Home Tin TứcTin Thế Giới Phi đạn có thể là của Nga rơi xuống Ba Lan khiến 2 người chết

Phi đạn có thể là của Nga rơi xuống Ba Lan khiến 2 người chết

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Hai người chết trong một vụ nổ ở một ngôi làng Ba Lan gần biên giới với Ukraine ngày 15/11, lực lượng cứu hỏa cho biết, trong khi Hoa Kỳ nói họ đang điều tra các báo cáo chưa được xác nhận rằng vụ nổ là do phi đạn Nga đi chệch hướng.

Hãng tin AP dẫn lời một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ cho biết vụ nổ ở làng Przewodow, miền đông Ba Lan, là do phi đạn của Nga bay qua Ba Lan, một thành viên của liên minh quân sự phương Tây NATO.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết không có cuộc tấn công nào xảy ra nhắm vào các mục tiêu gần biên giới Ukraine-Ba Lan do vũ khí Nga thực hiện, hãng tin IFX đưa tin.

Tại Washington, Ngũ Giác Đài cho biết họ không thể xác nhận phi đạn của Nga đã rơi xuống lãnh thổ Ba Lan.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của ủy ban chính phủ về các vấn đề an ninh và quốc phòng vào tối ngày 15/11, phát ngôn viên chính phủ Piotr Muller cho biết trên Twitter.

Đài phát thanh ZET của Ba Lan đưa tin rằng hai phi đạn đi chệch hướng đã tấn công Przewodow, giết chết hai người.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy ngày 15/11 tuyên bố các phi đạn của Nga đã tấn công Ba Lan, một quốc gia NATO, trong điều mà ông gọi là “sự leo thang đáng kể” của cuộc xung đột.

“Phi đạn của Nga đã tấn công Ba Lan,” ông Zelenskyy cho biết, theo một văn bản đi kèm với bài phát biểu qua video hàng đêm của ông, nhưng không trưng bằng chứng cho cáo buộc này.

“Nga càng không bị trừng phạt thì càng có nhiều mối đe dọa đối với bất kỳ ai trong tầm bắn của phi đạn Nga. Bắn phi đạn vào lãnh thổ NATO! Đây là một cuộc tấn công bằng phi đạn của Nga nhắm vào an ninh tập thể! Đây là một sự leo thang rất nghiêm trọng. Chúng ta phải hành động,” ông Zelenskyy kêu gọi.

Phó Thủ tướng Latvia Artis Pabriks viết trên Twitter rằng Nga “đã bắn phi đạn không chỉ nhắm vào dân thường Ukraine mà còn rơi xuống lãnh thổ NATO ở Ba Lan.”

Các quan chức của Na Uy, Litva, và Estonia – các thành viên của liên minh phòng thủ NATO – cho biết họ đang cố gắng tìm hiểu thêm thông tin.

“Đây là một vụ việc rất nghiêm trọng nhưng vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng”, Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt cho biết, theo hãng thông tấn NTB của Na Uy.

Các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cam kết phòng thủ tập thể và khả năng vụ nổ ở Ba Lan là do một cuộc tấn công cố ý hoặc vô tình của Nga đã gây ra báo động.

“Từng tất đất lãnh thổ của NATO phải được bảo vệ!” Tổng thống Litva Gitanas Nausea viết trên Twitter.

Bộ trưởng Ngoại giao Estonia, Urmas Reinsalu, nói: “Chúng tôi đang thảo luận với các đồng minh của chúng tôi về cách phản ứng chung và quyết đoán với những gì đã xảy ra.”

Tại Ukraine, Nga đã dội mưa phi đạn xuống các thành phố trên khắp Ukraine hôm 15/11 sau khi rút lui một cách nhục nhã khỏi Kherson. Có dấu hiệu cho thấy các lực lượng rút lui của họ đang rút lui xa hơn nữa khỏi sông Dnipro ở phía nam.

Còi báo động không kích vang lên và tiếng nổ vang rền ở gần chục thành phố lớn, trong điều mà Ukraine cho là đợt tấn công phi đạn nặng nề nhất trong gần 9 tháng chiến tranh, phản ánh những gì lặp đi lặp lại những tuần gần đây về việc Moscow rút quân ra khỏi mặt trận sau những tổn thất trên chiến trường.

