ơi” ngọt ngào, ấm áp như không bao giờ chấm dứt, vì thế suốt đời tiếng “mẹ ơi” không bao giờ quên được. Nếu chẳng may người mẹ qua đời thì người con sẽ hụt hẫng như mất một cái gì vĩ đại nhất, không còn muốn sống nữa. Hạnh phúc thay những người còn mẹ, không ai thay thế được mẹ của mình.

hinh-anh-me-va-con-25.jpg

Nuôi con mẹ chẳng thở than,
Mong sao con được bình an tháng ngày.

Có nhiều đứa trẻ chẳng may mẹ mất sớm, cha tái giá, người mẹ kế tốt bụng chăm sóc con chồng như chính con ruột của mình. Đứa trẻ cũng thương mẹ kế nhưng làm sao bằng mẹ ruột của mình.

Lâu lắm rồi, chúng tôi đọc truyện về một người phụ nữ di tản, đi tị nạn Cộng Sản, lạc đến đảo, người mẹ bồng đứa con trên tay ngồi trên một tảng đá. Hai mẹ con mấy ngày không có một hạt cơm trong bụng, đứa trẻ khóc vì đói, vì khát. Người mẹ đau lòng bèn cắt tay mình để lấy máu cho vào miệng con. Cứu sống được đứa con thì người mẹ kiệt sức qua đời trong khi chờ đoàn cứu trợ đem thực phẩm tới. Khi đọc truyện này, ai cũng rơi lệ. Người mẹ hy sinh mạng của mình, chịu chết để cho con được sống. Hy sinh nào vĩ đại bằng hy sinh mạng sống của mình? Nhiều người mẹ hy sinh cuộc đời của mình để con được sống. Ôi những người mẹ vĩ đại vẫn còn tồn tại trong xã hội này.

tho-ngan-ve-me-5.jpg

Mẹ ơi, mẹ ơi, bao giờ con gặp lại mẹ. Mẹ tôi qua đời năm 1966 nhưng tôi nghĩ mẹ tôi vẫn còn ở đây. Vào chùa nào, tôi cũng nghĩ mẹ tôi đang ở trong chùa, đang nhìn chúng tôi cười. Nhất là đến “Ngày của Mẹ”, mỗi lần nhìn thấy các cụ già giống mẹ tôi được con cháu dìu đi vào chánh điện, sao tôi thấy hạnh phúc cho những người còn cầm tay mẹ mình. Sao họ hạnh phúc, sao mình không được phúc đức như thế? Phải tu nhân tích đức thì mới được như thế, mới còn mẹ.

Kỷ niệm về mẹ tôi nhiều lắm. Ở Việt Nam, chúng tôi sống trong ngôi nhà rộng, đất rộng. Nhà đầu tiên được xây trên đất của ông nội chúng tôi để lại. Sau này, ba mẹ tôi mua một miếng đất khác rộng rồi xây nhà. Xung quanh là cây xanh, yên tĩnh, chúng tôi lớn lên trong ngôi nhà này, bình yên và hạnh phúc, ngôi nhà có tiếng cười suốt ngày.

Nhà chúng tôi nuôi nhiều chó, có những con chó thật to, chó giữ nhà, chó thương chủ nhà, chó đưa chủ nhà ra tận cổng khi chủ nhà đi chợ hay đi đâu đó, chó đón chủ nhà trở về. Có một điều rất lạ mà chúng tôi không hiểu nổi khi thấy một đàn chó chạy ra cổng mừng rỡ đón chủ nhà trở về mà không có tiếng sủa, nhưng nếu có người lạ đến là chó cất tiếng sủa rất to, mẹ tôi chỉ cần lên tiếng: “Các con vô nhà” thì chúng nghe lời ngay, vô nhà im phăng phắc?

Thân Mẫu của Kiều Mỹ Duyên và cô Hoàng Minh Thúy, chủ báo Xây Dựng, Houston.

Mẹ tôi thường cúng Phật ở nhà, trên bàn thờ lúc nào cũng có trái cây tươi, hoa tươi và nước lọc.Trái cây ngoài vườn, hoa ngoài vườn hái đem vào cúng Phật. Mẹ tôi thường đi chùa đem trái cây, hoa quả cúng Phật, mẹ tôi cũng làm công quả ở chùa. Mẹ tôi là Phật tử thuận thành, mẹ tôi cầu nguyện mỗi ngày, cầu nguyện cho gia đình, cho người thân và cầu nguyện cho người nghèo, mẹ tôi ăn chay vào ngày rằm, ngày lễ.

