Người xưa thấy rất rõ mối quan hệ giữa đức và tiền bạc: Người có đức mới có con đàn cháu đống, mới có người kế thừa của gia tộc, dòng họ nhờ vậy mới có thể phồn vinh và trường tồn. Không thể vì tiền tài phú quý, quan lớn lộc nhiều mà làm những việc trái với lương tâm, gây nguy hại cho người khác. Vậy nên cổ nhân vô cùng coi trọng việc tu tâm hướng thiện, coi trọng việc tích đức.
Lâm Tắc Từ, sinh sống vào những năm Đạo Quang dưới thời Đại Thanh, được triều Thanh bổ nhiệm làm khâm sai đại thần đi tới Quảng Châu để thi hành lệnh cấm thuốc phiện. Lúc bấy giờ, có rất nhiều người tới hối lộ ông. Nếu như Lâm Tắc Từ muốn phát tài, ông có thể dễ dàng lấy được vài triệu lượng bạc, đủ để cho cả gia tộc của ông có được một cuộc sống sung túc, không cần bận tâm đến cơm áo gạo tiền. Thế nhưng, Lâm Tắc Từ lại là một nhân sĩ lo cho đất nước, nhân dân. Biết thuốc phiện là mối nguy hại sâu sắc đối với dân chúng, ông đã cự tuyệt toàn bộ hối lộ của chúng thương nhân, và ra lệnh tiêu hủy gần hai vạn thùng thuốc phiện của các lái buôn người Anh ở Hổ Môn. Năm tiếp theo, quân đội Anh uy hiếp triều đình. Nhà Thanh vì cầu hòa nên đã đem cách chức Lâm Tắc Từ để tiến hành tra xét buộc tội. Lâm Tắc Từ bị lưu đày đến vùng biên giới sung quân. Ở đó, ông đã phải chịu đựng cuộc sống lưu vong khổ cực trong 5 năm.
Lâm Tắc Từ quả là người thanh liêm chính trực, vậy con cháu đời sau của ông sẽ như thế nào? Sau khi Lâm Tắc Từ qua đời, Lâm gia không còn của cải dự trữ, nhưng cũng không vì thế mà suy bại. Suốt mấy thế hệ con cháu của ông, có không ít người đọc sách đạt được thành tựu. Đời cháu, đời chắt nhà Lâm gia đều có người thi đỗ tiến sĩ, cử nhân.
Đến thời kỳ Dân Quốc, dòng dõi thư hương của Lâm gia vẫn không hề đứt đoạn. Khi ấy, viện trưởng Pháp viện tối cao – Lâm Tường – chính là hậu duệ của Lâm Tắc Từ, hơn nữa, tiêu chuẩn đạo đức của người này cũng vô cùng cao. Giữ gìn phẩm chất thanh liêm, từ chối nhận hối lộ là việc làm tốt tích đức cho đời sau, vậy nên con cháu của Lâm Tắc Từ mới có được phúc báo lớn đến thế.
Trọng thần nhà Thanh – Tằng Quốc Phiên – lãnh đạo Tương quân*, là người quyền cao chức trọng, nắm trong tay toàn bộ tài chính của quân đội. Dù thế, ông cũng không hề lợi dụng quyền hành để lấy bất cứ một đồng tiền nào trong quân doanh về cho mình, không tham lam dù chỉ là một hạt muối của quân sĩ. Tằng Quốc Phiên không cầu được phát tài, cũng không hy vọng bản thân sẽ tích góp của cải cho con cháu. Ông chỉ lo lắng con cháu đời sau bị lây nhiễm thói hoang phí xa xỉ, khó có thể thành tài. Chịu sự ảnh hưởng của Tằng Quốc Phiên, con cháu Tằng gia đều tự lực cánh sinh, theo đuổi tiến bộ, không ngừng vươn lên. Tằng gia nhờ đó mà mấy đời đều xuất ra không ít nhân tài ưu tú.
Có người thống kê, gia tộc Tằng thị bắt đầu từ Tằng Quốc Phiên, trong gần hai trăm năm qua, suốt tám thế hệ không hề có bất cứ một “bại gia tử” (người phá hoại gia nghiệp) nào. Ngược lại, trong số con cháu của nhà họ Tằng có gần 200 người được tiếp nhận giáo dục cao đẳng, những nhân tài danh tiếng xuất thân từ Tằng gia cũng đạt đến hơn 240 người.
Chính trực, lương thiện sẽ nhận được phúc báo, vậy còn kết cục của những người thu vét tiền của bất chính sẽ như thế nào? Sau đây là một câu chuyện cũng xảy ra dưới triều Thanh. Thời đó, tại vùng Quảng Đông có ba gia đình thương nhân giàu có, bọn họ lần lượt là Ngũ thị, Phan thị và Khổng thị. Ba nhà này thừa dịp chiến tranh thuốc phiện, lợi dụng khi đất nước khó khăn để phát đại tài, kiếm được vài trăm, thậm chí ngàn vạn lượng bạc. Tài phú của ba nhà này nhiều đến mức cơ hồ có thể sánh ngang với cả đất nước. Bọn họ ăn mặc xa hoa, ra vào đều có xe sang hào nhoáng đưa đón, trải qua cuộc sống cẩm y ngọc thực xa xỉ, phung phí.
