Home Tin TứcCông Nghệ Trung Quốc tấn công viễn thông Mỹ ồ ạt, FBI hối thúc người dân nhắn tin có bảo mật hai chiều

Trung Quốc tấn công viễn thông Mỹ ồ ạt, FBI hối thúc người dân nhắn tin có bảo mật hai chiều

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

WASHINGTON, DC (NV) – Giữa lúc các đại công ty viễn thông như AT&T và Verizon hứng chịu một cuộc tấn công an ninh mạng chưa từng có, các viên chức Hoa Kỳ khuyến cáo người Mỹ sử dụng các ứng dụng nhắn tin được bảo mật ngăn không cho các tin tặc ngoại quốc xâm nhập ăn cắp thông tin cá nhân.

Salt Typhoon, biệt hiệu được Microsoft đặt cho vụ rắc rối tấn công an ninh mạng kể trên, là một trong những vụ xâm phạm tình báo lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và vẫn còn đang trong vòng điều tra. 

Hacker xâm nhập hệ thống dữ liệu điện toán. (Hình minh họa: Sean Gallup/Getty Images)

Các viên chức trong cuộc điện đàm cập nhật tin tức hôm Thứ Ba, 3 Tháng Mười Hai, từ chối xác nhận chừng nào hệ thống viễn thông Hoa Kỳ sẽ sạch bóng quân xâm nhập. Các viên chức nói với NBC News trong một tuyên bố rằng Trung Quốc là kẻ chủ mưu trong vụ xâm nhập AT&T, Verizon và Lumen Technologies hòng theo dõi khách hàng.

Phát ngôn viên Tòa Đại Sứ Trung Quốc tại Washington chưa lập tức phản hồi yêu cầu bình luận.

Trong cuộc điện đàm hôm Thứ Ba có hai viên chức, trong đó có một viên chức ẩn danh cấp cao thuộc Cơ Quan Điều Tra Liên Bang (FBI), và ông Jeff Greene, phụ tá giám đốc điều hành đặc trách an ninh mạng tại Cơ Quan An Ninh Mạng và Hạ Tầng Cơ Sở (CISA), đều khuyến cáo người Mỹ nên dùng các ứng dụng nhắn tin bảo mật nhằm giảm bớt việc Trung Quốc xâm nhập.

“Việc chúng tôi đề nghị sử dụng ứng dụng nhắn tin được mã hóa (encryption) cũng là những gì chúng tôi từng cảnh cáo các nhân viên trong cơ quan và đây không phải là vấn đề mới: Nên nhớ mã hóa là công cụ bảo vệ. Cho dù đó là tin nhắn dạng bản văn hay tin nhắn bằng lời nói đã được mã hóa và kể cả khi đối thủ có thể xâm nhập dữ liệu, nhưng nếu tất cả đều được mã hóa, thì việc xâm phạm là bất khả thi,” ông Greene cho biết.

Phạm vi xâm phạm viễn thông lớn tới nỗi các cơ quan “không thể” dự đoán được chừng nào nhà chức trách “sẽ càn quét sạch sẽ các mầm họa an ninh mạng,” ông Greene cho biết.

Viên chức FBI ẩn danh cho biết các tin tặc thường ăn cắp ba loại thông tin.

Một là dữ liệu của các cuộc điện thoại, hoặc hệ thống dữ liệu gộp chung, gồm có số điện thoại và thời điểm thực hiện cuộc gọi. Tin tặc tập trung vào các dữ liệu điện thoại xung quanh khu vực Washington, DC và FBI cũng không có kế hoạch báo động rằng dữ liệu điện thoại của một số người đã bị xâm nhập.

Thứ hai là các cuộc điện thoại trực tiếp của một số mục tiêu cụ thể. Viên chức FBI ẩn danh từ chối cho biết họ đã báo động cho các mục tiêu đó bao nhiêu lần; các chiến dịch tranh cử tổng thống của Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump và Phó Tổng Thống Kamala Harris, cũng như văn phòng Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), trưởng Khối Đa Số tại Thượng Viện, nói với NBC News hồi Tháng Mười rằng FBI từng cảnh cáo rằng họ là một trong các mục tiêu bị xâm nhập.

Cuối cùng là các hệ thống mà các công ty viễn thông sử dụng nhằm tuân thủ quy định do Ủy Ban Chứng Nhận Các Cơ Quan Thực Thi Công Lực (CALEA) đề ra, cho phép các cơ quan thực thi công lực và tình báo nhận mệnh lệnh theo dõi thông tin liên lạc của người dân từ tòa án. Các hệ thống CALEA có thể gồm có các mệnh lệnh từ tòa án, được bảo mật tại Tòa Án Giám Sát Tình Báo Ngoại Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết một số mệnh lệnh từ tòa án tình báo Hoa Kỳ. Viên chức FBI ẩn danh từ chối cho biết liệu có bất kỳ hồ sơ bảo mật nào bị xâm nhập hay không.

Từ lâu, những người ủng hộ quyền riêng tư đã ủng hộ việc sử dụng các ứng dụng được bảo mật hai chiều. Signal và WhatsApp là hai ứng dụng tự động khai triển bảo mật hai chiều trong cả cuộc gọi lẫn tin nhắn. Google Messages và iMessage cũng có thể bảo mật hai chiều cả cuộc gọi lẫn tin nhắn.

Mặt khác, FBI và các cơ quan thực thi công lực liên bang khác lại có mối quan hệ không mấy thuận lợi với kỹ nghệ mã hóa, họ từng chống lại việc mã hóa hai chiều toàn bộ vì không cho phép bất kỳ lực lượng thực thi công lực nào được quyền xâm nhập vào hồ sơ kỹ thuật số kể cả khi có lệnh. Nhưng FBI cũng từng hỗ trợ các hình thức mã hóa cho phép lực lượng thực thi công lực xâm nhập trong một số trường hợp nhất định.

Mặc dù âm mưu tấn công an ninh mạng lần đầu tiên được tiết lộ công khai trước thềm cuộc tổng tuyển cử, nhưng Hoa Kỳ tin rằng đó không phải là mưu đồ nhằm thay đổi kết quả bầu cử, viên chức FBI ẩn danh cho biết, mà thay vào đó là một hoạt động gián điệp quy mô lớn mà Trung Quốc vẫn thường ra tay nhằm thu thập tin tức tình báo về chính trị và chính phủ Hoa Kỳ.

Thượng Nghị Sĩ Ron Wyden (Dân Chủ-Oregon), một trong những người nhất mực ủng hộ quyền riêng tư tại Thượng Viện, nói với NBC News trong một tuyên bố, chỉ trích việc Hoa Kỳ lệ thuộc vào CALEA vì cơ quan này không thực thi hành động bảo vệ tin tức tối mật. (TTHN)

(Nguoi-viet)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.