Saturday, April 27, 2024
Home Tin TứcTin Việt Nam Kinh tế Việt Nam vẫn bấp bênh

Kinh tế Việt Nam vẫn bấp bênh

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 bình luận

Tờ Vneconomy.vn hôm 20 tháng Tám dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO) cho biết tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD.

Báo chí dòng chính trong nước ca ngợi kết quả này như một thành tựu kinh tế trong bối cảnh u ám kinh tế thế giới. Tuy nhiên, cần phải hiểu đúng về những con số xuất nhập khẩu GSO công bố và bản chất của nền kinh tế Việt Nam để hiểu được con số “thặng dư thương mại hơn 20 tỷ USD” có phải là “điểm sáng” như truyền thông ca ngợi hay không?

Trước hết con số thặng dư thương mại này phần lớn đến từ kết quả trực tiếp của việc sụt giảm nhập khẩu đáng kể, chủ yếu là từ thị trường Trung Quốc. Nhập khẩu giảm 16,2% so với xuất khẩu giảm 10% đem lại khoản “thặng dư” nhưng đó là một con số thực sự đáng lo ngại. Việt Nam là nền công nghiệp gia công nhưng hơn 80% đầu vào của nền kinh tế từ nguyên liệu sản xuất cho đến máy móc công nghiệp, phụ liệu, phụ tùng, nhiên liệu xăng dầu, than đá, LPG… đều phụ thuộc nhập khẩu và Trung Quốc là nguồn cung ứng chủ lực.

Không chỉ ở các ngành công nghiệp gia công như điện tử, da giày, may mặc… mà ngay cả các ngành sản xuất truyền thống được coi là thế mạnh của Việt Nam như nông lâm nghiệp cũng phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, nhập khẩu giảm tới 16,02% đồng nghĩa với việc sản xuất công nghiệp lẫn tiêu dùng đang suy giảm nặng nề.

Mặc dù, từ đầu năm, giá xăng dầu liên tục tăng (14 lần tăng) kéo theo giá cả hàng hóa cơ bản tăng ở mức hai con số. Giá xăng E5 ngày 5 tháng Chín đã sát 24.900 đồng/lit trong khi giá dầu diesel đã gần chạm mức 22.700 đồng/lit. Mức giá xăng dầu hiện tại tăng sẽ trực tiếp gia tăng giá vận chuyển, logistic, đánh bắt hải sản và chi phí tiêu dùng hộ gia đình.

Có thể lấy mức giảm doanh số và lợi nhuận của các các tập đoàn bán lẻ hàng đầu như Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim… để tham khảo cho mức tiêu dùng thực tế. Thế Giới Di Động đã ghi nhận mức giảm doanh số tới hơn 23% và lợi nhuận giảm tới 80% trong 8 tháng đầu năm dù áp dụng mọi biện pháp cắt giảm chi phí và tinh giản bộ máy. Có nhiều điều đáng lo lắng hơn những con số kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay. Thất nghiệp trong giới trẻ vẫn ở mức báo động; trong khi hàng loạt doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động.

Hơn 100.000 doanh nghiệp phá sản và đóng cửa trong 7 tháng đầu năm, con số đáng buồn này có thể tăng đến 180.000 doanh nghiệp vào cuối năm nay. Cách đây ít ngày, truyền thông trong nước đưa tin một gia đình nông dân ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa do đầu tư nuôi heo công nghiệp bị thua lỗ, quẫn trí, người cha đã đầu độc cả gia đình và bản thân bằng khí độc. Kết quả là bốn người trong nhà bị chết ngạt, duy nhất ông ta được cứu sống. Bi kịch này nhanh chóng bị chìm nghỉm trong vô số tin tức tai nạn, cướp của, giết người hàng ngày trên dòng thời sự.

Nông dân là đối tượng chịu mọi rủi ro trong quan hệ kinh tế với giới thương lái, nhà cung cấp vật tư nông nghiệp và các doanh nghiệp hợp tác… Trong khi chịu hàng trăm loại thuế phí nặng nề, nạn thuốc, phân, thức ăn gia súc kém chất lượng tràn lan, tình trạng “được mùa mất giá” và dịch bệnh hủy hoại nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam cũng như khiến cho hàng trăm ngàn nông dân trở nên bần cùng hóa.

Trái với hình ảnh những ngôi nhà khang trang được xây dựng từ tiền bán đất hoặc tiền con cái xuất khẩu lao động, ly hương gửi về, nông thôn Việt Nam đang tan rã từ bên trong và đối mặt với vô vàn thử thách tàn khốc. Mức thu nhập trung bình của khu vực nông thôn là một con số chua xót. Giờ đây, khi các trung tâm công nghiệp như Đồng Nai, Biên Hòa, Sài Gòn… sa thải hàng trăm ngàn lao động, gánh nặng đó lại dồn về những miền quê nghèo đói.

Giống như Trung Quốc, truyền thông và tuyên giáo Việt Nam hạn chế việc đưa tin tức phản ánh thực trạng nền kinh tế, sự khó khăn cùng cực người lao động. Nền kinh tế Việt Nam là một phiên bản sao chép kém hơn nhiều so với Trung Quốc. Có thể coi Việt Nam như hình ảnh thu nhỏ của Trung Quốc những năm cuối thập niên 1990. Cả hai quốc gia cộng sản anh em này trong nhiều thập niên đều dựa vào nguồn lao động và đất đai giá rẻ, các chính sách môi trường lỏng lẻo để thu hút vốn đầu tư FDI.

Tăng trưởng kinh tế dựa trên việc việc mở rộng các yếu tố đầu vào là vốn và lao động, tập trung cho các ngành công nghiệp xả thải lớn và phát triển bất động sản, hạ tầng cho các đô thị. Giờ đây, khi bối cảnh kinh tế thế giới thay đổi, cả hai đều phải đối mặt với những vấn đề giống nhau: Bong bóng bất động sản nổ tung kéo theo khủng hoảng tài chính, sản xuất công nghiệp suy giảm bởi cầu thế giới giảm khiến thất nghiệp tràn lan và bất ổn xã hội.

Với viễn cảnh cuộc chiến tranh Nga và Ukraine có thể kéo dài, cùng với những tín hiệu đáng lo ngại về cuộc suy thoái dài hạn của “nền kinh tế số hai thế giới” bởi các ưu tiên về chính trị của Tập Cận Bình, cơn ác mộng đối với những nền kinh tế mới nổi, phụ thuộc gia công xuất khẩu như Việt Nam vẫn còn ở phía trước.

Sức ép về kinh tế, cùng với sự suy sụp của Nga và Trung Quốc, Hà Nội dường như đang lặng lẽ tìm kiếm một lối thoát về kinh tế trong khi vẫn đảm bảo được quyền cai trị độc đảng. Vấn đề ở đây là liệu một bộ máy quan liêu quá mức nhũng lạm có thể thay đổi theo định hướng và ý chí của thượng tầng quyền lực hay không? Thời hạn của quá trình chuyển đổi này là bao lâu?

(SGN)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved. 

This website uses cookies to improve your experience. We'll assume you're ok with this, but you can opt-out if you wish. Accept Read More