Nhiều lúc chúng tôi nghĩ không biết bây giờ mẹ chúng tôi ở đâu? Mẹ tôi có hạnh phúc hay không? Mẹ tôi ra đi không phiền muộn, ra đi một cách nhẹ nhàng, thanh thản thì chắc mẹ đang hạnh phúc lắm ở cõi Niết Bàn.

Quan-long-hinh-anh-tre-em-trong-chien-tranh-Viet-Nam-414-1578725415-width700height482.jpg

Không có người mẹ nào thích chiến tranh vì chiến tranh buộc mẹ phải xa con, ngày chia tay biết có còn trở lại?

Không có người mẹ nào thích chiến tranh, bởi vì có chiến tranh thì phải có những chàng trai trẻ lên đường nhập ngũ, tòng quân, thì có chiến tranh làm gì chứ? Em trai tôi đi lính, đêm đêm, mẹ tôi quỳ dưới bàn thiên ngoài trời cầu nguyện cho con mình bình yên trở về. Ra chiến trường giữa bom đạn, chắc gì trở về còn đủ chân tay?

Không ai bảo đảm khi lao vào nơi bom đạn mà còn lành lặn tay chân trở về? Có bao nhiêu con, cháu của tỉ phú mà ra chiến trường, cũng là mạng người nhưng con người giàu có mấy người ra chiến tuyến? Ở đời này, tìm sự công bình cho người nghèo có được không?

Happy Mothers' Day.png

Mẹ ơi, mẹ ơi, chúng con thương mẹ lắm, nhưng bây giờ mẹ ở nơi nào? Mẹ có linh thiêng về đây chứng giám, chúng con làm từ thiện một phần hồi hướng công đức dành cho mẹ. Chúng con hy vọng mẹ đã siêu thoát và về Cõi Niết Bàn. Mỗi lần, con đọc bài nghiên cứu về việc phá thai, chúng con thương mẹ lắm. Nếu mẹ giết chúng con thì chúng con đâu có sinh ra trên cõi đời này, đâu được lớn lên và đi khắp nơi trên thế giới. Ngày xưa, khi đứng cạnh bờ hồ ở Thụy Sỹ, đứng bên bờ sông Seine- Paris, chúng con nghĩ đến mẹ và thương mẹ nhiều lắm, nhờ có mẹ, chúng con có được hạnh phúc này. Mẹ ơi, chúng con thương mẹ lắm. Mẹ là tất cả, mẹ là Bồ Tát, mẹ là thiên thần, là tình thương bao la, là những gì cao quý nhất trên đời này.

Mẹ ơi, bây giờ con không còn mẹ. Mẹ ở đâu, xin một lần mẹ cho chúng con được nhìn thấy mẹ. Nhớ nụ cười thật tươi của mẹ, nhớ bàn tay ấm áp của mẹ dịu dàng đặt trên trán của chúng con khi chúng con bị cảm sốt. Mẹ ơi, sao mẹ không lên tiếng? Mẹ ơi, mẹ ơi, con nhớ mẹ!

tuc-ngu-hieu-thao.jpg

Đừng bao giờ chờ đến khi Mẹ không còn nữa mới nói những lời yêu thương chân thành dành cho Mẹ. Hãy hiếu thảo với Mẹ cho tròn phận con.

Mẹ ơi, mẹ ơi, dù con gọi mẹ mỗi ngày nhưng mẹ của chúng con đã đi xa, không bao giờ trở lại. Một đời người, dù có sống lâu trên 100 tuổi cũng phải ra đi và đi không bao giờ trở lại. Mẹ ơi, mẹ ơi, dù tiếng gọi của con có ngọt ngào, có thảm thiết cỡ nào thì mẹ cũng xa con rồi.

Mẹ ơi, mẹ ơi! Con nhớ Mẹ nhiều lắm!

Orange County, 11/5/2025

KIỀU MỸ DUYÊN

(kieumyduyen1@yahoo.com)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.