Trong hai ngày cuối tuần qua có một “tin sốt dẻo” được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các mạng xã hội toàn cầu khiến ai đọc cũng phải giật mình: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bị quân đội làm đảo chánh lật đổ, hiện bị giam lỏng ở tư dinh tại Bắc Kinh.
Bản tin giả (fake news) tất nhiên có những yếu tố y như thật: Cuộc đảo chính do Quân Khu Phương Bắc của quân đội Trung Quốc thực hiện; Đại tướng Lý Hiểu Minh (Li Qiaoming), 61 tuổi, nguyên tư lệnh quân khu, chỉ huy cuộc đảo chính và trở thành chủ tịch lâm thời v.v… Người chế tin giả còn đưa vào nhiều dữ kiện có vẻ khách quan như đăng bản đồ hoạt động hàng không cho thấy vùng trời thủ đô Bắc Kinh vắng vẻ khác thường, “có tới 7.000 chuyến bay ngang qua Bắc Kinh đã bị hủy bỏ”, “một đoàn công-voa quân sự dài tới 80 cây số đã bao vây các ngả đường ra vào thủ đô”…
Tất cả thông tin hóa ra chỉ là bịa đặt. Sáng thứ Ba 27 Tháng Chín, ông Tập xuất hiện trong một bản tin truyền hình tường thuật việc ông đến thăm một cuộc triển lãm về thành quả của Trung Quốc được khai mạc ở thủ đô.
Đường đi của một tin đồn
Tin đồn thất thiệt đó lan nhanh như lửa cháy rừng trong các cộng đồng Hoa kiều, lên các trang báo chính của Ấn Độ và được một số nhân vật nổi tiếng chung tay quảng bá.
Trên các mạng xã hội, nhiều người lưu ý, ông Tập không xuất hiện trước công chúng kể từ sau hội nghị thượng đỉnh tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan hồi giữa Tháng Chín, nơi ông có một cuộc họp riêng với Tổng thống Nga Vladimir Putin được công luận chú ý.
Việc ông Tập bị lật đổ, bị các đồng chí của ông trong đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trừ khử, không phải là hoàn toàn không thể xảy ra. Truyền thông quốc tế cho biết những thất bại về chính sách của ĐCSTQ ngày càng bộc lộ rõ: kinh tế tăng trưởng chậm, thị trường địa ốc gần như sụp đổ, chính sách “zero-COVID” phong tỏa nhiều thành phố, làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh, gia tăng nạn thất nghiệp và làm cho giới trung lưu bất mãn. Nhưng từ thực tế đó mà nghĩ tới một cuộc đảo chính quân sự lật đổ người cầm đầu, “lãnh tụ cốt lõi” của ĐCSTQ là phi thực tế, không hiểu, hoặc hiểu sai, chính trị Trung Quốc.
Cũng giống những tin đồn động trời trước đây, tin đồn ông Tập bị bắt do những thành phần chống ĐCSTQ trong cộng đồng Hoa kiều đưa ra. Cộng đồng này rất hào hứng với những câu chuyện đấu đá, tranh giành quyền lực trong nội bộ ĐCSTQ và thỉnh thoảng họ lại tung ra những câu chuyện ông này lên, bà kia xuống mà không dựa trên một sự thực nào. Những câu chuyện kiểu đó thường chỉ truyền miệng trong các nhóm Hoa kiều, trên các tờ báo Hoa ngữ nhưng nay nhờ mạng xã hội mà được phổ biến rộng rãi. Trong trường hợp này, một nhà báo lưu ý hiện tượng Bắc Kinh hủy bỏ nhiều chuyến bay đã kích hoạt tin đồn về một vụ đảo chính bắt giam ông Tập.
Phong trào Pháp Luân Công (Falun Gong) – một giáo phái bị Trung Quốc cấm và đàn áp dã man từ năm 1999 – vẫn thường quảng bá các thuyết âm mưu về sự sụp đổ của ĐCSTQ. Hệ thống báo chí và truyền thông của phong trào này, nổi bật như các trang Epoch Times, Đại Kỷ Nguyên, Tinh Hoa… tích cực phát tán những tin đồn như vậy. Một nhà báo làm việc cho Pháp Luân Công đã “nhặt” được tin đồn đảo chính vào ngày 23 Tháng Chín, rồi phát tán rất nhiều lần trên các mạng xã hội như Twitter. Từ đó, truyền thông Ấn Độ vốn có ác cảm với ĐCSTQ, đã biến nó thành bản tin “dòng chính”, được phát cả trên đài truyền hình quốc gia India TV, rồi được các trang khác dẫn lại… Cho đến khi các học giả am hiểu Trung Quốc, các nhà quan sát chính trị Trung Quốc phản bác thì tin đồn mới giảm đi và dần dần tắt lịm.
Bí mật – mảnh đất tốt của tin đồn
Chính sách kiểm soát thông tin một cách nghiêm ngặt của ĐCSTQ là căn cứ để các loại tin đồn về các nhân vật chóp bu của nước này nở rộ. “Bằng chứng” của tin đồn ông Tập bị bắt là ông ta không xuất hiện trên truyền thông kể từ ngày 22 Tháng Chín, khi từ Uzbekistan trở về. Theo thông lệ của truyền thông Trung Quốc, tin tức về hoạt động của lãnh tụ bao giờ cũng chiếm trang nhất các tờ báo, hàng đầu các bản tin thời sự phát trong “giờ vàng” mỗi ngày; một hành động dù nhỏ của lãnh tụ cũng phải được báo chí tường thuật trang trọng. Vì thế nên sự vắng mặt của Tập làm dấy lên những câu hỏi, những lời bàn tán trong dư luận.
