Home Tin TứcTin Việt Nam Dân Việt Nam lo tương lai ảm đạm khi vật giá theo nhau leo thang

Dân Việt Nam lo tương lai ảm đạm khi vật giá theo nhau leo thang

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Vật giá leo thang, đặc biệt là thực phẩm, khi việc làm bị cắt giảm hay thất nghiệp, đang là những âu lo hàng đầu của dân lao động tại Việt Nam.

Infocus Mekong Research (IMR) là một tổ chức khảo cứu và tư vấn đầu tư ở Sài Gòn được báo tài chính Nikkei của Nhật sử dụng thông tin để nói rằng sự bi quan của người lao động là một trong những chỉ dấu thị trường kinh doanh tại Việt Nam bất định trong năm nay. Nó có hệ quả trực tiếp từ sự đổ vỡ của thị trường địa ốc, lạm phát cao và tác động của lợi tức người dân bị giảm sút.

Công nhân thất nghiệp ở Bình Dương đi nhặt rác, kiếm đồ phế thải đem bán để có tiền sống. (Hình: VNExpress)

Giới công nhân nghèo khó làm ngày nào ăn ngày nấy. Những ngày gần đây, thấy báo chí trong nước đưa tin và hình ảnh nói một số công nhân phải đi bới rác nhặt đồ phế thải bán lấy ít tiền mua gạo, người thì xuống sông lưới cá. Những người khá giả hơn thì tìm cách kiếm tiền thêm bằng cách bán hàng qua mạng, người nào có nhà cửa thì cho thuê mới sống nổi.

Theo IMR, tổ chức này mới khảo sát thấy 27% người ta tin rằng những ngày tới đây còn tồi tệ hơn năm ngoái, so với chỉ có 18% người nghĩ như vậy hồi Tháng Bảy, 2022.

Mấy năm gần đây, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng toàn cầu nhờ đầu tư ngoại quốc dồn tới nước này kinh doanh từ giày dép Adidas tới đồ điện tử của Samsung, LG.

Những tháng cuối năm ngoái, thay vì gia tăng sản xuất, chỉ số sản xuất công nghệ tại Việt Nam lại giảm sút. Riêng từ Tháng Mười Hai, 2022, tới Tháng Giêng, 2023, đã giảm mất 14.6%, theo con số của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam. Cơ quan này cũng nói lực lượng lao động giảm mất 0.9%, tức là người thất nghiệp tăng lên khi các hãng xưởng không có đơn đặt hàng.

Giới công nhân hoặc bị cắt giảm giờ làm hay tồi tệ hơn khi bị sa thải, tiền kiếm được bị ít đi hay mất hẳn, họ vẫn phải trang trải mọi thứ chi phí cho cuộc sống hằng ngày. Theo IMR, lạm phát nằm ở cuối bảng phải âu lo của giới công nhân hồi năm 2021 nhưng nay vọt lên đầu bảng. Có đến 60% những người được khảo sát nói họ âu lo về vật giá gia tăng hơn cái gì khác.

Lạm phát hồi tháng trước là 5%, tổ chức tham vấn đầu tư Fitch Solutions nói chi phí cho thực phẩm và chỗ ở gia tăng làm người ta co cụm lại trước các nhu cầu phải chi tiêu. IMR nói rằng vì các luật lệ giới hạn của nhà cầm quyền, số người vay tiền ngân hàng cho “các nhu cầu khẩn cấp và trả nợ” đã giảm từ 54% hồi năm 2019, xuống chỉ còn 38% trong Tháng Giêng.

Người dân chầu chực từ ban đêm chờ đến sáng xếp hàng lấy số để xin rút tiền bảo hiểm xã hội. (Hình: Zing)

Trong khi các nhà đầu tư sản xuất tại Việt Nam thiếu đơn đặt hàng phải cắt giảm giờ làm hay sa thải nhân công, thì nhà cầm quyền vẫn nêu những con số dự báo gia tăng xuất cảng trong năm nay.

Ngày 2 Tháng Hai, ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Công Thương, nói tại cuộc họp báo thường kỳ của chính phủ là kim ngạch xuất cảng năm 2023 dự trù được $393 đến $394 tỷ, tức gia tăng 6% so với năm 2022 dù “còn nhiều khó khăn bất định.”

Những ngày của Tháng Mười Hai, 2022, sang Tháng Giêng, một số tin tức và ký sự trên các báo tại Việt Nam cho thấy dân thất nghiệp ở Sài Gòn chầu chực từ đêm hôm trước để sáng hôm sau xếp hàng sớm ở các văn phòng xin rút bảo hiểm xã hội hầu có tiền sống cầm cự qua ngày.

Hôm Thứ Hai, 6 Tháng Hai, các báo tại Việt Nam cho hay giá điện sẽ tăng 13.7% đến 28.2%. Cũng tương tự như khi tăng giá xăng, chi phí dịch vụ, sản xuất gia tăng theo sẽ kéo theo vật giá các loại leo thang hơn nữa. Giới công nhân lao động, cùng đinh trong xã hội hiện đã phải thắt lưng buộc bụng, rồi phải siết mạnh tay thêm. (TN) [qd]

(Nguoi-viet)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.