Friday, March 29, 2024
Home Tin TứcTin Thế Giới Đài Loan cần phải làm gì trước nghịch cảnh?

Đài Loan cần phải làm gì trước nghịch cảnh?

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 bình luận

CNN đưa tin, đầu tháng này Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã bất chấp cảnh báo từ Trung Quốc để gặp Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy ở California; và tất nhiên phản ứng quân sự hung hăng của Bắc Kinh có thể nói là đã lên mức đỉnh điểm.

Một trong những hành động làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể đang chuẩn bị xâm lược nước láng giềng là việc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã mô phỏng một cuộc phong tỏa quốc đảo này, gửi một tàu sân bay và 12 tàu hải quân đến để bao vây hòn đảo, và điều hơn một trăm máy bay chiến đấu vào khu vực nhận dạng phòng không trong cuộc diễn tập quân sự kéo dài ba ngày.

Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ mặc dù chưa bao giờ kiểm soát quốc đảo này; đảng này đã miêu tả các cuộc tập trận là “các cuộc tấn công chính xác” và sẽ là “lời cảnh báo nghiêm ngặt đối với các lực lượng ly khai như Đài Loan”.

Tất nhiên Đài Bắc biết rõ thông điệp phát đi từ Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao của Đài Loan, ông Joseph Wu chia sẻ với CNN rằng dường như Trung Quốc “đang cố gắng sẵn sàng phát động một cuộc chiến đối với Đài Loan”.

Tuy nhiên điều mà mọi người nhìn nhận bây giờ chính là liệu quốc đảo này đã chuẩn bị đầy đủ cho một kịch bản như vậy hay chưa?. Một cách khá công khai, gần đây Đài Bắc đã tuyên bố kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc từ bốn tháng lên một năm và đẩy nhanh việc phát triển chương trình vũ khí bản địa để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng một thông báo gần đây có thể chứng minh, vẫn còn một yếu tố có thể thay đổi cuộc chơi: các cuộc đàm phán giữa Đài Bắc và Hoa Kỳ nhằm thiết lập một “kho dự trữ đạn dược dự phòng” trên lãnh thổ của Đài Loan.

Vào tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Chiu Kuo-cheng đã phát biểu trước quốc hội Đài Loan rằng Đài Bắc đang thảo luận với Hoa Kỳ về một kế hoạch tiềm năng nhằm thiết lập một kho dự trữ phục vụ chiến tranh trên hòn đảo này – một biện pháp khả thi, hậu thuẫn bởi một điều khoản trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2023, được Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ký thành luật vào tháng 12 năm ngoái.

Và trong khi Đài Loan từ lâu đã là khách hàng mua vũ khí của Mỹ, các chuyên gia quân sự cho rằng việc tạo ra một kho dự trữ như vậy có thể rất quan trọng đối với khả năng phòng thủ của hòn đảo bởi vì các cuộc phong tỏa mô phỏng gần đây của Trung Quốc đã cho thấy việc cung cấp thêm vũ khí cho hòn đảo này có thể sẽ là vô cùng khó khăn nếu chiến tranh nổ ra.

Không giống như Ukraine, Đài Loan không có biên giới đất liền nên mọi nguồn cung cấp sẽ phải đi bằng đường hàng không hoặc đường biển – các phương thức vận chuyển rất dễ bị quân đội Trung Quốc đánh chặn.

Do đó, điều quan trọng đối với Đài Loan là phải dự trữ đạn dược trên đảo trước khi có bất kỳ cuộc xung đột nào nổ ra, Đô đốc Lee Hsi-min, cựu Tổng tham mưu quân đội Đài Loan từ năm 2017 đến 2019, cho biết.

Ông này nói “Có một kho dự trữ chiến tranh là rất quan trọng và có ý nghĩa đối với Đài Loan. Ngay cả khi Hoa Kỳ không muốn can thiệp trực tiếp bằng lực lượng quân sự, những loại kho dự trữ đó vẫn có thể rất hiệu quả cho quốc phòng của chúng tôi.”

Đài Loan cũng nhiều lần bày tỏ lo ngại về sự chậm trễ trong việc chuyển giao vũ khí của Mỹ trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine. Sau cuộc gặp với bà Thái Anh Văn, Chủ tịch McCarthy đã tweet: “Dựa trên các cuộc trao đổi ngày hôm nay, rõ ràng là cần phải thực hiện một số hành động. Chúng ta phải tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan và đảm bảo các việc cần phải được thực hiện đúng hạn.”

Chiến tranh phi đối xứng

Các cuộc đàm phán về kho dự trữ quân sự có thể đặt ra một vấn đề: Chính xác thì Đài Loan cần gì để phòng thủ?

Trong nhiều thập kỷ, quân đội Đài Loan đã mua máy bay chiến đấu và tên lửa từ Hoa Kỳ, nước tiếp tục là bên bảo đảm lớn nhất cho sự an toàn của quốc đảo mặc dù không có quan hệ ngoại giao “chính thức ”.

