Tuesday, April 23, 2024
Home Tin TứcTin Việt Nam Làn sóng cắt giảm lao động ở phía Nam Việt Nam lớn ‘chưa từng thấy’

Làn sóng cắt giảm lao động ở phía Nam Việt Nam lớn ‘chưa từng thấy’

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 bình luận

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hàng chục ngàn lao động ở phía Nam mất việc do các nhà máy thiếu đơn hàng, và con số này có thể tăng lên khi các thị trường xuất cảng chủ lực của Việt Nam chưa thể hồi phục.

Theo báo VNExpress hôm 22 Tháng Mười Một, từ giữa năm 2022, do bị ảnh hưởng sức mua của thị trường Châu Âu, Mỹ giảm, công ty S.K Vina chuyên ngành may mặc hoạt động gần 15 năm qua với gần 900 công nhân tại quận 12, Sài Gòn, phải giải thể.

Công nhân công ty Tashuan, quận Bình Tân, tập trung về nhà máy khi ban giám đốc thông báo đóng cửa. (Hình: Mai Chi/VNExpress)

Cách nhà máy S.K Vina hơn 200 km, tại An Giang, từ Tháng Mười, hơn 5,300 lao động của công ty An Giang Samho, chuyên gia công da giày lâm cảnh thất nghiệp.

Ông Phạm Sơn, phó giám đốc Sở Lao Động-Thương Binh và Xã Hội tỉnh An Giang, cho biết nhiều năm làm việc, ông chưa từng gặp trường hợp nhà máy cho nghỉ cùng lúc hơn 5,000 công nhân như An Giang Samho.

Tương tự, ở Long An thời gian qua hơn 1,000 người bị cho thôi việc, có nhà máy giảm đến 700 nhân sự…

Ở một số địa phương khác, theo thống kê của cơ quan Bảo Hiểm Xã Hội Bình Dương, đến cuối Tháng Mười, khoảng 28,000 người bị ngưng việc. Trong khi đó, theo khảo sát của công đoàn tỉnh này cho thấy khoảng 240,000 lao động bị ảnh hưởng.

Tại Đồng Nai, năm tháng qua có khoảng 30,000 lao động bị chấm dứt hợp đồng.

Còn tại Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Lâm, phó giám đốc Sở Lao Động-Thương Binh và Xã Hội thành phố, cho biết hồi giữa Tháng Mười, hơn 2,800 lao động bị mất việc. Tuy nhiên, số liệu từ các nơi cho thấy chỉ với ba nhà máy ở quận 12, Bình Tân, huyện Củ Chi, đã có hơn 3,400 lao động bị cắt giảm.

Mới đây, công ty Pouyuen Việt Nam, quận Bình Tân, với hơn 50,000 công nhân đã thông báo cho khoảng 20,000 công nhân nghỉ luân phiên trong ba tháng tới do “thiếu đơn hàng.”

Một nhà máy giày ở khu chế xuất Linh Trung 2, thành phố Thủ Đức, với hơn 6,000 công nhân cũng đang tính giảm nhiều nhân sự vì thiếu việc.

Hơn 30 năm làm trong ngành may mặc, ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan ở Sài Gòn kiêm chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty cổ phần May Sài Gòn 3, nói rằng đây là lần đầu ông gặp cảnh công nhân thiếu việc, nhà máy thiếu đơn hàng diện rộng. Tình hình lúc này còn khó hơn thời điểm COVID-19 bùng phát.

“Lúc COVID-19 bùng phát, mình có niềm tin dịch sẽ được khống chế và doanh nghiệp có cơ sở đề nghị chính phủ hỗ trợ cho công nhân. Giờ đây, chúng tôi cực kỳ lúng túng,” ông Hồng nói và ví von hai tháng cuối năm lẫn sáu tháng đầu năm 2023 “như đi vào đường hầm, chưa thấy ánh sáng.”

Theo số liệu của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, từ Tháng Chín đến Tháng Mười Một, hơn 631,300 lao động ở 28 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở phía Nam bị ảnh hưởng.

Trong đó, gần 570,000 người bị giảm giờ làm, hơn 34,500 bị cắt giảm và trên 31,000 trường hợp nghỉ không lương hoặc bị tạm hoãn hợp đồng.

Ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất là chế biến gỗ, dệt may, da giày, điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch… Việc cắt giảm này đi ngược với xu thế mọi năm khi cùng kỳ các nhà máy phải gia tăng tuyển lao động để đáp ứng đơn hàng.

Công nhân thất nghiệp thuê trọ ở quận 12, Sài Gòn. (Hình: Lê Tuyết/VNExpress)

Trong khi đó Hiệp Hội Doanh Nghiệp ở Sài Gòn cho biết đơn hàng tại các thị trường xuất cảng chính của ngành dệt may như Mỹ, Châu Âu giảm rõ rệt. Cụ thể, Châu Âu giảm 60%, Mỹ giảm 30%-40%. Lượng hàng tồn kho tăng, chiếm tới 20%-25%.

Từ quý 4, 2022 và dự báo quý 1, 2023, doanh nghiệp không có khách hàng mới, buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động và quy mô sản xuất. (Tr.N) [qd]

(Nguoi-viet)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved. 

This website uses cookies to improve your experience. We'll assume you're ok with this, but you can opt-out if you wish. Accept Read More