Home Tin TứcTin Việt Nam Làng tái định cư cho người sắc tộc thiểu số, sau 11 năm chỉ còn một gia đình sinh sống

Làng tái định cư cho người sắc tộc thiểu số, sau 11 năm chỉ còn một gia đình sinh sống

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Chuyện hoang phí đó đang diễn ra ở thôn Măng Rao (xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum).

Một gia đình chịu ở lại ngôi làng tái định cư từ đó đến nay là vợ chồng A Nhong (36 tuổi) và Y Nhung (31 tuổi). Ngôi nhà của đôi vợ chồng trẻ nằm giữa những căn nhà bỏ hoang, đã bị dỡ hết mái và cửa, trống rỗng bên trong và toang hoác bên ngoài, bụi dại mọc um tùm.

Sở dĩ đôi vợ chồng trẻ chịu ở lại vì họ không còn rẫy ở làng cũ mà sinh sống bằng nghề khác. Hằng ngày, người chồng A Nhong làm phụ xe (lơ) cho một chuyến xe đường dài nên người vợ Y Nhung cùng con nhỏ mới sinh mấy tháng tuổi ở nhà, thật cô đơn khi hàng xóm xung quanh chả có ai.

Thấy phóng viên Tuổi Trẻ đến thăm, Y Nhung mừng lắm, bảo: “Mình ở đây vì vợ chồng mình không làm rẫy ở làng cũ, cũng thuận để chồng đi theo xe để làm ăn. Một mình tại đây rất buồn và cũng sợ, muốn nhờ ai tới giúp đỡ chuyện này chuyện kia cũng không có”.

Thật cám cảnh cho hai mẹ con.

Người mẹ và đứa con thơ cô đơn trong ngôi làng không có hàng xóm, chồng theo xe chở hàng làm việc – Ảnh: Tuổi Trẻ

Tuổi Trẻ ngày 22 Tháng Mười 2023 cho biết 11 năm trước, chính quyền tỉnh Kon Tum khánh thành ngôi làng tái định cư cho người dân sắc tộc Giẻ Triêng (Jeh-Tariang) bao gồm 64 ngôi nhà, với tổng vốn đầu tư 16 tỷ đồng (tương đương $768,000 thời điểm 2012), sau trận lũ lụt năm 2009 nhấn chìm ngôi làng Đăk Đoát của xã Đăk Pet trong biển nước.

Lúc đó, mấy chục căn nhà của làng nằm cạnh phân lưu của con sông Pô Kô bị nước lũ ở thượng nguồn ào về nhấn chìm. Sau trận lũ, hàng chục gia đình người Giẻ Triêng lâm cảnh màn trời chiếu đất vì lũ dữ cuốn phăng nhà cửa, đất đai, tài sản.

Với mục đích giúp cho người sắc tộc thiểu số Giẻ Triêng có chỗ định cư an toàn, UBND huyện Đăk Glei làm chủ đầu tư dự án khu tái định cư tại thôn Măng Rao của xã Đăk Pét, cấp tiền cho họ xây dựng 64 ngôi nhà trên mảnh đất 2ha.

Khu tái định cư này có vị trí gần với trụ sở UBND xã, cách làng cũ của họ khoảng 6 – 7 cây số và có hệ thống hạ tầng như đường, điện và nước sạch được xây dựng hoàn thiện, có cả không gian văn hóa trung tâm dùng để làm nhà rông.

Những căn nhà san sát xây mô típ giống nhau đã bị người dân tháo sạch những thứ có thể mang đi – Ảnh: Báo Đầu Tư

Lúc đầu, cả làng đều về sống ở ngôi làng mới. Nhưng chỉ ít lâu sau khi nhận nhà, nhận đất, hầu hết người dân lại rủ nhau bỏ làng tái định cư, dỡ mái tôn, cạy lấy cửa đem về dựng lại nhà nơi làng cũ, bên dòng sông dữ.

Vậy là 11 năm trôi qua, ngôi làng tái định cư gần như bị bỏ hoang.

Ông Nguyễn Khắc Tụ, phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pét, phân trần: Người dân sắc tộc Giẻ Triêng về đây ở một thời gian rồi lấy lý do nơi này xa khu làng cũ – nơi có đất đai, ruộng rẫy canh tác lâu đời của họ. Từ đây đến đó phải đi 6 – 7 cây số đường rừng, nên họ quyết định bỏ nhà mới, về làng cũ. Người này rủ người kia, rồi cả khu bỏ đi luôn.

Dù chính quyền có cử người đến kêu gọi người dân về sống ở làng mới gần trường học, trạm xá và bệnh viên để con cái tiện đi học, người bệnh được cứu chữa kịp thời nhưng họ vẫn quyết ở lại làng cũ thôi.