Tháng trước, chính quyền Biden đã gây chú ý khi phê duyệt thương vụ bán vũ khí tiềm năng cho Đài Loan trị giá ước tính 619 triệu USD, bao gồm hàng trăm tên lửa cho phi đội máy bay chiến đấu F-16 của nước này.

Nhưng Đô đốc Lee cho biết Đài Loan cần khẩn cấp tích trữ vũ khí nhỏ hơn và cơ động hơn để có cơ hội sống sót cao hơn trước làn sóng tấn công đầu tiên của Trung Quốc trong một cuộc xung đột tổng lực – có khả năng bao gồm các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa vào các cơ sở hạ tầng và các mục tiêu quân sự của Đài Loan.

Trong một cuốn sách nổi tiếng xuất bản năm ngoái, có tựa đề “Khái niệm phòng thủ tổng thể”, Lee lập luận rằng Đài Loan nên ngừng đầu tư mạnh vào máy bay chiến đấu và tàu khu trục, vì ở phương diện này thì Trung Quốc có thế mạnh hơn nhiều, và rất dễ dàng bị tên lửa tầm xa làm cho tê liệt.

Năm ngoái, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là 230 tỷ USD, gấp hơn 13 lần so với chi tiêu 16,89 tỷ USD của Đài Loan.

Vì vậy, ông Lee lập luận thay vì mua máy bay đánh máy bay, mua tàu đánh tàu, Đài Loan nên áp dụng mô hình chiến tranh phi đối xứng, tập trung vào việc mua sắm các vũ khí nhỏ hơn – chẳng hạn như tên lửa di động và mìn – khó bị phát hiện nhưng hiệu quả trong việc ngăn chặn bước tiến của kẻ thù.

Ông nói: “Ở Ukraine, quân đội của họ đã sử dụng tên lửa chống hạm Neptune để đánh chìm các chiến hạm của Moscow. Các hệ thống vũ khí phi đối xứng sẽ cho phép chúng tôi duy trì khả năng chiến đấu của mình. Đó là bởi vì nếu kẻ thù của chúng tôi muốn phá hủy vũ khí của chúng tôi, chúng sẽ cần phải đến gần hơn, điều này khiến chúng dễ bị tấn công.”

“Nếu chúng ta có thể thiết lập năng lực bất đối xứng đủ tốt, tôi tin rằng Trung Quốc sẽ không thể chiếm Đài Loan bằng vũ lực, ngay cả khi không có sự can thiệp của Hoa Kỳ,” ông nói thêm.

Mặc dù Hoa Kỳ duy trì mối quan hệ không chính thức chặt chẽ với Đài Loan và bị luật pháp ràng buộc phải bán vũ khí cho hòn đảo này để tự vệ, nhưng Hoa Kỳ vẫn cố tình mơ hồ về việc liệu họ có can thiệp trong trường hợp Trung Quốc xâm lược hay không, một chính sách được gọi là “chiến lược mơ hồ.”

Vũ khí xách tay

Theo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm nay, được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua và được Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ký, Đài Loan sẽ đủ điều kiện nhận vũ khí và đạn dược lên tới 1 tỷ đô la từ Hoa Kỳ để chống lại mối đe dọa quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Đạo luật này cũng cho phép tạo ra một kho dự trữ quốc phòng trong khu vực, cho phép Lầu Năm Góc cất giữ vũ khí ở Đài Loan để sử dụng nếu xảy ra xung đột quân sự với Trung Quốc.

Trả lời CNN về đạo luật này, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Đài Loan xác nhận rằng họ đang thảo luận với Hoa Kỳ về định nghĩa – một “trường hợp dự phòng”, các loại đạn dược mà lực lượng vũ trang của họ có thể sử dụng ngay lập tức, và thời gian để vận chuyển các loại khí tài.

Bộ này nói thêm rằng đây là động thái chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu phòng thủ của Đài Loan, không phải là “tích trữ đạn dược dự phòng”.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ từ chối cung cấp thông tin chi tiết về tiến trình đàm phán về việc tạo kho dự trữ nhưng cho biết điều đó sẽ tiếp tục giúp Đài Loan duy trì khả năng tự vệ đầy đủ.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với CNN rằng họ “kiên quyết phản đối” bất kỳ hoạt động trao đổi quân sự nào giữa Hoa Kỳ và Đài Loan, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ thực hiện “mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ chủ quyền và lợi ích an ninh quốc gia.

Lin Ying-yu, một trợ lý giáo sư từ Đại học Đạm Giang chuyên về các vấn đề quân sự, nói rằng nếu một kho dự trữ quốc phòng được thiết lập, nó nên tập trung vào việc tích trữ các loại đạn dược đã được quân đội Đài Loan sử dụng để đảm bảo hiệu quả hoạt động.

