Theo một tuyên bố của chính phủ Bahamas, Sam Bankman-Fried (SBF), người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX làm mất tiền của nhiều người đã bị bắt tại Bahamas vào tối thứ Hai 12 Tháng Mười Hai 2022.
Sẽ bị dẫn độ về Mỹ
Địa hạt Nam của tiểu bang New York (The Southern District of New York-SDNY, nơi đang điều tra SBF và sự sụp đổ của FTX và sàn giao dịch điện tử liên quan Alameda) cũng xác nhận vụ bắt giữ trên Twitter.
Công tố Mỹ Damian Williams công bố: “Đầu giờ tối nay, chính quyền Bahamas đã bắt giữ Samuel Bankman-Fried theo yêu cầu của chính phủ Hoa Kỳ, dựa trên bản cáo trạng được niêm phong do SDNY đệ trình – Chúng tôi sẽ hủy niêm phong bản cáo trạng vào buổi sáng mai và sẽ công bố thêm nhiều chi tiết”.
Đại diện cho nhóm pháp lý của SBF không trả lời ngay yêu cầu bình luận về vụ việc của kênh CNN. Ngay sau khi SDNY xác nhận việc bắt giữ SBF, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (Securities and Exchange Commission-SEC) cho biết họ đã ủy quyền đệ trình công khai các cáo buộc liên quan đến “vi phạm luật chứng khoán” của SBF trong phiên toà ngày thứ Ba tại Bahamas. Không rõ SBF sẽ bị truy tố về các tội danh gì.
SBF trở nên nổi tiếng trong lĩnh vực tiền điện tử khi mới 30 tuổi nhưng biến thành tội đồ chỉ sau một đêm khi công ty của anh ta gặp khủng hoảng thanh khoản và phải nộp đơn xin phá sản vào tháng trước, khiến ít nhất một triệu người gửi tiền không thể lấy được tiền của họ! Tờ The New York Times trích dẫn một người quen thuộc với vụ việc cho biết các cáo buộc chống lại SBF sẽ gồm: Lừa đảo qua mạng, âm mưu lừa đảo qua mạng, gian lận chứng khoán, âm mưu gian lận chứng khoán và rửa tiền.
Hiệp ước dẫn độ của Hoa Kỳ với Bahamas cho phép các công tố viên Mỹ đưa bị cáo về nước nếu các tội danh có thể dẫn đến bản án tù ít nhất một năm ở cả Mỹ và Bahamas. Trong bốn tuần kể từ khi FTX nộp đơn xin phá sản, SBF đã tìm cách đóng vai một giám đốc điều hành “ngây thơ, do bất cẩn mà bị ngã khỏi ván trượt” nhằm phủ nhận tất cả cáo buộc anh ta cố ý lừa gạt các nhà đầu tư vào FTX. “Tôi không cố ý lừa đảo ai – SBF khẳng định với BBC vào cuối tuần qua – Tôi không muốn xảy ra bất kỳ điều gì cho các thân chủ của tôi. Chỉ là tôi không đủ năng lực để điều hành công ty như tôi nghĩ”.
Thiếu “năng lực” nhưng SBF từng phát biểu trước Ủy ban Hạ viện về Dịch vụ Tài chính trong một phiên điều trần về “Tài sản kỹ thuật số và tương lai của tài chính: Tìm hiểu những thách thức và lợi ích của đổi mới tài chính ở Hoa Kỳ” (Digital Assets and the Future of Finance: Understanding the Challenges and Benefits of Financial Innovation in the United States) vào ngày thứ Tư, 8 Tháng Mười Hai 2021!
Ủy ban Tài chính vụ của Hạ viện (Financial Services Committee) đã lên kế hoạch “truy bức” SBF về sự sụp đổ của FTX vào ngày thứ Ba để anh ta giải thích công ty đã sụp đổ như thế nào và gây tác động dây chuyền lên khắp thế giới tiền điện tử. Một số công ty tiền điện tử đã tạm dừng hoạt động, đóng băng tài khoản khách hàng và trong một số trường hợp tự nộp đơn xin phá sản do có quan hệ với FTX.
Trong khi cuộc điều tra chưa hoàn tất, sự sụp đổ của FTX dường như xuất phát từ sự tập trung quyền lực vào tay một nhóm rất nhỏ gồm những cá nhân thiếu kinh nghiệm và cực kỳ bất cẩn. Họ hầu như không thực hiện bất kỳ biện pháp nào để bảo đảm công ty hoạt động đúng hướng. Tệ hơn nữa là tài sản của khách hàng từ FTX.com được trộn lẫn với tài sản của Alameda. Đó là một vấn đề nghiêm trọng cần phải điều tra làm rõ vì FTX và Alameda trên giấy tờ là hai thực thể riêng biệt.
Phủ nhận và phủ nhận
Nhưng SBF phủ nhận cố ý “nhập nhằng tiền bạc giữa hai sản giao dịch” và khẳng định không hề xen vào công việc quản lý hàng ngày của Alameda, nơi đã thực hiện một số chiến lược giao dịch rủi ro cao như chênh lệch giá và “yield farming” (còn gọi là đầu tư vào các mã thông báo kỹ thuật số trả tiền phần thưởng giống như lãi suất, theo bài viết trên tờ The Wall Street Journal).
SBF chỉ thừa nhận “quản lý sai FTX sai và không quan tâm đầy đủ đến rủi ro”. SBF cũng thừa nhận thiếu các công ty kiểm soát và quản lý rủi ro trong các doanh nghiệp do mình điều hành. “Không có người chịu trách nhiệm chính về rủi ro của khách hàng trên FTX – SBF nói tại DealBook – Và tôi cảm thấy khá xấu hổ vì điều đó khi nhìn lại”.
Một trong những câu hỏi quan trọng về sự sụp đổ của FTX bắt nguồn từ một tiết lộ của hãng tin Reuters vào tháng trước, trong đó nêu rõ “SBF đã xây dựng một ‘backdoor’ (cửa sau) để xâm nhập hệ thống kế toán của FTX và thay đổi hồ sơ tài chính của công ty mà không sợ bị kế toán phát hiện”. Báo cáo cho biết SBF đã sử dụng “cửa sau” này để chuyển $10 tỷ tiền của khách hàng FTX cho quỹ phòng hộ (hedge fund) Alameda và ít nhất $1 tỷ đang bị mất. Nhưng SBF phủ nhận biết có “cửa hậu” như thế. “Tôi thậm chí còn không biết cách viết mã” – anh ta khẳng định với vlogger tiền điện tử Tiffany Fong trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước.
(SGN)