Ông Tập vắng mặt có thể vì một lý do bình thường nào đó; ông ta có thể bị mệt, bị đau ốm; dù là lãnh tụ của 1.4 tỷ dân thì ông ta cũng chỉ là một con người bình thường sinh lão bệnh tử như mọi người. Nhưng trái với các nước dân chủ, ĐCSTQ không bao giờ thừa nhận lãnh tụ bị đau ốm hoặc nghỉ phép vì cho rằng điều đó làm xấu hình ảnh của lãnh tụ như một người anh hùng, một “ông thánh” tận tâm tận hiến cho dân cho nước. Các quốc gia toàn trị như Trung Quốc và Việt Nam thậm chí còn có luật quy định thông tin về sức khỏe của các nhà lãnh đạo là “bí mật quốc gia”, dân chúng không được biết tới. Não trạng “bí mật quốc gia” đó có từ thời các đảng cộng sản hoạt động bí mật trước khi cướp được chính quyền và duy trì mãi cho tới ngày nay.
Không chỉ sức khỏe mà mọi thông tin về đời sống riêng tư của các nhà lãnh đạo cộng sản cũng là “bí mật quốc gia”, người ngoài không được dòm ngó. Cách nhanh nhất để vô tù là lên mạng huyên thiên về đời tư của các ông trùm cộng sản, đặc biệt là tài sản và hoạt động kinh doanh của thân nhân họ.
Chính não trạng “bí mật quốc gia” này, cùng với sự kiểm soát chặt chẽ luồng thông tin chung quanh các nhân vật chóp bu, đã làm cho thế giới bên ngoài, kể cả người dân Trung Quốc, không biết những thông tin thực về cuộc sống của các nhà lãnh đạo đất nước; chỗ trống đó được các loại tin đồn lấp vào để thỏa mãn tính hiếu kỳ của người dân. Tình trạng Trung Quốc đóng cửa để thực thi chính sách “zero-COVID”, tự cô lập với thế giới, càng làm cho luồng thông tin bị gián đoạn, tin đồn có thêm cơ hội để phát tán.
Quân đội Trung Quốc có làm đảo chính được không?
Không khó nhận ra những chỗ phi lý trong tin đồn ông Tập bị bắt. Việc hủy bỏ hàng ngàn chuyến bay ở Bắc Kinh không phải là mới khi Trung Quốc thực hiện phong tỏa để chống dịch, người dân Trung Quốc biết quá rõ chuyện đó. Nếu có một đoàn xe quân sự dài tới 80 cây số bao quanh Bắc Kinh thì hẳn hình ảnh của đoàn xe khổng lồ đó đã có trên mạng. Trung Quốc kiểm duyệt rất gắt, nhưng không phải là không có kẽ hở.
Cuối cùng, phải nói là quân đội Trung Quốc không có khả năng làm đảo chính lật đổ đảng Cộng sản như tin đồn khẳng định; điều đó khác hoàn toàn với quân đội Thái Lan, Myanmar và nhiều nước khác. Nhà sáng lập ĐCSTQ Mao Trạch Đông nói “Súng đẻ ra chính quyền”, cho nên ngay từ đầu, ĐCSTQ lập ra quân đội, tổ chức nó thành một công cụ bạo lực của đảng, tuyệt đối trung thành với đảng cho dù phải tấn công vào nhân dân như vụ thảm sát sinh viên ở Thiên An Môn, Bắc Kinh ngày 4 Tháng Sáu 1989 cho thấy. Quyền lãnh đạo tối cao của quân đội Trung Quốc không thuộc về Bộ Quốc phòng mà nằm trong tay Đảng ủy Quân sự Trung ương do ông Tập Cận Bình làm bí thư. Ở mỗi đơn vị quân đội, quyền chỉ huy nằm trong tay các chính ủy / chính trị viên chứ không phải tư lệnh; các “cán bộ chính trị” này là người của ĐCSTQ chịu trách nhiệm lãnh đạo đơn vị quân đội. Một quân đội như thế không bao giờ có thể đảo chính chống lại đảng cộng sản, và mọi âm mưu đảo chính nếu có đều bị bóp chết trong trứng nước.
Ông Tập và ĐCSTQ đã tiêu diệt hết mọi tổ chức có tiềm năng phản kháng trong xã hội Trung Quốc, chỉ còn quân đội là một tổ chức đông đảo, có kỷ luật và có…súng, do đó những người chống cộng thường hy vọng một ngày nào đó, quân đội Trung Quốc sẽ đứng về phía nhân dân chống lại đảng độc tài. Nhưng thực tế ở các nước như Trung Quốc hay Việt Nam chứng tỏ, hy vọng đó rất hão huyền, chỉ có ở những người thiết tha mong muốn xóa bỏ chế độ cộng sản mà không hiểu thấu đáo về cơ cấu quyền lực của nó.
(SGN)