Home Tin TứcCông Nghệ Dùng chatbot để viết báo!

Dùng chatbot để viết báo!

Đăng bởi Editor Mo Nam Cali
0 những bình luận

Liên quan chatbot, mới đây lại xảy ra việc một trang tin tức lớn đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để viết bài. Một thảm họa đối với báo chí đang bắt đầu…

Trang công nghệ nổi tiếng CNET dùng chatbot!

Trang web công nghệ CNET đã khiến thế giới truyền thông phải “chuyển mình lo lắng” khi nó sử dụng AI để tạo ra những câu chuyện tin tức “mạch lạc đến kinh ngạc”. Ngày 17 Tháng Một, CNET ra thông báo “đã chỉnh sửa lại một số bài báo do AI tạo ra” sau khi Futurism, một trang web công nghệ khác, cảnh báo chúng có chứa một số “lỗi rất ngớ ngẩn”.

Tuần trước, một số chuyên viên theo dõi internet bày tỏ nghi ngờ CNET đã lặng lẽ xuất bản hàng chục bài báo được viết hoàn toàn bằng công cụ AI. Trang web công nghệ nổi tiếng này thừa nhận phát hiện là đúng, nhưng khẳng định “đây chỉ là một thử nghiệm đơn thuần”. Giống như một kịch bản quen thuộc với bất kỳ người hâm mộ khoa học viễn tưởng nào, thử nghiệm của CNET đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát: Robot đã phản bội con người, ở trường hợp này là phản bội CNET.

Ví dụ, một bài viết tự động về lãi kép đã nói sai khoản tiền gửi $10,000 với lãi suất 3% sẽ sinh lợi $10,300 sau năm đầu tiên. Không đúng! Một khoản tiền gửi như thế thực sự sẽ chỉ kiếm được có $300! CNET và ấn phẩm chị em Bankrate của nó (cũng xuất bản các câu chuyện do robot viết!) thừa nhận những lo ngại về tính chính xác của hàng chục bài báo tự động mà họ đã xuất bản kể từ Tháng Mười Một 2022.

Trong một tuyên bố vào tuần trước, Connie Guglielmo, một biên tập viên CNET đã biện bạch rằng, việc trang CNET sử dụng AI là “một thử nghiệm, không nhằm mục đích thay thế các phóng viên mà chỉ để hỗ trợ công việc của họ”. Connie Guglielmo nói: “Mục tiêu là để xem liệu công nghệ có thể giúp đội ngũ phóng viên và biên tập viên bận rộn của chúng tôi đưa tin nhanh hơn, tốt hơn và có góc nhìn rộng hơn không”. Guglielmo không trả lời yêu cầu bình luận của The Washington Post.

Cảnh giác và lo lắng

AI từ lâu đã được phát triển với những tính năng như nhận dạng khuôn mặt, giới thiệu phim và tự động hoàn tất việc nhập liệu. Tuy nhiên, tin tức về việc CNET cũng sử dụng chatbot của kỹ thuật AI để tạo ra toàn bộ một bài báo đã gửi đi một “làn sóng cảnh giác và lo lắng” đến các phương tiện truyền thông vì mối đe dọa của nó đối với nghề báo.

Đặc biệt là phần mềm ChatGPT với bộ não robot trò chuyện được có thể viết bài mà không cần… ăn trưa, nghỉ ngơi và không bao giờ đình công như các nhà báo thực thụ. Tuần trước, CNET vẫn còn gán tên tác giả cho các câu chuyện do máy viết là “CNET Money Staff”. Chỉ khi nhấp vào dòng byline này, người đọc mới biết bài báo được tạo ra bởi “công nghệ tự động hóa”, một cách gọi khác của AI.

Sau đó, khi một giám đốc tiếp thị có con mắt tinh tường tên Gael Breton lên Twitter kêu gọi người đọc hãy chú ý đến các bài viết này, CNET mới “minh bạch” hơn bằng cách thay đổi byline thành “CNET Money” kèm thêm một số giải thích: “Bài viết được hỗ trợ bởi một công cụ AI và đã được biên tập viên trong đội ngũ biên tập của chúng tôi chỉnh sửa, kiểm tra kỹ lưỡng”. Ngày 17 Tháng Một, Bankrate và CNET ra tuyên bố viết: “Chúng tôi đang tích cực xem xét tất cả các hỗ trợ của AI để đảm bảo không có điểm nào thiếu chính xác nữa. Con người cũng có lúc mắc lỗi nên chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh để AI càng đỡ mắc lỗi càng tốt”.

Hany Farid, giáo sư kỹ thuật điện và khoa học máy tính tại Đại học California ở Berkeley và là chuyên gia về công nghệ deepfake, nhận xét: “Nếu CNET nói đúng thì chịu trách nhiệm chính về sai sót là người biên tập. Tôi tự hỏi liệu AI có đủ tin cậy để biên tập viên mất cảnh giác như thế, trong khi những sản phẩm của chúng kém chính xác hơn nhiều so với bài viết của một nhà báo con người!”.