Ở thời điểm đó, phàm là những bản khắc tranh chữ cổ có tiếng, đa số đều có kèm theo dấu hiệu của Ngũ thị, Phan thị hoặc Khổng thị, cho thấy những bức tranh chữ cổ quý giá đó đã từng được thu thập và lưu giữ tại ba nhà này. Thế nhưng, mấy chục năm sau, trong số con cháu hậu duệ của họ, không có lấy một người thành tài, tất cả đều suy bại không hề có ngoại lệ.
Cùng thời đại đó, tại Thượng Hải có một thương nhân giàu có họ Trần. Ông ta có thể coi là đại vương đầu tư đất đai. Tài sản Trần gia lên tới 40 triệu ngân nguyên, hai người con trai của ông mỗi người được chia cho 20 triệu ngân nguyên. Đồ đồng cổ nổi tiếng của Trung Quốc vào thời điểm đó cơ hồ có gần một nửa đều ở Trần gia. Chỉ bấy nhiêu cũng có thể tưởng tượng được mức độ xa hoa của nhà họ Trần là như thế nào. Tuy nhiên, qua bảy năm, giá đất Thượng Hải đột nhiên giảm mạnh, Trần gia đầu cơ thất bại, dẫn đến phá sản. Bảo bối cổ vật, bất động sản của nhà họ Trần, hầu như tất cả tài sản đều bị ngân hàng tịch thu và bán đi.
“Lễ ký – Đại học” có câu: “Người có của cải trái với lẽ thường mà tới, thì nó cũng sẽ trái với lẽ thường mà đi”. Đại ý là: Một người dùng thủ đoạn trái với đạo đức, không chính đáng để có được tiền tài; vậy thì cũng sẽ lấy phương thức không tốt, không hợp lẽ thường để tiền tài mất đi. Người cổ đại trước hết xét đến danh môn (gia tộc có danh tiếng), sau đó coi trọng chính là đức hạnh, phẩm chất và nội hàm đạo đức sâu sắc. Đức được các thế hệ tổ tiên tích lũy đủ để tạo phúc cho bao đời con cháu sau này. Đây là điều mà người có quan niệm vô Thần luận không cách nào tưởng tượng nổi.
Ngược lại, con người ngày nay vứt bỏ đạo đức cơ bản nhất quyết định vận mệnh tương lai của con người, nhấn mạnh tiền bạc là tối cao, cho rằng có tiền đồng nghĩa với một cuộc sống hạnh phúc, có địa vị càng cao sẽ có càng nhiều tiền tài. Vậy nên, người ta vì tiền có thể không từ thủ đoạn: có tiền liền tiết kiệm cho con cái rất nhiều tiền, làm quan liền lợi dụng chức vụ tham ô của cải, nhà cửa để lại cho đời con đời cháu đều đã chuẩn bị sẵn sàng. Nhiều người Trung Quốc coi đây là đang làm những điều tốt đẹp cho con cái, ngược lại bỏ qua việc giáo dục cho con cái của mình những đạo đức cơ bản. Thế nhưng, con cháu của họ có thể gìn giữ được sự giàu có đó hay không? Rất nhiều người tỏ ra bối rối khi nghĩ đến vấn đề này, lúc ấy họ mới chợt nhớ ra rằng: ‘Mệnh do trời định’.
Trong mắt người xưa, những gì con người làm hiện nay chính là hành vi phá hoại gia môn, nhưng ngày nay người ta lại coi đó là hình mẫu đáng ngưỡng mộ, học theo. Thậm chí dựa vào làm chuyện xấu để ngồi lên vị trí cao, lại dựa vào tận lực làm đủ chuyện xấu để duy trì vị trí đó. Rất nhiều người trong số họ đã bị kết án có thời hạn hoặc tù chung thân, đây chính là báo ứng chân thật.
Từ xưa đến nay, tiền bạc và quyền thế nếu rời xa “Đức” thì không thể dài lâu, hơn nữa còn khiến người ta gặp phải tai họa không ngừng. Ngược lại, những người không mưu tính tư lợi cá nhân, làm việc tốt cho người khác, trọng đức tu tâm, thì phúc báo tự nhiên sẽ tới.
‘Sống chết có số, phú quý nhờ trời’, hết thảy của cải, quyền quý trong cuộc đời đều từ ‘đức’ mà sinh ra. Nếu không chú trọng giữ gìn phẩm giá, tích đức hành thiện thì của cải dù có nhiều đến mấy cũng có lúc chẳng còn lại gì. Vậy nên khi giáo dục con cái, các bậc cha mẹ nên chăng trước hết dạy cho con trẻ những đạo đức cơ bản làm người. Như vậy, đứa trẻ sẽ duy trì được phúc phận do tổ tiên để lại, tự mình chăm chỉ cố gắng, từ đó gia nghiệp mới có thể phồn thịnh dài lâu.
*Chú thích: Tương quân: hay quân Tương là một đội quân thường trực xây dựng, tổ chức phát triển bởi viên tướng Tăng Quốc Phiên, lực lượng này được phát triển từ lực lượng dân quân ở nông thôn trong thời kỳ Thái Bình Thiên Quốc (1850-1864). Tương quân góp công rất lớn trong việc đánh bại phong trào Thái Bình Thiên Quốc. (Nguồn: wikipedia)
Theo Secret China
Trường Lạc biên dịch
(DKN)