Tòa Án thành phố Sài Gòn đã có quyết định đưa vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, 52 tuổi, tổng giám đốc công ty Đại Nam, cùng bốn đồng phạm ra xét xử từ ngày 1 đến 5 Tháng Sáu tới.
Trong vụ án này, bà Phương Hằng cùng bốn đồng phạm gồm Tiến Sĩ Luật Đặng Anh Quân, cựu giảng viên Đại học Luật TP.HCM; Nguyễn Thị Mai Nhi, 40 tuổi, trợ lý của bà Hằng; Lê Thị Thu Hà, 31 tuổi, nhân viên công ty Đại Nam, và Huỳnh Công Tân, 29 tuổi, trưởng Phòng Truyền Thông công ty Đại Nam, bị truy tố cùng tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân,” với khung hình phạt từ hai đến bảy năm tù, theo báo Pháp Luật TP.HCM hôm 10 Tháng Năm.
Điều gây chú ý với dư luận là trong phiên tòa sắp diễn ra, để phục vụ việc xét xử, Hội Đồng Xét Xử triệu tập đến tòa ông Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng “Lò Vôi”), chồng bà Hằng, cùng những người nổi tiếng liên quan đến vụ án như: nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Vy Oanh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thủy Tiên, nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, nhà báo Nguyễn Đức Hiển, cựu cầu thủ Lê Công Vinh, và nhiều người khác với tư cách là “người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.”
Có 16 luật sư bào chữa cho các bị cáo, trong đó bà Nguyễn Phương Hằng có đến sáu luật sư; Tiến Sĩ Luật Đặng Anh Quân có ba luật sư; bảy luật sư còn lại bào chữa cho các đương sự khác.
Theo cáo trạng, “bà Hằng đã sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội để livestream, phát ngôn xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của 10 cá nhân gồm nghệ sĩ, nhà báo.”
Trong lúc điều tra, bà Hằng thừa nhận các thông tin nói về những người này chưa được kiểm chứng. Nguyên nhân bà làm vậy là vì những người này đã “có những phát ngôn xúc phạm mình, người thân và quỹ từ thiện Hằng Hữu do bà thành lập.”
“Trong nhiều buổi livestream, bà Hằng mời Tiến Sĩ Luật Đặng Anh Quân tham gia với vai trò cố vấn pháp lý để tăng độ tin cậy cho những phát ngôn của mình. Khi bà Hằng phát ngôn xúc phạm người khác thì ông Đặng Anh Quân tương tác, phát ngôn về nội dung liên quan.”
Cơ quan công tố xác định, ông Quân đã tham gia livestream cùng bà Hằng 11 buổi (từ Tháng Mười, 2021 đến Tháng Ba, 2022) góp phần “cổ vũ về tinh thần, tiếp thêm ý chí cho Hằng thực hiện hành vi phạm tội.”
Những người còn lại được giao nhiệm vụ lập nhiều tài khoản TikTok; trang Fanpage để thông báo lịch livestream, đặt máy quay, phát sóng trực tiếp, đăng tải bài viết lên các kênh…
Liên quan vụ án, báo VNExpress cho biết thêm Công An ở Sài Gòn cũng bắt tạm giam nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, Luật Sư Trần Văn Sỹ về cùng tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân,” sau khi xác minh đơn tố giác tội phạm của ông Huỳnh Uy Dũng và bà Hằng.
Hai người này bị cáo buộc “cố ý đăng tải nhiều đoạn ghi hình trên YouTube với các nội dung chưa được kiểm chứng, những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư.”
Các nội dung đăng tải trên đã thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và bình luận, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, xâm phạm quyền cơ bản của công dân.
Đề cập chuyện bà Hàn Ni và bà Hằng cùng bị bắt về cùng tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân,” Luật Sư Ngô Anh Tuấn bình luận trên trang cá nhân: “… Sắp tới đây, chúng ta sẽ được chứng kiến những phiên tòa vô cùng hiếm gặp. Đó là hai người tố cáo nhau với cùng một dạng hành vi và cả hai đều bị khởi tố bằng hai vụ án khác nhau với cùng một tội danh, người là bị hại của vụ án này đồng thời là bị cáo của vụ án kia, và ngược lại.” (Tr.N) [kn]
(Nguoi-viet)