Một phát ngôn viên của Lực lượng Không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng khoảng 100 phi đạn vào Ukraine vào đầu giờ tối, nhiều hơn so với ngày 10/10, trước đây được mô tả là số lượng lớn nhất kể từ khi bắt đầu cuộc chiến.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết mục tiêu chính của loạt phi đạn là cơ sở hạ tầng năng lượng, như trước đây.

“Rõ ràng kẻ thù muốn gì. Hắn sẽ không đạt được điều này”, ông nói trong một bài phát biểu qua video trên ứng dụng nhắn tin Telegram. Kiev đã nói rằng các cuộc tấn công như vậy chỉ củng cố quyết tâm đẩy lùi các lực lượng Nga đã xâm chiếm vào tháng Hai năm nay.

Tại thủ đô Kyiv, ngọn lửa bùng lên từ một khu chung cư năm tầng, một trong hai tòa nhà dân cư mà chính quyền cho biết đã bị tấn công. Các nhà báo của Reuters đến hiện trường đã nhìn thấy cư dân co ro bên đống đổ nát âm ỉ. Đô trưởng cho biết một người được xác nhận đã thiệt mạng và một nửa thủ đô không có điện.

Các cuộc tấn công hoặc vụ nổ khác đã được báo cáo ở các thành phố từ Lviv và Zhytomyr ở phía tây đến Kryvy Rih ở phía nam và Kharkiv ở phía đông. Các quan chức khu vực báo cáo một số cuộc tấn công đã đánh sập nguồn cung cấp điện.

Hầm trú ẩn bỏ hoang

Các cuộc tấn công lan rộng diễn ra 4 ngày sau khi quân đội Nga từ bỏ thành phố Kherson ở phía nam, thủ phủ khu vực duy nhất mà Moscow chiếm được kể từ cuộc xâm lược, 6 tuần sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố đây là một phần vĩnh viễn của Nga.

Tuần trước, Nga cho biết quân đội của họ sẽ chiếm giữ các vị trí dễ phòng thủ hơn ở bờ đối diện của sông Dnipro. Nhưng những hình ảnh video được quay ở thị trấn Oeshky, đối diện với cây cầu bị sập từ Kherson, dường như cho thấy các lực lượng Nga cũng đã bỏ các hầm trú ẩn của họ ở đó.

Xa hơn về phía đông, các giới chức hành chánh do Nga bổ nhiệm cho biết họ đang rút công chức ra khỏi thành phố lớn thứ hai của khu vực, Nova Kakhovka, nằm trên bờ sông bên cạnh một con đập chiến lược khổng lồ.

Bà Natalya Humenyuk, phát ngôn viên của quân đội Ukraine, cho biết Moscow dường như đang bố trí lại binh lính và pháo binh cách Dnipro 15-20 km để bảo vệ các khẩu súng của họ khỏi các cuộc phản công của Ukraine.

Bà nói Nga có pháo binh vẫn có khả năng tấn công Kherson từ những vị trí mới đó, nhưng “chúng tôi cũng có một số điều đáp trả”.

Chiến tranh Ukraine là một trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh G20, nơi các nhà lãnh đạo phương Tây lên án Moscow. Nga là thành viên của G20 nhưng Ukraine thì không. Ông Putin không tham dự G20 lần này mà cử Ngoại trưởng đi. Tổng thống Ukraine phát biểu tại G20 qua video trực tuyến.

Phát biểu với G20, ông Zelenskyy nhắc lại các yêu cầu từ lâu rằng Nga phải rút toàn bộ lực lượng, trả tự do cho tất cả tù nhân và tái khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine để đổi lấy hòa bình.

Ông đề nghị gia hạn vô thời hạn chương trình bảo vệ xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine để giúp nuôi sống các nước nghèo, mở rộng đến cảng Mykolaiv.

Bất chấp sự phản đối của Nga và sự thiếu nhất trí, các nước phương Tây muốn có một tuyên bố từ thượng đỉnh G20 lên án cuộc chiến tranh tại Ukraine. Các nhà ngoại giao đã lưu hành một bản dự thảo dài 16 trang nói rằng: “Hầu hết các thành viên đều lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine và nhấn mạnh rằng nó đang gây ra sự đau khổ to lớn cho con người và làm trầm trọng thêm những mong manh hiện có trong nền kinh tế toàn cầu.”

Ngoại trưởng Sergei Lavrov, trưởng phái đoàn Nga vì ông Putin vắng mặt, cáo buộc phương Tây đang cố gắng chính trị hóa tuyên bố của G20.

(VOA)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.