Tiến sĩ John Norman Hansen, một nhà nghiên cứu hóa sinh tại trường Đại học Maryland, Mỹ đã tìm thấy bằng chứng cho điều ông tin tưởng: có một trường năng lượng sinh học xung quanh thân thể con người.
Bóng của một người đàn ông (Zdravkovic/iStock), Nền: (CarlosGFernandez/iStock)
Cái trường năng lượng sinh học này đã được phỏng đoán và đề cập đến trong các câu chuyện tâm linh từ hàng nghìn năm nay, nhưng đến bây giờ nghiên cứu khoa học mới xác thực được sự tồn tại của nó.
Tiến sĩ Hansen đã tiến hành hàng trăm cuộc thí nghiệm với hàng chục đối tượng nghiên cứu, và những kết quả này đều có thể được lặp lại. Những nhà khoa học khác cũng thu được kết quả tương tự như của ông, bao gồm Wilem H. van den Berg từ khoa hóa sinh và lý sinh tại Trung tâm Nghiên cứu Johnson thuộc Đại học Pennysylvania, và nhà vật lý William van der Sluys từ trường Đại học Gettysburg, người đã đăng tải nghiên cứu của họ trên Tạp chí Khám phá Khoa học (Journal of Scientific Exploration) số ra ngày 15/3.
Trước đây, khi nghiên cứu về trường năng lượng sinh học của người, các nhà khoa học đã sử dụng những cảm biến photon. Lần này, Tiến sĩ Hansen đã thử một cách tiếp cận khác. Ông tự hỏi nếu một trường năng lượng sinh học, nếu thật sự tồn tại, thì nó có đủ lực để đẩy một con lắc xoắn (một dụng cụ rất dễ bị chuyển động bởi một lực nhẹ) hay không.
Ông đã treo con lắc trên đầu một đối tượng thí nghiệm và nhận thấy sự biến đổi rõ ràng trong động lượng của con lắc.
“Sau khi tiến hành các thí nghiệm trong điều kiện kiểm soát chặt chẽ để loại trừ những ảnh hưởng của các luồng khí và những thành phần lạ khác, chúng tôi đã đi đến kết luận rằng những tác động này được gây ra bởi một số loại trường lực phát ra từ đối tượng ngồi bên dưới con lắc”. Ông giải thích trong nghiên cứu vào năm 2013 của ông, với tiêu đề “Sử dụng vị trí cân bằng của con lắc xoắn để phát hiện và miêu tả trường năng lượng sinh học tiềm năng của người (Use of a Torsion Pendulum Balance to Detect and Characterize What May Be a Human Bioenergy Field)”. Nghiên cứu này cũng đã được đăng tải trên Tạp chí Khám phá Khoa học.
“Chúng tôi không biết một lực phù hợp nào, chẳng hạn như lực trong quang phổ điện từ, để giải thích cho những kết quả như vậy. Có thể trong tương lai người ta sẽ có thể lý giải được theo cách thông thường cho những kết quả đáng ngạc nhiên như vậy, nhưng cũng có khả năng hiện tượng chúng tôi đã quan sát được đòi hỏi phải đưa ra những khái niệm và lý thuyết mới”.
Một trong những kết quả quan sát đáng chú ý là sự hiện diện của con người sẽ vẫn tiếp tục có những ảnh hưởng [đến con lắc] trong khoảng từ 30 đến 60 phút sau khi đối tượng rời đi. Với những lực khác, chẳng hạn như các luồng khí, con lắc sẽ ngay lập tức quay trở về trạng thái di động nguyên thủy ban đầu.
Trạng thái tinh thần của đối tượng có thể tác động mạnh mẽ tới trạng thái con lắc.
Khả năng tác động lên con lắc của mỗi đối tượng nghiên cứu về cơ bản là như nhau, “từ đó cho thấy sự tác động lên con lắc không đòi hỏi một tài năng đặc biệt hay quá trình tập luyện từ trước”, Tiến sĩ Hansen viết trong một bản tóm tắt bài phát biểu của ông tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Khám phá Khoa học (Society for Scientific Exploration) lần thứ 34 vào cuối tháng 5 vừa qua.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng quan sát thấy một số đối tượng, đặc biệt những người từng thực hành thiền định trong nhiều năm, sẽ tạo ra những ảnh hưởng rất khác nhau trong trạng thái thiền định so với trạng thái không thiền định… từ đó cho thấy trạng thái tinh thần của một đối tượng có thể tác động mạnh mẽ đến trạng thái của con lắc”.
