Home Tin TứcTin Việt Nam Đóng cửa 61 phòng giao dịch, nhiều phần ngân hàng SCB sắp ‘dẹp tiệm’

Đóng cửa 61 phòng giao dịch, nhiều phần ngân hàng SCB sắp ‘dẹp tiệm’

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hơn một tháng sau khi Ngân Hàng Nhà Nước thừa nhận có chuyện “bơm” $24 tỷ để giải cứu “chưa có tiền lệ” cho Ngân Hàng Sài Gòn (SCB), ngân hàng này loan báo giải thể liên tiếp 61 phòng giao dịch tại các tỉnh, thành ở Việt Nam.

Ngân hàng SCB thuộc sở hữu của bà Trương Mỹ Lan, cựu chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, người mới đây bị kết án tử hình.

SCB từng là ngân hàng có lãi suất tiền tiết kiệm cao nhất thị trường. (Hình: Ngọc Thắng/Thanh Niên)

Theo báo Thanh Niên hôm 27 Tháng Năm, gần đây nhất, hồi tuần trước, SCB vừa mới chấm dứt hoạt động phòng giao dịch Thủ Đức, chi nhánh Đông Sài Gòn.

Cùng lúc, SCB chi nhánh Đắk Lắk chấm dứt hoạt động phòng giao dịch Nguyễn Tất Thành, SCB chi nhánh quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch Bạch Mai…

Bản tin cho biết, từ sau khi SCB được Ngân Hàng Nhà Nước đưa vào diện “kiểm soát đặc biệt,” ngân hàng này đã đóng cửa nhiều phòng giao dịch, hơn một nửa trong số này là tại Sài Gòn.

Không những thu hẹp hoạt động, SCB còn được ghi nhận có mức lãi suất tiền tiết kiệm “thấp nhất trên thị trường,” thậm chí thấp hơn cả các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.

Ngoài ra, SCB cũng vừa thông báo thanh lý 27 máy ATM đã qua sử dụng tại Sài Gòn, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An…

Những dấu hiệu nêu trên cho thấy ngày đóng cửa ngân hàng SCB đang đến gần.

Hồi giữa tháng trước, hãng tin Reuters của Anh quốc cho rằng chính phủ Việt Nam trong tình thế nếu không bơm tiền cho vay, SCB “sẽ sụp đổ,” nhưng nếu cứ bơm tiền thế này, kho bạc nhà nước “sẽ dần cạn kiệt.”

Bản tin của hãng tin nêu trên tiết lộ rằng khối lượng tiền mặt khổng lồ được Ngân Hàng Nhà Nước bơm vào SCB cho thấy quy mô thiệt hại tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính Việt Nam.

Theo tuyên bố của Ngân Hàng Nhà Nước, dự trữ ngoại hối đạt khoảng $100 tỷ vào hồi cuối năm ngoái. Tuy vậy, tính đến đầu Tháng Tư, cơ quan này đã phải bơm $24 tỷ “khoản vay đặc biệt” vào SCB.

Theo các tài liệu mà Reuters thu thập được, tốc độ bơm tiền vào SCB hiện đã “chậm lại một chút” nhưng đạt bình quân hơn $900 triệu mỗi tháng trong vòng năm tháng qua.

Đáng lưu ý, khoản bơm tiền mặt vào SCB được ghi nhận lên tới 5.6% sản lượng kinh tế hằng năm và tương đương 1/4 dự trữ ngoại hối của Việt Nam.

SCB được ghi nhận sử dụng số tiền được bơm vào để chi trả cho việc rút tiền mặt, theo một báo cáo mà ngân hàng này gửi Ngân Hàng Nhà Nước hồi Tháng Mười Một năm ngoái.

Ngân hàng SCB thuộc sở hữu của bà Trương Mỹ Lan, cựu chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát. (Hình: VietNamNet)

Sau khi bị Ngân Hàng Nhà Nước kiểm soát, lượng tiền gửi tiết kiệm tại SCB đã giảm 80% xuống còn khoảng $6 tỷ, tính đến Tháng Mười Hai cùng năm.

Dự báo với tốc độ hiện tại, SCB có thể hết sạch lượng tiền gửi của khách hàng vào giữa năm nay trong lúc nợ xấu đã tăng lên 97% dư nợ tín dụng của nhà băng này. (N.H.K) [kn]

(Nguoi-viet)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.