Thursday, April 25, 2024
Home Tin TứcTin Việt Nam Cảnh báo lừa đảo quyên tiền từ thiện bằng giấy tờ giả của bệnh viện

Cảnh báo lừa đảo quyên tiền từ thiện bằng giấy tờ giả của bệnh viện

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 bình luận

Khơi dậy lòng từ tâm của mọi người, một số người đã lên mạng viết câu chuyện con/cháu đang cần tiền chữa trị trong bệnh viện với giấy tờ và con dấu của bệnh viện để chứng minh.

Nhưng… tất cả đều là giả. Ngày 14 Tháng Hai 2023, bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Điện Biên đều lên tiếng về hiện tượng làm giả giấy tờ của hai bệnh viện này để lừa đảo quyên tiền từ thiện trên mạng, truyền thông trong nước đưa tin.

Đầu Tháng Hai, tài khoản Trường Công đăng thông tin trong nhóm “Chợ Tuyên Quang” xin tiền giúp đỡ con của mình bị tai nạn xe phải phẫu thuật não. Bài viết đính kèm giấy xác nhận nằm viện (có dấu đỏ của bệnh viện), ảnh đứa bé (sinh năm 2015), với nội dung còn thiếu 5 triệu đồng ($211) đóng cho bệnh viện. Bên dưới bài viết là số tài khoản của tác giả.

Thông tin cho báo Vnexpress và Lao Động, đại diện bệnh viện đa khoa Tuyên Quang khẳng định thông tin bài viết là sai sự thật, không có cậu bé nào tên tuổi như vậy đang điều trị với tình trạng bệnh lý như trên; ngoài ra họ cho biết không hề cung cấp giấy xác nhận nằm viện như trong ảnh, không có bác sĩ nào tên Huỳnh Minh Thu, còn chữ ký của giám đốc và con dấu bệnh viện là giả mạo.

Bài đăng và giấy xác nhận nằm bệnh viện Tuyên Quang giả mạo được đăng tải trên mạng xã hội để kêu gọi sự giúp đỡ – Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Cũng tài khoản này đăng bài trên nhóm “Chợ Điện Biên” với nội dung tương tự nhưng giấy tờ nằm viện lại là bệnh viện đa khoa Điện Biên. Bệnh viện này cũng phủ nhận y như bệnh viện đa khoa Tuyên Quang, toàn bộ giấy tờ, chữ ký và con dấu của bệnh viện đều là giả mạo; bệnh viện không có bác sĩ Huỳnh Minh Thu, còn bác sĩ Phạm Văn Mẫn đã chuyển công tác lên Sở Y tế tỉnh Điện Biên.

Báo Sức Khỏe và Đời Sống còn tìm ra các loại giấy tờ giả mạo có cùng một nội dung của bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum.  Điều đáng nói, trong cả ba “Giấy xác nhận nằm viện” giả của bệnh viện Kon Tum, Quảng Ngãi, Điện Biên đều có chung một bệnh nhân Hoàng Trọng Hiếu (sinh năm 2015), còn thông tin đăng trên nhóm “Chợ” của các tỉnh đều y hệt nhau: Bác sĩ yêu cầu phải mổ gấp, chi phí phẫu thuật 20 triệu đồng ($846), đã tạm ứng 15 triệu đồng ($634), còn thiếu 5 triệu ($211) nhưng gia đình hết khả năng nên mong cộng đồng giúp đỡ….

Hôm 6 Tháng Giêng 2023, bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (Sài Gòn) tại huyện Bình Chánh cũng cho biết trên mạng xã hội xuất hiện giấy tờ giả của bệnh viện để kêu gọi giúp đỡ. Trên nhóm “Người dân Đông Thạnh – Cần Giuộc” có bài đăng của Lê Bích với nội dung xin mọi người giúp đỡ vì con đang nằm bệnh viện có khối u ác tính, cần mổ gấp, chi phí 20 triệu đồng ($846), còn thiếu 3 triệu đồng ($126).  Kèm theo bài đăng là giấy báo chi phí mổ của bệnh viện, bên dưới ký tên giám đốc Trương Quang Định (đúng tên bác sĩ giám đốc mới sợ chớ), số tài khoản ngân hàng và số điện thoại của người tên Lê Thị Ngọc Bích.

Đại diện bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố khẳng định với báo Công An Nhân Dân bệnh viện không cung cấp loại giấy tờ như vậy và trong danh sách không có bệnh nhân nào tên Nguyễn Ngọc Linh với bệnh án đó.

Bài và ảnh trên Facebook giả mạo câu chuyện có con đang chờ mổ não ở bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố – Ảnh chụp màn hình

Lợi dụng lòng nhân ái của mọi người đối với trẻ em, việc sử dụng hình ảnh bệnh tật của các em, dù có thật, cũng là điều không nên làm, huống hồ lắp ghép hình ảnh (tên một đàng, người một nẻo) rồi còn kèm theo giấy tờ giả mạo của bệnh viện thì rõ là…. xã hội nhiễu nhương đã phát sinh thêm “nghề quyên tiền từ thiện”!

Trước khi xảy ra tình trạng dùng giấy tờ giả mạo của bệnh viện để chứng minh việc con/cháu nằm bệnh viện, các bệnh viện Chợ Rẫy, Nhi Đồng 1 (Sài Gòn) cũng lên tiếng tố cáo những fanpage giả mạo “Phòng Công tác Xã hội” của bệnh viện kêu gọi ủng hộ giúp đỡ bệnh nhân.

Trên thực tế, các bệnh viện ở Sài Gòn đều có Phòng Công tác Xã hội đặt tại khuôn viên bệnh viện, nhằm tiếp nhận tiền và quà tặng dành cho bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em. Cá nhân và tổ chức muốn đóng góp phải liên hệ hẹn trước qua điện thoại, sau đó phải trực tiếp đến trao quà và tiền tại bệnh viện, không có bệnh viện nào mở fanpage trên mạng xã hội để quyên góp. Nếu các đoàn từ thiện yêu cầu, Phòng Công tác Xã hội của các bệnh viện luôn có danh sách các bệnh nhân đang cần sự giúp đỡ, và các đoàn từ thiện đều có thể gặp trực tiếp bệnh nhân.

Vì vậy, khi muốn giúp đỡ ai đó, bạn đọc chớ vội đóng góp tiền sau khi đọc qua bài viết của một cá nhân mà mình không biết rõ trên mạng.

Lao Động ngày 14 Tháng Hai 2023 dẫn lời luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X) cho biết, hành vi đăng tải thông tin kêu gọi từ thiện nhưng người bệnh không có thật nhằm mục đích nhận tiền của nhà từ thiện có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm. Nhẹ nhất là bị phạt tiền từ 1 – 2 triệu đồng ($42-$84) và tịch thu số tiền đã quyên góp được. Còn nặng hơn, người phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm, nặng nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn bị phạt tiền từ 10 triệu – 100 triệu đồng ($423-$4,232), tịch thu một phần tài sản hoặc toàn bộ tài sản.

(SGN)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved. 

This website uses cookies to improve your experience. We'll assume you're ok with this, but you can opt-out if you wish. Accept Read More