Mười ngày sau vụ nhà cầm quyền Việt Nam đòi Úc yêu cầu ngừng phát hành đồng 2 đô la có hình cờ VNCH, Bộ Ngoại Giao Úc không hồi đáp về yêu cầu này.
Trước đó, Xưởng Đúc Tiền Hoàng Gia Úc (Royal Australian Mint) và Bưu Chính Úc cho phát hành đồng xu lưu niệm 2 đô la Úc có hình cờ VNCH khiến Bộ Ngoại Giao Việt Nam giận dữ lên tiếng phản đối.
Đến nay, phản ứng duy nhất của phía Úc là việc Xưởng Đúc Tiền Hoàng Gia Úc lên tiếng bảo vệ việc phát hành đồng xu trên báo 9news.com.au hôm 8 Tháng Năm.
“Thiết kế của đồng xu phản ánh màu sắc của các dải huy chương được trao cho những người Úc từng tham chiến tại Việt Nam, bao gồm huy chương Vietnam Service medal [tặng những quân nhân từng tham chiến chống Cộng Sản xâm lăng miền Nam Việt Nam] được giới thiệu vào năm 1968.”
Xưởng Đúc Tiền Hoàng Gia Úc không đả động việc chấp nhận yêu cầu ngừng phát hành đồng 2 đô la từ phía Việt Nam.
Trong khi đó, hôm 14 Tháng Năm, các báo ở Việt Nam đồng loạt đăng chỉ thị của Cục Thương Mại Điện Tử và Kinh Tế Số, Bộ Công Thương, yêu cầu các thương nhân, tổ chức cá nhân sở hữu các trang web thương mại điện tử rà soát, gỡ bỏ các vật phẩm đồng 2 đô la Úc, kể cả các món đồ sưu tầm có hình “cờ vàng,” thay vì dùng đúng tên gọi là quốc kỳ hay cờ VNCH.
Theo báo Zing, bên cạnh yêu cầu nêu trên, các sàn thương mại điện tử chịu sự quản lý của Việt Nam còn phải báo cáo bằng văn bản về thông tin gian hàng, sản phẩm, các từ khóa đã kiểm duyệt… cho Cục Thương Mại Điện Tử và Kinh Tế Số.
Hành động này cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam đành “tự xử” trong phạm vi của mình, sau khi để bà Phạm Thu Hằng, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao, mạnh miệng lên tiếng phản đối đồng xu lưu niệm mà bị phía Úc phớt lờ.
Liên quan vụ này, ông Nguyễn Văn Tuấn, giáo sư Y Khoa tại Đại Học New South Wales, Úc, bình luận trên trang cá nhân: “…Việc phát hành đồng xu với cờ của VNCH gây ra một phản ứng ngoại giao khá gay gắt từ phía Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ phản ứng đó là thái quá. Có thể ngay cả cô phát ngôn viên [Phạm Thu Hằng] cũng chưa am hiểu lịch sử của lá cờ đó.”
Ông Tuấn viết thêm rằng “hòa giải dân tộc có lẽ nên bắt đầu bằng sự ghi nhận sự hiện hữu của lá cờ đó [cờ VNCH].” (N.H.K) [đ.d.]
(Nguoi-viet)