Home Uncategorized Sau 50 năm, An Lộc vẫn còn những hồn ma

Sau 50 năm, An Lộc vẫn còn những hồn ma

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Tôi nhớ một sáng Tháng Tư tại quán cà phê con Pha, ông Giáo ngồi trầm ngâm bên ly cà phê đen nguội lạnh. Tôi tôn trọng sự suy tư của ông nên cũng chẳng hỏi gì, cúi đầu đọc báo.

Cuối cùng, sau tiếng thở dài ông Giáo nói: “Tháng này là tháng giỗ cả gia đình thằng Tư, em tui. Cả nhà nó chết ở An Lộc năm 1972”.

Tôi hỏi ông Giáo sao không về An Lộc thắp nhang, ông nói có lẽ gia đình chú Tư cùng hàng ngàn người được chôn trong mộ ngôi mộ tập thể ở đấy. Ông không muốn về nên cứ mỗi Tháng Tư ông chỉ thắp nhang vái vọng. Ông Giáo nói:

“Họ (chính quyền) công nhận ngôi mộ tập thể này là ‘di tích lịch sử’, là ‘tội ác đế quốc Mỹ’ nên tôi sẽ không bao giờ về đó thắp nhang cả. Về có nghĩa là công nhận sự dối trá, lật lọng của họ là sự thật”.

Vào Tháng Bảy, tôi và ông Giáo có dịp về vùng đất An Lộc với một người bạn, người đã trải qua những giờ phút khốc liệt nhất của cuộc chiến ở đây. Tôi hỏi anh về ngôi mộ 3,000 người mà chính quyền cho rằng đó là “tội ác của Mỹ-Ngụy”, thì anh bật cười chua chát nói:

“3,000 là con số do chính quyền đưa ra. Nhiều người bất ngờ với con số này. Thường thì kể về ‘tội ác Mỹ-Ngụy’ chính quyền thường nâng khống con số lên, nhưng ở đây họ lại hạ con số tử vong xuống. Ông Tư có thấy lạ không?”

Anh hỏi tôi rồi trả lời luôn, “lý do hạ con số tử vong xuống vì đó là tội ác của họ!”

Khu “di tích lịch sử” được chính quyền đầu tư hơn 35.7 tỷ đồng để che đậy tội ác của Việt cộng năm 1972 tại vùng đất An Lộc – Ảnh: Xuân Tiên/Saigon Nhỏ

Anh nói nếu hỏi bất cứ người dân An Lộc nào, họ cũng đều trả lời là ngôi mộ chung đó của 5,000 người trong đó phần lớn là người dân vô tội, bị đạn pháo của Việt cộng. Một số ít là lính VNCH không nhận diện được, và một ít là Việt cộng.

Trong suốt hai tháng trời thành phố bị vây hãm, nơi đây đã chịu đựng hơn 200,000 quả đạn đủ loại. Tính trung bình mỗi ngày người dân ở đây hứng chịu hơn 3,000 quả.

Năm 2018, chính quyền đã bỏ ra hơn 35.7 tỷ đồng để trùng tu và biến nó thành “di tích lịch sử” nhằm che đậy tội ác của họ.

Anh bạn chở chúng tôi lại ngôi mộ tập thể này. Chỉ mới bốn năm, khu “di tích” đã xuống cấp vì không ai chăm sóc. Cửa đóng, then cài, muốn vào đó thắp nhang cũng không được. Đứng ở bên hông khu mộ nhìn, vào tôi thấy tấm bảng ghi nội dung: “Mộ 3000 người. Nơi an nghỉ của đồng bào thị xã An Lộc – Bình Long, bị bom Mỹ hủy diệt mùa Hè năm 1972”.

Tấm bia được đặt lên một tấm đá, phía dưới là bệ xây bằng gạch ống không tô trát xi măng nhìn rất tạm bợ. Đằng trước là một lư hương xi măng nham nhở, bên trong có chừng 20 cây chân nhang phai màu, chứng tỏ lâu lắm không có người đến thắp nhang.

Đứng gần tường rào, tôi nghe văng vẳng tiếng tụng kinh “Nam Mô A Di Đà Phật” phát ra từ chiếc máy digital nhỏ bên trong tường rào. Có lẽ người thân nào đó của người chết nằm trong đấy cố tình để lại nhằm giúp những người chết theo đạo Phật có thể nghe kinh siêu thoát.