Còn bà Y Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei, cho biết thêm: Ngoài cái khó về việc hằng ngày phải đi lại chỗ nương rẫy canh tác, người dân muốn về ở làng cũ vì nơi đó có không gian văn hóa truyền đời của sắc tộc Giẻ Triêng, được họ xem như “máu thịt”, nên chính quyền khó vận động.

Xây dựng một khu tái định cư mới cho dân, dù có an toàn mà không hợp với sinh hoạt hằng ngày của họ (lao động kiếm sống cũng như tâm linh) thì đúng là hoang phí.

Đường nội bộ trong làng bị nứt toác, mấp mô, cỏ dại um tùm – Ảnh: Pháp Luật Plus

Pháp Luật Plus ngày 30 Tháng Bảy 2021 lại khẳng định dự án tái định cư thôn Đăk Đoát, xã Đăk Pék được đầu tư trên 30 tỷ đồng (khoảng $1 triệu 440 ngàn thời điểm đó).

Số tiền đầu tư làng tái định cư lớn như vậy nhưng huyện chỉ cấp cho mỗi gia đình 20 triệu đồng tiền xây nhà trên thửa đất 200m2. Do nghèo không có tiền bù, nên người dân Giẻ Triêng chỉ xây nhà tạm bằng đúng số tiền được nhà nước hỗ trợ. Vì thế, các căn nhà ở làng tái định cư này rất nhanh hỏng.

Mặc dù vị trí khu tái định cư cho các gia đình dân tộc Giẻ Triêng tại thôn Măng Rao chỉ cách trụ sở UBND xã Đăk Pék vài trăm mét, thế nhưng, từ khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng thì khu tái định cư này vẫn bị bỏ hoang, các công trình đều bị hư hại.

Những ngôi nhà tái định cư ở thôn Măng Rao hiện thời (Tháng Bảy 2021) theo quan sát của Pháp Luật Plus là không còn sử dụng được, vì không còn cửa và mái che; bồn chứa nước tự chảy bị đập phá móp méo, hư hỏng, mất mát; ống dẫn nước hoen rỉ, bị cưa.

Làng tái định cư không có người sinh sống nên cỏ mọc um tùm; nhiều ngôi nhà giờ biến thành chuồng bò của các gia đình ở khu lân cận; đường bê-tông nông thôn được một số người dân dùng làm nơi phơi cây cu li.

Đôi vợ chồng trẻ chấp nhận ở lại làng tái định cư vì họ không sống nhờ nương rẫy – Ảnh: Lao Động

Tiếp xúc với một người dân làm vườn và chăn bò gần khu vực làng tái định cư là ông A Vinh, thôn Măng Rao, ông cho biết: “Khu này họ xây từ lâu rồi, năm 2013, 2014 thì phải, từ đó đến nay tôi thấy có một số nhà đến ở nhưng giờ đã chuyển đi hết rồi, lâu lâu trẻ em chăn bò hay vào trú mưa, núp cho khỏi nắng thôi. Hiện tại nhiều người dân chưa có nhà xây để ở nhưng họ cũng không đến đây”…

Ông A Mrát, Trưởng thôn Đăk Đoát chia sẻ: “Ngay từ lúc đầu khi tổ chức họp lấy ý kiến tại địa phương, người dân đã không đồng ý xây dựng khu tái định cư ở thôn Măng Rao. Họ đề nghị chọn khu vực đồi Đăk Bang  ở trong thôn Đăk Đoát để đi làm rẫy cho gần, nhưng chính quyền huyện không nghe…”.

Ngoài chuyện xa cái nương cái rẫy canh tác lâu đời của họ, thì làng tái định cư còn thiếu nước, thiếu điện. Khi khu tái định cư mới hoàn thành, các gia đình sắc tộc Giẻ Triêng về sống tại đây thì nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, do người dân chăn thả gia súc trên thượng nguồn, dẫn đến một số gia đình ở cuối đường ống không có nước sinh hoạt. Còn một số gia đình khác lại thiếu điện.

Để có nước sinh hoạt, một số gia đình đã vay mượn, đầu tư 20 triệu đồng để làm công trình phụ và đào giếng nước sinh hoạt nhưng vẫn không có nước để phục vụ cuộc sống!

Ngay từ ban đầu, chính quyền đã bác nguyện vọng của dân, lại đẩy họ vào khu tái định cư xa nương rẫy, thiếu nước, thiếu điện, nên dân phản ứng đồng loạt bỏ đi cũng phải!

(SGN)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.