Home Tin TứcTin Việt Nam Bệnh viện lao ở Sài Gòn ép bệnh nhân mua cơm, nghi ‘lợi ích nhóm’

Bệnh viện lao ở Sài Gòn ép bệnh nhân mua cơm, nghi ‘lợi ích nhóm’

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Nhiều người đang nuôi người thân tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, chuyên về lao phổi, bất bình khi bị bệnh viện ép buộc mua cơm mặc kệ có nhu cầu hay không.

“Tôi là người nuôi bệnh nhân, sau khi người nhà tôi được chuyển điều trị tại khu A thì hằng ngày nhân viên mặc áo căn tin bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, quận 5, tới ép bệnh nhân lấy cơm buổi trưa và buổi chiều, một giường bệnh ít nhất một phần cơm/bữa,” ông S. nói với báo Thanh Niên hôm 28 Tháng Mười Một.

Suất cơm được bác sĩ bệnh viện Phạm Ngọc Thạch “tư vấn chế độ ăn phù hợp” cho bệnh nhân. (Hình: Duy Tính/Thanh Niên)

Cũng theo ông S., do không có nhu cầu ăn cơm căn tin bệnh viện nên ông phản đối, nhưng nhân viên căn tin vẫn mặc nhiên để phần cơm trên giường bệnh và nói là “làm theo ý bác sĩ,” tiền cơm sẽ thanh toán khi ra viện. Mỗi suất cơm có giá 30,000 đồng ($1.2).

“Tôi không biết tại đây có lợi ích nhóm gì không mà ép buộc bệnh nhân và người nhà như vậy, dù hằng ngày vẫn có nhiều đoàn từ thiện tới phát cơm cho người khó khăn, rất đỡ được chi phí. Đâu phải ai cũng có nhu cầu ăn cơm của căn tin nhưng vẫn bị ép mua cơm. Sự việc gây bức xúc rất lớn cho bệnh nhân và người nuôi bệnh. Nếu đặt cơm theo nhu cầu bệnh nhân thì không có gì để nói,” ông S. đặt vấn đề.

Chị H., đang nuôi người cha bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, phải thở ô xy tại bệnh viện này cho hay, nhân viên ở đây nói bệnh nhân “phải ăn theo chế độ của bệnh viện, mỗi ngày hai cữ” không ghi danh thì bệnh viện không chịu, bắt buộc phải mua. Nhận cơm xong thì ngày ngày em gái chị H. mang về nhà, bởi cha chị chỉ uống sữa, súp do nhà nấu mang vào.

“Cứ ăn buổi chiều xong là điều dưỡng mang giấy vào kêu đăng ký suất ăn cho ngày mai, cơm hoặc cháo. Người ta nói ăn theo chế độ của họ nhưng cũng y như ngoài chứ có khác gì đâu” chị H. cho biết.

Đi chăm mẹ mấy tháng qua, chị Th. ở tỉnh Trà Vinh, cho biết ở phòng, mỗi ngày bệnh nhân đều ăn cơm bệnh viện.

“Khi bắt đầu nhập viện, nằm giường là đã có người đăng ký suất cơm ở dưới cho mình rồi. Phần cơm đó người ta đăng ký cho bệnh nhân, còn người nhà ăn gì có thể tự túc. Mỗi suất cơm 30,000 đồng, một ngày hai cữ, tiền đó thêm luôn vào tiền viện phí,” chị Th. chia sẻ thêm.

Khi được hỏi nếu không muốn ăn thì không ghi danh được không, chị Th. trả lời: “Không được em ơi, phần cơm đó bệnh nhân không muốn ăn thì người nuôi ăn, người nuôi ăn không nổi thì bỏ luôn, chứ tiền vẫn phải đóng.”

Cách đó vài phòng bệnh, ông K. ở Bình Thuận, cho biết vào nuôi bệnh được gần một tháng và chi phí hiện đang khá tốn kém.

Ông K. cho hay mỗi ngày có nhiều đoàn từ thiện phát cơm và cháo, ông vẫn xuống để xin, nhưng cơm bệnh nhân thì vẫn phải mua ở bệnh viện.

Giải thích với báo Thanh Niên về sự việc, bà Nguyễn Thị Mai Trang, phó giám đốc bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, thừa nhận bệnh viện hiện nay có Khoa Dinh Dưỡng Tiết Chế đang thực hiện vai trò “chăm sóc người bệnh,” trong đó có phần chăm sóc dinh dưỡng. Nhưng việc lựa chọn ăn hay không ăn, ăn phần cơm như thế nào là “tùy thuộc vào bệnh nhân,” bệnh viện chỉ tiến hành “tư vấn dinh dưỡng.”

Nhân viên dùng xe chuyên dùng chích thuốc để vận chuyển cơm đi giao tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. (Hình: Duy Tính/Thanh Niên)

Theo bà Trang, “việc nói bệnh viện tổ chức ép bệnh nhân mua cơm là không đúng. Tuy nhiên, nếu có các ý kiến phản ánh về việc ép bệnh nhân phải ăn suất cơm bệnh viện thì sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát để xử lý.”

Lãnh đạo bệnh viện Phạm Ngọc Thạch “hứa ghi nhận” và sẽ làm việc lại với các bộ phận liên quan đến việc cung cấp suất ăn để tránh việc bệnh nhân “hiểu lầm.” (Tr.N)

(Nguoi-viet)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.