Liệu có phải do thay đổi nhiệt độ không khí?
Khi công khai kế hoạch thí nghiệm, Tiến sĩ Hansen đã khích lệ những người khác tái lập kết quả nghiên cứu của ông. Van den Berg và van der Sluys đã sử dụng cùng một loại dụng cụ con lắc và cũng quan sát được một sự dịch chuyển tương tự khi đặt con lắc gần đầu của đối tượng thí nghiệm. Tuy nhiên, họ tự hỏi liệu có phải sự dịch chuyển này xảy ra do thay đổi nhiệt độ không khí khi đầu đối tượng phát nhiệt. Sự thay đổi nhiệt độ không khí có thể tạo ra các dòng đối lưu, họ nói.
Tuy nhiên, họ tự hỏi liệu có phải sự dịch chuyển này xảy ra do thay đổi nhiệt độ không khí khi đầu đối tượng phát nhiệt.
Họ đã đặt một lớp nhựa ở khoảng trống giữa đầu đối tượng và con lắc, và phát hiện thấy ảnh hưởng của đầu đối tượng lên con lắc đã biến mất. Họ cho rằng tấm nhựa có thể đã ngăn cách con lắc khỏi trường năng lượng sinh học bí ẩn, hoặc có thể đã ngăn cách khỏi nguồn nhiệt [phát ra từ đầu đối tượng].
Tuy nhiên, Tiến sĩ Hansen cũng đã đăng tải một phản hồi về nghiên cứu này, trong đó chỉ ra điều ông cảm thấy sai sót trong giả thuyết được đưa ra về việc nhiệt cơ thể gây ra chuyển động của con lắc.
Trước hết, Tiến sĩ Hansen nói: “Nếu đặt một tấm nhựa dày ở giữa đối tượng và con lắc, thì lúc đầu lực đẩy [của trường năng lượng sinh học] sẽ tác động lên tấm chắn, và con lắc sẽ chỉ phản ứng trước lực đẩy còn sót lại. Nhưng nếu lực đẩy đi xuyên qua tấm chắn và sau đó tiếp tục tác động lên con lắc, thì như vậy sẽ vi phạm các nguyên tắc cơ bản của vật lý; tức là, chúng ta chỉ có thể tác động một lực [đẩy] trong một lần, nên nếu lực đó đã tác động lên tấm chắn thì sau đó nó sẽ không thể tiếp tục tác động lên con lắc”.
Một yếu tố khác mà TS Hansen cho rằng van den Berg chưa tính đến là sự dao động của con lắc sau khi lực tác động chấm dứt. Tiến sĩ Hansen viết: “Một nguyên tắc cơ bản của vật lý con lắc là nếu con lắc bị tác động bởi một ngoại lực và [khi] lực đó biến mất, thì con lắc sẽ ngay lập tức trở về trạng thái di động nguyên thủy ban đầu”.
Các dòng đối lưu tích tụ do hun nóng đều sẽ tiêu tan nhanh chóng sau khi đối tượng rời đi. Do vậy các dòng đối lưu không thể giải thích cho sự dao động của con lắc sau khi lực tác động chấm dứt. Tiến sĩ Hansen miêu tả những ảnh hưởng như vậy của trường năng lượng xung quanh đối tượng thí nghiệm như là đã được “khắc sâu” lên con lắc theo một cách thức nào đó.
Ông cũng cho rằng nghiên cứu của van den Berg cũng chưa nhận thức được tầm quan trọng của các tần suất dao động khác nhau [của con lắc] trước sự hiện diện của đối tượng thí nghiệm. Khi đối tượng vắng mặt, con lắc sẽ dao động với một tần suất cố định. Tuy nhiên, con lắc lại dao động với nhiều tần suất mới khi đối tượng có mặt, cũng như trong khoảng thời gian 30 phút hoặc lâu hơn sau khi đối tượng đã rời đi—một điều không thể được giải thích bằng các dòng đối lưu gây nên do sự thay đổi nhiệt độ không khí.
Nguồn: DKN