Đối diện nấm mộ 5,000 người là Bệnh viện Bình Long, nay là Bệnh viện Đa khoa thị xã (góc ngã tư đường Phạm Ngọc Thạch và Phan Bội Châu), anh bạn tôi bồi hồi nhớ lại:

“Ít ai được dịp chứng kiến cơn mưa đạn pháo của Việt cộng dội xuống thành phố này. Không nơi nào, không có vật gì ở đây nguyên vẹn. Từ cột đèn, cây cối, xe cộ, đều hứng chịu ít nhất một miểng pháo”.

Phía bên kia đường là Bệnh viện Bình Long ngày trước, nay là Bệnh viện Đa khoa thị xã – Ảnh: Xuân Tiên/Saigon Nhỏ

Chỉ tay qua phía bệnh viện, anh nói các bác sĩ, y tá làm việc ngày đêm. Người chết, người sống nằm cạnh nhau vì nhà xác chật kín rồi. Họ nằm tràn ra mặt đường, người chết thì chất chồng lên 3, 4 lớp. Thỉnh thoảng bác sĩ chạy ra xem bệnh nhân, ai chết thì thôi, ai còn sống thì tiếp tục cứu chữa. Anh nói tiếp:

“Trịnh Công Sơn có bài hát ‘Ngụ ngôn mùa Đông’ trong đó có câu “Một ngày mùa đông, trên con đường mòn, một chiếc xe tang, trái mìn nổ chậm, người chết hai lần, thịt da nát tan…” chưa đủ nói lên thảm cảnh ở An Lộc năm 1972. Với mật độ đạn pháo khủng khiếp của Việt cộng trong những ngày đó, người chết ở đây phải chết tới 5, 6 lần, chết tới khi không còn thịt da để nát!”

Người chết nhiều quá, xác cứ phơi giữa đường, trong góc hẻm, từ ngày này sang ngày khác, không khí ngày càng đặc quánh mùi tử thi, nên giữa hai lần giao chiến, Sư đoàn 5 và Địa phương quân An Lộc tổ chức thu dọn, chở xác dân chúng, xác binh sĩ miền Nam không còn nhận diện được và cả bộ đội miền Bắc cho vào hố chôn tập thể này.

“Đó là sự thật, dân chúng ở An Lộc ai cũng biết”, giọng nói anh bạn tôi run run khi nhớ đến khung cảnh địa ngục mà anh đã phải chứng kiến “5,000 nạn nhân của Việt cộng được chôn ở đây, không có ‘đế quốc Mỹ’ nào dội bom cả”.

Không ảnh cho thấy Thị trấn An Lộc đã trở thành bình địa sau hai tháng bị Việt cộng pháo kích – Ảnh tư liệu

“Ở An Lộc hiện nay vẫn còn nhiều hồn ma lắm”, anh bạn tôi trầm ngâm chia sẻ:

“Ai ở An Lộc mà nói chưa gặp ma bao giờ là nói ‘xạo’. Tôi tin rằng còn rất nhiều hồn ma vẫn đang vất vưởng ở thành phố này vì chưa thể siêu thoát. Người chết 5, 6 lần làm sao siêu thoát được nếu người giết họ vẫn đang nhởn nhơ sống với “chiến thắng oai hùng”? Làm sao người chết có thể siêu thoát khi bị ‘đồng chí’ bỏ rơi? Ngay cả nấm mồ tập thể mà chính quyền cho rằng chỉ có 3,000 người chết, thế thì chẳng lẽ 2,000 người chết kia vẫn lởn vởn bên ngoài hàng rào “khu di tích lịch sử” không được vào trong vì không được nhà nước công nhận?”

Ông Giáo chỉ lặng yên nghe. Năm mươi năm rồi mà hòn đá vẫn đè nặng trên ngực ông. Cả gia đình người em chết thảm vì đạn pháo Việt cộng, căn nhà nhỏ của họ chỉ còn lại đống gạch vụn thì làm sao xác còn nguyên vẹn. Ông cũng chỉ được người hàng xóm chú Tư nói lại như thế, mà cũng chỉ biết sau này, khi chiến trận đã chấm dứt.

(SGN)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.