Ông Lin nói “Tôi nghĩ rằng một số vũ khí mà Mỹ có thể sẵn sàng cung cấp bao gồm tên lửa Stinger và Patriot”. Stinger là tên lửa đất đối không có thể chỉ cần một người lính vận hành, còn hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot có khả năng đánh chặn tên lửa và máy bay của đối phương.

Đô đốc Lee cho biết một vũ khí khác có thể được dự trữ là Javelin, hệ thống vũ khí chống tăng di động do Mỹ sản xuất đã được quân đội Ukraine sử dụng rộng rãi để nhắm vào xe tăng Nga.

Ông nói, hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia, hay NASAMS, cũng có thể hữu ích trong việc nhắm mục tiêu vào các máy bay chiến đấu của Trung Quốc, vì nó có khả năng bắn tên lửa tầm trung AIM-120 từ mặt đất.

Các loại vũ khí khác nên được xem xét bao gồm “máy bay không người lái cảm tử”, có thể thuận tiện vì chỉ cần một người lính vận hành và có khả năng tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao – cũng như các loại vũ khí chống thiết giáp và chống hạm khác, ông cho biết thêm.

Ông Lee nói “Nếu chúng tôi có đủ số lượng các loại hệ thống vũ khí bất đối xứng này để sử dụng sau cuộc tấn công ban đầu, chúng tôi có thể đảm bảo hầu hết các khả năng chiến đấu của mình và ngăn chặn kẻ thù tiến hành chiến dịch đổ bộ”.

Bao nhiêu là đủ?

Một câu hỏi khác được đặt ra là Đài Loan sẽ cần bao nhiêu vũ khí hoặc tên lửa để tự vệ trước Trung Quốc.

Các chuyên gia cho biết việc cung cấp một con số cụ thể là rất khó vì các kịch bản chiến đấu có thể xảy ra rất đa dạng.

Trong cuốn sách của mình, Đô đốc Lee đã viết rằng quân đội Trung Quốc có thể sử dụng các lựa chọn khác nhau trong nỗ lực kiểm soát Đài Loan.

Trong một cuộc chiến tranh tổng lực, Trung Quốc có thể bắn tên lửa tầm xa để phá hủy cơ sở hạ tầng và các mục tiêu quân sự của Đài Loan trước khi cố gắng đưa bộ binh qua eo biển Đài Loan.

Các kịch bản khác với hành động quân sự hạn chế hơn có thể bao gồm một cuộc phong tỏa trên không và trên biển xung quanh Đài Loan, hoặc chiếm giữ các đảo nhỏ xa xôi của Đài Loan gần bờ biển Trung Quốc.

Tuy nhiên, Lin cho rằng số lượng tên lửa mà Đài Loan có thể cần sẽ là “hàng chục nghìn”.

Ông cho biết một cách tương đối đơn giản để tính toán số lượng tên lửa cần thiết liên quan đến việc ước tính tổng số tài sản quân sự tấn công mà kẻ thù sở hữu và hiệu quả của vũ khí phòng thủ của Đài Loan. “Ví dụ, nếu kẻ thù của chúng ta có 1.000 tên lửa và chúng ta có tỷ lệ thành công là 25%, thì chúng ta sẽ cần khoảng 4.000 tên lửa chống đạn đạo”.

Ông Lin nói thêm, ngoài vũ khí, quân đội Đài Loan có thể hưởng lợi từ các hệ thống radar di động cho phép họ nhận tín hiệu quân sự từ Mỹ. Những hệ thống này sẽ hữu ích trong việc tiến hành chiến tranh điện tử, vì quân đội Hoa Kỳ có thể giúp xác định các mục tiêu tiềm năng của kẻ thù ngay cả khi hệ thống radar mặt đất đã bị phá hủy.

“Mặc dù Hoa Kỳ không có quân đội trên mặt đất ở Ukraine, nhưng họ đã có thể cho quân đội Ukraine biết mục tiêu bằng cách gửi tín hiệu từ máy bay tác chiến điện tử. “Chúng tôi cần đảm bảo rằng chúng tôi có các thiết bị cần thiết để liên kết với các hệ thống quân sự của Hoa Kỳ vào thời điểm chiến tranh.”

Đô đốc Lee nói, có những lý do khác quan trọng để nhấn mạnh tầm quan trọng của kho vũ khí dự trữ, tất nhiên hơn cả vấn đề dự trữ đạn dược và phụ tùng thay thế.

Ông nói: “(Có một kho dự trữ quân sự) là rất quan trọng, bởi vì nó sẽ phát đi một tín hiệu rằng Hoa Kỳ quyết tâm hỗ trợ quốc phòng cho Đài Loan”.

(DKN)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved. 

This website uses cookies to improve your experience. We'll assume you're ok with this, but you can opt-out if you wish. Accept Read More