Cần biết, những bài báo do robot viết trên CNET thoạt nhìn không thể phân biệt được với bài báo do phóng viên viết, dù nó không linh hoạt hay hấp dẫn bằng, với nhiều câu sáo rỗng, không có cảm xúc hoặc “mang phong cách rất riêng”.

Từ một công cụ hỗ trợ đến lạm dụng công nghệ

Việc thử nghiệm công nghệ viết báo mới diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về việc lạm dụng các công cụ AI thông minh. Khả năng đáng kinh ngạc của công nghệ này đã khiến một số học khu ở Mỹ cân nhắc đưa ra lệnh cấm vì sợ học sinh sử dụng để làm giúp bài tập trên lớp và bài tập về nhà.

Trong thực tế, ngay cả trước cuộc thử nghiệm lớn của CNET, các tổ chức tin tức khác cũng đã sử dụng tự động hóa để viết bài nhưng chỉ hạn chế ở mức “hỗ trợ” và giúp phần phân tích trong bài viết. Năm 2014, Associated Press đã bắt đầu dùng AI để phân tích thu nhập của các doanh nghiệp và viết tin tổng hợp thể thao. Nhưng bộ não robot của AP còn tương đối thô sơ và về cơ bản, chỉ chèn thêm thông tin bổ sung vào các bản tin có sẵn chứ không can thiệp sâu như phần mềm viết bài dài của CNET.

Những tờ báo khác dùng các công cụ AI để đánh giá nội bộ công việc của phóng viên, ví dụ chatbot của tờ Financial Times dùng kiểm tra xem liệu câu chuyện của phóng viên có gì sai sót. Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (International Consortium of Investigative Journalists) dùng AI để kiểm tra hàng triệu trang thông tin tài chính và pháp lý để phát hiện các chi tiết cần được phóng viên xem xét kỹ hơn.

Những bài báo do AI viết còn đặt ra một số câu hỏi thực tế và đạo đức mà các nhà báo đang bắt đầu quan tâm. Thứ nhất là đạo văn. Tuần trước, nhà văn Alex Kantrowitz phát hiện ra một bài đăng trên Substack của tác giả “Petra” có chứa các cụm từ và câu lấy từ một chuyên mục được Kantrowitz đăng hai ngày trước. Sau đó, ông phát hiện “Petra” đã sử dụng một phần mềm AI để “xào nấu” nội dung lấy từ các nguồn khác!

Minh họa: Unsplash

Xét cho cùng, bộ não robot lắp ráp các bài báo bằng cách lướt qua hàng núi thông tin công khai, nên ngay cả những bài viết hay nhất cũng vẫn là cắt ghép, không có phát hiện mới và không có nguồn trích dẫn. Matt MacVey, người đứng đầu một dự án AI và tin tức địa phương tại Phòng thí nghiệm truyền thông NYC thuộc Đại học New York nhận xét:

“Khi bộ não robot không thể đi ra ngoài để săn tin hoặc đặt câu hỏi thì bài viết của chúng sẽ không bao giờ mang tính đột phá hoặc nóng sốt!”. Tuy nhiên, nỗi ưu tư lớn hơn về AI của các nhà báo là “liệu nó ăn cắp công việc của họ trong khi nhân sự trong các toà soạn và phòng tin tức vốn đã bị thu hẹp từ nhiều năm qua. Tự động hóa sẽ làm cho vấn đề tệ hơn. Hany Farid, giáo sư kỹ thuật điện và khoa học máy tính tại Đại học California ở Berkeley nhận định:

“Có lẽ đây là câu chuyện kinh điển nữa về việc tự động hóa làm giảm nhu cầu sử dụng lao động con người và/hoặc thay đổi bản chất lao động con người. Sự khác biệt của mối đe dọa mới là tự động hóa không chỉ ảnh hưởng đến lao động thủ công mà còn ảnh hưởng đến những công việc mang tính sáng tạo cao tưởng như nằm ngoài tầm với của tự động hóa!”.

Từ lâu, trên mạng xã hội đã có lời chế nhạo các phóng viên bị sa thải bằng lời khuyên “Learn to code” (hãy học cách viết mã). Bất chấp những sai sót rõ ràng, sự gia tăng số bài báo do AI viết cho thấy một ngày nào đó bộ não robot sẽ đẩy thêm nhiều nhà báo nữa ra khỏi phòng làm việc.

(SGN)

Có thể bạn sẽ thích các bài viết

Thằng Mõ là tập tuần san độc lập phát hành hàng tuần vào ngày Thứ Bảy. Những quan diểm và ý kiến đăng trên tuần san này không nhất thiết là quan diểm và ý kiến của nhà báo và/hoặc là người bảo trợ.

Bài đọc nhiều

Bài Mới

©2022 Mỏ Nam Cali. All Right Reserved.